fbpx

Credit Suisse – vì đâu nên nỗi?

Cho đến nay hầu hết các tờ báo kinh tế lớn trên thế giới đều chia sẻ một nhận định chung về Credit Suisse: các lời đồn đại lan truyền trên mạng xã hội gây ra sự hoảng loạn, làm giá cổ phiếu ngân hàng hơn 165 năm tuổi này tụt dốc không phanh chứ tình hình tài chính của nó không đến nỗi nào. Nhưng vì sao thiên hạ lại đồn tiếng xấu cho Credit Suisse?

Chuyện gần

Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ nhì Thụy Sỹ liên tục bị vướng vào nhiều xì căng đan trong mấy năm gần đây, nhưng trận bão dư luận ngân hàng này đang gánh chịu xuất phát từ lá thư nội bộ do Tổng giám đốc Ulrich Körner gởi cho nhân viên.

Lá thư có mục đích trấn an các quan ngại nếu có nào về sức khỏe tài chính của ngân hàng trước khi Credit Suisse triển khai một kế hoạch tái cấu trúc lớn sẽ được công bố vào cuối tháng 10 này.

Thay vì làm an lòng nhân viên, lá thư lại dấy lên nỗi lo trong giới tài chính khi bị rò rỉ ra bên ngoài, chắc có khó khăn gì họ mới nói thế, tái cấu trúc như thế lấy tiền đâu để thực hiện, rồi tương lai ngân hàng sẽ như thế nào. Từ nỗi lo này đến các lời đồn đại là một bước rất gần và thực tế đã diễn ra.

Đúng là tái cấu trúc – trong đó Credit Suisse muốn thu nhỏ hoạt động ngân hàng đầu tư để tăng cường mảng quản lý tài sản – sẽ rất tốn kém, chi phí có thể lên đến 6 tỉ franc Thụy Sỹ (6,1 tỉ đô la Mỹ) trong khi bán tài sản sau khi sắp xếp lại chỉ có thể mang về chừng 2 tỉ franc.

Cho hàng ngàn nhân viên nghỉ việc cũng tốn chi phí, chưa kể khi giảm quy mô ngân hàng đầu tư, họ cũng phải dự phòng nhiều khoản lỗ để khóa sổ các dự án nhiều rủi ro. Giá cổ phiếu Credit Suisse đã sụt giảm mạnh, mất đến 54% giá trị từ đầu năm đến nay; giá trị thị trường của một ngân hàng danh tiếng nay chỉ còn 10,5 tỉ franc.

Một tác nhân gần khác làm lời đồn lan mạnh là tình hình rối ren của kinh tế Anh dẫn đến một cuộc khủng hoảng bất ngờ trên thị trường trái phiếu.

Các nhà đầu tư phản ứng trước những chính sách cắt giảm thuế, tăng bội chi ngân sách của chính phủ mới đứng đầu là tân Thủ tướng Liz Truss bằng cách bán tháo trái phiếu chính phủ Anh, đẩy các quỹ đầu tư hưu trí vào thế khó, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải nhảy vào can thiệp.

Một khi thị trường tài chính rạn nứt, người ta sẽ dồn sự chú ý vào khâu yếu nhất, là nơi họ tiên đoán sẽ sụp đổ trước tiên và Credit Suisse đáp ứng tiêu chí này.

Các nhà đầu tư vừa bán đổ bán tháo cổ phiếu Credit Suisse, vừa tìm mua một sản phẩm phái sinh nhằm bảo vệ họ trước khả năng ngân hàng này phá sản, không trả được nợ.

Nhà đầu tư khi mua trái phiếu do Credit Suisse phát hành, nếu lo ngại vào khả năng trả nợ của ngân hàng này thì sẽ đi mua sản phẩm bảo hiểm, gọi là CDS để được nơi bán hứa hẹn nếu Credit Suisse không trả được nợ thì nhà bảo hiểm sẽ chi trả. Đổi lại nơi bán sẽ hưởng một tỷ lệ lợi nhuận định trước – tỷ lệ này với Credit Suisse hồi đầu năm chỉ là 57 điểm nay có lúc tăng vọt lên 350 điểm cơ bản.

Con số này có nghĩa, ví dụ, để bảo hiểm một món nợ 10 triệu đô la, đầu năm người mua trả phí 57.000 đô la, nay phải trả đến 350.000 đô la. Tỷ lệ này càng tăng chứng tỏ khả năng vỡ nợ càng lớn, nơi bảo hiểm đòi phí cao để bù đắp rủi ro tăng cao.

Lửa và khói

Thế nhưng, đúng là “không có lửa, sao lại có khói” – khó khăn hiện nay của Credit Suisse xuất phát từ những sai lầm trong quá khứ của ngân hàng này.

Đó có thể là sai lầm trong đầu tư dẫn đến thua lỗ nặng cho khách hàng họ quản lý. Đó là những xì căng đan trong quan hệ nội bộ hay các vụ bị phạt nặng do rửa tiền cho nhiều giới, kể cả trùm ma túy.

Tất cả dẫn đến mức lợi nhuận giảm, thị phần giảm, niềm tin của khách hàng giảm và từ đó làm giảm luôn giá cổ phiếu cũng như giá trị thị trường của Credit Suisse.

Chẳng hạn, Credit Suisse từng tư vấn cho nhiều khách hàng đầu tư đến 10 tỉ đô la vào Greensill Capital; nơi này tuyên bố phá sản vào tháng 3-2021 làm Credit Suisse và nhiều khách hàng sộp bay mất những khoản tiền lớn; 10 tỉ đô la xem như bị đóng băng trong khi ngân hàng phải trả lại gần 6 tỉ đô la cho khách hàng.

Liệu sóng gió đã qua?

Dù sao các nhà phân tích vẫn cho rằng Credit Suisse có đủ vốn trong tay để đáp ứng các yêu cầu về vốn cũng như có sẵn tiền mặt để bảo đảm tính thanh khoản trong thời gian tới.

Tuy nhiên, giá CDS tăng mạnh, chi phí huy động vốn của Credit Suisse trong tương lai cũng sẽ tăng vọt. Vì thế triển vọng tìm nguồn vốn cho hoạt động tái cấu trúc, có thể cần thêm đến 4 tỉ franc là không dễ dàng.

Khó khăn của Credit Suisse vẫn còn ở phía trước khi thị trường chờ công bố kế hoạch tái cấu trúc cũng như nguồn vốn cần thiết. Trước mắt ngân hàng này còn chịu áp lực của giới bán khống, đang “đánh xuống” giá cổ phiếu vì họ dự báo giá còn xuống nữa.

Cuộc khủng hoảng năm 2008, xuất phát từ các khoản cho vay dưới chuẩn, có một tập đoàn tài chính được xem là khâu yếu nhất nên sụp đổ trước – Lehman Brothers; cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 khâu yếu nhất là quỹ đầu cơ LTCM.

Cả thập niên vừa qua, giới tài chính đã quá quen với nền lãi suất gần bằng 0, các ngân hàng đầu tư đua nhau tìm nơi đem lại lợi nhuận cao bất kể thời hạn dài, rủi ro cao, dễ quay đầu thua lỗ một khi lãi suất tăng nhanh. Nay lãi suất khắp nơi tăng mạnh để kiềm chế lạm phát làm âm ỉ nỗi lo về một cuộc khủng hoảng mới.

Vì thế không lạ gì khi thị trường muốn chỉ tên Credit Suisse như một khâu yếu nhất cho cuộc khủng hoảng đang hình thành. Đó mới là điều đáng lo chứ không phải duy một mình số phận của một ngân hàng tầm cỡ thế giới.

Tiến Phát

vietstocks

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Làm giàu từ chứng khoán (phiên bản mới) + Hướng dẫn thực hành CANSLIM cho người mới bắt đầu

(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề