fbpx

Thủ tướng yêu cầu tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong mua bán trái phiếu doanh nghiệp

Thủ tướng yêu cầu rà soát sửa đổi Nghị định 65 và Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao tín nhiệm, tăng cường minh bạch thông tin và kiểm soát chặt chẽ rủi ro.

Tại Nghị quyết 156/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đánh giá, rà soát nghiên cứu sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp và Thông tư số 16 về việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; bảo đảm công khai, minh bạch, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao tín nhiệm, tăng cường minh bạch thông tin và kiểm soát chặt chẽ rủi ro.

Nghị quyết 65 về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) quy định doanh nghiệp được phép phát hành TPDN để tái cơ cấu nợ.

Tuy nhiên, theo Thông tư 16, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.

Theo một số chuyên gia, điều này gây ra sự lệch pha trong hệ thống pháp luật. Và việc không cho phép tổ chức tín dụng tham gia vào mua trái phiếu của doanh nghiệp tái cơ cấu nợ thì sẽ rất khó để tháo gỡ thanh khoản cho thị trường.

Tại Nghị quyết 156, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ:

Thứ nhất, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; bảo đảm thanh khoản, an toàn của hệ thống ngân hàng gắn với tăng cường thanh tra, giám sát; có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.

Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025, trong đó tập trung xử lý nợ xấu và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả, có khả năng trả nợ, đáp ứng các quy định pháp luật.

Thứ ba, đánh giá kỹ tình hình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại để có giải pháp thích hợp, trước mắt khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền việc điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ.

Hà An

Vietnambiz

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề