Lập kế hoạch chi tiêu khi sinh con đầu lòng
Kết quả của một cuộc hôn nhân hạnh phúc chính là việc chào đón đứa con đầu lòng. Tuy nhiên, sự phấn khích và cả lo lắng của những người lần đầu làm cha mẹ thường dẫn đến nhiều sai lầm trong chi tiêu.
Do thiếu kinh nghiệm, khá nhiều cặp đôi tính toán sai các khoản chi phí sinh và nuôi con. Việc vung tay quá trán hoặc dự toán sai những khoản chi phí cần thiết có thể nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình và làm cho sự kiện quan trọng này kém vui. Hãy chú ý những lỗi chi tiêu khi lập kế hoạch sinh con đầu lòng mà các cặp đôi thường mắc phải.
1. Vung tiền mua đồ dùng trẻ em
Đây là tâm lý rất thường gặp của những ai lần đầu đón nhận vai trò làm ba mẹ. Bạn luôn muốn dành tất cả những điều tốt đẹp nhất dành cho bé yêu thông qua việc mua sắm đồ đạc kể từ khi bé còn trong bụng mẹ.
– Mua sắm đồ đắt tiền cho bé: Những sản phẩm có giá trị cao thường đi kèm với nhiều tính năng cùng vẻ ngoài đẹp mắt. Chính vì thế, ba mẹ thường có tâm lý chọn mua những sản phẩm đắt tiền với mong muốn bé ra đời với đầy đủ điều kiện và tình thương yêu. Tuy nhiên,từ giai đoạn sơ sinh đến khoảng 6 tháng tuổi, trẻ thường có xu hướng tăng cân và lớn rất nhanh nên không thể mặc hay sử dụng một món đồ nào quá lâu. Thực tế, khá nhiều bậc cha mẹ lãng phí tiền để mua một số vật dụng chỉ được dùng 1 đến 2 lần, rồi xếp xó.
– Mua quá nhiều đồ cho trẻ: Khi đi mua sắm, ba mẹ có xu hướng chọn rất nhiều món đồ để chuẩn bị cho sự ra đời của bé. Trong đó, sẽ có những sản phẩm không hề cần thiết mua nhiều như quần áo, tất, nón… Bé còn nhỏ và rất ít khi ra ngoài, ba mẹ cần tính toán mua cho bé lượng đồ dùng vừa phải với số tháng tuổi và cân nặng tăng dần của trẻ để tiết kiệm chi phí.
Trong kế hoạch sinh con đầu lòng, các bậc cha mẹ nên lên danh sách những đồ dùng cần thiết cho trẻ trong từng giai đoạn, từ đó dự trù khoản chi phí hợp lý, tiết kiệm nhất. Bạn có thể nhờ bạn bè, người thân có kinh nghiệm nuôi con tư vấn thêm. Ngoài ra, bạn cũng có thể tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ bằng cách xin hoặc mượn những đồ dùng cho trẻ em từ người quen, họ hàng.
2. Không tính toán kỹ chi phí nuôi con
Quyết định có con là một quyết định lớn lao, quan trọng đối với cả hai vợ chồng và cần có thời gian chuẩn bị hợp lý. Bảng kế hoạch sinh con đầu lòng không chỉ có những khoản chi cho việc thăm khám, dưỡng thai mà còn chi phí sinh nở, mua sắm đồ dùng và nuôi dưỡng bé sau khi ra đời… Mỗi khoản tiền đều cần được tính toán, xem xét kỹ càng để không vượt ngoài khả năng tài chính của gia đình bạn và giảm thiểu những khoản chi ngoài dự kiến. Một kết hoạch chi tiêu khoa học và phù hợp với thu nhập của gia đình bạn sẽ mang lại tâm lý thoải mái khi đón bé chào đời.
3. Không tích lũy đủ tiền
Trước khi lập kế hoạch sinh con đầu lòng, bạn cần xem xét lại định mức chi tiêu hằng ngày trong nhà, tính toán số tiền có thể tiết kiệm, đánh giá độ ổn định của công việc hiện tại… Thời điểm thích hợp để lập kế hoạch vào khoảng 6 – 12 tháng trước khi bắt đầu có thai. Bạn có thể cắt giảm những khoản chi cho việc mua sắm áo quần, du lịch, ăn uống… để thực hiện kế hoạch sinh con.
Bên cạnh các chi phí cố định, bạn có thể đối mặt với những khoản phát sinh ngoài dự kiến và khó có thể lường trước được. Do đó, một khoản tiền dự phòng cho những tình huống bất khả kháng sẽ giúp bạn chủ động hơn khi thực hiện kế hoạch sinh con đầu lòng.
4. Chỉ tính toán ngắn hạn
Trong giai đoạn mang thai, bạn đang hoàn toàn tập trung vào đứa con sắp chào đời. Đây là suy nghĩ rất hợp lý, nhưng chưa đủ. Bạn chưa thể biết được tương lai ra sao khi trẻ chào đời. Việc chăm sóc và nuông dạy trẻ luôn có nhiều rủi ro tiềm ẩn. Các bậc cha mẹ nên chuẩn bị sẵn một số phương án dự phòng nhằm giảm thiểu tác động của những bất trắc có thể xảy ra. Lập tài khoản tiết kiệm cho tương lai của con cái cũng là một ý tưởng tốt mà bạn nên cân nhắc. Một việc làm thực tế hơn là mua đồ dùng cho con mình theo từng giai đoạn phát triển về thể chất, trí tuệ. Bạn cũng có thể mua quần áo áo lớn hơn một vài kích cỡ để bé có thể mặc vừa khi tăng cân tốt…
Những kế hoạch chi tiêu dài hạn và khoa học sẽ giúp bạn chủ động tích lũy tiền bạc, ứng phó kịp thời khi xảy ra bất trắc, rủi ro. Đừng quên thảo luận với người bạn đời của mình về quan điểm nuôi nấng con cái và khả năng tài chính để cùng chuẩn bị thật tốt cho thành viên mới trong gia đình.
Nguồn: generali life
Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm
Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn