‘Vua hàng hiệu’, tỷ phú giàu nhất thế giới nhảy vào mảng xe điện, đối đầu trực tiếp với Elon Musk
Theo tờ Fortune, người giàu nhất thế giới hiện nay là tỷ phú Bernard Arnault, vốn là đại gia trong mảng hàng xa xỉ với đế chế LVMH, đã quyết định đối đầu trực tiếp với người giàu thứ 2 là Elon Musk trong mảng xe điện.
Cụ thể, người giàu nhất hành tinh Arnault sẽ giúp startup Lotus, một hãng xe của Anh hiện đang bị nắm giữ bởi Trung Quốc, lên sàn chứng khoán thông qua hoạt động mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC Deal) vào nửa cuối năm nay.
SPAC (Special Purpose Acquisition Companies) được dịch là công ty mua lại với mục đích đặc biệt. Đây là các công ty đã niêm yết nhưng chỉ trên danh nghĩa, không có hoạt động kinh doanh thực chất. Chúng được lập nên để huy động vốn mua lại một công ty tư nhân khác. Đối với các công ty tư nhân bị mua lại như ở Trung Quốc, đây là một cách lách luật để có thể niêm yết công khai tại Mỹ thay vì đi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trực tiếp như truyền thống.
Trong thông cáo báo chí được phát ra ngày 31/1/2023, quỹ đầu tư của Arnault là L Catterton Asia Acquisition Corp (LCAA) cho biết họ đã đồng ý sát nhập với bộ phận xe thể thao của Lotus Technology dưới dạng SPAC Deal. Công ty hợp nhất sẽ có tổng giá trị vào khoảng 5,4 tỷ USD.
Cổ đông chiến lược của Lotus, hãng Zhejiang Geely Holding cùng những doanh nghiệp khác như Nio Capital, Etika Automotive của Malaysia sẽ năm 89,7% cổ phần của công ty hợp nhất.
“Thị trường xe điện đang bùng nổ nhanh chóng, nhất là đà tăng trưởng của mảng xe điện hạng sang nhanh hơn bất cứ phân khúc nào của ngành. Thương hiệu Lotus sẽ tận dụng những ưu thế này trên thị trường”, đồng CEO Chinta Bhagat của LCAA nhấn mạnh.
Tỷ phú Barnard Arnault vốn là đại gia trong ngành hàng xa xỉ, khá nổi tiếng với phong cách mua lại, sáp nhập những thương hiệu nổi tiếng đang gặp khó khăn rồi biến chúng thành công cụ kiếm tiền cho cả tập đoàn. Vị đại gia đó đã làm thế với Tiffany, giờ đây có thể đến lượt Lotus, có khác chăng là sản phẩm xe hơi hạng sang đầy xa xỉ này sẽ đối đầu trực tiếp với Elon Musk.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng Arnault vẫn chưa thực sự có ý muốn đối đầu gay gắt với Elon Musk, người giàu thứ 2 thế giới và mới bị soán ngôi bởi chính ông chủ LVMH trong năm 2022. Nguyên nhân là Lotus, một hãng xe được sở hữu bởi tỷ phú Li Shufu thông qua Geely, vốn còn rất nhỏ và chủ yếu hoạt động trên thị trường ngách của xe điện, tức là nhắm đến ô tô điện hạng sang.
Bất chấp điều đó, tờ Fortune nhận định Lotus vẫn có thứ di sản mà Arnault muốn, điều thường thấy khi vị tỷ phú ngành xa xỉ này đi chọn thương hiệu mua lại.
Di sản của Anh, bán lại cho Trung Quốc
Năm 2021, các dòng xe Elise, Exige và Evora của Lotus bán được khoảng 1.710 chiếc. Đây cũng là mức doanh số cao nhất trong 10 năm qua của Lotus. Kể từ khi thành lập đến nay, thương hiệu này chỉ bán chưa đến 100.000 chiếc xe.
Trái lại, Tesla hiện có doanh số 1,3 triệu chiếc xe mỗi năm, gần 67.000 chiếc trong đó là dòng xe điện hạng sang S và X Model. Tesla dự đoán họ có thể bán được 1,8 triệu chiếc xe trong năm 2023 nếu không muốn nói là nhiều hơn.
Dẫu vậy, Lotus lại có thứ di sản và hình ảnh thương hiệu hạng sang mà Arnault hay tìm kiếm khi đổ tiền mua lại. Cách đây 75 năm, nhà sáng lập Colin Chapman đã làm nên chiếc xe Lotus đầu tiên tại London.
Vào năm 1977, thương hiệu xe hơi thể thao xa xỉ này được quảng bá trong bộ phim “James Bond: The Spy Who Love Me” và tạo nên một cơn sốt thời kỳ đó.
Tuy nhiên sau khi qua tay nhiều người chủ, Lotus vẫn chưa tận dụng triệt để được hình ảnh thương hiệu mà nó vốn có. Mãi tới tháng 5/2014, CEO Jean Marc Gales lên nắm quyền mới khôi phục được lợi nhuận cho thương hiệu này trước khi bán lại cho tỷ phú Shufu vào năm 2017.
Một điều nữa khiến Elon Musk thấy nóng mắt với Lotus là do thương hiệu lâu đời này có kinh nghiệm trong dòng xe thể thao hạng nhẹ nên các nền tảng công nghệ khung gầm của hãng đã được dùng cho chiếc xe điện đầu tiên của Tesla là Roadster.
Tờ Fortune cho biết đến tận ngày nay, Elon Musk vẫn khó chịu về chuyện này khi gọi ý tưởng dựa trên nền tảng công nghệ khung gầm của Lotus cho chiếc Roadster là một “chủ ý siêu ngu ngốc”.
Hiện phần lớn các sản phẩm của Lotus được sản xuất tại nhà máy của Geely tại Vũ Hán-Trung Quốc. Công ty này dự kiến sẽ cho ra mắt mẫu SUV điện Electre tại Trung Quốc trong quý I/2023 và bán sang Anh cũng như thị trường Liên minh Châu Âu (EU) vào cuối năm nay.
Sản phẩm mới của Lotus được cho là sẽ tích hợp những công nghệ tiên tiến như chế độ lái tự động mức độ 4, nghĩa là tự xử lý được các trường hợp phức tạp khi tự lái trong thành thị, chế độ sạc nhanh, truyền tải dữ liệu siêu tốc…
Cổ đông lớn nhất của Lotus là Geely, vốn là doanh nghiệp của tỷ phú Li Shufu, đã mua lại thương hiệu Volvo Cars từ Ford vào năm 2010 và hiện vẫn đang thực hiện chiến lược phủ sóng toàn cầu bằng mua lại, sáp nhập. Công ty này có cổ phần trong Mercedes Benz, nắm giữ 49,9% cổ phần trong hãng xe Proton nổi tiếng Malaysia và hiện giờ là 51% cổ phần của Lotus.
*Nguồn: Fortune, WSJ, SCMP
Hà An