fbpx

Hệ lụy không mong muốn của việc kiểm soát giá cả

Một trong những khác biệt quan trọng chúng ta cần ghi nhớ ở đây đó là sự khác biệt giữa tình trạng khan hiếm gia tăng – khi số lượng hàng hóa ít hơn so với dân số – và “sự thiếu hụt” là một hiện tượng về giá cả. Chúng ta đã biết rằng sự thiếu hụt có thể gia tăng dù sự khan hiếm không hề gia tăng, tương tự như vậy, sự khan hiếm hoàn toàn có thể gia tăng dù không hề có sự thiếu hụt nào đang xảy ra.

Sự Tích Trữ

Dưới ảnh hưởng của các biện pháp kiểm soát giá, ngoài tình trạng thiếu hụt và suy giảm chất lượng, hiện tượng tích trữ cũng xảy ra – khi mà các cá nhân thường trữ một số lượng hàng hóa được kiểm soát giá lớn hơn so với bình thường, trong các điều kiện thị trường tự do, nguyên nhân là bởi vì họ không chắc có thể tìm thấy hàng hóa đó trong tương lai. Vì vậy, trong thời kỳ thiếu xăng của những năm 1970, trước khi đến trạm đổ xăng để mua thêm xăng, những người lái xe có xu hướng ít để lượng xăng trong bình của họ xuống đến mức thấp như bình thường.

Một số người lái xe thậm chí còn lái vào bất kỳ trạm đổ xăng nào có xăng và đổ đến đầy bình để đề phòng, ngay cả khi bình xăng của họ vẫn còn một nửa. Do hàng triệu người lái xe đi lòng vòng với một bình xăng đầy hơn bình thường, nên một lượng lớn xăng đã được chuyển vào các kho dự trữ cá nhân riêng lẻ, khiến cho lượng xăng tồn kho chung tại các trạm xăng sẽ ít hơn. Thế là, sự thiếu hụt xăng dầu tương đối nhỏ trên toàn quốc có thể trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng đối với những người lái xe bị hết xăng đột ngột, họ phải rất vất vả mới có thể tìm được một trạm đổ xăng đang mở và có xăng để bán. Tình trạng thiếu xăng nghiêm trọng đột ngột xảy ra này – do tổng lượng xăng được sản xuất không có sự chênh lệch lớn – đã khiến nhiều người bối rối và đưa ra nhiều thuyết âm mưu khác nhau.

Thị Trường Chợ Đen

Ảnh miễn phí của Đàn ông

Bởi vì các biện pháp kiểm soát giá khiến người mua và người bán không được phép thực hiện một số giao dịch theo các điều kiện mà cả hai bên đều mong muốn, nên những người mua, người bán táo bạo và ít cẩn thận hơn sẽ tìm cách thực hiện các giao dịch có lợi cho cả hai bên ngoài vòng pháp luật. 

Việc kiểm soát giá hầu như luôn luôn tạo ra thị trường chợ đen – nơi mức giá không chỉ cao hơn mức giá hợp pháp mà còn cao hơn mức giá trên thị trường tự do để bù đắp lại những rủi ro pháp lý. Các chợ đen quy mô nhỏ thường hoạt động bí mật, nhưng các chợ đen quy mô lớn thường cần phải hối lộ quan chức để được chính quyền làm lơ. Ví dụ như ở Nga, có một lệnh cấm vận chuyển thực phẩm được kiểm soát giá ra ngoài ranh giới khu vực được gọi là “Sắc lệnh 150 rúp” (khoảng 32.000 VNĐ), bởi vì đây là chi phí hối lộ cảnh sát để các lô hàng được đi qua các trạm kiểm soát.

Ngay cả trong thời kỳ đầu tiên khi chính quyền Liên Xô mới thành lập, khi hình phạt cho việc kinh doanh chợ đen thực phẩm là án tử hình, chợ đen vẫn tồn tại. Như hai nhà kinh tế học Liên Xô ở thời kỳ sau đã phát biểu: 

“Ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Xã hội chủ nghĩa, số lượng ngũ cốc mà những kẻ đầu cơ và buôn lậu lương thực liều mạng mang vào các thành phố nhiều tương đương với tổng lượng mua của nhà nước dưới thời chính sách phân bổ lương thực”.

Về bản chất, rất khó nắm bắt được số liệu thống kê về hoạt động chợ đen, bởi vì không ai muốn cho cả thế giới biết rằng họ đang vi phạm pháp luật cả. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có những dấu hiệu gián tiếp. Dưới sự kiểm soát giá thời chiến của người Mỹ trong và ngay sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, việc làm trong các nhà máy đóng gói thịt giảm do thịt được chuyển từ các nhà đóng gói hợp pháp sang thị trường chợ đen. Hệ quả của việc này thường là các quầy thịt trống trong các cửa hàng bán thịt và cửa hàng tạp hóa (Trong nhiều trường hợp, hàng hóa ngắn hạn thường được giữ lại ở phía sau cửa hàng để bán cho những người sẵn sàng đưa ra mức giá cao hơn mức giá hợp pháp. Không phải lúc nào chợ đen cũng hoạt động riêng biệt, mà chúng còn có thể hoạt động bên lề của một số hoạt động kinh doanh hợp pháp khác – Chú thích của người dịch).

Suy Giảm Chất Lượng

Ảnh miễn phí của Tam giác

Một trong những lý do mang đến sự thành công chính trị cho các biện pháp kiểm soát giá là bởi vì một phần chi phí đã được giấu đi. Ngay cả những thiếu hụt có thể nhìn thấy được cũng không thể nói lên tất cả. Sự suy giảm chất lượng, chẳng hạn như trong trường hợp nhà ở phía trên, cũng trở nên phổ biến với rất nhiều sản phẩm và dịch vụ khác – những sản phẩm có mức giá được giữ ở mức thấp một cách nhân tạo theo quy định của chính phủ.

Một trong những vấn đề cơ bản của việc kiểm soát giá là xác định xem giá được kiểm soát là giá của thứ gì. Điều này rất khó xác định, ngay cả với  những sản phẩm cực kỳ đơn giản như quả táo, bởi vì các giống táo khác nhau sẽ khác nhau về kích thước, độ tươi và hình thức bên ngoài. Các nhà sản xuất và các siêu thị dành rất nhiều thời gian (do đó, là cả tiền bạc) để phân loại các loại táo và các chất lượng khác nhau, loại bỏ những loại táo thấp hơn mức chất lượng cụ thể mà từng nhóm khách hàng cụ thể mong đợi. Tuy nhiên, dưới sự kiểm soát giá, lượng cầu táo ở mức giá thấp nhân tạo vượt quá lượng cung, vì vậy nên người bán chẳng cần tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc để phân loại táo làm gì, bởi dù sao thì tất cả chúng đều sẽ được bán hết thôi. Một số loại táo kém chất lượng – loại thường sẽ bị vứt bỏ nếu ở trong điều kiện thị trường tự do – thì dưới sự kiểm soát về giá, chúng có thể được giữ lại để bán cho những người đến sau, khi mà tất cả những quả táo ngon đã được bán hết rồi. Đối với các căn hộ đang bị kiểm soát giá thuê, chủ thuê sẽ ít có động lực duy trì mức chất lượng cao, bởi vì đằng nào thì căn hộ vẫn sẽ cho thuê được do tình trạng khan hiếm.

 Một số ví dụ đau đớn nhất về sự suy giảm chất lượng sản phẩm đã xảy ra ở các quốc gia, nơi các biện pháp kiểm soát giá được áp dụng cho các dịch vụ chăm sóc y tế. Do mức giá thấp nhân tạo, nên ngày càng có nhiều người đến khám dù chỉ bị các bệnh nhẹ như sổ mũi hoặc phát ban – những căn bệnh họ hoàn toàn có thể bỏ qua hoặc điều trị bằng thuốc không kê đơn dưới sự tư vấn của dược sĩ. Nhưng tất cả những điều này sẽ thay đổi khi việc kiểm soát giá khiến chi phí thăm khám phải giảm xuống, đặc biệt là khi chính phủ trở thành người chi trả cho những chuyến thăm khám này, và do đó bệnh nhân được khám miễn phí.

Tóm lại, dưới sự kiểm soát giá cả, ngày càng có nhiều người chiếm lấy thời gian của các bác sĩ, và hậu quả là những bệnh nhân đang mắc các vấn đề y tế nghiêm trọng hơn, thậm chí khẩn cấp, sẽ có ít thời gian với bác sĩ. Do đó ở Anh, dưới sự điều khiển của hệ thống y tế do chính phủ kiểm soát, một bé gái 12 tuổi đã được nâng ngực, trong khi 10.000 người phải chờ đợi từ 15 tháng trở lên để được phẫu thuật. Một người phụ nữ bị ung thư đã phải hoãn ca mổ nhiều lần đến nỗi khối u ác tính của cô ấy cuối cùng trở nặng tới mức không còn phẫu thuật được nữa. Mức giá thấp nhân tạo đã tự động khiến cho các cá nhân phải cân nhắc đến những ưu tiên nhất định, và những ưu tiên đó chính là “thương vong” đầu tiên của việc kiểm soát giá. 

Ở các nước trên thế giới, dưới mức giá chăm sóc y tế do chính phủ kiểm soát, thời gian các bác sĩ dành cho mỗi lần khám đã ngắn hơn so với thời gian khám bệnh khi mức giá không được kiểm soát. 

Cho dù sản phẩm hoặc dịch vụ ở đây là nhà ở, táo, hay dịch vụ chăm sóc y tế, thì dưới sự kiểm soát giá cả, sự suy giảm chất lượng đã trở nên phổ biến trong nhiều bối cảnh khác nhau.

– Trích từ sách Basic Economics Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư – 

Có thể bạn quan tâm:

Basic Economics Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”

Basic Economics

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề