Đam mê có phải là chìa khóa vạn năng giúp bạn thành công?
“Hãy theo đuổi đam mê, thành công và giàu có sẽ theo đuổi bạn”, một câu nói truyền cảm hứng đã ám ảnh và có sức ảnh hưởng to lớn đối với giới trẻ ngày nay. Đến mức, nhiều bạn không dám cất tiếng thổ lộ mối lo “chưa biết đam mê của mình là gì”, vì sợ bị chê cười rằng, “còn trẻ mà đã thiếu lửa”, “mày sẽ không thành công nổi đâu”, “một con người tầm thường”,…
Tuy nhiên, đam mê không phải là chìa khóa vạn năng có thể đưa bạn lên đỉnh thành công, đặc biệt là những bạn trẻ chưa đủ vốn sống và trải nghiệm.
Thông điệp “làm việc vì đam mê” mang theo nhiều ý nghĩa cổ vũ, động viên người trẻ dám đi, dám nghĩ, dám làm. Trong đó chứa những ý niệm tích cực nhất như: hãy làm những gì mình thích, những gì mình giỏi nhất, là thế mạnh của bản thân, để từ đó con đường sự nghiệp trong tương lai sẽ thành công hơn. Nhưng nó cũng vô tình khiến một số người mang cái nhìn sai lệch và xem đam mê như một dạng định mệnh vì một ngày nào đó đam mê sẽ đến bên cạnh mình (nhưng sao đợi hoài mà không thấy!?).
Thay vì phát triển bản thân, mở rộng kiến thức hay nâng cao trình độ chuyên môn, họ nhanh chóng chán nản và bỏ cuộc, phần vì nó có vẻ không giống với đam mê mà báo đài dựng lên – nào là đi làm như đi chơi, không mệt mỏi, không áp lực,… phần vì họ đã chạm đến những thử thách, khó khăn đầu tiên sau thời gian tiến bộ nhanh chóng ban đầu trên hành trình dài hơi.
Tôi cũng từng gặp những bạn trẻ với ước mơ lớn lao, đam mê cháy bỏng hơn bao giờ hết nhưng hoá ra thứ họ nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng. Họ hồn nhiên nghĩ rằng thế giới này màu hồng, và con đường mà họ sắp bước đi sẽ ngập tràn những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, trong thực tế, để có thể bước đến vạch đích, bạn buộc phải thành thạo hàng loạt phần việc tưởng chừng không liên quan đến đam mê của mình.
Bạn có thể thấy sự hào nhoáng của tôi với các chức danh nhà kinh doanh, đầu tư, huấn luyện viên cuộc sống (life coach), nhưng không phải ai cũng biết tôi đã từng trải qua rất nhiều công việc “râu ria” từ in ấn tài liệu, ghi chép biên bản cuộc họp, cho đến trò chuyện với các chị, các cô bán tạp hóa để tìm kiếm sự thấu hiểu và triển khai ý tưởng phù hợp… khi khởi đầu ở một vị trí cấp thấp trong bộ phận marketing của một công ty. Mà thực ra, cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn tận tụy với những công việc râu ria ấy khi “thả tim”, trả lời từng bình luận một của các độc giả, những người theo dõi trên Fanpage, You.tu.be của mình.
Nếu bạn chưa biết đam mê của mình là gì, không sao cả, bạn không nhất thiết phải biết đích xác đam mê của mình ngay lúc này là gì. Hãy cho mình thời gian, hãy sống, hãy cống hiến, thử cái này, cố cái kia, phải thất bại thật nhiều. Là người thực hành và duy trì những thói quen tốt với công thức “66 ngày thử thách” – thời gian trung bình để hình thành nên một thói quen mới, tôi hiểu điều này hơn bao giờ hết!
Tôi sẽ không biết mình thích chạy bộ đến nhường nào cho đến khi xỏ giày vào chân và kỷ luật với bản thân để chạy bộ mỗi ngày từ 1-2km, 5 km, 10 km,… rồi đến 42 km.
Biết tới đầu tư từ 15 năm trước, tôi cũng chỉ dấn thân với mong muốn nhỏ bé là kiếm được nhiều tiền hơn cho bản thân và gia đình mình, còn giờ đây mong muốn ấy lớn dần và biến thành khát vọng “Thay đổi cuộc sống bằng cách giúp mọi người trở nên giàu có hơn” với kiến thức đầu tư, kinh doanh, phát triển bản thân.
Bạn thấy đấy, khi chúng ta cố gắng mỗi ngày để trở nên tốt hơn, giỏi hơn ở một lĩnh vực nào đó, có thể là tập thể dục đều đặn, tuân theo một chế độ ăn tốt cho sức khỏe, đạt điểm tốt ở trường, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, học một bộ môn mới,… chúng ta sẽ thấy đam mê của mình đối với lĩnh vực đó lớn dần theo thời gian. Và quyết định dấn thân với đam mê ấy hay không, là tùy ở bạn!
Fanpage Thái Phạm