fbpx

7 mẹo tiết kiệm giúp bạn tiến gần đến mục tiêu tài chính

Những khoản chi tiêu nhỏ dường như vô hại, nhưng theo thời gian, chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính tổng thể của bạn.

Bạn đã bao giờ nhìn vào một trong những bảng sao kê ngân hàng hàng tháng của mình và tự hỏi: Ai đã thực hiện tất cả các giao dịch mua này và rồi nhận ra rằng, không ai khác, người đó chính là bạn?

Đôi khi chi tiêu tăng đột biến chỉ là một trong những lý do khiến nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn trong việc tiết kiệm số tiền vốn không dễ dàng kiếm được của mình.

Không phải vì bạn thiếu chăm chỉ, mà có lẽ vấn đề nằm ở chỗ bạn cần chi tiêu và tiết kiệm thông minh hơn. Những khoản chi tiêu nhỏ dường như vô hại, nhưng theo thời gian, chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính tổng thể của bạn.

Dưới đây là 7 bước đơn giản giúp bạn đi đúng hướng để tránh cú sốc về bảng sao kê chi tiêu đó.

1. Theo dõi chi tiêu của bản thân

Bước quan trọng đầu tiên để thoát khỏi vòng lặp chi tiêu hoang phí là tính xem bạn cần bao nhiêu tiền để chi trả cho những thứ thiết yếu, và sau đó, bạn còn dư bao nhiêu. Tác giả chuyên viết về tài chính cá nhân, Sharon Marchisello cho biết: “Tôi đề nghị chia chi phí thành các loại: hoàn toàn cần thiết, cần thiết nhưng tùy theo hoàn cảnh và hoàn toàn không cần thiết.”

Theo dõi xem mỗi đồng bạc đi đâu sẽ giúp bạn tách biệt những thứ cần thiết khỏi những thứ rườm rà. Bạn sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh thói quen chi tiêu của mình với các mục tiêu tiết kiệm và ngân sách hàng tháng. Tìm kiếm các công cụ và ứng dụng kỹ thuật số có thể giúp việc theo dõi tiền của bạn dễ dàng hơn. Bạn sẽ bớt nghiện giày hơn và dành nhiều tiền hơn cho ngôi nhà đầu tiên của mình.

Mục tiêu: Khám phá xem số tiền vốn không dễ dàng kiếm được của mình rốt cuộc đã đi đâu về đâu.

7 mẹo tiết kiệm thông minh, tuân thủ đúng bạn sẽ giàu lên ngoài sức tưởng tượng  - Ảnh 1.

2. “Trả tiền” cho mình trước

Tự động chuyển phần trăm (tùy bạn) thu nhập của bạn vào một tài khoản tiết kiệm hàng tháng. Bằng cách đó, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản trước khi muốn vung tiền và bạn cũng sẽ tiến một bước gần hơn đến mục tiêu của mình với mỗi lần nhận lương. Khoản tiết kiệm của bạn sẽ tăng lên nhanh chóng và bạn sẽ nói “Konichiwa” (xin chào) với Nhật Bản sớm hơn bạn nghĩ. Bạn cũng có thể đặt các mốc quan trọng, chẳng hạn như tiết kiệm một số tiền nhất định vào một ngày nhất định. Những thay đổi nhỏ trong hành vi có thể dẫn đến những thói quen lâu dài hơn.

Mục tiêu: Tiết kiệm với nỗ lực tối thiểu nhất.

3. Nói không với mua sắm bốc đồng

Với sự tiện lợi khi có thể truy cập 24 giờ vào các giao dịch trực tuyến hấp dẫn, việc cưỡng lại các đợt giảm giá trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, có một số mẹo dễ dàng giúp bạn tránh được việc trở nên quá nhiệt tình với các chi tiêu trực tuyến thiếu suy nghĩ: Không lưu thông tin thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng trên máy tính hoặc với các nhà bán lẻ trực tuyến. Trong khoảng thời gian đi lục lại thẻ của mình, hãy tạm dừng và tự hỏi: “Tôi có thực sự cần thứ này không?” Thao tác nhanh chóng này sẽ cho bạn cơ hội đánh giá lại mọi thứ trước khi chi tiêu.

Có một thủ thuật cũ nhưng có giá trị, đó là trước khi mua những chiếc tai nghe hợp thời trang đó, hãy tính xem bạn phải làm việc bao nhiêu giờ để trả tiền cho chúng. Cả tuần làm việc có thể đủ để bạn dọn sạch cái giỏ hàng đó.

Mục tiêu: Hãy chú ý đến nhu cầu chi tiêu của bản thân.

7 mẹo tiết kiệm thông minh, tuân thủ đúng bạn sẽ giàu lên ngoài sức tưởng tượng  - Ảnh 2.

4. Cân nhắc các sản phẩm tài chính cá nhân có ưu đãi

Bạn đam mê du lịch? Bạn đang lên một kế hoạch cho việc cải tạo lại nhà cửa?

Đạt được những mục tiêu đó với sự trợ giúp của các chương trình thẻ tín dụng cung cấp các loại phần thưởng (điểm, tiếp cận các đặc quyền dành riêng cho thành viên) giúp làm phong phú thêm cuộc sống của bạn. Kiếm một chuyến bay với phần thưởng du lịch hay thu thập điểm để mua thiết bị nhà bếp mà bạn đã để mắt tới, việc tận dụng các công cụ như thẻ phần thưởng có thể đưa bạn đến gần hơn với ước mơ mà không phải hy sinh khoản tiết kiệm của bản thân.

Mục tiêu: Thu thập điểm và phần thưởng.

5. Lên lịch kiểm tra tài chính thường xuyên

Cũng giống như việc đi khám nha sĩ thường xuyên, vấn đề tài chính của bạn cũng cần được quan tâm như vậy. Tham khảo ý kiến cố vấn tài chính một cách nhất quán sẽ giúp bạn đặt ra các mục tiêu tài chính rõ ràng và giúp bạn tiếp tục con đường hướng tới cuộc sống mà bạn hằng mong muốn.

Kara Stevens, một tác giả và blogger về tài chính, khuyến nghị rằng việc kiểm tra tài chính cũng nên bao gồm cả việc “Tìm hiểu sâu về ‘lý do’ của mỗi lần mua hàng, để bạn có thể điều chỉnh tỷ lệ phần trăm tiết kiệm, đầu tư, từ thiện và chi tiêu của mình trong các giai đoạn khác nhau trên hành trình tài chính của mình.”

Ngoài ra, khi bạn đã xác định những mục tiêu đó, hãy chia sẻ chúng với một vài người bạn hay người thân, những người có thể giúp bạn bám sát và hiện thực hóa chúng tốt hơn. Stevens cho biết thêm, “Hãy thông báo những thay đổi này với bạn đời và con cái của bạn để có sự minh bạch và sự chia sẻ khi thực hiện các mục tiêu.”

Mục tiêu: Kiểm tra sức khỏe tài chính của bạn.

7 mẹo tiết kiệm thông minh, tuân thủ đúng bạn sẽ giàu lên ngoài sức tưởng tượng  - Ảnh 3.

6. Đầu tư vào bản thân

Sức khỏe tài chính cũng có nghĩa là đầu tư vào hạnh phúc cá nhân của bạn. Stevens nói: “Sức khỏe tài chính cũng bao gồm sự tự nhận thức về tài chính và việc nhận thức được giá trị bản thân cũng như điều chỉnh chi tiêu của bạn cho những giao dịch mua hoặc trải nghiệm nào đó để chúng có ý nghĩa hơn”.

Đó có thể là tham gia một lớp yoga hàng tuần để mang lại lợi ích cho sức khỏe lâu dài hay quyên góp từ thiện cho mục đích mà bạn đam mê… bạn sẽ gặt hái được những phần thưởng (dù có tới hơi muộn một chút) sau khi quẹt thẻ.

Mục tiêu: Đôi khi bạn phải cho đi để nhận lại.

7. Tự thưởng cho mình (sau khi đã tiết kiệm)

Mary Beth Storjohann, một nhà lập kế hoạch tài chính cho biết: “Mọi người thường hợp lý hóa chi tiêu của mình bằng cách nói: ‘Tôi đã làm việc rất chăm chỉ, tôi xứng đáng với điều này’, ngay cả khi họ không đủ khả năng chi trả. Nhưng điều đó sẽ chỉ thúc đẩy chu kỳ chi tiêu hoang phí mà thôi.”

Vấn đề leo thang khi những “phần thưởng” đó mở rộng sang những món đồ có giá trị lớn hơn, chẳng hạn như chiếc túi hàng hiệu mới nhất hoặc đôi giày thể thao quý hiếm, và chúng có thể khiến bạn chìm sâu hơn vào nợ nần. Lập kế hoạch cho phần thưởng xứng đáng và tránh mua hàng bốc đồng bằng cách xây dựng hệ thống phần thưởng trong vòng ngân sách của bạn. Tạo các mốc tiết kiệm và mốc thời gian khi bạn muốn tự thưởng cho mình.

Làm thế nào để bạn biết khi nào nên thưởng cho mình? Khi bạn đã cho thấy mình có trách nhiệm trong vấn đề tài chính. Và hãy nhớ rằng: đừng tiêu nhiều hơn số tiền bạn đã để dành. Nó sẽ khiến phần thưởng của bạn đáng để chờ đợi hơn nhiều.

Mục tiêu: Linh hoạt nhưng có trách nhiệm với ngân sách của bản thân.

Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra những động thái tài chính nhỏ mà bạn thực hiện hàng ngày có thể đưa bạn đến gần hơn với những mục tiêu quan trọng hơn và lớn hơn ra sao.

Hà An

Nguồn: Cafebiz

Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm

Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia đình thịnh vượng, bền vững

Mua 101 Lời Khuyên Tài Chính Cá Nhân Từ Thái Phạm tại HappyLive

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề