fbpx

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Kiểm soát sở hữu chéo ngân hàng quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện

Thừa nhận nếu chỉ quy định cá nhân sở hữu không quá 5% vốn điều lệ ngân hàng thì không xử lý được vấn đề sở hữu chéo vì “cổ đông cố tình có thể nhờ người khác đứng tên”,

thong-doc-nguyen-thi-hong-kiem-soat-so-huu-cheo-ngan-hang-quan-trong-nhat-la-khau-to-chuc-thuc-hien-happy-live-3
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Các tổ chức tín dụng chiều 23/11 (Ảnh: Quochoi.vn)

Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một luật rất khó, rất phức tạp và rất nhạy cảm.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã đưa ra các nội dung nâng cao quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng, hạn chế quyền của cổ đông lớn, quy định rõ trách nhiệm của những người tham gia hội đồng quản trị, ban điều hành, minh bạch hóa thông tin của các cổ đông…

Theo Thống đốc, cho đến giờ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt, song đây là vấn đề lớn cần nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học, thực tiễn, trước khi trình báo cáo Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.

Đối với vấn đề giảm thao túng, giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng, theo bà Hồng, Đảng, Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm, yêu cầu phải xử lý triệt để.

Dưới góc độ cơ quan soạn thảo, lãnh đạo NHNN nhận định, phải có các giải pháp đồng bộ mới xử lý được điều này.

Dự thảo Luật khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm hồi tháng 6/2023 đã đưa ra quy định giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân từ 5% xuống 3%, nhưng qua thảo luận, một số đại biểu nêu ý kiến không cần quy định 5% bởi vì quy định này không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Đồng tình với các ý kiến của đại biểu, bà Hồng nói rằng: “Thật ra nếu chỉ quy định cá nhân sở hữu không quá 5% vốn điều lệ ngân hàng thì đúng là không xử lý được sở hữu chéo, quan trọng nhất là tổ chức thực hiện. Qua những sự việc vừa qua, NHNN nhận thức, rút kinh nghiệm để có các giải pháp”.

Tuy nhiên, theo Thống đốc, bản thân ngành ngân hàng chưa đủ chức năng xử lý sở hữu chéo, quy định khống chế 5% cổ phần nhưng “cổ đông cố tình có thể nhờ người khác đứng tên”. Việc ngăn chặn, xử lý như thế nào đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và cơ quan quản lý các địa phương; đặc biệt là sự minh bạch thông tin về doanh nghiệp, cá nhân để xác định họ là ai, có liên quan đến người vay vốn, cổ đông ngân hàng không…

Ngoài ra, để giảm thao túng hoạt động của ngân hàng, dự thảo Luật nêu cần phải minh bạch thông tin cổ đông nắm giữ trên 5%, giảm cấp tín dụng cho khách hàng và khách hàng có liên quan từ 15% xuống 10%.

Một số đại biểu cho rằng cần có lộ trình, cơ quan soạn thảo đã đưa ra lộ trình giảm tỉ lệ. Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN nhận diện và nhận thức cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Ở các tổ chức tín dụng có bộ phận kiểm soát, kiểm toán, có trách nhiệm giám sát tối cao với hoạt động của HĐQT và ban điều hành. Thời gian qua, NHNN đã tăng cường để họ là những người giám sát tối cao, không phải thực hiện theo các ông chủ của ngân hàng.

Liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và cho vay đặc biệt, đây là các vấn đề lớn được quy định để khi các tổ chức tín dụng có vấn đề thì xử lý được.

thong-doc-nguyen-thi-hong-kiem-soat-so-huu-cheo-ngan-hang-quan-trong-nhat-la-khau-to-chuc-thuc-hien-happy-live-2
Vụ việc cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan thao túng, lũng đoạn ngân hàng SCB là một điển hình về sở hữu chéo rất tinh vi.

Bà Hồng cũng cho biết, trong quá trình xử lý ngân hàng SCB và các ngân hàng yếu kém, khi được tham vấn, các cơ quan bộ, ngành đều hỏi những điều này quy định như thế nào trong luật. Do đó, nếu không được luật hóa rất khó triển khai.

“Bản thân tổ chức tín dụng phải nhận thức được trách nhiệm, nhận thức được rủi ro có thể phát sinh hệ lụy. Nhưng cơ quan soạn thảo cũng băn khoăn, vì hoạt động ngân hàng là trung gian tài chính, rất dễ tác động lan truyền, ảnh hưởng an toàn hệ thống và an ninh tiền tệ quốc gia. Nếu luật không có quy định thì rất khó có biện pháp để xử lý trong trường hợp cần thiết”, Thống đốc nêu rõ.

Qua nghe báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, một số vấn đề trong dự thảo luật vẫn còn có những ý kiến khác nhau.

“Đây là những vấn đề lớn, cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn. Bởi vậy, việc Quốc hội xem xét chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp này là cần thiết để các cơ quan có thời gian nghiên cứu, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình báo cáo Quốc hội thông qua ở kỳ họp sau”, bà Hồng nhận định.

Tiến Phát 

tinnhanhchungkhoan

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”.

Basic Economics

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề