Thị trường chứng khoán: Thăng trầm và kỳ vọng năm 2024
Theo nhiều chuyên gia kinh tế – tài chính, thị trường chứng khoán năm 2024 được kỳ vọng sẽ lạc quan hơn năm 2023. Nền tảng của đà phục hồi đến từ môi trường lãi suất nới lỏng, đà tăng trưởng của kinh tế vĩ mô, triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán… là những điểm tựa cho thị trường chứng khoán trong năm 2024.
Năm 2023 – Một năm nhiều biến động, thăng trầm
Phiên 29/12 – phiên cuối cùng của năm 2023 khép lại với sắc xanh nhẹ của chỉ số sàn HOSE trong khi chỉ số sàn HNX giảm nhẹ. Tổng kết cả năm, thị trường chứng khoán vẫn mang về thành quả tích cực. VN-Index năm 2023 tăng 12,2%, đóng cửa ở mức 1.129,93 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 12,53%, đóng cửa ở mức 231,04 điểm.
Dù gặp không ít khó khăn nhưng VN-Index vẫn khép lại năm 2023 với mức tăng hơn 11%. Giá trị vốn hóa của HoSE cũng theo đó tăng thêm gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Như vậy, vốn hóa chứng khoán Việt Nam đã tăng gần 722.000 tỷ đồng, tương đương tăng gần 30 tỷ USDTrong năm 2023, thị trường cổ phiếu niêm yết (HOSE, HNX) ghi nhận số mã tăng áp đảo, gần 498 mã tăng giá và 228 mã giảm giá.
Khối ngoại là tiêu điểm của thị trường trong giai đoạn cuối năm khi liên tục bán ròng mạnh trên sàn HOSE. Tổng cộng cả năm, khối này bán ròng hơn 24.300 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, bán ròng gần 10.000 tỷ đồng trong tháng 12.
Quyết tâm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán tiếp tục được thể hiện rõ trong năm 2023. Hàng loạt cá nhân liên quan đến các vụ án thao túng thị trường chứng khoán bị khởi tố hình sự trước đó như: Trịnh Văn Quyết và đồng phạm tại nhóm cổ phiếu FLC; Đỗ Thành Nhân và Chứng khoán Trí Việt tại nhóm cổ phiếu Louis đã bị truy tố/đề nghị truy tố với những án phạt nặng, chưa từng có tiền lệ. Trong năm qua, cơ quan điều tra cũng tiến hành khởi tố thêm vụ án thao túng giá cổ phiếu xảy ra tại “nhóm APEC”.
Bên cạnh đó, các hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát cũng được thực thi nghiêm chỉnh. Nhiều cổ phiếu đã bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch do kinh doanh thua lỗ, vi phạm công bố thông tin,… Các doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin thậm chí đã bị huỷ niêm yết, có thể kể đến như: cổ phiếu “họ” FLC, “họ” Louis,…
Ngoài việc xử phạt nghiêm những sai phạm, quyết tâm thanh lọc thị trường còn được thể hiện qua nỗ lực làm sạch dữ liệu chứng khoán của các cơ quan chức năng. Gần 887.000 tài khoản chứng khoán đã bị “xoá sổ” – con số này chủ yếu đến từ hoạt động rà soát các tài khoản đã mở trước đó nhưng không có phát sinh giao dịch tại Công ty chứng khoán.
Ở chiều ngược lại, lượng tài khoản mở mới trong khoảng thời gian này chỉ hơn 315.000 tài khoản. Điều này khiến cho số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước lần đầu tiên có sự sụt giảm kể từ khi dữ liệu được công bố. Thời điểm cuối tháng 11/2023, nhà đầu tư trong nước có hơn 7,2 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương khoảng 7% dân số.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) năm qua đã trải qua những dao động lớn. Có những phiên giao dịch thị trường tăng điểm cao trong phiên, sau đó lại giảm hoặc tăng không đáng kể. Về nguyên nhân dẫn đến thị trường biến động mạnh, TTCK dao động thường bị tác động bởi những yếu tố mang tính chất nền tảng.
“Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm. Tình hình của các doanh nghiệp, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường vàng, ngoại tệ và tiền gửi ngân hàng đều có sự biến động mạnh và có thể nói kinh tế Việt Nam đi vào chu kỳ tăng trưởng chậm. Trong tình hình như vậy, TTCK cũng bị ảnh hưởng, TTCK là hàn thử biểu (phong vũ biểu) của nền kinh tế. Kinh tế mà không khởi sắc thì sẽ khó tạo ra sóng lớn trên TTCK”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.
Cũng theo TS. Hiếu, kinh tế Việt Nam độ mở lớn. Độ mở đó mang đến những rủi ro, lệ thuộc vào kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng chậm. Các nước Mỹ, châu Âu để kiểm soát lạm phát đã phải tăng lãi suất, thực hiện chiến lược thắt chặt chính sách tiền tệ, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính của Việt Nam.
“USD tăng giá khi lãi suất tại các quốc gia tăng, khi USD tăng đẩy giá trị của tiền đồng xuống (tỷ giá tăng). Tỷ giá tăng ảnh hưởng đến TTCK và lượng tiền của nhà đầu tư ngoại rút ra khỏi Việt Nam tạo nên sự biến động cho TTCK”, TS. Hiếu cho biết.
Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt
Tuy nhiên, TTCK năm 2024 được cho là sẽ lạc quan hơn năm 2023. Nền tảng của đà phục hồi đến từ môi trường lãi suất nới lỏng, đà tăng trưởng của kinh tế vĩ mô, triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán…
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), động lực tăng trưởng của thị trường năm 2024 chủ yếu dựa trên câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết ước trong khoảng 15-20% trong năm 2024, dựa trên nền năm 2023 tăng trưởng thấp và yếu tố về định giá thị trường. Cụ thể, P/E thị trường hiện ở mức 15 lần – mức trung tính và là cơ sở để đánh giá thị trường năm 2024 sẽ có chuyển biến tốt hơn.
Ông Trần Đức Anh cũng kỳ vọng sự xoay chiều chính sách của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed, ECB là động lực chính hỗ trợ tình hình vĩ mô thế giới trong năm 2024, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu suy giảm và các đầu tàu kinh tế của thế giới như Mỹ, Trung Quốc và EU vẫn tồn tại rủi ro.
“Trong kịch bản tích cực, chúng ta có thể kỳ vọng năm 2024 là năm bản lề để nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững nhờ những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi”, ông Trần Đức Anh đánh giá.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích đầu tư của FIDT cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ đi rất sát với diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2024.
Tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam không quá tốt, nhưng chỉ số VN-Index vẫn tăng hơn 10%. Do đó, chuyên gia của FIDT nhận định, năm 2024, Việt Nam có nhiều kỳ vọng tăng trưởng trong khoảng 6–6,5%, do chính sách tiền tệ – tài khoá có độ trễ nhất định, nên sẽ phát huy vào năm sau. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu cũng phục hồi từ tháng 10 và 11/2023, cho thấy tín hiệu ban đầu của hồi phục kinh tế và là bước đệm cho năm 2024.
Về thị trường chứng khoán, lợi nhuận thị trường (EPS) năm 2024 được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhờ nền lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Nếu so sánh với các thị trường mới nổi hay thị trường cận biên, thì câu chuyện VN-Index năm sau sẽ tăng trưởng rất tốt”, ông Huỳnh Hoàng Phương nhận định.
Lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024
Các chuyên gia của MBS nhận định, trong năm 2024, lợi nhuận ròng thị trường sẽ tăng 16,8% so với năm 2023, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng và bán lẻ và tiêu dùng. Điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ rơi vào quý III và quý IV/2024, chủ yếu là do nền thấp cùng kỳ năm 2023.
Ở kịch bản cơ sở, MBS kỳ vọng VN-Index sẽ tăng lên ngưỡng 1.250 – 1.280 điểm trong năm 2024. Định giá hiện tại của VN-Index, chỉ số P/E đang ở mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 11,1% so với P/E trung bình 3 năm gần đây.
Còn tại báo cáo triển vọng 2024, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024. Về dài hạn, VCBS kỳ vọng, Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 và tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII).
VCBS dự báo, chỉ số VN-Index có thể đạt đỉnh tại vùng 1.300 điểm trong năm 2024. Tuy nhiên, thị trường có thể có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên có thể đạt khoảng 16.000–17.000 tỉ đồng trên cả ba sàn cho trong năm 2024, tương ứng giảm khoảng 5% so với năm 2023. Khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên dự kiến giảm khoảng 5% so với năm 2023, tương ứng đạt khoảng 830–850 triệu cổ phiếu trên cả ba sàn.
Tiến Phát