Tiến sĩ Van K. Tharp chia sẻ bí mật giúp trader bội thu lợi nhuận: R và bội số R
R và bội số R là khái niệm được phát triển bởi cố Tiến sĩ Van K. Tharp, giúp trader quản lý rủi ro, định cỡ vị thế và theo dõi hiệu quả giao dịch một cách hiệu quả. Bài viết này sẽ giải thích chi tiết về cách thức hoạt động của R và bội số R.
R là gì?
R là giá trị rủi ro ban đầu được chấp nhận trong một giao dịch, dựa trên mức dừng lỗ của bạn.
Ví dụ, nếu bạn mua 100 cổ phiếu với giá $100/cổ phiếu và đặt lệnh dừng lỗ ở $90, theo đó rủi ro của bạn là việc mất đi $1.000 khi bị dừng lỗ, hay R của bạn là $1.000.
Bội số R là gì?
Bội số R là bội số của giá trị R, thể hiện số tiền lãi (hoặc lỗ) bạn kiếm được (hoặc mất đi) so với rủi ro ban đầu.
Ví dụ, nếu bạn thoát lệnh ở mức $120/cổ phiếu, bạn kiếm được 2R.
Mục đích của việc sử dụng R và bội số R là gì?
1. Tư duy theo tỷ lệ Risk:Reward
Khả năng tư duy theo tỷ lệ Risk:Reward hay R:R (rủi ro/phần thưởng) thực sự quan trọng trong trading. Bởi lẽ về lâu về dài, để có được lợi nhuận trên thị trường, thì bạn cần kiếm được nhiều tiền hơn trong các trade thắng và mất ít tiền hơn trong các trade thua.
Và như bạn có thể thấy, tư duy theo tỷ lệ R:R sẽ được tích hợp trong khái niệm bội số R.
Khi bạn thoát một giao dịch -1R, thì về cơ bản, bạn đang cắt lỗ đúng như kế hoạch và chỉ mất số tiền R mà bạn đã xác định trước khi tham gia giao dịch.
Chẳng hạn như khi bạn chốt một giao dịch 3R, thì bạn biết rằng bạn đã kiếm được gấp 3 lần số tiền bạn mạo hiểm.
Vậy, bằng cách tư duy theo bội số R, bạn đang nghĩ đến việc cắt lỗ nhanh chóng và để trade thắng tiếp tục chạy.
2. Phòng vệ rủi ro thua lỗ và biết nên đặt cược bao nhiêu
Vì giá trị R là rủi ro ban đầu trong một giao dịch được xác định bởi mức dừng lỗ ban đầu của bạn, nên bạn không những biết chính xác nơi bạn sẽ thoát ra trước khi vào lệnh, mà còn định cỡ được vị thế của mình dựa trên R và điểm dừng lỗ của bạn.
Vì vậy, khi bạn tư duy theo R và bội số R, bạn đang dành một sự chú tâm rất lớn dành cho khâu quản lý rủi ro.
3. Ít chịu áp lực về tiền hơn, tập trung vào quy trình hơn
Đại đa số chúng ta thường có cảm xúc mạnh mẽ với tiền bạc, vì chúng ta liên kết nó với sự sống còn, sự an toàn, địa vị và quyền lực, hoặc về cơ bản, đó là phần lớn nhu cầu của con người.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên việc giao dịch lại trở nên khó khăn, bởi trong đầu chúng ta lúc nào cũng quẩn quanh những suy nghĩ về tiền (số tiền chúng ta mạo hiểm hay số tiền chúng ta không kiếm được).
Việc tư duy theo R và bội số R sẽ đóng vai trò như một tấm đệm được đặt giữa chúng ta và ý nghĩ về tiền bạc.
Thay vì mạo hiểm $1.000, chúng ta mạo hiểm 1R.
Thay vì mất $500, chúng ta chỉ mất -0,5R.
Thay vì nghĩ rằng bạn đã kiếm được $500 và không muốn mất nó, bạn chỉ kiếm được 0,5R, ít hơn nhiều so với rủi ro ban đầu của bạn.
Nó cũng giúp bạn dễ dàng suy nghĩ theo một chuỗi các giao dịch, thay vì một giao dịch.
Chuỗi giao dịch 2R, -1R, 1R, -1R, -1R, -1R, 3R sẽ dễ dàng đối phó với mặt cảm xúc, hơn là trải qua một chuỗi biến động $2.000 -$1.000 $1.000 -$1.000 -$1.000 -$1.000 $3.000.
4. Dễ dàng phát triển tài khoản của bạn hơn
Nếu bạn tư duy theo R và bội số R (chẳng hạn như liên kết giá trị R với 1% tài khoản của bạn), thì sẽ không có sự khác biệt, cho dù tài khoản của bạn trị giá $10.000 hay $1.000.000.
1% là 1%, bất kể kích thước tài khoản của bạn là bao nhiêu!
5. Giá trị kỳ vọng và kỳ vọng
Với bội số R, không khó để bạn tính toán giá trị kỳ vọng (expectancy) của mình, tức là bạn có thể mong đợi kiếm được (hoặc mất đi) trung bình bao nhiêu cho mỗi giao dịch.
Việc tính toán giá trị kỳ vọng với một chuỗi bội số R thực sự rất đơn giản. Đó là công thức tính giá trị trung bình.
Ví dụ: Trung bình của (-1R, -1R, -1R, 3R, 2R, -1R, 2R, -1R, 3R) = 0,56R.
Hay giá trị kỳ vọng của chuỗi giao dịch đó là 0,56R, nghĩa là bạn có thể mong đợi kiếm được trung bình 0,56R cho mỗi giao dịch.
Và nếu bạn biết tần suất giao dịch của mình, bạn có thể ước tính sơ bộ những gì bạn có thể mong đợi kiếm được trong một khoảng thời gian nhất định.
Nếu giả sử bạn thực hiện trung bình 100 giao dịch mỗi năm và giá trị kỳ vọng của bạn là 0,56R trên mỗi giao dịch, thì bạn có thể mường tượng về số tiền bạn có thể mong đợi kiếm được mỗi năm, trong trường hợp đó sẽ là 56R.
6. Định cỡ vị thế
Định cỡ vị thế có lẽ là chủ đề ít được nhắc đến nhất, nhưng lại là một trong những chủ đề quan trọng nhất vì nó sẽ quyết định mức drawdown (sụt giảm tài khoản) tối đa và nguy cơ cháy tài khoản của bạn.
Việc sử dụng R và bội số R sẽ giúp bạn dễ dàng biết loại kích thước vị thế nào sẽ phù hợp với nhu cầu của mình.
Trước tiên, bạn cần có một cỡ mẫu tốt về các giao dịch trước đây của mình (giả sử là 100 giao dịch) được chuyển thành một chuỗi bội số R.
Sau đó, bạn hãy chạy xáo trộn ngẫu nhiên chuỗi bội số R này, được hiểu là mô phỏng Monte Carlo. Ví dụ: bạn có thể ngẫu nhiên xáo trộn các giao dịch đó bằng Excel.
Giả sử, bạn chạy 1.000 lần xáo trộn ngẫu nhiên. Sau đó, bạn có thể tìm hiểu, trong số 1.000 lần xáo trộn đó, mức drawdown tối đa là bao nhiêu và chuỗi thua lỗ tối đa là bao nhiêu.
Dựa trên những kết quả đó, bạn có thể xác định đâu là giá trị R phù hợp với mình, để khiến bạn khó có thể thua lỗ nhiều hơn mức bạn có thể chịu đựng.
Giả sử, mức drawdown tối đa trong số 1.000 mô phỏng là -31R và bạn không muốn bị thua lỗ hơn 30%. Chà, bây giờ, bạn biết rằng bạn nên mạo hiểm ít hơn 1% cho mỗi giao dịch, nghĩa là giá trị R cho mỗi giao dịch của bạn phải nhỏ hơn 1%.
Có nhiều phép tính thú vị khác mà bạn có thể trích xuất từ mô phỏng, chẳng hạn như phần trăm cơ hội đạt được một ngưỡng drawdown nhất định dựa trên số chuỗi đạt đến ngưỡng drawdown đó, hay phần trăm cơ hội đạt được mức lợi nhuận nhất định. Nhưng tôi hy vọng bạn đã hiểu được ý chính ở đây.
Bội số R và R có thể cho phép bạn tối ưu hoá quy mô vị thế theo nhu cầu của mình, thay vì sử dụng quy mô vị thế tùy ý, có khả năng khiến bạn chịu rủi ro cháy tài khoản quá cao.
Cảnh báo về bội số R
Điều quan trọng cần lưu ý ở đây đó là bạn phải biết rằng, mẫu giao dịch bạn sử dụng không chỉ đại diện cho chiến lược của bạn, mà còn phải đại diện cho chiến lược của bạn trong một môi trường thị trường nhất định, vì kết quả trong tương lai có thể hoàn toàn không tương quan nếu môi trường thị trường thay đổi.
Lý tưởng nhất là bạn nên lấy các mẫu giao dịch khác nhau cho mỗi môi trường thị trường khác nhau.
Đâu là mặt hạn chế khi sử dụng R và bội số R?
Giống như bất kỳ khái niệm nào trong trading, R và bội số R không phải là chén thánh.
Chúng là một công cụ hữu ích có thể cung cấp cho bạn ước tính gần đúng về những gì sẽ xảy ra và mang lại một lợi thế tinh thần.
Nhưng chắc chắn sẽ có sự khác biệt giữa kết quả bạn nhận được và những gì có thể mong đợi, đặc biệt là khi xét đến thực tế chúng ta có thể được khớp lệnh ở mức giá cao hơn (hoặc thấp hơn) nhiều so với mức giá mà chúng ta dựa vào đó để định cỡ vị thế.
Nguồn: traderlion.com
SÁCH MỚI – DỰ KIẾN PHÁT HÀNH VÀO T4/2024