fbpx

Tốt nghiệp đại học xong không biết làm gì nên tiếp tục học cao học

Nhiều sinh viên đã tốt nghiệp cảm thấy hoang mang vì không biết làm gì, không có động lực để phát triển bản thân nên… tiếp tục học cao học.

Tốt nghiệp đại học
Sau khi tốt nghiệp, một bộ phận sinh viên chọn học cao học vì không biết làm gì, lựa chọn công việc ra sao

Tốt nghiệp đại học xong không biết làm gì nên tiếp tục học cao học

Ra trường sinh viên không biết làm gì thì học tiếp!

Vừa mới tốt nghiệp và không tìm thấy lối đi cho tương lai, Ng.T. K.T., sinh viên Trường ĐH Cần Thơ chia sẻ không biết tìm công việc gì trong thời gian sắp tới và chọn phương án học cao học. 

Nữ sinh viên này chia sẻ trong suốt quá trình học luôn tập trung cao độ để đạt kết quả tốt nên không có quá nhiều trải nghiệm thực tế như đi làm thêm hay trau dồi kỹ năng mềm. Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi nhưng rất yếu trong việc giao tiếp, kỹ năng sống.

Được người thân giới thiệu cho một công việc liên quan đến thủ tục hành chính tại một cơ quan nhà nước, nhưng T. cảm thấy công việc quá khô khan và mức lương khá thấp. Tiếp đến nữ sinh này xin đi làm tại một quán cà phê và dạy kèm ở trung tâm gia sư đều bị yêu cầu thôi việc trong quá trình thử việc vì yếu kém trong kỹ năng giao tiếp. Trong thời gian mất phương hướng, T. được người thân khuyên nên học cao học để sau này xin đi dạy tại các trường đại học.

“Thật sự mình cảm thấy hoang mang vì không thể tìm được công việc phù hợp ở thời điểm hiện tại. Việc học tiếp cao học có lẽ là phù hợp với mình nhất, hy vọng sau khi học xong thạc sĩ mình sẽ tìm được mục tiêu mới trong cuộc sống”, T. chia sẻ.

Tương tự K.T., N.T.P.Th., đang theo học thạc sĩ – chuyên ngành triết học tại Trường ĐH Cần Thơ. Lý do chọn học cao học của gen Z này cũng là vì mất phương hướng, không biết làm gì sau khi tốt nghiệp đại học ngành triết học.

“Chương trình học cao học thật sự rất nặng, ngành học của mình cũng khô khan nên rất vất vả. Mình sinh ra trong gia đình có truyền thống sư phạm nên khi thấy mình không tìm được một công việc phù hợp nên bố mẹ đã hướng cho học cao học”, Th. chia sẻ.

Cũng đang hoang mang trước ngành học của mình, Đ.T.P.D., sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hiện tại đang được học quá nhiều kiến thức của nhiều ngành khác như nhân sự, tài chính, marketing… mà không đi sâu vào lĩnh vực nào cụ thể. D. cũng có thực tập tại một số đơn vị và nhận thấy bản thân hợp với công việc marketing và có định hướng theo đuổi lâu dài nhưng đang hoang mang không biết liệu rằng sau này các nhà tuyển dụng có đồng ý cho cơ hội làm việc hay không khi học một ngành “chung chung” như vậy?

“Hiện tại mình đang phân vân giữa việc đăng ký học song ngành hay đợi khi ra trường rồi học cao học. Nhưng thật sự việc học cao học cũng là một vấn đề lớn với mình vì chi phí cũng khá cao, khi học xong mình lại tiếp tục mất phương hướng thì phải làm như thế nào”, Phước Duyên chia sẻ.

Nên học cao học khi nào?

Chúng ta đã quá quen thuộc với câu nói: “Học, học nữa, học mãi”. Vậy quan điểm này liệu có hợp lý đối với trường hợp những sinh viên đang mất định hướng, không biết làm gì nên mới đi học cao học? Giải thích về vấn đề này, thạc sĩ Trần Xuân Tiến, Phó trưởng bộ môn Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết hoàn thành bậc tiểu học thì học tiếp THCS, rồi sau đó học lên THPT. Theo ông Tiến nếu chúng ta dùng logic này để suy nghĩ rằng tốt nghiệp THPT thì học tiếp đại học, rồi sau đó học cao học thì có phần chưa phù hợp.

Theo thạc sĩ này không giống như việc học phổ thông là việc trang bị kiến thức thường thức cần có cho cuộc sống và hoạt động của mỗi công dân. Việc học đại học và xa hơn là học cao học nhằm giúp chúng ta tiến bước hơn nữa trong hành trình trau dồi kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành thông qua con đường nghiên cứu. Từ đó thúc đẩy cơ hội thăng tiến thiên về hướng nghiên cứu, quản lý, giảng dạy.

“Thế nên, không phải ai cũng phù hợp với con đường học cao học. Việc học cao học đòi hỏi ở người học những yếu tố như: kiến thức nền vững chắc, khả năng tư duy và nghiên cứu độc lập, kỹ năng viết luận, tư duy sáng tạo và phản biện… Câu nói “Học, học nữa, học mãi” là lời khuyên vô cùng giá trị. Chúng ta cần hiểu khái niệm “học” ở đây theo nghĩa rộng. Tức là học từ người thân, học từ bạn bè đồng nghiệp, học từ sách vở tài liệu, học từ mạng internet, học từ những trải nghiệm cá nhân… chứ không bó buộc trong giới hạn là học đại học rồi học lên sau đại học thì mới là học”, thạc sĩ Tiến chia sẻ.

Theo ông Tiến, việc xác định thời điểm học cao học tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế của mỗi người, mà chỉ người đó mới có thể hiểu rõ. Tuy vậy, đứng từ góc độ là người công tác trong ngành giáo dục, thạc sĩ này đưa ra những gợi ý: “Việc lựa chọn học cao học cần được quyết định cẩn trọng dựa trên cơ sở cân nhắc, phân tích kỹ lưỡng về các yếu tố: mục tiêu học tập làm giàu kiến thức chuyên môn, sự phù hợp với định hướng phát triển sự nghiệp tương lai, khả năng đáp ứng về sức khỏe, năng lực trình độ, thời gian và tài chính”.

Thạc sĩ Tiến nói tiếp: “Các khả năng đáp ứng trên cũng chính là những khó khăn mà chúng ta sẽ đối mặt khi học cao học. Học cao học, ngoài động lực chinh phục tri thức chuyên môn sâu, cũng mang lại những thách thức và áp lực. Chúng ta cần có sự chuẩn bị chu đáo về kế hoạch học tập và kế hoạch tài chính để đảm bảo việc học cao học đạt kết quả cao nhất có thể”, ông Tiến cho biết.

Ông Tiến cũng đưa ra một số gợi ý cho những sinh viên đang trong tình trạng hoang mang, bất lực trước tương lai khi vừa mới tốt nghiệp đại học. Đó là sinh viên nên dành thời gian tham gia các lớp học ngắn hạn để phát triển kỹ năng cá nhân, hoàn thiện bản thân, trước khi chính thức bước vào thị trường lao động. Hoàn thiện các kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tư duy sáng tạo…

Ông Tiến cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tham gia hoạt động xã hội, chương trình thiện nguyện và các dự án tổ chức phi lợi nhuận để hỗ trợ cộng đồng: “Đây là các hoạt động không những mang lại cho chúng ta những cảm nhận mới về xã hội, thêm yêu đời yêu người, mà còn giúp mở rộng quan hệ xã hội của bản thân”.

Kim Ngọc Nghiên

(Nguồn: THANH NIÊN)

Có thể bạn quan tâm: Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm

Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn

ĐẶT SÁCH NGAY

 

Các viết cùng chủ đề