fbpx

Ngày 13/10 và thông điệp về phát triển kinh tế của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Không phải ngẫu nhiên khi chỉ 10 ngày sau nhậm chức Tổng Bí thư BCH Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chủ trì Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo (vào ngày 14/8/2024). Tại phiên họp đầu tiên trong cương vị mới, ông nhấn mạnh: phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, không vì đẩy mạnh công tác này mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội.

Thông điệp này ngay lập tức gây chú ý; và nhất là truyền đi một không khí tích cực, đầy hứng khởi trong cộng đồng doanh nghiệp. Nó là bước đi cụ thể hóa Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đã ban hành vào năm 2023 – điểm tựa cho doanh nhân Việt “ra khơi” trong tình hình mới.

Cũng chỉ hơn 1 tuần sau đó, chiều 22/8 người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã có buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – một chỉ dấu cho thấy ông đã “bắt mạch” đúng và trúng khi dành sự quan tâm đặc biệt cho một cộng đồng doanh nghiệp được coi là xương sống của nền kinh tế quốc gia, chiếm tới 98% trong tổng số gần 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Đóng góp từ 40-60% GDP của đất nước, thành phần kinh tế này có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động.

Rõ ràng, sau hơn 2 năm chống đại dịch, những nỗ lực phục hồi, tái thiết đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận; song trong biến động phức tạp của tình hình khu vực, thế giới, kể cả những cú “sang chấn” nặng nề trong cuộc chiến chống tham nhũng đã khiến tình hình kinh tế trong nước phủ lên một bức tranh… xám màu. Vì vậy, thông điệp kép “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội” được xem như là một cam kết được tường minh mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Cho nên, nó mang lại một sự “cốt ở yên dân” trong cộng đồng doanh nghiệp và cho chính hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội.

ngay-13-10-va-thong-diep-ve-phat-trien-kinh-te-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-happy-live-1

Thật ra, điều này không mới với chính tác giả thông điệp. Tháng 5 năm 2020, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, trong phiên thảo luận tại nghị trường, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nêu ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó, ở nhóm thứ 4, ông đề cập đến quan điểm xuyên suốt của Bộ Công an là tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật. “Chỉ đạo quán triệt, tuân thủ quan điểm nguyên tắc: Không có khái niệm hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, công tác thanh tra, kiểm tra về ANTT lồng ghép nhiều nội dung và chỉ kiểm tra một lần một năm, tạo điều kiện tối đa về an ninh để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh lành mạnh” – trích phát biểu của Bộ trưởng Tô Lâm.

Quan điểm này, tại buổi làm việc với ngành kiểm sát, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tái khẳng định: ngành phải tập trung thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Chú trọng cả hai mặt không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế hoặc ngược lại, tạo điều kiện, môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước.

ngay-13-10-va-thong-diep-ve-phat-trien-kinh-te-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-happy-live-2

Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024), chiều 11/10 vừa qua, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam.  

Khẳng định các doanh nhân góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các cải cách kinh tế, định hình các chính sách phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh và đổi mới công tác quản lý kinh tế của Nhà nước; đóng góp to lớn cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế đất nước đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những rào cản của cơ chế, chính sách, pháp luật, năng lực của các cơ quan quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi phát triển của giới doanh nhân.

Quan trọng là trong nỗ lực một mặt “phát quang” những điểm nghẽn không chỉ về cơ chế mà còn là tâm lý “sống trong sợ hãi” bằng những cam kết cụ thể như đã nêu trên; mặt khác người đứng đầu Đảng, Nhà nước thẳng thắn gợi mở “Phải xem xét lại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo hợp tác công tư… như thế nào để giải phóng nguồn lực này – tức nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu vấn đề tại cuộc làm việc với TP.HCM vừa qua.

Dẫn chứng và phân tích cụ thể trong lĩnh vực đấu thầu, ông nói: “Quy định về quản lý tránh tiêu cực nhưng cũng phải giúp sử dụng được nguồn lực. Đấu thầu làm sao không tiêu cực, không tham nhũng nhưng cũng tính lại đấu thầu phải phục vụ mục tiêu phát triển, phục vụ đời sống người dân. Đấu thầu thuốc mà đến mức không để cho dân được tiếp cận các loại thuốc hiện đại, loại thuốc tốt, nền văn minh y tế hiện đại của thế giới. Rất vô lý. Đấu thầu nhưng không xây dựng được nhà đẹp. Quy định đấu thầu tầm nhìn trăm năm nữa nhưng định mức chỉ cho 10 năm thôi làm sao có những công trình để đời”.

Thật sự, đó là điều mà cộng đồng doanh nghiệp, người dân muốn nói, muốn nghe và tất nhiên họ muốn được giải quyết dứt điểm và sau đó được minh định bằng công cụ pháp lý để mỗi doanh nhân, người dân được khai phóng và tự do hoạt động những gì mà pháp luật không nghiêm cấm.

Cho nên, hơn 2 tháng nhận lãnh trách nhiệm cao nhất của Đảng, Nhà nước nhưng rõ ràng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã cho thấy quan điểm, ý chí và phương thức hành động tập trung cao độ cho việc phục hồi, tái thiết kinh tế, đặt ra mệnh lệnh “đây chính là thời điểm để định hình lại vai trò của nhà lãnh đạo doanh nghiệp và sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Happy Live team sưu tầm/vietstock

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề