Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2024
Tháng 10/2024, tổng trị giá xuất khẩu nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 69,24 tỷ USD, tăng 5,2%, tương ứng tăng 3,4 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 35,64 tỷ USD, tăng 4,6%, tương ứng tăng 1,56 tỷ USD và trị giá nhập khẩu là 33,60 tỷ USD, tăng 5,8%, tương ứng tăng 1,84 tỷ USD so với tháng trước.
Lũy kế trong 10 tháng/2024, tổng trị giá xuất khẩu nhập khẩu cả nước đạt 647,91 tỷ USD, tăng 15,8%, tương ứng tăng 88,61 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu 10 tháng/2024 đạt 335,63 tỷ USD, tăng 14,9%, tương ứng tăng 43,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 10 tháng/2024 là 312,28 tỷ USD, tăng 16,8%, tương ứng tăng 45,03 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2024 thặng dư 2,03 tỷ USD. Tính chung 10 tháng/2024 mức thặng dư thương mại hàng hóa là 23,35 tỷ USD, thấp hơn 1,45 tỷ USD so với con số thặng dư 24,8 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tháng 10/2024 đạt 10,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với tháng trước. Trong khi đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI là 25,26 tỷ USD, chỉ tăng 3,1%. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng tăng 0,5% (đạt 20,92 tỷ USD), thấp hơn so với tốc độ tăng nhập khẩu 15,9% của khối doanh nghiệp trong nước.
Trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 10 tháng/2024 đạt 438,83 tỷ USD, tăng 14,2% (tương ứng tăng 54,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 240,13 tỷ USD, tăng 12,9% tương ứng tăng 27,5 tỷ USD và trị giá nhập khẩu là 198,7 tỷ USD, tăng 15,8% tương ứng tăng 27,05 tỷ USD so với 10 tháng/2023.
Trong khi đó, xuất khẩu nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng 19,5% so với cùng kỳ, với trị giá là 209,08 tỷ USD (tương ứng tăng 34,07 tỷ USD). Xuất khẩu của khối doanh nghiệp này đạt 95,51 tỷ USD, tăng 20,3% tương ứng tăng 16,09 tỷ USD và nhập khẩu là 113,58 tỷ USD, tăng 18,8% tương ứng tăng 17,98 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường xuất nhập khẩu
Thị trường xuất khẩu:
Biểu đồ 1: Trị giá xuất khẩu của 7 thị trường/khu vực thị trường trên 10 tỷ USD trong 10 tháng/2023 và 10 tháng/2024
– Hoa Kỳ: trong 10 tháng/2024, trị giá xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 98,69 tỷ USD, tăng 24,6% (tương ứng tăng tới 19,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,4% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
– EU(27 nước): Trong 10 tháng/2024, xuất khẩu sang EU (27 nước) đạt 42,83 tỷ USD, tăng 18,3%, tương ứng tăng 6,61 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
– ASEAN: xuất khẩu sang thị trường ASEAN trong 10 tháng/2024 là 30,48 tỷ USD, tăng 14,7%, tương ứng tăng 3,91 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. – Hồng Kông: trong 10 tháng/2024, trị giá xuất khẩu sang Hồng Kông đạt 10,27 tỷ USD, tăng mạnh tới 35,4%, tương ứng tăng 2,69 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
– Trung Quốc: trong 10 tháng/2024, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 49,62 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm trước. – Hàn Quốc: xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc trong 10 tháng/2024 là 21,17 tỷ USD, tăng 7,9%, tương ứng tăng 1,55 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
– Nhật Bản: xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong 10 tháng/2024 là 20,22 tỷ USD, tăng 5,1%, tương ứng tăng 976 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường nhập khẩu:
Biểu đồ 2: Trị giá nhập khẩu của 7 thị trường/khu vực thị trường trên 10 tỷ USD trong 10 tháng/2023 và 10 tháng/2024
– Trung Quốc: trong 10 tháng/2024, tổng trị giá nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt 117,52 tỷ USD, đã tăng mạnh tới 31,5%, tương ứng tăng 28,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 38% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
– ASEAN: trị giá nhập khẩu từ ASEAN trong 10 tháng/2024 đạt 38,23 tỷ USD, tăng 13,2%, tương ứng tăng 4,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
– Đài Loan: trị giá nhập khẩu từ Đài Loan trong 10 tháng/2024 đạt 18,67 tỷ USD, tăng 21,6%, tương ứng tăng 3,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
– EU(27 nước): trị giá nhập khẩu từ EU (27 nước) trong 10 tháng/2024 đạt 13,87 tỷ USD, tăng 12,6%, tương ứng tăng 1,55 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
– Hàn Quốc: trị giá nhập khẩu từ Hàn Quốc trong 10 tháng/2024 đạt 46,31 tỷ USD, tăng 7,6%, tương ứng tăng 3,26 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
– Nhật Bản: trị giá nhập khẩu từ Nhật Bản trong 10 tháng/2024 đạt 17,86 tỷ USD, tăng 0,6%, tương ứng tăng 113 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
– Hoa Kỳ: trị giá nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong 10 tháng/2024 đạt 12,24 tỷ USD, tăng 7,9%, tương ứng tăng 895 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu hàng hóa
Trị giá xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10/2024 đạt 35,64 tỷ USD, tăng 4,6%, tương ứng tăng 1,56 tỷ USD so với tháng trước.
Trong đó, có 38/45 nhóm hàng tăng xuất khẩu so với tháng trước và ghi nhận tăng mạnh nhất là giầy dép các loại tăng 464 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 286 triệu USD; hàng dệt may và máy móc thiết bị đều tăng 233 triệu USD. Ngược lại nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,9 tỷ USD, giảm 456 triệu USD; hàng rau quả giảm 397 triệu USD.
Tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng/2024 đạt 335,63 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 43,59 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tăng mạnh ở các nhóm hàng như nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 12,13 tỷ USD; máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng 7,63 tỷ USD; hàng dệt may tăng 2,9 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,31 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,18 tỷ USD; giày dép các loại tăng 2,12 tỷ USD; hàng rau quả tăng 1,34 tỷ USD và cà phê tăng 1,29 tỷ USD; sản phẩm từ chất dẻo tăng 1,28 tỷ USD và máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 1,07 USD…
Biểu đồ 3: 10 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong 10 tháng/2023 và 10 tháng/2024
Một số nhóm hàng xuất khẩu chính
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện: trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 10/2024 đạt 5,91 tỷ USD, giảm 7,2% so với tháng trước. Trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 10 tháng/2024 đạt 58,67 tỷ USD, chiếm tới 17% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 26,1% (tương ứng tăng 12,13 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 10 tháng/2024 chủ yếu sang các thị trường như Hoa Kỳ với 19,13 tỷ USD, tăng 41,6%; Trung Quốc với 9,91 tỷ USD, giảm 10%; EU (27 nước) với 7,84 tỷ USD, tăng 59,5%; Hồng Kông với 6,74 tỷ USD, tăng 61,6%; Hàn Quốc với 4,53 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Điện thoại các loại và linh kiện: xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 10/2024 là 4,59 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Qua đó nâng mức trị giá xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện trong 9 tháng/2024 lên 46,47 tỷ USD, chiếm 14% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 4,9% (tương ứng tăng 2,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong 10 tháng/2024 chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc với 12,54 tỷ USD, giảm 5,6%; Hoa Kỳ với 8,71 tỷ USD, tăng 26,5%; EU (27 nước) với 5,68 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: xuất khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng trong tháng 10/2024 đạt 5,24 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước. Trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trong 10 tháng/2024 đạt 43,05 tỷ USD, chiếm 13% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 21,5% (tương ứng tăng 7,63 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trong 10 tháng/2024 sang thị trường Hoa Kỳ đạt 17,97 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu sang EU(27 nước) đạt 6,12 tỷ USD, tăng 24,2%.
Hàng dệt may: tháng 10/2024, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,21 tỷ USD/tháng, tăng 7,8% so với tháng trước. Tính chung trong 10 tháng/2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này là 30,57 tỷ USD, tăng 10,5% (tương ứng tăng 2,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ đạt 13,3 tỷ USD, tăng 10,7%; EU (27 nước) đạt 3,54 tỷ USD, tăng 10,2%; Nhật Bản đạt 3,55 tỷ USD, tăng 7% và Hàn Quốc đạt 2,73 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Giày dép các loại: trị giá xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 10/2024 là 2,03 tỷ USD, giảm 29,6% so với tháng trước. Xuất khẩu giày dép các loại trong 10 tháng/2024 đạt 18,57 tỷ USD, tăng 12,9% (tương ứng tăng 2,12 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong 10 tháng/2024 là Hoa Kỳ đạt 6,86 tỷ USD, tăng 17,7% và Trung Quốc đạt 1,56 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng xuất khẩu sang thị trường EU (27 nước) đạt 4,66 tỷ USD, tăng 17,2%; trong đó xuất khẩu sang Hà Lan đạt 1,35 tỷ USD, tăng tới 73% so với cùng kỳ năm trước.
Gỗ và sản phẩm gỗ: trị giá xuất khẩu trong tháng 10/2024 đạt 1,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với tháng trước. Tính chung trong 10 tháng/2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 13,22 tỷ USD, tăng mạnh 21,2% (tương ứng tăng 2,31 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng/2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với 7,34 tỷ USD, tăng mạnh 25,3% (tương ứng tăng 1,48 tỷ USD) và chiếm 56% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Phương tiện vận tải và phụ tùng: trị giá xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng trong tháng 10/2024 đạt 1,35 tỷ USD, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu trong 10 tháng/2024 của nhóm hàng này đạt 12,52 tỷ USD, tăng 5,9% (tương ứng tăng 692 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là 2,67 tỷ USD, tăng 12,8%; sang Nhật Bản là 2,47 tỷ USD, tăng 2%; sang ASEAN là 1,88 tỷ USD, tăng 9,6%; sang Hàn Quốc là 1,32 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Máy ảnh máy quay phim và linh kiện: trị giá xuất khẩu máy ảnh máy quay phim và linh kiện trong tháng 10/2024 đạt 707 triệu USD, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu trong 10 tháng/2024 của nhóm hàng này đạt 6,86 tỷ USD, tăng 18,4% (tương ứng tăng 1,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 3,93 tỷ USD, tăng 18,6%; sang Hoa Kỳ là 1,03 tỷ USD, tăng 29,6%; EU (27 nước) là 469 triệu USD, tăng 53,8%; Hàn Quốc là 383 triệu USD, giảm 10,7%…so với cùng kỳ năm trước.
Gạo: lượng gạo xuất khẩu trong tháng 10/2024 là 788 nghìn tấn, giảm 3,7% so với tháng trước. Tính chung, trong 10 tháng/2024, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 7,75 triệu tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và trị giá đạt 4,86 tỷ USD, tăng 23,5%.
Trong 10 tháng/2024, gạo của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường ASEAN với 5,6 triệu tấn, chiếm 72% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Trung Quốc là 250 nghìn tấn, giảm tới 72% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng thủy sản: tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản là 1,02 tỷ USD, tăng 10,9% so với tháng trước. Tính chung trong 10 tháng/2024, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam là 8,25 tỷ USD, tăng 10,9% (tương ứng tăng 810 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu hàng thủy sản trong 10 tháng/2024 sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ là 1,53 tỷ USD, tăng 16,4%; Trung Quốc là 1,41 tỷ USD, tăng 23,2%; Nhật Bản là 1,26 tỷ USD, tăng 1,3%; EU (27 nước) là 873 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng rau quả: trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 10/2024 đạt 520 triệu USD, giảm 43,3% so với tháng trước. Trong 10 tháng/2024 xuất khẩu hàng rau quả đạt 6,16 tỷ USD, tăng 27,8% (tương ứng tăng 1,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu quả sầu riêng (mã HS 0810.60.00) đạt 2,85 tỷ USD, tăng tới 46%, tương ứng tăng 900 triệu USD so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 46% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước. Bên cạnh đó, xuất khẩu quả thanh long (mã HS 0810.90.92) trong 10 tháng/2024 là 417 triệu USD, lại giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng/2024, hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc với 4,1 tỷ USD, tăng 28,7% (tương ứng tăng 913 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm 67% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Nhập khẩu hàng hóa
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước, tương ứng tăng 1,84 tỷ USD. So với tháng thấp nhất trong năm, trị giá nhập khẩu của tháng 10 đã tăng 44,7%, tương ứng tăng 10,37 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 10/2024, trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% tương ứng tăng 45,03 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng mạnh nhất là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 16,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Biểu đồ 4: 10 nhóm hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam trong 10 tháng/2023 và 10 tháng/2024
– Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 10 đạt 9,41 tỷ USD, giảm nhẹ 3,1% tương ứng giảm 298 triệu USD so với tháng trước. Trong 10 tháng/2024, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 88,25 tỷ USD, tăng 23,7% tương ứng tăng 16,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường chính cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam bao gồm: Trung Quốc đạt 28,52 tỷ USD, tăng 51,3%, tương ứng tăng 9,68 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 26,39 tỷ USD, tăng 14,2%, tương ứng tăng 3,28 tỷ USD; Đài Loan đạt 11,35 tỷ USD, tăng 32,8%, tương ứng tăng 2,81 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
– Điện thoại các loại và linh kiện: trong tháng 10, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 1,07 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước (tương ứng tăng 27 triệu USD). Tính đến hết tháng 10/2024, nhập khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,45 tỷ USD, tăng 18,8%, tương ứng tăng 1,33 tyt USD so với cùng kỳ năm 2023 .
Thị trường chính cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 10 tháng/2024 là Trung Quốc với 7,33 tỷ USD, tăng 23,6%, tương ứng tăng 1,4 tỷ USD và chiếm 86% trị giá nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của cả nước.
– Nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày: trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 10/2024 đạt 2,42 tỷ USD, tăng 3,2% so với tháng trước, tương ứng tăng 75 triệu USD. Tính chung, lũy kế trong 10 tháng/2024, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày đạt 22,82 tỷ USD, tăng mạnh 44,2% (tương ứng tăng 6,99 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vải các loại đạt 12,27 tỷ USD, tăng 14,7%; nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 5,88 tỷ USD, tăng 19,3%; bông các loại đạt 2,42 tỷ USD, tăng 2,7%; xơ sợi dệt các loại đạt 2,24 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày nhập khẩu vào Việt Nam trong 10 tháng/2024 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 51%, với 12,83 tỷ USD, tăng 22,9%%, tương ứng tăng 2,39 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Biểu đồ 5: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu ngành dệt may, da, giày từ 10 tháng/2013-10 tháng/2024
– Nhóm nguyên liệu thức ăn gia súc (lúa mỳ, ngô, đậu tương, thức ăn gia súc): trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 1 tỷ USD, tăng 17% so với tháng trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là đậu tương và thức ăn gia súc và nguyên liệu, lần lượt tăng 53% và 39%. Tính đến hết tháng 10, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này là 8,68 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu thức ăn gia súc trong 10 tháng/2024 từ các thị trường: Braxin đạt 1,44 tỷ USD, giảm 4,6%, tương ứng giảm 69 triệu USD; Áchentina đạt 1,37 tỷ USD, tăng 13%, tương ứng tăng 159 triệu USD; Hoa Kỳ đạt 1,28 tỷ USD, tăng 12,6%, tương ứng tăng 143 triệu so với cùng kỳ năm 2023.
– Dầu thô: lượng nhập khẩu dầu thô trong tháng đạt 1,09 triệu tấn, giảm 6,2% so với tháng trước với trị giá là 622 triệu USD, giảm 7,1% (tương ứng giảm 48 triệu USD). Tính đến hết tháng 10/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 11,41 triệu tấn dầu thô với trị giá là gần 7 tỷ USD, tăng 22,6% về lượng và tăng 23,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đơn giá nhập khẩu dầu thô trong 10 tháng/2024 chỉ giảm 17 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu dầu thô từ thị trường Cô-oét với 9,82 triệu tấn, tăng 38% và chiếm gần 86% lượng nhập khẩu dầu thô của cả nước.
– Xăng dầu các loại: lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 10/2024 đạt 938 nghìn tấn, tăng 44,9% so với tháng trước với trị giá là 659 triệu USD, tăng 50,7% (tương ứng tăng 222 triệu USD).
Trong 10 tháng/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 8,46 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá là 6,59 tỷ USD, giảm 3,6% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 4,14 triệu tấn, giảm 15,6%, chiếm 49% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước; lượng xăng nhập về đạt 2,21 triệu tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 26% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước.
Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 10 tháng/2024 tăng ở hầu hết các thị trường chính trừ thị trường Hàn Quốc, cụ thể: Hàn Quốc là 2,64 triệu tấn, giảm 25,3%; Singapo là 2,15 triệu tấn, tăng 11,9%; Malaixia là 1,86 triệu tấn, tăng 15%; Trung Quốc là 965 nghìn tấn, tăng 16,1% so với 10 tháng/2023.
– Phân bón các loại: lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 10/2024 đạt 515 nghìn tấn, tăng 36,2%, với trị giá 159 triệu USD, tăng 13% tương ứng tăng 18 triệu USD so với tháng trước. Trong 10 tháng/2024, cả nước đã nhập khẩu 4,35 triệu tấn phân bón các loại đạt trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 31,3% về lượng và tăng 27,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu phân bón các loại từ thị trường chính là Trung Quốc đạt 1,85 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm hơn 42% tổng lượng nhập khẩu hàng hóa này của cả nước.
– Ô tô nguyên chiếc và linh kiện phụ tùng ô tô: trị giá nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện phụ tùng ô tô trong tháng 10/2024 đạt 919 triệu USD, tăng 11,3% tương ứng tăng 93 triệu USD so với tháng trước. Tính đến hết tháng 10/2024, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 6,84 tỷ USD, tăng 18,2%, tương ứng tăng 1,05 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù vậy, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 10/2024 đạt 17.706 chiếc, giảm 3,8% so với tháng trước tương ứng giảm 699 chiếc. Trong 10 tháng/2024, Việt Nam nhập khẩu 142.794 ô tô nguyên chiếc các loại, tăng mạnh 37,5% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 38.977 chiếc. Trong đó, lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam đạt 117.358 chiếc, chiếm tới 82% tổng lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam và tăng 33.302 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong 10 tháng/2024 chủ yếu có xuất xứ từ Inđônêxia, Thái Lan và Trung Quốc. Trong đó, nhập khẩu từ Inđônêxia là 57.963 chiếc, tăng 19.569 chiếc; nhập khẩu từ Thái Lan với 54.481 chiếc, tăng 7.535 chiếc và nhập khẩu từ Trung Quốc với 24.613 chiếc, tăng 16.112 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
– Sắt thép các loại : lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 10/2024 đạt 2,41 triệu tấn với trị giá đạt 1,51 tỷ USD, tăng 55,9% về lượng và tăng 41,7% về trị giá so với tháng trước. Tính chung lũy kế trong 10 tháng/2024, lượng nhập khẩu sắt thép các loại của cả nước đạt 14,71 triệu tấn với trị giá là 10,48 tỷ USD, tăng mạnh 38,2% về lượng và tăng 23,2% về trị giá.
Trong 10 tháng/2024, nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc tăng mạnh đạt 10,16 triệu tấn, tăng 58,9% (tương ứng tăng 3,77 triệu tấn) với trị giá đạt 6,37 tỷ USD, tăng 43,2%, tương ứng tăng 1,92 tỷ USD; từ Nhật Bản đạt 1,7 triệu tấn, tăng 4,6% (tương ứng tăng 75 nghìn tấn); từ Hàn Quốc đạt 1,05 triệu tấn, tăng 15,3% (tương ứng tăng 139 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến Bài Phân tích Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11 và 11 tháng năm 2024 sẽ được phổ biến từ ngày 16/12/2024.
Happy Live team sưu tầm/Tổng cục hải quan