fbpx

Trung Quốc khó có thể phản đòn trước thế áp đảo của chính quyền Donald Trump

Không phải ngẫu nhiên mà ông chủ Nhà Trắng Donald Trump có thể dồn dập leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Sức mạnh không ngờ của ông Trump đến từ nội tại của nước Mỹ và 500 ngày ở vị trí lãnh đạo nền kinh tế số 1 thế giới.

Trung Quốc khó có thể phản đòn trước thế áp đảo của chính quyền Donald Trump

Sức ép dồn dập

Chính quyền ông Donald Trump vừa chính thức thông báo sẽ áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 24/9 và mức thuế sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay nếu “Trung Quốc có hành động trả đũa lại người nông dân và các ngành công nghiệp khác của Mỹ”.

Như vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã được ông Trump đẩy lên một mức cao mới và có thể còn lên cao nữa. Trong khi đó, từ phía Bắc Kinh vẫn chỉ là những cảnh báo trả đũa như những lần trước và dường như còn túng lúng trong quyết định chính thức phản đòn.

Trước đó, ông Donald Trump đã có hai lần áp thuế 25% lên tổng cộng 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định khiến chỉ trong một tháng, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc bốc hơi hàng trăm tỷ USD và đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm 8% so với USD.

Ông Donald Trump hiện đang cân nhắc bước đi thứ 3, đánh thuế thêm khoảng 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Cũng trong vài tháng qua, Mỹ công khai kế hoạch tăng thuế một số hàng hóa đền từ một số đối tác thương mại lớn như Mexico, EU, Canada,… và sau đó đã đạt được thỏa thuận thương mại 16 năm với Mexico. Mỹ đang gia tăng áp lực đối với Canada, thành viên còn lại của hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Sau Mexico, Canada và EU, Nhật Bản có thể là mục tiêu tiếp theo mà chính quyền ông Trump nhắm tới, áp thuế xe hơi nhập khẩu. Mối quan hệ giữa ông Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là tốt đẹp, nhưng sẽ kết thúc ngay khi ông Trump “nói với họ về việc họ sẽ phải trả bao nhiêu”.

Gần đây, ông Donald Trump tăng gấp đôi thuế với nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ lên tương ứng là 20% và 50% khiến đồng tiền lira của nước này tụt giảm 20% trong vòng 2 ngày. Mỹ cũng đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, trở lại cấm vận Iran và trừng phạt Nga.

Các thị trường tài chính, chứng khoán và đồng tiền của các nước này và nhiều nước khác trên thế giới, bao gồm cả khu vực châu Á và ASEAN lao dốc.

Trong cuộc chiến thương mại, các thị trường tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Chỉ số Shanghai Composite của TTCK Trung Quốc sắp xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014, tệ hại hơn so với đợt khủng hoảng tiền tệ hồi năm 2015 tại đất nước này, bất chấp chính quyền Bắc Kinh liên tục tung các biện pháp cứu thị trường.

Mỹ, trong khi vẫn gửi đi lời mời nối lại đàm phán nhưng lại đẩy cuộc chiến thương mại với Trung Quốc lên một mức mới. Còn Trung Quốc đang loay hoay tránh tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Ông Trump đã tính tới giai đoạn tấn công thứ 3, thậm chí có thể áp thuế lên toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc. 

Trung Quốc trỗi dậy, nước Mỹ còn đủ mạnh?

Sở dĩ chính quyền của ông Trump có thể tiếp tục triển khai đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc là bởi nền kinh tế Mỹ đang ở trong tình trạng khá tốt, thị trường tài chính ổn định, chứng khoán ở vùng đỉnh cao lịch sử và một đồng USD mạnh.

Điều quan trọng hơn là Mỹ có một “vũ khí” quan trọng để có thể giải cứu nếu tăng trưởng kinh tế suy giảm do ảnh hưởng của một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Chính quyền ông Donald Trump đã thực thi thành công chính sách tài khóa, trong khi ngân hàng trung ương Mỹ đem đến sự an tâm cho giới đầu tư bằng những bước đi kịp thời và hợp lý.

Theo ghi nhận của Bloomberg, TTCK Mỹ đã có đợt tăng trưởng dài nhất trong lịch sử và tăng mạnh trong khoảng gần 2 năm gần đây, phá nhiều kỷ lục mới, kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống.

Đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác, trong khi vàng giảm giá bất chấp bất ổn lan rộng trên thị trường tài chính toàn cầu. Nền kinh tế Mỹ đón nhận nhiều tín hiệu tích cực cho dù các cuộc chiến thương mại đang diễn ra và những rắc rối trong lòng Nhà Trắng lên cao trào với nhiều nhân vật thân cận của ông Trump bị buộc tội, ngồi tù và báo chí Mỹ chỉ trích gay gắt tổng thống.

Kinh tế Mỹ đã thay đổi ít ai có thể ngờ tới sau khi ông Trump lên nắm quyền. Tăng trưởng GDP đạt 4,2% trong quý 2/2018, tỷ lệ thấp nghiệp xuống thấp nhất 50 năm, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng vọt lên mức kỷ lục, tiền lương của người lao động Mỹ tăng mạnh nhất trong gần 1 thập kỷ qua.

Niềm tin và lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh sau các chính sách nởi lỏng kiểm soát và thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh từ 35% về 21%. Các doanh nghiệp chủ động đầu tư hơn, người dân tăng cường chi tiêu khi thu nhập tăng và triển vọng kinh tế sáng sủa, chi tiêu cho đầu tư cơ sở hạ tầng và quân sự tăng mạnh. 

Theo ông Donald Trump, thuế quan giúp Mỹ củng cố vị thế trong đàm phán, với hàng tỷ USD và việc làm chảy vào nước Mỹ, trong khi cái giá người tiêu dùng phải trả “không đáng kể”.

Trên thực tế, ngay từ khi tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã tuyên bố muốn công bằng trong thương mại và cáo buộc Trung Quốc duy trì một đồng NDT yếu để có lợi thế trong thương mại.

Sau khoảng 1 năm rưỡi cầm quyền với nhiều chính sách tài khóa thành công, ông chủ Nhà Trắng mới bắt đầu khơi mào một cuộc chiến thương mại.

Khi nền kinh tế hồi phục ấn tượng, tăng trưởng nhanh trở lại, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhanh chóng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, liên tục tăng lãi suất trong vài năm vừa qua, tạo một bước đệm chính sách quan trọng cho sự ổn định của nước Mỹ.

Sau gần một thập kỷ áp dụng chính sách nới lỏng, Fed đã tăng lãi suất cơ bản ngắn 7 lần (2 lần trong năm 2018, 3 lần trong năm 2017 và 2 lần trong năm 2016), mỗi lần 25 điểm phần trăm, đưa lãi suất từ mức thấp kỷ lục thời đại 0-0,25% lên 1,75-2% như hiện tại. Nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong thời gian còn lại của năm 2018.

Với mức lãi suất như hiện tại, Mỹ đã tạo ra được một vùng đệm chính sách phòng ngừa cho một cuộc khủng hoảng mới có thể xảy ra. Khi đó, nước Mỹ có thể giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế khi triển vọng suy giảm.

Trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tới thời điểm này, trong khi Mỹ còn dư địa để đánh thuế thêm nhiều mặt hàng Trung Quốc thì Bắc Kinh có ít dư địa hơn, do thặng dư thương mại với Mỹ (thặng dư khoảng 300 tỷ USD).

Theo một số chuyên gia, Trung Quốc còn một quân bài là giảm giá đồng NDT nhưng đây là con dao 2 lưỡi, có thể khiến dòng vốn tháo chạy khỏi TTCK cũng như nền kinh tế, gây ra khủng hoảng kinh tế.

Ở thời điểm hiện tại, xét về tương quan, Trung Quốc bất lợi hơn Mỹ trong cuộc chiến. Trung Quốc cần hàng nhập khẩu từ Mỹ hơn để phục vụ tham vọng bá chủ về công nghệ “Made in China 2025”, trong khi Mỹ có thể nhập hàng hóa từ các nước khác thay thế cho hàng Trung Quốc, và còn có thể thu về thêm hàng chục tỷ USD để bù đắp giảm thu ngân sách (do giảm thuế nội địa).

Nguồn: Vietnamnet

Các viết cùng chủ đề