fbpx

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lập kỷ lục chính trị ở xứ Phù Tang

Với việc tái đắc cử chức chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) đang cầm quyền, đương kim thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể cầm quyền liên tục 3 nhiệm kỳ liền. Cùng với lần cầm quyền đầu tiên ngắn ngủi (2006-2007), lần cầm quyền thứ 2 từ năm 2012 đến nay giúp ông Abe lập kỷ lục chính trị ở xứ Phù Tang là trở thành thủ tướng chính phủ cầm quyền thời gian dài nhất.

thủ tướng nhật bản shinzo abe
Thủ tướng nhật bản shinzo abe

Trong cuộc bầu chủ tịch đảng LDP ấy, ông Abe được 553 phiếu ủng hộ và bị 226 phiếu chống. Tỷ lệ ủng hộ hơn hai phần ba này thể hiện sự ủng hộ chính trị trong nội bộ đảng cầm quyền lớn đủ mức để ông Abe có thể yên ổn cầm quyền trong nhiệm kỳ thứ 3 và thực hiện những dự định chính sách rất nhạy cảm về chính trị nội bộ ở Nhật Bản mà ông Abe theo đuổi bấy lâu nay, trong đó đặc biệt là việc tiếp tục thực hiện chủ thuyết Abenomics và sửa đổi hoặc nếu có thể được thì thay thế hiến pháp hiện hành.

Kỷ lục chính trị thuộc về cá nhân ông Abe, nhưng nó đồng thời phản ánh thực trạng hiện tại ở Nhật Bản. Nó là bằng chứng về chuyện cầm quyền rất thành công cho tới nay của ông Abe. Nếu không phải là thật sự thành công, không được phe cầm quyền và dân chúng công nhận là thành công thì chắc chắn ông Abe đã bị đảng cầm quyền hạ bệ và thay thế từ lâu rồi và không thể có được nhiệm kỳ cầm quyền thứ 3 liên tiếp.

Trong sáu năm cầm quyền đến nay của ông Abe, chủ thuyết Abenomics sau thời gian đầu bị phê phán, công kích và hoài nghi đã làm thay đổi Nhật Bản: Kinh tế tăng trưởng trung bình 1,3% hàng năm, doanh nghiệp kinh doanh phát đạt, nhà nước bội thu thuế, đã có thêm 2,5 triệu chỗ làm việc được tạo nên trong khi số lượng người Nhật Bản trong độ tuổi làm việc giảm 4,5 triệu người và mức độ nợ công được giảm đi một nửa.

Chính phủ ổn định. Đảng LDP đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Ông Abe đã làm điều được coi là “cuộc cách mạng xã hội thầm lặng” khi mở cửa mạnh mẽ nước Nhật cho thế giới bên ngoài: tạo thuận lợi dễ dàng cho việc cấp thị thực nhập cảnh để đón 30 triệu du khách, nhận gấp đôi lao động nước ngoài (hiện lên đến 1,3 triệu người) và đăng cai thành công việc tổ chức Thế vận hội mùa hè 2020.

Những thành tựu cầm quyền ấy tạo ra cho ông Abe điểm xuất phát thuận lợi để bước vài nhiệm kỳ cầm quyền thứ 3. Kỷ lục của cá nhân giúp tăng uy tín và sự tự tin, khích lệ quyết tâm tận dụng thiên thời, địa lợi và nhân hoà hiện có được để tạo dựng và khắc đậm dấu ấn cá nhân trong lịch sử, cụ thể ở đây là làm thay đổi cơ bản nước Nhật Bản theo hướng trở nên hiện đại hơn và có vai trò, ảnh hưởng cũng như vị thế chính trị khu vực, châu lục và thế giới to lớn hơn.

Những thách thức ở phía trước ông Abe vẫn còn nhiều và nghiêm trọng. Dân Nhật Bản già đi nhanh chóng đưa lại nhiều vấn đề khó khăn mới về chính trị xã hội. Mức độ nợ công vẫn còn cao. Tăng trưởng kinh tế vẫn cần phải có nhịp độ lớn hơn và bền vững hơn. Tai hoạ thiên nhiên không thể tránh và lường được hết. Trung Quốc và Triều Tiên vẫn bị coi là mối đe doạ an ninh cần phải đối phó.

Ông Abe không có lý do thôi thúc nào để thay đổi cơ bản định hướng chính sách cầm quyền lâu nay mà chắc chắn sẽ tiếp tục chúng một cách quyết liệt và triệt để hơn. Abenomics sẽ vẫn được thực thi. Tăng ngân sách quốc phòng và quân sự sẽ vẫn được tiếp tục. Ông Abe sẽ tích cực và mạnh bạo hơn trước trong việc sửa đổi hoặc thay thế hiến pháp hiện hành, nhưng cũng sẽ rất khôn khéo, kín kẽ và dần dần. Chỉ cần tiếp tục thành công như trong 6 năm qua, ông Abe sẽ dẫn dắt được nước Nhật Bản sang một giai đoạn mới và làm thay đổi đất nước này trên mọi phương diện.

Nguồn: Vỹ Lăng / Dân việt

Các viết cùng chủ đề