Bạch Thái Bưởi được xem là bậc tiền nhân của giới doanh nhân Việt ngày nay với những lĩnh vực kinh doanh nổi bật như hàng hải, khai thác than và in ấn. Từ hai bàn tay trắng, ông là tấm gương sáng về bản lĩnh và lòng tự hào dân tộc trong kinh doanh.
Có tài liệu cho rằng Bạch Thái Bưởi vốn họ Đỗ, sinh năm 1874 trong một gia đình nghèo, mẹ buôn gánh bán bưng, cha mất sớm. Lúc ấy có người họ Bạch không có con trai thấy ông ngoan ngoãn, chịu khó nên nhận làm con nuôi và đổi sang họ Bạch. Cũng có tài liệu cho rằng thời mới vào nghề kinh doanh đường thủy, có hùn vốn với bà phán Thái nên mới đặt tên là Thái – Bưởi. Còn họ Bạch là trắng, không lấy họ của riêng ai.
Vốn thông thạo chữ quốc ngữ và tiếng Pháp đồng thời thông minh, lanh lợi nên đến đầu năm 1895, thống sứ Bắc Kỳ chọn ông sang Pháp dự hội chợ Bordeaux để giới thiệu sản phẩm của xứ Bắc Kỳ. Được sang Pháp, tiếp xúc với nền văn minh, tiến bộ khiến ông nung nấu lòng quyết tâm thay đổi bộ mặt quê hương.
Trở về nước, Bạch Thái Bưởi xin nghỉ việc vốn được xem là niềm mơ ước của nhiều người tại hãng nhà thầu công chánh và lựa chọn đường đi riêng của mình. Về sau ông kể không biết chính xác con đường này nhưng “muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”.
Từ hợp tác với người Pháp
Nhờ những mối quan hệ với chính quyền đồng thời tư tưởng kinh doanh khác biệt, Bạch Thái Bưởi hùn vốn cùng một người Pháp để nắm lấy cơ hội trở thành đối tác chính cung cấp tà vẹt gỗ cho dự án xây dựng đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ cho Sở hỏa xa Đông Dương.
Nhờ thương vụ này, ông trở nên giàu có và tách riêng để kinh doanh lập như buôn ngô, cầm đồ tại Nam Định, mở quán cơm Tây, đại lý rượu, thầu thuế chợ. Bạch Thái Bưởi là người thâu tóm nguồn lợi thuế chợ Nam Định, tỉnh Thanh Hóa, Vinh- Bến Thủy nhưng rút lui vào năm 1912.
Không chỉ có tư tưởng mới hợp tác với người Pháp, Bạch Thái Bưởi còn khác người khi chỉ sử dụng người Việt giúp việc với niềm tin vào chữ tín người Việt, trong khi người nhà ông can ngăn do không tin tưởng khi giao công việc cho người ngoài. Ông cho rằng: “Kinh doanh trên thương trường người Hoa hơn ta là ở chỗ có chữ tín. Chẳng lẽ người Việt ta không làm được như thế sao? Ta có thật lòng tin người thì người mới tin ta”. Triết lý quản trị này khiến những người làm việc cho ông hết lòng làm việc và trung thành.
Cạnh tranh với người Hoa vì lợi ích người Việt
Mặc dù kinh doanh đa ngành nhưng Bạch Thái Bưởi nổi tiếng với ngành hàng hải và được mệnh danh là chúa sông Bắc Kỳ.
Năm 1909 hãng Marty- D’Abbdie hết hạn ký hợp đồng, ông thuê ngay ba chiếc tàu của họ và đổi tên tiếng Việt thành Phi Phượng, Phi Long, Bái Tử Long và cho chạy tuyến Nam Định – Hà Nội và Nam Định – Bến Thủy. Đây là những tuyến đường thủy luôn đông khách nhưng trước chỉ có người Hoa và người Pháp thống lĩnh.
Một thời gian sau, khi nghe tin công ty chuyên chở đường biển Deshwanden phá sản, ông quyết định mua nốt 6 chiếc thuyền và một số sà lan của công ty này để không lọt vào tay người Hoa, người Pháp mặc dù tàu khá cũ và nát. Hành động này của ông đã làm nhiều người Việt vui mừng. Không những thế ông còn lấy tên anh hùng dân tộc như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi để đặt tên cho tàu.
Đến năm 1919, công ty Bạch Thái có tổng 20 tàu nhỏ, chưa kể thuyền phụ, 20 sà lan bằng gỗ, sắt, 13 cầu tàu đứng, 16 chiếc cầu tàu nổi. Các tàu này chạy 17 tuyến đường thủy: Hà Nội- Nam Định, Hải Phòng – Bến Thủy, Hải Phòng – Nam Định,… thậm chí lên vùng thượng du Bắc Kỳ.
Với phương tiện da dạng, Bạch Thái Bưởi nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, ông còn nắm bắt nhanh nhu cầu của khách. Ngoài những tuyến cố định, công ty của ông còn mở các tuyến vận tải theo mùa như trẩy hội chùa Hương (tuyến Phủ Lý – Bến Đục), hội đền Kiếp Bạc (tuyến Đáp Cầu – Kiếp Bạc, Hải Dương – Kiếp Bạc, Phả Lại – Kiếp Bạc).
Trong khi các tàu chở khách của người Hoa và người Pháp theo hướng phục vụ người có tiền, đầu tư nội thất sang thì Bạch Thái Bưởi muốn phục vụ đối tác khách hàng rộng hơn, đa phần là nông dân, người Việt không giàu có. Vì vậy sau khi mua lại tàu, ông cho sửa lại nội thất để phù hợp với khách hàng mục tiêu của mình.
Không chỉ vậy, Bạch Thái Bưởi luôn tìm cách xét giảm giá cho người Việt, ví dụ đầu thế kỷ XX giá vé Hải Phòng – Nam Định là 1,5 đồng nhưng ông lại phân loại thành: ca-bin (hạng nhất): 1,00 đồng, hạng hai: 0,30 đồng, boong (hạng ba): 0,20 đồng.
Trước sự phát triển của công ty Bạch Thái, các chủ tàu người Hoa quyết đánh bại ông bằng đủ mọi cách như hạ giá sâu hơn. Bạch Thái Bưởi bèn nghĩ tới thứ vũ khí mà người Hoa không thể có chính là tinh thần dân tộc. Ông tin rằng sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên đất nước, xung quanh có đồng bào mình chắc chắn sẽ thắng lợi. Ông cho người tới các bến tàu nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, kêu gọi tình đồng bào, tương thân tương ái. Bạch Thái Bưởi còn cho treo một cái ống trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích thì ủng hộ tiền giúp chủ tàu giảm lỗ. Kết quả hành khách dần bỏ tàu Hoa sang đi tàu Việt.
Ngoài kinh doanh hàng hải, công ty Bạch Thái còn được biết đến với việc mua lại một trong những xưởng sửa chữa và đóng tàu đầu tiên tại Hải Phòng.
Năm 1919, công ty này cũng hạ thủy thành công chiếc tàu Bình Chuẩn do người Việt tên Nguyễn Văn Phúc thiết kế và thi công. Ông là thân tín của Bạch Thái Bưởi, vốn không hề du học nước ngoài , cũng không có bằng cấp tốt nghiệp trường công nghệ nào mà chỉ là một thợ lành nghề.
Chiếc tàu này được thiết kế toàn bằng sắt thép, dài 46m, rộng 7,2m, sâu 3,6m, hai cột trục, mỗi cột nặng 10 tấn, trọng tải 600 tấn, động cơ hơi nước 400 mã lực. Cái tên Bình Chuẩn vốn là một ty được Đặng Huy Trứ đề xuất nhà Nguyễn mở tại Hà Nội có nhiệm vụ kinh doanh buôn bán, gầy dựng tài chính cho quốc gia, mở hiệu buôn, giao lưu hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược, khai thác mỏ ở Thái Nguyên. Đây có thể xem là một biện pháp tích cực dưới triều Nguyễn nhằm chấn hưng công thương nghiệp nước nhà lúc bấy giờ. Cái tên này khái quát được toàn bộ ý nguyện của ông cũng như câu nói bất hủ mà ông tâm đắc: “Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường”.
Ngoài kinh doanh hàng hải, Bạch Thái Bưởi còn mở công ty in ấn và xuất bản, cho ra đời tờ Khai hóa nhật báo với tôn chỉ:
“Một là giúp đồng bào tự khai hóa, dạy bảo lẫn nhau… mở mang con đường thực nghiệp.
Hai là giải bày cùng Chính phủ bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân.
Ba là diễn giải những ý kiến, những lợi ích, tác hại của các công việc Chính phủ đang làm…”
Mục đích cuối cùng của phong trào thực nghiệm do ông phát động là cổ súy tinh thần làm giàu vì dân giàu thì nước mới giàu.
Bạch Thái Bưởi còn nhiều dự định như xây nhà máy xay gạo, xây nhà máy nước, nhà máy điện, đường sắt tuy nhiên chưa kịp thực hiện thì qua đời sau một cơn đau tim vào năm 1932 tại Hải Phòng.
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU
ĐẶT SÁCH