Khuôn mẫu thành công bình thường không khớp với người hùng Elon Musk
Elon Musk sinh ra (năm 1971) và lớn lên ở Nam Phi. Năm 18 tuổi anh di cư sang Canada và lấy quốc tịch nước này. Với một bộ não thiên tài, việc học hành của Elon Musk khá dễ dàng, anh chuyển tiếp sinh qua Mỹ và lấy hai bằng đại học ở hai trường đại học danh giá. Năm 1995, ở tuổi 24, Elon Musk chuyển đến California để học tiến sỹ Vật lý ở đại học Stanford. Anh đi học 2 ngày rồi bỏ học để khởi nghiệp ở thung lũng Silicon.
Sự nghiệp giải cứu thế giới của siêu nhân Musk bắt đầu.
Khác với hầu hết các doanh nhân khởi nghiệp khác, Musk rất khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Khi đã thành triệu phú, anh vẫn tham gia các trò thể thao đòi hỏi cực kỳ nhiều thể lực và cả sự liều mạng. Khi là tỷ phú anh vẫn đưa các con của mình đi dự lễ hội của dân độ xe vốn rất bừa, bẩn và bựa.
Lúc ở ngưỡng cửa phá sản, anh vẫn dùng máy bay riêng của mình đi làm từ thiện ở Haiti vào lúc bệnh dịch tả đang hoành hành đất nước này dữ dội. Anh đi các hộp đêm đắt tiền London, uống rượu với những cô gái đẹp nhất thế giới, cùng lúc điều hành vài công ty toàn là khởi nghiệp, làm việc có những lúc tới 23 tiếng đồng hồ một ngày, vẫn dành thời gian chơi với đám tỷ phú công nghệ, mượn nhà của họ cho bạn gái ở nhờ trong lúc bản thân mình sắp vỡ nợ, mượn tiền của họ để trả lương nhân viên khi công ty sắp phá sản, và vẫn tài trợ hàng núi tiền cho cả hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa.
Anh làm tất cả mọi thứ để có thể một ngày nào đó công ty SpaceX của anh chiếm Sao Hỏa làm thuộc địa, biến hành tinh chết ấy thành nơi có thể sống được, rồi đưa loài người lên sống.
Với một người bình thường, Elon Musk quả là dị thường, thậm chí khùng điên ngoại cỡ. Nhưng với một anh hùng đi cứu loài người, sự khùng điên ấy thật là có lý.
Kỹ sư NASA viết gì về Elon Musk
Jim Cantrell, một kỹ sư làm việc cho NASA và làm tư vấn cho các công ty không gian, đã tham gia nhóm thành lập SpaceX cùng Elon Musk. Đến năm 2002, do không tin tưởng vào sự thành công của SpaceX, Jim Cantrell rời công ty.
Trong thời gian ở SpaceX, anh đã tham gia sâu vào quá trình phát triển Falcon 1.
Jim Cantrell viết về Elon Mush như sau:
Làm việc với Elon tôi phát hiện ra một điều, anh ấy bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu, rồi bỏ ra rất nhiều nỗ lực để hiểu mục tiêu ấy là gì và tại sao đấy lại là mục tiêu rõ ràng và đúng đắn. Mục tiêu của Elon, như tôi thấy, không thay đổi gì kể từ ngày anh gọi điện cho tôi vào tháng Tám năm 2001. Tôi vẫn nghe thấy mục tiêu ấy trong những bài phát biểu của Elon.
Mục tiêu của anh ấy là: biến loài người thành một loài sinh vật đa hành tinh, và để thực hiện mục tiêu này việc đầu tiên anh ấy phải làm là giải quyết vấn đề vận tải.
Khi đã có mục tiêu, bước tiếp theo của Elon là học càng nhiều càng tốt về chủ đề mình đang muốn nắm, từ mọi nguồn khả dụng. Elon là cá nhân thông minh nhất mà tôi đã từng làm việc cùng. Tôi không rõ IQ của Elon, nhưng anh ấy rất rất rất thông minh. Và không phải là cái loại thông minh ngẩn ngơ. Anh ấy có một bộ óc ứng dụng thực sự.
Elon nuốt chửng kiến thức và kinh nghiệm của những người xung quanh. Anh mượn tất cả các sách giáo khoa của tôi về động cơ tên lửa, vào cái hồi chúng tôi mới làm việc cùng nhau năm 2001. Chúng tôi cũng thuê tối đa các đồng nghiệp làm việc trong lĩnh vực tàu vũ trụ và tên lửa để tư vấn cho Elon. Hội đó giống như một nhóm cuồng không gian khổng lồ.
Ở thời điểm đó chúng tôi chưa nói về việc tự làm tên lửa, mà chỉ nói về việc phóng tên lửa lên Sao Hỏa bằng tiền chi từ quỹ tư nhân. Sau này tôi mới biết Elon còn nói chuyện với một nhóm khác về việc thiết kế tên lửa và cộng tác với vài dự án ở mức độ thiết kế giàn phóng. Khi thỏa thuận của chúng tôi với người Nga thất bại, Elon quyết định tự làm tên lửa, và đó là “sáng thế” của SpaceX.
Tôi cho rằng Elon thành công không phải vì tầm nhìn của anh ấy lớn lao, không phải vì anh ấy đặc biệt thông minh, không phải vì anh ấy làm việc chăm chỉ quá sức tưởng tượng. Những điều ấy đều đúng. Một điểm khác biệt lớn, làm Elon đứng riêng một chiếu, đó là anh ấy không có khả năng nhìn nhận thất bại. Đơn giản là không có [thất bại] trong cách suy nghĩ của Elon. Anh ấy không thể nuốt được thất bại, và điều này thật đáng nể. Bất kể việc ấy là gì, chống lại hệ thống ngân hàng (Paypal), chống lại toàn bộ ngành công nghiệp vũ trụ (SpaceX), hay chống lại ngành công nghiệp xe hơi (Tesla).
Elon không thể tưởng tượng được KHÔNG thành công, và điều này cuối cùng dẫn anh đến thành công.
Cách thức nhẫn tâm mà Elon dùng để triển khai vốn cũng là một lý do to lớn để tạo ra thành công. Anh ấy ngay lập tức ngửi thấy lối đi đúng của một vấn đề và anh ấy thúc đẩy nhân viên và công ty rất mạnh mẽ để đạt được thành tựu.
Nguồn: 5xublog, GoalCast
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU