fbpx

Thị trường luôn phi lý dù bạn có phải là nhà kinh tế học tài ba John M. Keynes

Nhiều nhà đầu tư chứng khoán phải nếm trái đắng thua lỗ dù đã phân tích chính xác các yếu tố cơ bản. Nhà kinh tế học tài ba John M. Keynes cũng từng phải thở dài ngao ngán khi tài khoản của nhà đầu tư đã “cháy khét lẹt” nhưng thị trường thì vẫn cứ phi lý.

Tài khoản “cháy khét lẹt” nhưng thị trường vẫn cứ phi lý

Khi mới thành danh, nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes tham gia đầu cơ ngoại hối. Sau khi phân tích kỹ càng các yếu tố vĩ mô căn bản, ông quyết định mua vào USD và bán khống tiền các nước Châu Âu. Tin tưởng chắc chắn vào chiến lược của mình, ông “múc mạnh” bằng cách sử dụng đòn bẩy tài chính 10x, tức chỉ với 4.000 bảng Anh tiền tự có ông giao dịch với vị thế lên tới 40.000 bảng.

Nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes
Nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes

Ban đầu, thị trường diễn biến thuận lợi, Keynes lãi trên sổ sách 14.000 bảng. Tuy nhiên về sau thị trường đảo chiều, tài khoản của Keynes bị quét sạch, lệnh ký quỹ gọi tên ông. May sao một người hâm mộ giấu tên cho ông vay 5.000 bảng, cuốn sách kinh tế mới xuất bản bán chạy nên nhà xuất bản đồng ý cho ông vay thêm cho đủ tiền mà nộp vào tài khoản.

Thực tế, các phân tích của Keynes đều hợp lý và đúng đắn, nhưng biến động thị trường không như kỳ vọng ông đành chịu lỗ.

Quá uất ức, Keynes ngửa mặt lên trời mà than, đại ý rằng: “Tài khoản của nhà đầu tư đã “cháy khét lẹt” nhưng thị trường thì vẫn cứ phi lý”. (The market can stay irrational longer than you can stay solvent).

Thực tế nhiều NĐT chứng khoán có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, phân tích kỹ càng các yếu tố triển vọng ngành, cơ cấu vốn, doanh thu, lợi nhuận, tồn kho, phải thu,… nhưng đến khi xuống tiền vẫn lỗ “sấp mặt”.

Đó là bởi thị trường chứng khoán không chỉ có mối quan hệ 2 chiều giữa NĐT và doanh nghiệp mà còn có mối quan hệ đan xen phức tạp giữa hàng nghìn vạn NĐT với nhau. Ai ai cũng muốn đoán ý của người khác để vượt lên “đè đầu cưỡi cổ người” khác, khiến thị trường trở nên phi lý, khó đoán trong ngắn hạn. Và NĐT nào không thể trụ vững trước biến động bất lợi ngắn hạn của thị trường thì cầm chắc thua lỗ – cho dù phân tích yếu tố căn bản dài hạn chính xác.

Đầu tư hiệu quả không chỉ dựa vào khả năng phân tích doanh nghiệp, cổ phiếu mà còn phụ thuộc động thái các NĐT khác. (Minh họa: Chu Toàn).
Đầu tư hiệu quả không chỉ dựa vào khả năng phân tích doanh nghiệp, cổ phiếu mà còn phụ thuộc động thái các NĐT khác. (Minh họa: Chu Toàn).

Một ví dụ khác, gần đây hơn

Những ai đã đọc sách hoặc xem phim “Vụ bán khống để đời” (The Big Short) chắc hẳn còn nhớ nhân vật có thật Tiến sĩ Michael Burry – Quản lý quỹ Scion.

bán khống
Sách The Big Short

Giai đoạn 2005, trong khi cả nước Mỹ đang lạc quan tin tưởng vào đà tăng phi mã của thị trường chứng khoán bảo đảm bằng các khoản vay (MBS) thì Burry qua nghiên cứu tỉ mỉ nhận ra rằng các khoản vay này là nợ dưới chuẩn, thị trường mục ruỗng từ trong chắc chắn sẽ sụp đổ.

Nhận định như vậy nên năm 2005 Burry quyết định bán khống các chứng khoán nợ dưới chuẩn thông qua sản phẩm Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap – CDS). Nếu xảy ra khủng hoảng thì Burry sẽ lãi lớn, còn nếu thị trường vẫn đi lên thì Burry sẽ phải trả phí hàng tháng.

Ngặt nỗi nhà đầu tư khác không nhận ra mối nguy hiểm tiềm tàng của thị trường nên vẫn đổ tiền vào, thị trường tăng điểm liên tiếp 2 năm sau đó khiến Burry phải tốn hàng trăm triệu USD để ký quỹ.

Cuối cùng thực tế đã chứng minh, Burry đúng và ông nhận được khoản lợi nhuận khổng lồ từ vụ bán khống này. Nhưng đâu phải ai cũng đủ sức nộp tiền ký quỹ suốt 2 năm ròng?

Ngay như huyền thoại Warren Buffett cũng không phải lúc nào cũng mua đỉnh, bán đáy. Tháng 9/2018, Buffett bỏ ra 5 tỷ USD để mua cổ phần ưu đãi của ngân hàng Goldman Sachs (lúc đó đang lao đao vì khủng hoảng) và nhận được quyền mua cổ phiếu trong vòng 3 năm với giá 115 USD/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu Goldman Sachs. Nguồn: FactSet.
Diễn biến giá cổ phiếu Goldman Sachs. Nguồn: FactSet.

Tuy vậy ngay cả danh tiếng của Warren Buffett cũng không chặn nổi “sóng thần” của thị trường. Giá cổ phiếu Goldman Sachs tiếp tục lao dốc mất quá nửa giá trị, có lúc chỉ còn 50 USD/cp.

Warren Buffett là người giàu nhất thế giới khi đó nên không có gì phải “xoắn”, vài năm sau ông vẫn lãi hàng tỷ USD từ thương vụ này. Nhưng nếu NĐT nhỏ lẻ nào bắt chước ông mua vào ở vùng giá 115 – 120 USD/cp chắc không sống nổi đến ngày “hái quả ngọt”.

Thị trường chứng khoán nhìn từ trò chơi chọn 100 bức ảnh

Về phần mình, Keynes so sánh đầu tư chuyên nghiệp cũng giống như một trò chơi mà những người chơi phải chọn ra một bức ảnh từ bộ sưu tập 100 bức ảnh. Người chiến thắng là người có lựa chọn giống với đa số người chơi còn lại nhất.

Ở đây, người chơi A không chỉ chọn bức ảnh đẹp nhất theo đánh giá của riêng mình, cũng không chọn bức ảnh mà những người khác cho là đẹp nhất, mà phải chọn bức ảnh mà anh ta nghĩ rằng những người chơi khác sẽ chọn, trong hoàn cảnh những người chơi khác cũng đang suy tính tương tự.

Để mô phỏng thị trường chứng khoán theo ví dụ của Keynes, nhà tâm lý học đầu tư James Montier đã làm một cuộc khảo sát sau:

Ông đề nghị 1.002 nhà đầu tư chứng khoán (là khách hàng của ông) chọn một con số từ 0 đến 100. Người nào chọn con số bằng 2/3 trung bình các số được lựa chọn sẽ là người chiến thắng và nhận phần thưởng là một chai rượu champagne.

Kết quả thu được như sau:

 

Trục ngang là những con số trong phạm vi 0-100, trục dọc là tần suất lựa chọn những con số đó. Nguồn: James Montier.
Trục ngang là những con số trong phạm vi 0-100, trục dọc là tần suất lựa chọn những con số đó. Nguồn: James Montier.

Giả sử tất cả người tham gia cùng chọn con số lớn nhất là 100, khi đó 2/3 giá trị trung bình là 67, đây là đáp án đúng lớn nhất có thể.

Tuy vậy vẫn có khá nhiều người chọn các con số từ 68 đến 100. Đây là những nhà đầu tư thuộc loại “gà” trên thị trường chứng khoán, lao vào mua bán mà không hề suy nghĩ để rồi bị “cáo già vặt lông”.

Hơn 3% số người tham gia chọn 50. Đây cũng là những người suy nghĩ đơn giản, không nghiên cứu nhiều. “Từ 0 đến 100 à? Chọn số giữa 50 đi.”

Nhiều người chọn 33. Đây là những người kỳ vọng kiếm lợi từ sự “ngây thơ” và thiếu suy nghĩ của những người chọn 50 (vì 33 = 2/3 của 50)

Số 22 được nhiều người chọn nhất. Đây là những người có ý định “bắt bài” những người chọn 33 (vì 22 = 2/3 của 33)

Số người chọn 0 cũng rất lớn, gần bằng số người chọn 22. Đây là những người giỏi toán và lý thuyết trò chơi. Họ biết rằng cân bằng Nash (Nash equilibrium) của trò chơi này là 0 (vì 0 = 2/3 của 0) và do vậy về lý thuyết 0 là đáp án đúng.

Tuy nhiên trong trò chơi này cũng như trên thị trường, 0 chỉ là đáp án đúng khi nó được các NĐT khác lựa chọn. Nhiều người biết lý thuyết trò chơi còn khá xa lạ với NĐT nên cố ý chọn đáp án khác đi, nhưng rốt cục vẫn rất gần với 0 – vì không thể gạt bỏ hoàn toàn kiến thức đã biết ra khỏi quá trình ra quyết định.

Ở đây, trung bình các số được chọn là 26, và 2/3 của 26 là 17 – dường như không tuân theo quy luật hay vì lý do cụ thể nào. Thực tế chỉ có 3 người, may mắn hoặc xuất sắc, chọn số 17.

Xem ra câu cửa miệng “Chỉ có 5% nhà đầu tư chứng khoán có lãi” không phải là nói ngoa!

Nguồn: vietnambiz

Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town

(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)

sach-Payback-Time-ngay-doi-no-phil-town

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề