Lí do những tiệm cà phê ở Mỹ không lắp wifi, cấm khách hàng mang theo laptop?
Xã hội ngày càng phát triển, mỗi người đều sở hữu một chiếc smartphone và “sống trọn từng giây phút” với thiết bị này. Thế nhưng, nhiều tiệm cà phê tại Mỹ đã có một bước tiến khá liều lĩnh khi không lắp đặt wifi hay cấm khách hàng mang theo laptop để khuyến khích các giao tiếp và hoạt động ngoài đời thực.
Cũng giống như nhiều tiệm cà phê khác ở Mỹ, Kibbitznest được trang trí bởi những bảng hiệu bắt mắt, những bàn ghế đủ phong cách. Trong một góc nhỏ, nhiều tấm thiệp được bày bán. Trong một góc khác, một lá cờ Mỹ được treo trên trần nhà.
Chỉ có một sự khác biệt: người ta không nhìn thấy một chiếc điện thoại, máy tính bảng hay máy tính cầm tay nào. Thay vào đó, mọi người đứng trò chuyện, thưởng thức rượu, bia trong lúc những đứa trẻ ngồi chơi cùng nhau. Tiệm cà phê với tên gọi Kibbitznest là nơi mà bạn không được phép sử dụng wi-fi. Đây là một trong số nhiều tiệm cà phê không cung cấp internet để khuyến khích khách hàng nói chuyện với nhau.
Đây là điều hiếm thấy ngày nay, khi mà nhiều tiệm cà phê tràn ngập những người lặng lẽ làm việc trên laptop. Hầu hết các chuỗi cà phê lớn như Starbucks và Caffè Nero đều có wi-fi. Điều này biến các tiệm cà phê thành nơi yêu thích của những người làm nghề tự do hoặc những người không có văn phòng tại gia, hoặc không muốn làm việc ở nhà.
Mặc dù thực đơn đa dạng và internet tốc độ cao biến những tiệm cà phê này thành nơi làm việc lý tưởng, cảnh tượng hàng tá người dán mắt vào màn hình máy tính khiến chúng trông giống các văn phòng được thiết kế theo kiểu mở hơn là nơi tụ họp cộng đồng. Đáp lại xu hướng này, Annie Kostiner đã cùng chồng Lewis mở tiệm Kibbitznest để “nâng cao ý thức về sự mất cân đối giữa việc sử dụng công nghệ điện tử và giao tiếp mặt đối mặt”.
Kostiner nói khách hàng của bà cảm thấy thích thú với việc được rời mắt khỏi màn hình. Họ nói họ cảm thấy mừng vì bà đã mở quán cà phê này.
Những tiệm cà phê không sử dụng wifi đã xuất hiện khắp nơi tại Hoa Kỳ, London, Vancouver và những nơi khác. Bạn có thể gọi đây là hiệu ứng của xu hướng dành quá nhiều thời gian cho màn hình điện tử trong khi thiếu đi những tương tác xã hội trong đời sống của chúng ta ngày nay. Theo một báo cáo của Nielsen ra năm 2016, những người trên 18 tuổi tại Mỹ bỏ ra hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho các thiết bị điện tử.
“Người ta cảm thấy chán ngán việc phải nhìn vào điện thoại,” Joshua Mullenax, một khách hàng ban đầu đến Kibbitznest để tìm một góc ngồi làm việc trên máy tính. Khi ông nhận ra rằng nơi này không cung cấp internet, ông vẫn ngồi lại và cho biết ông thích thú với ý tưởng này, dù nó hơi bất tiện.
Những nơi như Kibbitznest được xây dựng dựa trên ý tưởng ban đầu của các tiệm cà phê – là nơi gặp gỡ, thảo luận và tương tác xã hội. Cà phê từng là ‘nơi thứ ba’, sau nhà và công sở, nơi người ta có thể trò chuyện và dành thời gian với bạn bè.
Năm 1989, Ray Oldenburg đã cho ra đời thuật ngữ ‘nơi thứ ba’ trong cuốn sách The Great Good Place của mình. Trong cuốn sách, ông đề cập đến tầm quan trọng của các tiệm cà phê – nơi tụ họp vô cùng cần thiết cho tinh thần của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.
“Nếu thiếu vắng những nơi này,” Oldenburg viết, “con người ta sẽ trở nên cô đơn giữa đám đông. Hậu quả về xã hội của những tiến bộ về công nghệ, đó là con người ta sẽ càng ngày càng xa lánh nhau.”
Jodi Whalen và chồng bà, Phil Merrick, đã chứng kiến hiệu ứng xã hội này tại tiệm cà phê của mình, August First, tại thành phố Burlington, thuộc bang Vermont, Hoa Kỳ. Khách hàng của họ thường bước vào, mở laptop ra và ngồi dán mắt vào màn hình trong nhiều giờ liền.
“Khi khai trương August First, chúng tôi đã không hình dung ra một nơi hoàn toàn yên lặng,” Whalen nói.
Vậy là đến năm 2012, August First ngưng cung cấp wifi và đến năm 2014, khách hàng không còn được phép mang theo laptop. Mặc dù thay đổi này gây khá nhiều căng thẳng trong thời gian đầu và một số khách hàng cũng than phiền qua mạng, thế nhưng cuối cùng tiệm cà phê lại nhận được những phản hồi rất tích cực. Bên cạnh đó, doanh số của họ cũng tăng lên 20% so với chỉ 6% trong năm trước đó.
Thế nhưng thực tế là nhiều người vẫn muốn làm việc thay vì trò chuyện tại các tiệm cà phê. Theo Global Workplace Analytics, số lượng lao động ở Mỹ làm việc tại gia hoặc ở các tiệm cà phê đã tăng lên 103% từ năm 2005. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 3,7 triệu người dành một nửa thời gian làm việc qua mạng. Con số này thậm chí còn chưa bao gồm những người tự kinh doanh, trong đó 22% làm việc từ nhà.
Đây là xu hướng chung trên toàn cầu. Theo một khảo sát của Ipsos/Reuters, cứ nămngười trên thế giới thì có một người làm việc từ nhà. Hình thức làm việc này khá phổ biến ở các nước Mỹ Latin, châu Á và Trung Đông, trong khi ít phổ biến hơn ở các quốc gia như Hungary, Đức, Thuỵ Điển, Pháp, Ý và Canada.
Jeff Excell nghĩ rằng tiệm cà phê là nơi dành cho những trải nghiệm. Ông cùng vợ, Lauren Cully, sở hữu tiệm cà phê Fox in the Snow tại Columbus, Ohio, và họ không bao giờ cung cấp wifi.
Ngày nay, người ta có thể đặt giao tận nơi bất cứ món hàng nào, Excell nói. Sự cô lập chưa bao giờ lại tồn tại nhiều như vậy. Vì vậy, một tiệm cà phê nên là nơi gặp gỡ và trò chuyện. “Tôi muốn mở một shop sống động,” ông nói. “Khi bạn bước vào, nó sẽ cho bạn cảm giác như một buổi sum họp gia đình khổng lồ.”
Excell và Culley đã cố tình thuê những thợ pha chế giỏi pha chuyện. Họ cũng hạ chiều cao của quầy bar để khách hàng không cảm thấy bị ngăn cách. Ngày nay, Fox in the Snow thu hút những thành phần đa dạng của cộng đồng Columbus – từ sinh viên đại học tới các bậc phụ huynh, trẻ em và công chức.
Những nơi cho phép người ta cách ly khỏi công nghệ là điều cần thiết đối với cộng đồng, Excell nói. “Có một điều gì đó linh thiêng về những cuộc trò chuyện thực sự”.
Những nơi ‘tụ tập công chúng phi chính thức’ này là vô cùng quan trọng với xã hội, Oldenburg viết. Nếu không có chúng, khái niệm về cộng đồng sẽ bị lu mờ. Chúng ta là những sinh vật xã hội và cần sự tương tác, và những tiệm cà phê không cung cấp wifi này mang lại điều đó.
Trong những tháng tới, Kibbitznest sẽ chủ trì một loạt các cuộc thảo luận với các giáo sư của Đại học Chicago. Kosstiner đang hy vọng có thể mở một câu lạc bộ sách và cho thuê mặt bằng tiệm cà phê cho các sự kiện khác, tất cả đều nhân danh nỗ lực xây dựng một cộng đồng phi công nghệ. Và điều này vẻ đang phát huy hiệu quả.
“Đối với tôi, đây thực là trái tim của cộng đồng trong thành phố,” Raj Chopra, người đi cùng hai con gái, Nina và Nikki, đến Kibbitznest một vài tuần trước, nói. “Chúng ngồi ở bàn và chơi trò Clue cả buổi tối,” ông nói. “Điều đó thật vô giá.”
Nguồn BBC
Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm
Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn