Michael Milken đầu cơ hay ăn cắp?
Nhà đầu cơ Michael Milken lập nên không ít kỷ lục mà cả mấy thập kỷ sau chưa hề bị phá vỡ, làm rạng danh và rồi ô danh thế giới đầu cơ.
Trong thế giới đầu cơ, cái tên Michael Milken gắn với việc dùng hoạt động đầu cơ để thực hiện một sứ mệnh chính trị tự gán ghép cho mình. Nhà đầu cơ này được coi là một biểu tượng của tham vọng và ảo tưởng không giới hạn trong kinh doanh. Với phát kiến của mình, con người này đã làm khuynh đảo thị trường suốt thời gian dài, được tán dương như một thiên tài nhưng đồng thời cũng bị miệt thị là một kẻ cắp.
Bước ngoặt tạo nên “dân chủ hóa tư bản”
Nói đến Michael Milken không thể không nghĩ đến và đề cập đến những khái niệm như junk bond (trái phiếu rác), thâu tóm công ty bằng tiền của kẻ khác và sử dụng thông tin nội bộ trong kinh doanh chứng khoán, nhưng đồng thời cũng liên hệ ngay đến một trong những vụ bê bối nhất ở Phố Wall. Nghệ thuật thứ Bảy đã đưa câu chuyện đời thật của Michael Milken vào màn bạc và minh tinh Hollywood Michael Douglas nhờ nhập vai chính mà nhận được giải Oscar và Quả cầu vàng.
Michael Milken sinh ra trong gia đình không phải diện trâm anh thế phiệt, nhưng cũng gia giáo và khá giả. Chàng thanh niên này có lẽ cũng sẽ như đa số những chàng thanh niên da trắng khác ở Mỹ nếu như không có sự việc xảy ra ngày 11/8/1965 ở Los Angeles. Đó là ngày người da đen ở khu Watts trong thành phố này nổi loạn chống áp bức và phân biệt chủng tộc. Cuộc đụng độ với người da trắng và cảnh sát đã khiến 34 người thiệt mạng. Michael mò đến tận nơi để tìm hiểu xem tại sao những người công nhân da đen lại đập phá và hủy hoại chính nhà máy, công xưởng đã đem lại cho họ công ăn việc làm.
Câu trả lời mà Michael nhận được là: xí nghiệp thuộc về người da trắng và người da đen không bao giờ có cơ hội tự lập nghiệp vì chẳng ai cho người da đen vay tiền cả. Về sau Michael thổ lộ: “Sự việc này là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời tôi”. Cũng đúng thôi, vì từ sự nhận thức đó mà Michael giác ngộ ra sứ mệnh của riêng mình – cung cấp tín dụng. Michael gọi đó là “dân chủ hóa tư bản”. 20 năm sau, Michael là người cho vay tín dụng nhiều nhất nước Mỹ.
Sau những gì mắt thấy tai nghe ở Los Angeles, Michael bỏ học toán chuyển sang học kinh tế ở Trường Đại học Tổng hợp Berkeley để thực hiện dự định của mình. Nhưng phải đến khi chuyển sang học ở Trường Đại học Tổng hợp Wharton ở Philadelphia thì Michael mới tìm ra hướng đi rõ ràng. Tại đây, Michael tình cờ có được một công trình nghiên cứu của một nhà kinh tế không nổi danh cho lắm là Braddock Hickman. Kết luận quan trọng nhất của Hickman mà Milken học được từ đó là: những trái phiếu bị đánh giá thấp đem lại lợi tức cao hơn những trái phiếu được đánh giá cao và mức độ rủi ro không trả được nợ ở các công ty bị xếp hạng tín nhiệm thấp không hẳn mà thậm chí còn thấp hơn nhiều so với đánh giá của các công ty xếp hạng tín nhiệm. Milken đến với thế giới đầu cơ cũng với nhận thức đó: nếu đầu cơ vào những loại trái phiếu ấy thì sẽ có lãi hơn nhiều so với đầu cơ vào các loại trái phiếu được đánh giá cao.
Nổi tiếng và tai tiếng
Milken đầu quân cho công ty Drexel Burnham với quyết tâm thực hiện sứ mệnh tự nhận về mình bằng cách đầu cơ vào những loại trái phiếu nói trên – giới tài chính gọi đó là junk bond, một loại trái phiếu có độ rủi ro thanh toán cao. Vì rủi ro thanh toán cao và độ tin cậy thấp nên loại trái phiếu này có rất nhiều, nhưng người mua lại ít, kể cả các nhà đầu cơ cũng rất ngần ngại. Milken cho rằng đó không chỉ là khe hở trên thị trường, mà còn là cơ hội, phát hiện cho chính mình. Nếu tạo nên được một thị trường riêng cho loại trái phiếu này thì khả năng kinh doanh thật vô tận, không cần đến tiền tươi và tiền thật, mà có thể sử dụng tiền ảo và nhờ đó thành lập cả những công ty mà chẳng cần đến một chút vốn thật nào cả. Đầu cơ bằng tiền của mình đã giỏi, bằng tiền của kẻ khác còn giỏi hơn, nhưng theo Milken thì không cần tiền mà vẫn đầu cơ được thì mới là giỏi nhất. Junk bond là tiền mà cũng chẳng phải là tiền đối với Milken, nhưng là vũ khí để Milken thực hiện sứ mệnh “dân chủ hóa tư bản”.
Để tạo dựng thị trường riêng cho junk bond, Milken phải giải quyết 2 khó khăn lớn. Khó khăn thứ nhất là tiền. Phải vận động và thuyết phục được những người có tiền và muốn đầu tư vào junk bond. Có gây dựng được thị trường junk bond thì về sau Milken mới có thể tự tạo ra junk bond. Cho nên Milken đi khắp nước Mỹ thuyết trình và thuyết phục để vận động và cổ súy cho junk bond. Khó khăn thứ hai là hạ thấp uy tín của các công ty xếp hạng tín nhiệm. Một khi làm lay chuyển được sự tin cậy và tín nhiệm của công chúng vào chính những công ty xếp hạng tín nhiệm này thì sẽ reo rắc được nghi ngờ về đánh giá, xếp hạng các loại junk bond của họ. Có như vậy thì việc mua bán junk bond sẽ dễ dàng và phổ biến hơn. Lập luận sắc bén nhất của Milken là các công ty xếp hạng tín nhiệm dựa vào kết quả kinh doanh trong quá khứ để đánh giá doanh nghiệp, như vậy có nghĩa là nhìn về phía sau chứ không phải nhìn về phía trước. Thiếu gì doanh nghiệp hiện khó khăn nhưng rồi nay mai sẽ thuận lợi, hiện còn chưa đâu vào đâu nhưng tiền đồ lại rất tươi sáng. Vấn đề chính là phải cung cấp vốn cho họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn. Junk bond sẽ làm được việc ấy.
Milken được thế giới đầu cơ coi là thiên tài vì khả năng thuyết phục ấy. Trong thời gian không dài, Milken gây dựng nên được cả một đế chế junk bond trị giá 200 tỷ USD. Một phần ba tổng số giao dịch về junk bond trên toàn thị trường nằm trong tay Milken. Bước tiếp theo trong chiến lược đầu cơ của Milken là dùng junk bond để thâu tóm công ty. Cách làm thật ra cũng rất đơn giản: để thâu tóm một công ty nào đấy Milken tập hợp một vài công ty rồi thành lập ra một công ty mới mà không cần vốn. Công ty mới này phát hành trái phiếu junk bond. Milken bán số junk bond này đi lấy tiền để thâu tóm công ty kia.
Nếu việc thâu tóm thành công thì giá trị của công ty kia trang trải cho giá trị của junk bond. Nếu việc thâu tóm thất bại, công ty nói trên tuyên bố phá sản và những chi phí hành chính cho vụ phá sản cũng đâu có nhiều. Thập niên 80 được coi là thời hoàng kim của junk bond và thâu tóm công ty nhờ junk bond, hay còn được gọi là dùng tiền người ngoài để thâu tóm công ty. Milken đạt đến đỉnh cao của vinh quang khi thấy sứ mệnh tự nhận đã được thực hiện, danh nổi như cồn ở Wall Street và trong thế giới đầu cơ.
Nhưng rồi cuộc chơi của Milken cũng đến hồi kết. Đầu thập kỷ 90, junk bond bắt đầu mất thiêng và Milken dính líu vào vụ bê bối sử dụng thông tin nội bộ. Không phải ai khác ngoài Ivan Boesky, người xưa từng cộng tác và giờ tố giác Milken. Năm 1990, Milken bị tuyên án 10 năm tù và nộp 1 tỷ USD tiền phạt, cấm vĩnh viễn tham gia kinh doanh chứng khoán. Năm 1993, Milken được ra tù, bị ung thư và từ đó chuyên tâm vào cuộc chiến chống căn bệnh nan y này. Người hùng một thời của thế giới đầu cơ đã rửa tay gác kiếm mà vẫn bị người đời gọi là kẻ ăn cắp tiền của người khác.
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp