Stephen King: quá khứ nghiện rượu và chất cấm của ông hoàng tiểu thuyết kinh dị Mỹ
Trải qua thời thơ ấu không êm đẹp, luôn chếnh choáng trong men rượu và chất cấm để tìm cảm hứng sáng tác, nhưng không ai có thể phủ nhận sự kỷ luật và niềm đam mê cháy bỏng Stephen King dành cho văn học kinh dị, cũng như đóng góp của ông đối với văn học thế giới. Để thành công mỗi người đều phải trả giá (dù đắt hay rẻ), cái giá mà đại tác gia nhận được có phải là tương xứng với thành công mà ông nắm giữ? Nhưng dẫu sao, may mắn là ông đã thoát khỏi bế tắc từ việc nghiện rượu, chất cấm và sống lại cuộc sống bình thường.
Nói đến thể loại văn học kinh dị, có lẽ không ai là không biết đến Stephen King, ông vua của thể loại này. Với hơn 350 triệu đầu sách được bán ra trên toàn thế giới với vô vàn giải thưởng lớn như National Medal of Art, British Fantasy Society Award… Stephen King đã trở thành ông hoàng sách kinh dị cũng như của các tác phẩm chuyển thể.
Trong suốt 50 năm cống hiến cho ngành văn học thế giới, Stephen King đã nhận được 3 giải thành tựu trọn đời cũng như được cựu Tổng thống Barack Obama trao tặng Huân chương quốc gia vì nghệ thuật vào năm 2015.
Những ấn phẩm của King không chỉ đem lại nỗi sợ hãi cá nhân cho người đọc mà còn xây dựng nên cả một nền văn hóa kinh dị cho thế giới. Ông là tác giả duy nhất có hơn 30 cuốn sách từng đứng đầu trong danh sách bán chạy nhất thế giới và cũng là người định nghĩa lại 3 cảm xúc chính trong mảng kinh dị là Kinh hoàng (Terror), Ghê rợn (Horror) và Khiếp sợ (Revulsion).
Quan điểm người sáng tác có thể điều khiển tâm trí độc giả để tạo ra những cảm xúc sợ hãi khiến các tác phẩm của ông luôn thu hút được người đọc. Thậm chí số lượng tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen còn nhiều hơn số tiểu thuyết mà ông viết.
Những vết hằn thời thơ ấu
Stephen King sinh ra vào năm 1947 tại Maine – Mỹ và có một tuổi thơ cực khổ khi người cha rời bỏ gia đình lúc ông mới được 2 tuổi, để mặc người vợ vất vả nuôi 2 đứa con.
Do người mẹ của King là một phụ nữ sùng đạo Thiên Chúa nên bản thân ông được nuôi dạy khá khắt khe, giống với tác phẩm đầu tay Carrie về một cô bé sống khép kín bởi người mẹ sùng đạo. Vào thời gian này, Stephen King chịu một cú sốc lớn khi chứng kiến trực tiếp một người bạn bị tàu hỏa đâm. Khi trở về nhà, cậu bé King trở nên lầm lì ít nói và đây được cho là một trong những yếu tố khiến các tác phẩm của ông trở nên đen tối, u ám.
Khi còn là sinh viên, King đã sáng tác khá nhiều tác phẩm. Tuy nhiên đến tận khi đã tốt nghiệp, ông vẫn chỉ là một nhà văn vô danh, thậm chí không có đủ tiền đóng phạt khi vi phạm luật giao thông.
Năm 1971, King cưới Tabitha Spruce và bắt đầu sự nghiệp làm giáo viên ở Maine. Trong thời gian này ông vẫn sáng tác nhưng sự nghiệp văn chương có vẻ đi xuống bởi ông mắc chứng nghiện rượu. Vào năm 1973, tác phẩm Carrie của ông được Dublepay nhận xuất bản và chính đứa con tinh thần này đã giúp King kiếm được 402.500 USD, qua đó thúc đẩy ông trên con đường nghệ thuật.
Điều thú vị là tác phẩm Carrie bị chính King vứt vào thùng tác cho đến khi người vợ Tabitha phát hiện ra, đồng thời yêu cầu ông hoàn thiện nốt cuốn tiểu thuyết. Có lẽ cuộc đời King làm điều đúng đắn nhất là khi cưới Tabitha bởi chính bà là người đã lo toan cho gia đình để King sáng tác. Bà cũng là người không đồng ý King tìm công việc có mức lương cao để có thời gian theo đuổi văn học.
Sau thành công của Carrie, Stephen King tiếp tục gặt hái được nhiều danh tiếng với hàng loạt các tác phẩm ăn khách. Đến năm 1980, ông đã trở thành tiểu thuyết gia có tiếng với rất nhiều giải thưởng cũng như lợi nhuận từ các ấn phẩm.
Cái giá của thành công và định nghĩa về tài năng
Dẫu vậy, thành công cũng khiến King lâm vào tình trạng nghiện rượu cùng các chất kích thích nhằm tìm cảm hứng sáng tác. Thậm chí ông từng cho biết bản thân không nhận ra đã hoàn thành tác phẩm Cujo được giải thưởng British Fantasy vào năm 1982 thế nào bởi đó là quãng thời gian ngập trong men rượu cùng chất cấm.
Gia đình của King mà đặc biệt là người vợ Tabitha đã phải rất nỗ lực ngăn cấm ông với chất gây nghiện trong nhiều năm mới cải biến được tình hình tồi tệ này. Tuy vậy khó khăn lại đến với King vào năm 1999 khi ông gặp tai nạn giao thông và tổn thương nghiêm trọng toàn bộ thân bên phải. Các bác sĩ chẩn đoán ông khó có thể ngồi đàng hoàng và thậm chí không còn khả năng đi lại.
Bất chấp điều đó, Stephen King vẫn viết sách, giảng dạy và tham gia diễn đàn văn học. Đối với ông, viết văn cũng như hít thở không khí. Ông thường đặt mục tiêu viết 2.000 từ mỗi ngày và sẽ không dừng lại nếu chưa đạt được thành quả.
“Hãy đọc hoặc viết trong 4-6 tiếng mỗi ngày. Nếu bạn không có thời gian để làm điều đó thì bạn đừng mong trở thành một cây viết giỏi”, ông nói.
Khi được hỏi định nghĩa về tài năng, quan điểm của King cũng vô cùng đơn giản: “Nếu bạn viết được thứ gì đó khiến mọi người mua và dùng số tiền đó để thanh toán được các hóa đơn lặt vặt, tôi sẽ công nhận rằng bạn có tài năng viết lách.”
Nguồn: Kênh 14
Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm
Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn