Giải ngố về IPO và những điều cần biết
IPO (Initial Public Offering) là tên viết tắt cho thuật ngữ Phát hành lần đầu ra công chúng. Đây là thuật ngữ giải nghĩa cho hành động chào bán chứng khoán, tung cổ phiếu lên sàn lần đầu tiên cho công chúng. Có thể nói IPO là một trong những việc làm quan trọng và cần thiết khi một Công ty Cổ phần mong muốn đưa cổ phiếu của Công ty lên sàn.
1. Giải nghĩa IPO là gì?
Như đã nhắc đến, IPO hoạt động phát hành cổ phiếu hay niêm yết cổ phiếu ra thị trường mở lần đầu tiên để doanh nghiệp có thể huy động thêm vốn cho các hoạt động kinh doanh. Việc huy động vốn có thể là phát hành nợ hoặc cổ phần bằng cách bán cổ phiếu Công ty trên sàn chứng khoán. Chỉ lần phát hành cổ phiếu đầu tiên mới được gọi là IPO. Vậy IPO có ý nghĩa gì? Đầu tiên, chúng ta cần tìm hiểu mối quan hệ giữa IPO và 2 loại hình Công ty chính hiện nay là: Công ty tư nhân và Công ty đại chúng.
Công ty tư nhân
Là loại hình Công ty có ít hoặc không có cổ đông, chỉ có 1 chủ sở hữu chính và không lộ quá nhiều về cấu thành vốn, cổ phần của các cổ đông trong Công ty. Do vậy các Công ty tư nhân hiện nay đều là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có nguồn vốn thấp, kinh doanh trong phạm vi hẹp. Theo luật pháp nước ta, một cá nhân khi có một số tiền đủ để điều hành một hoạt động kinh doanh thì có thể nộp đơn xin giấy phép kinh doanh và thành lập Công ty cũng như thực hiện báo cáo thường niên, nộp thuế thu nhập định kì cho Nhà nước.
Đối với loại hình Công ty này, khi muốn sở hữu một lượng Cổ phần bạn có thể liên hệ, tiếp cận người chủ sỡ hữu và ngỏ ý muốn góp vốn, thông qua mục đích hỗ trợ đầu tư.
Công ty đại chúng
Ngược lại với Công ty tư nhân, Công ty đại chúng là những doanh nghiệp đã có ít nhất một phần vốn đã bán cho công chứng thông qua các giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Nếu số cổ đông trong Công ty tư nhân rất hạn chế hoặc hầu như không có, thì công ty đại chúng lại trao cho cổ đông số lượng lớn cổ phần. Chính vì điều này, các Công ty đại chúng thường có giá trị vốn rất lớn, phạm vi kinh doanh rộng và xây dựng rất nhiều nguyên tắc, quy định nghiêm ngặt trong việc phân chia lợi nhuận. Các Công ty đại chúng đều cần có một Ban quản trị để cùng đưa ra những quyết định, kiến nghị thay đổi, thúc đẩy Công ty cũng như theo dõi báo cáo thông tin tài chính thường xuyên.
Sau khi đưa vào hình thức cổ phần hóa, những Công ty đại chúng này sẽ bắt đầu đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch, công bố rộng rãi trên thị trường mở như một loại hàng hóa phổ biến để bất cứ ai cũng có khả năng đầu tư vào công ty thông qua số lượng cổ phiếu mua vào. Những Công ty này đều được quản lý các hoạt động mua bán cổ phần, cổ phiếu thông qua Ủy Ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch, tại Mỹ bộ phận này được gọi là SEC.
2. Lý do thực hiện IPO
Có thể nói gia tăng nguồn vốn cho Công ty luôn là việc làm cần thiết để các Công ty có thể mở rộng phạm vi hoạt động và phát triển hoạt động kinh doanh, đẩy nhanh nguồn thu một cách hiệu quả hơn. Phát hành, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ làm gia tăng đáng kể lượng tiền mặt, lượng vốn và mở ra nhiều cơ hội tài chính cho các doanh nghiệp.
Từ sau khi quyết định thực IPO, mỗi khi thị trường có nhu cầu các Công ty này sẽ phát hành thêm cổ phiếu. Đây cũng là hình thức mà các Công ty lớn sáp nhập, mua lại các Công ty nhỏ lẻ bằng việc tận dụng mua bán cổ phiếu trên thị trường. Hình thức cổ phần hóa cũng giúp nhân viên trong Công ty có thể có được một lượng cổ phần nhất định từ công ty.
3. Điều kiện và thủ tục đăng ký để chào bán cổ phiếu
Không phải Công ty nào cũng có thể đưa cổ phiếu ra thị trường mở lần đầu được mà cần đảm bảo có nguồn vốn tài chính ổn định, có uy tín, danh tiếng trong lĩnh vực kinh doanh nhất định. Tuy vậy việc đưa cổ phần lên sàn chứng khoán cũng không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi Công ty có những chiến lược cụ thể khi đưa ra một trong những quyết định có thể thay đổi toàn bộ bộ máy vận hành của Công ty.
Doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện:
– Có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký từ 10 tỷ VNĐ trở lên dựa trên những giá trị trên sổ kế toán.
– Hoạt động kinh doanh năm trước năm đăng ký chào bán cổ phiếu cần có lãi, không có lỗ cho đến năm đăng ký đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
– Đưa ra phương án phát hành, sử dụng vốn thu từ đợt chào bán và được Hội đồng quản trị thông qua.
Một số loại hình Công ty đặc biệt cần có:
– Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước muốn chuyển đổi thành Công ty Cổ phần kết hợp, muốn chào bán cổ phiếu cần thực hiện các bước đăng ký, chuyển đổi loại hình công ty thành công ty cổ phần theo pháp luật Nhà Nước.
– Doanh nghiệp mới thuộc các lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
- Cần làm chủ ít nhất 1 dự án đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thuộc đề án phát triển kinh tế – xã hội của các bộ, ngành.
- Có dự án đầu tư được cấp thẩm quyền.
- Cam kết Hội đồng quản trị, các cổ đông chịu trách nhiệm với các phương án phát hành cổ phiếu, phương án sử dụng vốn thu.
- Được bảo lãnh phát hành bởi các tổ chức tài chính, chứng khoán.
- Các đợt chào bán, sử dụng vốn cần được ngân hàng kiểm soát.
– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
- Đăng ký chuyển thành công ty cổ phần.
- Đăng ký chào bán cổ phiếu ra thị trường mở cho công chúng được biết.
- Thiết lập hồ sơ chào bán cổ phiếu thông qua tư vấn của các Công ty chứng khoán.
- Tiến hành xây dựng kế hoạch, phương án sử dụng vốn thu từ các đợt chào bán và cần đảm bảo được thông qua bởi Hội đồng quản trị.
– Những Công ty có vốn nước ngoài đã chuyển đổi thành cổ phần có thể lập hồ sơ chào bán cổ phiếu ngay lập tức.
Thủ tục xin phát hành cổ phiếu:
Các Công ty, doanh nghiệp cần thực hiện hồ sơ xin đăng ký phát hành cổ phiếu cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt. Gồm các giấy tờ:
– Đơn xin phát hành.
– Bản sao công chứng giấy phép thành lập.
– Bản sao công chứng giấy đăng kí kinh doanh.
– Điều lệ Công ty.
– Nghị quyết của Đại hội cổ đông chấp thuận phát hành cổ phiếu mới.
– Bản cáo bạch chi tiết tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của Công ty trong 2 năm gần nhất.
4. Phương thức chào bán IPO
Dựa trên luật chứng khoán, hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ được phép thực hiện thông qua các phương thức:
– Các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm báo đài, vô tuyến, Internet…
– Đấu giá kiểu Hà Lan.
– Bảo lãnh cam kết.
– Dịch vụ với trách nhiệm cao nhất.
– Mua buôn và chào bán lại.
– Tự phát hành.
5. Rủi ro của IPO
Theo các chuyên gia nhận định, việc phát hành cổ phiếu chính thức giúp Công ty gia tăng được nguồn vốn đáng kể. Tuy vậy chi phí để đưa cổ phiếu Công ty lên sàn cũng rất cao, phương án sai sót có thể khiến người đứng đầu Công ty bị mất quyền điều hành, kiểm soát kinh doanh.
– CEO, CFO, các thành viên Ban Giám Đốc cần chịu trách nhiệm nhiều hơn cho những bước đi của Công ty, đảm bảo hiểu rõ các quy định, luật pháp Chính Phủ ban hành.
– Các chi phí hành chính, thủ tục kế toán sẽ tăng lên 3-4 lần khi được niêm yết trên sàn chứng khoán. Việc phát sinh chi phí cần đảm bảo kiểm soát trước khi ảnh hưởng đến nguồn thu của Công ty.
– Các hoạt động mua bán cổ phiếu của Công ty được bị tác động, ảnh hưởng và phải thay đổi liên tục theo các chính sách của Chính Phủ, gây ra những bất lợi trong việc tính toán hướng phát triển.
– Thường xuyên phải công bố các tình hình hoạt động của các Công ty tài chính cho các cổ đông, xã hội.
– Luôn bị áp lực phải duy trì tốc độ tăng trưởng.
– Có nguy cơ dễ dàng bị mất quyền kiểm soát, mọi quyết định cần có sự chấp thuận của Hội đồng quản trị.
Có thể thấy IPO chính là một trong những hoạt động quan trọng của các Công ty trong quá trình chuyển đổi, cổ phần hóa và mở rộng phạm vi Công ty, đòi hỏi có sự nghiên cứu kĩ lưỡng và thống nhất từ Ban Giám đốc để có được những chính sách tốt nhất.
Nguồn: taichinh.online
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live