Châu Tinh Trì sống lập dị mặc người đời khen chê
Châu Tinh Trì từng so sánh cuộc đời mình giống như anh chàng Thiên Cừu trong Vua hài kịch. Một diễn viên xuất thân bần hàn, chuyên đóng vai phụ nỗ lực từng ngày trở thành diễn viên chân chính. Dù đa tài,nhưng anh cũng “lắm tật” và bị bạn bè, người yêu “cạch mặt”. Sống một cuộc đời cô độc, chỉ sống và sáng tạo nghệ thuật.
Vua hài Châu Tinh Trì sinh năm 1962 tại khu phố nghèo ở Cửu Long, Hong Kong. Cha là người Chiết Giang, mẹ tên Lăng Bảo Nhi gốc Quảng Đông. Gia đình bên ngoại bị xếp vào thành phần phản cách mạng, phải chạy trốn khắp nơi. Khi đến Hong Kong, họ sống trong cảnh nghèo đói.
Học cách lớn nhanh so với tuổi
Cái nghèo sinh ra mâu thuẫn của bậc cha mẹ, ở đó những đứa con đắm chìm trong nước mắt. “Tôi không có tuổi thơ thật sự. Từ năm 3 tuổi, tôi thấy cha đánh mẹ mỗi ngày. Từ ngày đó, tôi đã hiểu mình cần phải lớn thật nhanh”, Châu Tinh Trì nói.
Năm 7 tuổi, Châu Tinh Trì chứng kiến cảnh cha mẹ ly hôn. Mẹ anh chịu trách nhiệm nuôi các con. Tháng ngày sau đó là quãng thời gian đói ăn, kém mặc. Anh từng nói: “Món ăn ngon nhất trên đời với tôi là cơm chan dầu. Còn mẹ tôi, bà chỉ được ăn dưa muối qua bữa. Có đồ ăn gì đều để hết cho chị em tôi”.
Thương mẹ, có lần Châu Tinh Trì cố tình làm rơi miếng đùi gà xuống đất. Anh chịu để mẹ trách mắng rồi rơi nước mắt khi thấy bà ăn miếng thịt dính đầy bụi bẩn. Năm 2011, khi mẹ nhắc lại kỷ niệm này trên truyền hình, Châu Tinh Trì quay sang bà: “Con đã nghĩ chỉ có cách đó mới khiến mẹ được ăn đùi gà”.
Ký ức này đã theo Châu Tinh Trì trong từng tác phẩm. Thế nên người xem không nên bất ngờ khi phim có cảnh các nhân vật ăn ngấu nghiến món đùi gà. Xem phim, khán giả có thể cười nhưng họ không biết phía sau đó là câu chuyện đầy nước mắt.
Châu Tinh Trì kể thời đi học chỉ chú ý môn văn, các môn còn lại kết quả rất thấp. Không học hành, anh theo bà ngoại bán hàng vỉa hè. Ngồi xổm trên đường phố nhìn người qua lại một cách thinh lặng, cậu bé họ Châu năm xưa đã nhìn thấy những biểu cảm khác nhau trong dòng người.
“Tôi cảm thấy ai cũng có câu chuyện riêng của chính họ. Chỉ là chúng ta có thấu hiểu hộ không”, anh kể. Giấc mơ làm diễn viên đến với Châu Tinh Trì khi anh vừa tròn 9 tuổi.
“Tôi đã khóc khi xem phim của Lý Tiểu Long. Tôi muốn trở thành Lý Tiểu Long và vì Lý Tiểu Long, tôi tự nói chắc chắn sẽ trở thành vua võ thuật, diễn viên chân chính”. Cứ như một duyên phận, Châu Tinh Trì bước chân vào con đường giải trí.
Anh thành công rất sớm. Từ năm 1992, phim với sự góp mặt của Châu Tinh Trì thường có tên trong top các bom tấn ăn khách nhất Hong Kong. Từ Tân lộc đỉnh ký đến Đại thoại Tây du và Quốc sản 007 đều thu về hàng triệu USD doanh thu phòng vé.
Cột mốc để đời của Châu Tinh Trì là Tuyệt đỉnh Kung Fu. Ra mắt vào năm 2004, phim thu về hơn 100 triệu USD, là tác phẩm nước ngoài có doanh thu cao nhất Bắc Mỹ trong năm. Phim còn được đề cử tại Quả cầu vàng và BAFTA.
Tuyệt đỉnh Kung Fu cũng là siêu phẩm giới thiệu nhiều vai trò mới của Châu Tinh Trì. Ngoài vị trí diễn viên chính, anh còn là nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch kiêm nhà soạn nhạc.
Sau năm 2008, Châu Tinh Trì không tham gia diễn xuất, chuyển hẳn sang nghiệp sản xuất và đạo diễn. Tác phẩm doanh thu cao nhất do anh đứng ra thực hiện gần đây là Mỹ nhân ngư, thu về 550 triệu USD.
Nhiều năm sau này, lý giải về sự thành công, Châu Tinh Trì nói: “Vì sao tôi kiên trì đến vậy? Vì nhớ về năm tháng cũ”.
Biến hèn mọn thành vĩ đại
Có người hỏi Trung Quốc bao la rộng lớn đến vậy, nghệ sĩ làm hài nhiều vô số, tại sao Châu Tinh Trì được gọi là kinh điển. Câu trả lời thực ra rất đơn giản: “Trung Quốc chỉ có một Châu Tinh Trì”.
Thành Long làm phim hài dựa vào võ công, đánh lăn lộn để tạo tiếng cười. Đạo diễn Vương Tinh tìm tới vấn đề tiêu cực để ép cười. Nhưng Châu Tinh Trì lại thích khám phá cái lạ.
Đại thoại Tây du có lời thoại:
– Thích một người cần lý do sao? – Không cần lý do sao? – Cần lý do.
Ba câu thoại tưởng có mà như không, giống trêu tức khán giả. Nhưng đó lại là phong cách Châu Tinh Trì – vận dụng khéo léo những đoạn đối thoại tiết tấu nhanh, logic xung đột ép người xem phải phán đoán để rồi bật cười.
Cái hay nữa của phim Châu Tinh Trì là sự khoa trương, lối hài thậm xưng lồng trong sự tự nhiên. Nhân vật chính thường được bình thường hóa đến mức cùng cực.
Bạn khó có thể tìm thấy một anh hùng chuẩn soái ca trong phim. Thay vào đó là sự xuất hiện của những kẻ bất thường về hành vi, ngây thơ đến khó hiểu.
“Châu Tinh Trì lợi dụng những nhân vật đáy cùng xã hội để tạo nên âm hưởng cộng sinh”, nhà phê bình Ngô Dương nhận định.
Mạc Văn Úy cũng đánh giá: “Hài của Châu Tinh Trì không chỉ là hài kịch mà còn mang theo đó triết lý cùng nước mắt”. Nếu như ngành phim có dòng nghiêm chỉnh, chắc chắn Châu Tinh Trì thuộc thể loại thứ hai – phim tùy hứng. Mà ở đó, anh là thiên tài.
Nhưng phim của anh cho khán giả hiểu thế nào là phấn đấu, là yêu và thiện lương. Mỗi tác phẩm đều mang theo đó một phần câu chuyện của chính tác giả. Ví như trong Đại thoại Tây du, lời thoại được lặp lại nhiều lần là: “Tên này giống như một con chó”.
Hiếm ai biết rằng đây là lời Lý Tu Hiền mắng Châu Tinh Trì giữa trường quay khi mới khởi nghiệp. Lúc đó, Lý Tu Hiền chỉ thẳng mặt bạn và nói: “Diễn xuất cũng không phải chuyện gì tốn sức lực vậy mà cậu diễn chẳng khác gì một con chó”.
Năm 1988, khi bước lên nhận giải Kim Mã, Châu Tinh Trì không quên cảm ơn người cũ: “Cảm ơn Lý Tu Hiền, tôi sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa”. Đến với Đội bóng Thiếu Lâm, khán giả nhớ như in lời thoại “làm người không có mộng tưởng, so với cá chết ướp muối có gì khác nhau”.
Vua hài kịch cũng là câu chuyện như viết riêng dành cho Châu Tinh Trì – diễn viên đi lên từ vai quần chúng. “Các bạn nói tôi chọc cười khán giả, tôi gọi phim của mình là cười trong nước mắt. Với những ai đó không chịu hiểu, tôi cũng không thích nhiều lời. Mọi người trên thế giới này vốn dĩ đã khác nhau về đẳng cấp”, anh tâm sự.
EQ của người 5 tuổi và 100 tuổi
Bạn bè nói Châu Tinh Trì là thiên tài nhưng cũng là kẻ bất thường. Anh bị dè bỉu là “tâm thần phân liệt”, tính cách trên phim và ngoài đời khác nhau hoàn toàn. Trên phim, Châu Tinh Trì thường vào vai những kẻ nói nhanh, quyết định vội vàng.
Ngoài đời, anh chậm rãi, làm việc gì cũng từ tốn khiến người đối diện phải sốt ruột. “Tôi hay bị xấu hổ. Tôi không phải mẫu người thích nói lớn để gây chú ý. Gặp ai đó bên ngoài, tôi thích nghe họ nói chuyện. Còn nếu cầm kịch bản trên tay, tôi biến thành nhân vật, sẵn sàng trở thành trò đùa cho thiên hạ. Nhưng đời thực, tôi không làm được”, anh tự miêu tả về bản thân.
Đàn ông ở tuổi U60 đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời, trưởng thành và già dặn. Vậy mà Châu Tinh Trì vẫn đang sống trong thế giới riêng của mình, vẫn ngông nghênh. Anh thường xuyên biến mất khỏi showbiz, chỉ xuất hiện khi ra mắt tác phẩm mới.
Truyền thông và khán giả khó liên lạc với Châu Tinh Trì. Anh ghét phỏng vấn, dửng dưng trước mọi tiếng chê bai. Nếu có ai đó tình cờ gặp Châu Tinh Trì ngoài đời, họ cũng không thể nhận ra rằng người đàn ông mái tóc bạc trắng, sẵn sàng gói thức ăn thừa về nhà là ngôi sao hàng đầu.
Có người phân tích nhân vật Thành đại nhân của Đặng Siêu trong Mỹ nhân ngư là hình ảnh thu nhỏ của tài tử họ Châu. Thành đại nhân vốn là một đứa trẻ đơn thuần nhưng luôn tỏ ra ghê gớm vì xã hội phức tạp.
“Tôi không có hành trình trưởng thành mà chỉ có hai con người tồn tại song song. Đó là một cậu bé Châu Tinh Trì 5 tuổi và một ông già 100 tuổi. Có thể bạn không tin, nhưng tôi vẫn kỳ vọng vào kết cục những câu chuyện cổ tích”, anh khẳng định.
Châu Tinh Trì ít nói về thị phi, có chăng là cách trả lời cho qua trên tờ Nam Đô: “Không thích nói nhiều, chỉ muốn chuyên tâm làm phim. Tôi không quay phim, khán giả sẽ còn nhớ đến tôi sao? Tiếc là những năm gần đây, phim của tôi ngày càng ít. Thật lòng, tôi hiểu mình đã già rồi”.
Ở tuổi 55 đơn độc trong cuộc sống thường nhật, Châu Tinh Trì thừa nhận nếu có thể làm lại sẽ không bị cuốn vào công việc đến thế. “Một ngày, tôi chợt giật mình nhận ra mình đã ngoài ngũ tuần. Tôi còn quá nhiều điều muốn mà chưa kịp thực hiện”. Danh hài không miệt mài suy nghĩ về thời thế, càng không ngó ngàng đến danh hiệu từ khán giả hay truyền thông.
“Thời xưa, đế chế phong kiến mạnh đến đâu cũng có ngày bị lật đổ. Danh hiệu vua không ngai của tôi cũng vậy. Tôi chưa bao giờ sợ có ngày mất đi vị trí, tre già măng mọc là lẽ tự nhiên ở đời”, Châu Tinh Trì suy tư.
Với những người đã yêu mến, vua hài Hong Kong chỉ có hai chữ gửi gắm: “Tạ ơn”.
Nguồn: Zing.vn