fbpx

Nói chuyện tiền bạc với “người ấy”?

Ngay từ những ngày đầu quen nhau, tôi và vợ mình đã bắt đầu cùng nhau thực hành quản lý tài chính và nói chuyện về tài chính với nhau. Những trải nghiệm chúng tôi có không phải lúc nào cũng dễ chịu và thoải mái, nhưng nó đáng giá và giúp cho chúng tôi hiểu nhau hơn không chỉ ở khía cạnh tiền bạc mà còn về tính cách, lối sống, giá trị sống của nhau.

Tôi cũng từng gặp nhiều cặp đôi và trao đổi với họ về chuyện tài chính. Nói chung, khi đụng đến tiền, các cặp đôi này cũng không dễ dàng gì cởi mở với nhau ngay từ đầu. Có những cặp đôi tưởng như đã biết về tình hình tài chính của nhau nhưng sau đó mới vỡ lẽ. Cặp đôi khác, chỉ khi cùng nhau làm một bài tập mới phát hiện ra những điểm trước đây họ chưa từng biết về đối phương. Cũng có cặp đôi nhờ trò chuyện với nhau về tài chính mà họ gỡ được những khúc mắc trong lòng. Có bạn cũng bảo tôi rằng với khi bạn có thể thẳng thắn nói về tiền nong với người yêu, mối quan hệ của bạn cũng tốt hơn hẳn.

Tất cả những trải nghiệm này cho tôi thấy rằng, việc nói chuyện về tiền là chuyện rất cần thiết với tất cả các cặp đôi dù đang ở giai đoạn mới yêu hay. Ngoài ra, trò chuyện tài chính cũng không nhất thiết khó khăn và căng thẳng. Dựa vào kinh nghiệm của mình và cũng tìm hiểu thêm ở những nguồn khác nhau, tôi có mấy gợi ý sau cho bạn.

Bắt đầu với giai đoạn chuẩn bị nhé.

Giai đoạn chuẩn bị

Chỉ nói chuyện khi sẵn sàng

Với tôi, khi không có sự chuẩn bị mà vợ tôi nói ngay về chuyện tài chính, tôi thấy không thoải mái. Chuẩn bị ở đây không phải là chuyện “rào trước đón sau”, mà là sự sẵn sàng trong tâm thế. Nếu cuộc nói chuyện diễn ra khi tôi không có sự sẵn sàng, chắc chắn sẽ có những cảm xúc khó chịu xảy ra với cả hai và thường câu chuyện chẳng đi đến đâu, cũng chẳng giải quyết được gì.

Hãy đặt lịch “hẹn hò với tiền”

Sự sẵn sàng mà tôi nói ở trên sẽ dễ đến khi cả hai đã đặt trước một “cuộc hẹn hò với tiền”. Nó cho phép cả hai chuẩn bị những gì cần chuẩn bị (chứ không chỉ tâm thế) như các vấn đề cần bàn, các số liệu (nếu có). Có lịch hẹn trước cũng giúp cả hai có sự tập trung hơn và hạn chế những xao lãng do các việc khác chen ngang.

Chọn nơi “hẹn hò”

Một không gian thoải mái, yên tĩnh và có phần riêng tư sẽ phù hợp để cả hai nói chuyện với nhau về chủ đề có phần nhạy cảm này. Chắc bạn cũng không muốn người khác biết hai bạn nói gì, nên sự riêng tư là điều bạn nên lưu ý nhé.

Chuẩn bị các câu hỏi

Tôi sẽ có những câu hỏi gợi ý cho các bạn và các bạn cũng có thể nghĩ ra thêm các câu hỏi khác nữa. Nên nhớ, hai bạn trò chuyện để hiểu nhau và cùng nhau giải quyết vấn đề chứ không để làm mọi chuyện rắc rối thêm, các câu hỏi và cả cách hỏi cần nhã nhặn, có tính gợi mở và hướng đến giải quyết vấn đề. Các câu hỏi và cách hỏi có ý tấn công có thể làm cả hai bạn căng thẳng và phá vỡ buổi nói chuyện của cả hai.

Những câu hỏi tôi gợi ý dưới đây phù hợp với những lần trò chuyện đầu tiên, hoặc khi bạn chưa từng đề cập đến những câu hỏi như gợi ý bạn cũng có thể thử dùng nó. Các câu hỏi này được chia theo thời gian và thành 3 phần: chuyện tiền ngày trước, chuyện tiền ngày nay, chuyện tiền ngày sau.

Chuyện tiền ngày trước

Bạn không thể biết được ngày trước bạn nhiều tiền thì liệu sau này bạn có tiếp tục nhiều tiền hay không, nhưng cách mà bạn dùng tiền, nghĩ về tiền thì vẫn có thể như cũ và cứ thế cho đến mãi về sau. Hiểu được câu chuyện về tiền của nhau, về mối quan hệ của đối phương với tiền có thể làm cả hai cảm thông cho nhau nhiều hơn và giúp biết được những trải nghiệm nào đã ảnh hưởng đến cách nhìn của người ấy với tiền.

  • Ký ức đầu tiên của anh/em với tiền là gì?
  • Ký ức của anh/em với cách bố mẹ chi tiêu là gì? Anh/em đã cảm thấy ra sao về ký ức này?
  • Anh/em có biết bố mẹ mình kiếm được bao nhiêu lúc mình còn nhỏ?
  • Nhà anh/em có lập kế hoạch chi tiêu không? Anh/em đã cảm thấy ra sao về chuyện này?
  • Anh/em có tiền tiêu vặt chứ? Anh/em đã dùng nó như thế nào?
  • Bố mẹ anh/em có lúc nào tranh cãi với nhau về tiền chưa?
  • Có những câu nói nào mà anh/em rất ấn tượng? Nó liên quan đến cách anh/em chi tiêu ra sao?

Chuyện tiền ngày nay

Chuyện biết đối phương có bao nhiêu tiền, nợ nần ra sao cũng quan trọng đấy, nhưng hãy để tâm đến lý do của những quyết định, động cơ của những hành động mà đối phương làm trước đã.

  • Điều gì ảnh hưởng đến quyết định tài chính của anh/em?
  • Nếu hôm nay anh/em được 1 tỷ đồng, anh/em sẽ làm gì?
  • Có thói quen nào với tiền mà anh thấy hay ở em?
  • Nếu giờ anh mất 10 triệu và anh không nói em, em có giận anh không? Nếu 100 triệu thì sao?
  • Điều giờ ở tiền làm anh/em thấy sợ?
  • Điều gì về tài chính cá nhân anh/em muốn biết thêm nữa?
  • Điều gì có thể giúp anh/em thấy vui với chuyện tài chính cá nhân của mình hơn?
  • Tiền có ý nghĩa gì với anh/em?
  • Có điều gì về chuyện tài chính của anh mà anh muốn nói với em? Nợ của anh/em thì sao?

Chuyện tiền ngày sau

Biết được cả hai đang làm gì cho tương lai có thể giúp cho hai người cùng hướng về một mục tiêu chung và gắn bó với nhau hơn. Cho dù hiện trạng có tốt hay chưa, những câu chuyện về tương lai đều có thể động viên, thôi thúc cả hai cùng nhau nỗ lực để đạt được ước nguyện của nhau.

  • Anh/em đang có những nguyện vọng, mơ ước gì (trong 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm, cả đời)?
  • Có điều gì anh/em muốn để lại như là di sản cho con cái hay cho người khác?
  • Điều gì anh/em rất muốn làm nhưng chưa từng làm và sẽ cảm thấy rất hối tiếc nếu không làm được?
  • Anh/em có kỳ vọng sẽ có thừa kế từ gia đình?
  • Nếu anh/em qua đời, anh/em muốn tiền của mình được dùng ra sao?
  • Anh/em có định sẽ chăm sóc cho bố mẹ hay người thân nào sau này không?

Hãy để buổi trò chuyện này thành buổi hẹn hò với những lãng mạn cần thiết, cảm xúc dâng trào và sự thấu hiểu lẫn nhau. Cũng có thể biến buổi trò chuyện thành trò chơi để ai cũng được phép sai (nếu có gì sai), ai cũng được phép nói lại mà không sợ bị đánh giá.

Có những câu hỏi tôi và vợ mình từng trao đổi với nhau, cũng có những câu tôi từng hỏi mà chưa có câu trả lời, và những câu chưa từng hỏi. Tôi đã nói với vợ mình, có 3 điều quan trọng mà cả hai cần bàn bạc với nhau và cả 3 chuyện phi tài chính này đều rất liên quan đến tài chính. Đó là:

  • Nếu chúng ta ly hôn thì sao?
  • Nếu một trong hai qua đời trước thì sao?
  • Nếu chúng ta không có con thì sao?

Bạn nghĩ sao về 3 câu hỏi này? Với tôi, nó rất đáng được nói ra và cùng nhau trả lời.

Nguồn: dungdetienroi/ refinery29, The Kinder Institute of Life Planning

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ