Nghiện việc như Bill Gates: Những năm đầu sự nghiệp nhớ cả biển số xe của từng nhân viên để theo dõi xem ai chăm chỉ hơn
Làm sao để cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều mà hầu hết những người lãnh đạo phải điều chỉnh, nhưng đối với Bill Gates – một con người “cuồng” công việc, đó không phải là ưu tiên hàng đầu trong suốt những năm đầu khi sáng lập ra Microsoft.
Vào năm 2016, trong một cuộc phỏng vấn với BBC Radio 4, Bill Gates đã chia sẻ ông từng bị ám ảnh bởi công việc như thế nào. “Khi ấy, tôi khá “cuồng” công việc”. Tôi làm việc cả những ngày cuối tuần. Thậm chí tôi còn chả bao giờ tin vào những kỳ nghỉ.”
Và chả có gì đáng ngạc nhiên khi chứng “cuồng” công việc này ảnh hưởng đến cả các nhân viên của ông. Bill Gate chia sẻ “Tôi đã phải rất cẩn trọng để không áp dụng những tiêu chuẩn của mình lên nhân viên”.
Tuy nhiên, điều đó chẳng thể ngăn cản được việc ông theo dõi xem nhân viên nào làm việc nhiều nhất. “Tôi thuộc biển số xe của tất cả mọi người vì thế tôi thường nhìn ra bãi đỗ xe và xem khi nào mọi người đến (và) khi nào họ đi về”, Bill Gates trò chuyện với tờ BBC.
Nhà đồng sáng lập của Microsoft, Paul Allen, cũng nói tương tự trong một bài báo hồi năm 2011 dành cho tạp chí Vanity Fair. “Microsoft là một môi trường cực kỳ áp lực vì Bill khiến mọi người làm việc hết sức có thể như cách mà cậu ta hối thúc bản thân mình”. “Cậu ta biến thành người đốc công, thường lảng vảng ở bãi đậu xe vào những ngày cuối tuần để xem ai vào công ty làm việc”, Allen cho biết.
Mặc dù Microsoft đã đạt được những thành tựu vô cùng xuất sắc khi một số chuyên gia phân tích dự báo rằng công ty này sẽ đạt giá trị trường 1 nghìn tỉ USD trong năm tới, nhưng bên cạnh đó, hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng cách quản lý nhân viên theo kiểu “vi mô” là một chiến lược lãnh đạo không hiệu quả.
“Làm việc cho một người quản lý theo kiểu ‘vi mô’ chỉ khiến cho nhân viên cảm thấy ngột ngạt mà thôi”, Amanda Augustine, chuyên gia nghề nghiệp của TopResume, đã phân tích.
Ngoài ra, theo một khảo sát gần đây với hơn 2000 nhân viên tại các công ty công nghệ có tiếng như Amazon, Apple, Google, Facebook và Uber, đa số nhân viên đều nói rằng quản lý theo kiểu ‘vi mô’ là “lỗi lớn nhất” mà người lãnh đạo có thể mắc phải.
Trong những năm đầu của Microsoft, hẳn là các nhân viên cũng cảm thấy tương tự như vậy. Allen đã viết trong một bài báo của tờ Vanity Fair rằng.”Mọi người đã làm việc hết sức có thể và điều đó khiến cho họ phát cáu khi Bill bắt họ làm việc nhiều hơn”.
Allen đã chia sẻ câu chuyện về một cựu nhân viên Microsoft tên là Bob Greenberg, người từng làm 81 tiếng trong 4 ngày để hoàn thành một dự án. Khi tuần làm việc đó sắp kết thúc, Gates đã hỏi Greenberg rằng cậu ta sẽ làm gì vào ngày tiếp theo. Greenberg thành thật bảo với Gates rằng anh ta dự định nghỉ vào hôm sau, thế là Bill “đốp” ngay “Sao cậu lại muốn thế?”.
“Chả lẽ Bill thực sự không hiểu một điều đơn giản như vậy hay sao” Allen chia sẻ “Dường như ông ta cũng chả bao giờ cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động cả”.
Mặc dù những nghiên cứu đã phát hiện ra các kết quả khác nhau về tầm quan trọng của việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng hầu hết những người rất thành công trong xã hội, như cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và nhà sáng lập tập đoàn Virgin, Richard Branson, đều đồng ý rằng dành thời gian cho chính mình là điều rất quan trọng đối với sự nghiệp và mang lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC Radio 4, Gates đã thừa nhận rằng ông đã buộc phải thay đổi bản chất kiểm soát của mình khi Microsoft lớn mạnh hơn. “Cuối cùng, tôi đã phải nới lỏng cách quản lý khi công ty trở nên lớn hơn”, ông cho biết.
Tuy nhiên, theo chuyên gia nghề nghiệp Amanda Augustine, nếu bạn có một người sếp có phong cách quản lý tương tự như Bill Gates trong những năm đầu của Microsoft thì có một cách để làm dịu bớt điều đó: liên tục gửi cho nhà quản lý những thông tin cập nhật.
Chuyên gia Amanda Augustine giải thích rằng khi bạn liên tục cập nhật thông tin và cho nhà quản lý biết được tình hình hiện tại như thế nào thì họ sẽ tin rằng bạn đang kiểm soát được mọi việc và ‘sẽ không chỉ đạo này nọ nữa ’.
Nguồn: Investo