Thomas Rowe Price: Thay đổi là điều duy nhất chắc chắn của nhà đầu tư
Quỹ đầu tư do Thomas Rowe Price sáng lập và đứng đầu, nhờ phương thức đầu tư tăng trưởng đã từng đạt tỷ lệ sinh lời trung bình 28%/năm, bất chấp cả những giai đoạn của khó khăn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ. Và tất nhiên, nguyên tắc đầu tư của ông chỉ gói gọn trong vài điều cơ bản.
Thomas Rowe Price sinh ngày 16 tháng 3 năm 1898 ở Glyndon, Maryland trong một gia đình có truyền thống làm ngành y. Cha và mẹ của ông đều làm trong lĩnh vực y học và hóa chất. Thời niên thiếu gia đình ông cũng định hướng đi theo ngành y học hoặc hóa chất đương thời.
Price đã dùi mài 5 năm đại học và tốt nghiệp chuyên ngành Hóa trường Swarthmore trong năm 1919. Với tấm bằng hóa học, Price ban đầu tìm kiếm sự nghiệp với công ty hóa chất DuPont . Tuy nhiên, ông sớm nhận ra rằng ông quan tâm đến quản lý tài chính hơn là nghiên cứu khoa học và rời DuPont để tham gia một loạt các công ty đầu tư và môi giới nhỏ lấy kinh nghiệm thực tế.
Thời gian đầu khi chuyển sang lĩnh vực đầu tư khi ông bắt đầu làm việc cho công ty môi giới có trụ sở tại Baltimore, Mackubin Goodrich ngày nay có tên là Legg Mason. Sau một thời gian cố gắng học hỏi kiến thức và trình độ, Price cũng đã trở thành tổng giám đốc đầu tư của công ty này.
Dù đã đứng trên cương vị cao của công ty nhưng thời gian sau đó ông càng ngày càng cảm thấy chán nản với công việc hiện tại vì những mẫu thuẫn trong nội bộ. Công ty cũng đã không còn hiểu và ủng hộ cho phương pháp đầu tư cổ phiếu tăng trưởng của ông. Chính vì vậy, Price đã xin nghỉ việc và tách ra thành lập nên T. Rowe Price Associates.
Vào thời điểm bấy giờ, Price đã thay đổi hoàn toàn quan điểm tính phí tư vấn đầu tư cho khách hàng dựa trên các khoản đầu tư của họ, công ty của ông hoàn toàn không có khái niệm hoa hồng, thời gian đầu tư vấn miễn phí và quan trọng là luôn đặt quyền lợi khách hàng lên trên hết. Price tin rằng khi giá trị danh mục đầu tư các khách hàng của công ty ông tốt lên thì bản thân công ty cũng vậy. Sau khi công việc đã đi vào quỹ đạo, năm 1950, ông mở thêm quỹ tương hỗ đầu tiên mang tên bản thân: T Rowe Price Growth Stock Fund. Ông là CEO của công ty cho đến khi về hưu cuối thập niên 1960. Cuối cùng, ông bán công ty này vào đầu những năm 1970, nhưng công ty vẫn giữ nguyên tên của ông, và hiện nay đây là một trong những hãng đầu tư hàng đầu của Mỹ. Đến cuối năm 2018, T. Rowe Price quản lý khối tài sản trị giá hơn 1.000 tỷ USD.
Có thể nói Thomas Rowe Price đã dành phần lớn sự nghiệp của mình nghiên cứu mô hình tăng trưởng trong những năm tháng đầu tư của ông.
Ông cho rằng: “Mọi doanh nghiệp đều do con người tạo nên. Đó là thành quả của các cá nhân, phản ánh tính cách, triết lý kinh doanh của những người sáng lập nên công ty cũng như những người chèo lái công ty vượt qua các khó khăn trong quá trình tồn tại. Nếu bạn muốn hiểu bất kỳ một công ty nào, điều quan trọng là bạn cần phải hiểu về nền tảng của những con người đã lập nên công ty đó và lãnh đạo nó trong quá khứ, cũng như hy vọng và tham vọng của những người đang vạch ra tương lai cho nó”.
Có thể nói rằng triết lý quản lý đầu tư của Thomas Rowe Price dựa trên kỷ luật đầu tư, sự kiên định trong quá trình và phân tích cơ bản và giữ nguyên giá trị trong hiện tại. Ông đi tiên phong trong phương pháp đầu tư vào cổ phiếu tăng trưởng bằng cách tập trung vào những công ty được quản lý tốt trong những lĩnh vực có khả năng sinh lợi cao hơn lạm phát của toàn bộ nền kinh tế.
Quỹ đầu tư do ông sáng lập và đứng đầu, nhờ phương thức đầu tư tăng trưởng đã từng đạt tỷ lệ sinh lời trung bình 28%/năm, bất chấp cả những giai đoạn của khó khăn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ. Và tất nhiên, nguyên tắc đầu tư của ông chỉ gói gọn trong vài điều cơ bản dưới đây:
Hiểu thật rõ về công ty
Price chỉ đầu tư vào những công ty mà ông hiểu rất rõ hoạt động của nó. Và ông nghiêng về những công ty có hệ thống hoạt động đơn giản, dể hiễu. Ông đặc biệt quan tâm đến năng lực và đạo đức của ban lãnh đạo, các nhà quản lý của công ty. Nếu không tin tưởng vào ban quản lý, thì ông nhất định không đầu tư, dù con số lợi nhuận hay những chỉ số khác trong hiện tại khá hấp dẫn.
Đầu tư dài hạn
Theo Price, khi đầu tư chúng ta không mua cổ phiếu mà mua quyền sở hữu công ty, và được hưởng những gì công ty đó đem lại trong tương lai. Nếu chọn đúng công ty tốt, lợi nhuận cao, chúng ta sẽ sở hữu những máy in tiền với số tiền này ngày càng lớn. Để hưởng được thành quả tuyệt vời này, điều đầu tiên và quan trọng là khoản tiền đầu tư theo chiến lược này phải là tiền dài hạn.
Có một số nhà đầu tư, ban đầu cũng tính đầu tư “dài hơi”, nhưng khi thấy giá cổ phiếu tăng mạnh so với giá mua đã bán ra để thu lợi nhuận và bị lôi cuốn vào những chiến lược đầu tư ngắn hạn. Theo ông, đã đến lúc nhà đầu tư chia tiền của mình để đầu tư theo 2-3 trường phái khác nhau và kiên định với từng trường phái đã chọn. Nếu quá linh hoạt thì chúng ta sẽ không bao giờ có danh mục đầu tư giá trị dài hạn.
Tìm kiếm các công ty tăng trưởng không quá cao
Price luôn tìm các công ty có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 8-10%, bởi ông muốn chắc rằng đây không phải là công ty tồi. Nhưng ông lại không thích các công ty có tốc độ tăng trưởng quá cao (trên 20%), bởi khi có sự giảm sút về lợi nhuận thì giá cổ phiếu của các công ty sẽ giảm rất mạnh. Ông cho rằng, cùng tình trạng trên, giá cổ phiếu của các công ty có tỷ số P/E thấp chỉ giảm nhẹ và mức thua lỗ là không đáng kể.
Nghiên cứu kỹ những chỉ số tài chính quan trọng
Price đã từng nói: “Để là nhà đầu tư thành công đi theo cơ bản, các bạn hãy dành thời gian đọc hàng trăm, hàng trăm báo cáo thường niên của các công ty”. Đây là điểm tạo ra sự khác biệt lớn giữa ông và các nhà đầu tư khác. Khi đọc các báo cáo, Price đặc biệt quan tâm đến những chỉ số, những vấn đề sau:
– Tốc độ tăng trưởng trong quá khứ và hiện tại: Đây là một trong những cơ sở để dự đoán sự tăng trưởng của công ty trong tương lai.
– Tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư: Ông đặc biệt quan tâm đến chỉ số này và ông chỉ đầu tư vào những công ty tạo ra mức lợi nhuận trên vốn đầu tư cao.
– Tỷ số nợ/vốn; lợi nhuận/nợ: Giả sử lợi nhuận không đạt được mức kỳ vọng, công ty có khả năng trả được những món nợ đến hạn không?
– Tái đầu tư: Price rất quan tâm đến việc tái đầu tư. Theo ông, nếu công ty kinh doanh hiệu quả, đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao thì công ty nên giữ phần lớn lợi nhuận lại để tái đầu tư, thay vì đem chia cổ tức hết. Khi đó, công ty sẽ trở thành một “máy in tiền” với tốc độ ngày càng cao nhờ hiệu ứng tuyệt vời của lãi suất kép.
Nguồn: Cafef
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)