Tiến sĩ Alan Phan: Rắc rối pháp lý – thập diện mai phục (phần 2)
Tiếp nối câu chuyện về 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc của Tiến sĩ Alan Phan, là bức tranh toàn cảnh về luật pháp Mỹ, nơi mà cứ 200 người sẽ có một người hành nghề luật sư, đất nước mà theo Tiến sĩ rất thích kiện cáo (cứ hở ra là kiện), cũng chính vì điều này nước Mỹ có rất nhiều vụ án hy hữu mà các đất nước ít luật sư và ít nhu cầu kiện cáo sẽ khó lòng gặp được.
>> Xem lại phần 1 tại đây
Phải nói rõ một điều, dù doanh nhân Mỹ được pháp luật bảo vệ nhưng họ lại thường bị kiện nhiều hơn doanh nhân Trung Quốc. Mỹ là quốc gia có tỷ lệ luật sư cao nhất tính trên đầu người. Theo tài liệu công bố bởi Luật sư đoàn Hoa Kỳ (American Bar Association), số bằng hành nghề luật sư trên toàn nước Mỹ vào thời điểm cuối năm 2008 là 1.180.386. New York và California là hai tiểu bang có số luật sư nhiều nhất nước Mỹ. Riêng tại California tính đến năm 2010, số luật sư đang có bằng hành nghề đã lên đến 169.208 người. Mang số liệu trên đây so với tổng số dân Mỹ khoảng hơn 304 triệu người (24 % là dưới 18 tuổi), tính trung bình cứ 200 người lớn đang sống ở Hoa Kỳ, có một người hành nghề luật sư.
Một minh chứng khác là khi lên Google tìm các tài liệu về pháp lý (hồ sơ kiện tụng, luật lệ, án lệnh, khẩu cung, điều tra…), sẽ thấy một số lượng khổng lồ, vượt xa những tài liệu về nghiên cứu khoa học hay công nghệ. Trong 1.001 chuyện rắc rối với pháp lý, có lẽ không gì bằng kinh nghiệm của cá nhân tôi trong suốt 45 năm sinh sống và làm việc tại Mỹ.
Vào năm 1996, tôi có mua lại một nhà máy ở Mexico chuyên gia công sản xuất hộp kết nối truyền hình cáp (cable box) cho General Instruments thuộc tập đoàn Motorola. Doanh thu của nhà máy mỗi năm đạt hơn 120 triệu đô la, nhân công khoảng 1.000 người, nhưng lợi tức của nhà máy này không nhiều, chỉ trên dưới 1% (khoảng 1-2 triệu đô la/ năm). Dù là một nhà máy lớn, số lượng công nhân cao hơn rất nhiều so với công ty ở Mỹ, nhưng tôi rất ít phải đối phó với các vụ kiện. Trong suốt bốn năm chỉ có một vụ kiện nghiêm trọng xảy ra khi một nhân viên của nhà máy ở Mexico làm việc trong khâu lắp ráp, vì mâu thuẫn tình ái cá nhân mà bị người yêu lẻn vào nhà máy bắn chết. Sau đó, chàng người yêu cũng bị bảo vệ nhà máy bắn hạ. Công ty tôi bị cả phía người nhà có công nhân và phía anh người yêu bị bắn kiện ra tòa về tội bất cẩn gây thương vong. Riêng vụ này, chúng tôi đã mất đứt 2 triệu đô la – bằng lợi nhuận của cả một năm làm việc.
Nhưng đau đầu nhất vẫn là công ty tại Mỹ. Chỉ với 20 viên, nhưng mỗi tháng tôi phải xử lý 5 – 6 vụ kiên. Tôi phải thuê riêng một luật sư làm toàn thời gian với chi phí 70.000 đô la/năm. Có lẽ trong máu người Mỹ luôn thường trực nhu cầu kiện cáo, từ chuyện lương bổng không thỏa đáng, đến chuyện người quản lý quấy rối tình dục nữ nhân viên. Ngoài ra, dù chỉ là công ty gia công theo đơn đặt hàng và sử dụng công nghệ của Motorola, nhưng mỗi khi xảy ra chuyện trẻ em đụng vào hộp cáp truyền hình bị giật, thì công ty tôi lại bị kéo vào vụ kiện. Nếu giải quyết không khéo, khi báo chí nhảy vào, mình là người chịu thiệt đầu tiên và truyền thông Mỹ vốn luôn bảo vệ người nghèo.
Chính vì “cứ hở ra là kiện”, nên tại Mỹ có rất nhiều vụ kiện rất hy hữu, thậm chí là chuyện lạ so với nhiều quốc gia khác. Tôi có anh bạn tên Điện, quen từ thời còn ở tại Việt Nam. Khi qua Mỹ sinh sống, anh Điện mua lại một cửa hàng thức anh nhanh làm các món cá chiên fish and I (franchise) với giá 80.000 đô la. Theo quy định, nguyên liệu cửa hàng phải do các nhà cung cấp được phía nhượng quyền chỉ định. Nhưng để tiết kiệm theo lối làm ăn gia đình của người Việt, anh Điện lại tự mua cá về cho rẻ. Không ngờ, một khách hàng ăn xong bị hóc xương và kiện anh ra tòa vì tội làm ăn cẩu thả, gây tổn thương sức khỏe và tinh thần. Sau khi tính toán với luật sư, anh thấy phần thua thuộc về mình cao hơn, chưa kể nếu vụ việc lan rộng ra, phía nhượng quyền biết được chuyện cửa hàng tự mua nguyên liệu bên ngoài, thì mức phạt còn cao hơn nữa. Cuối cùng anh bỏ ra 100.000 đô la để đền cho khách hàng, tức là còn cao hơn cả số tiền mà anh đã đầu tư vào nhà hàng. Sau việc này, anh thề không bao giờ đứng ra làm ăn kinh doanh ở Mỹ nữa và chấp nhận cảnh đi làm thuê.
Cũng tương tự, cách đây 5 năm, một cửa hàng của McDonald cũng bị kiện vì bán cà phê quá nóng làm bỏng đùi khách khi ly cà phế bị đổ. Phía công ty đã phải trả 2 triệu đô la vì sợ rằng nếu vụ kiện lan ra sẽ làm tổn hại hình ảnh thương hiệu và có thể khiến cho nhiều người khác tham gia kiện.
Ngay quân đội Mỹ cũng đã từng bị kiện về chuyện tra tấn tù nhân tại nhà tù Guatanamo Bay. Vụ kiện này không phải tập trung vào những hình thức tra tấn dã man của quân đội mà kiện vì chuyện bắt tù nhân Hồi giáo nghe một số loại nhạc mạnh (heavy metals and hip hop) không phù hợp với tín ngưỡng của họ để làm loạn tinh thần tù nhân, bắt họ phải khai.
Nhưng lý do kiện lại rất đặc biệt. Theo các nhạc sĩ sáng tác các bài nhạc này, việc quân đội Mỹ dùng nhạc để tra tấn tù nhân đã… vi phạm luật bản quyền, làm sai lệch chức năng sử dụng nhạc. Vì vậy quân đội Mỹ phải trả khoảng 5 triệu đô la cho cái gọi là vi phạm… tác quyền.
Trong làm ăn, người Mỹ muốn mọi thỏa thuận đều phải dựa trên văn kiện ký kết với nhau. Khi xảy ra trục trặc, việc đầu tiên là đưa nhau ra tòa để tranh cãi về những điều khoản và việc thực thi hợp đồng. Do vậy, khi ký kết giấy tờ tại Mỹ phải rất cẩn thận, đôi lúc chỉ một câu viết không cẩn thận cũng bị đối phương suy diễn gây bất lợi trước tòa. Theo kinh nghiệm, tôi không ký bất kỳ thứ gì tại Mỹ nếu không có luật sư tham vấn trước. Đơn giản như hợp đồng mua bán nhà bên Mỹ. Người bán thường soạn thảo bản hợp đồng dày hơn 10 trang, trong đó luật sư của họ thòng vào trong rất nhiều nội dung in thật nhỏ và nói đó là hợp đồng tiêu chuẩn mẫu. Vì hợp đồng dài hơn 10 trang, trong một thời gian ngắn người mua hoặc thuê sẽ không thể đọc kỹ hết và không biết rằng các chi tiết thòng vào hợp đồng luôn giành phần lợi về cho bên chủ. Nếu sau này xảy ra tranh chấp, phía mua hoặc thuê nhà chắc chắn sẽ chịu thiệt.
Dù luật lệ tại Mỹ rất chặt chẽ, nhưng vẫn luôn có sự đột phá bất ngờ về luật, trong đó những luật sư giỏi luôn đưa ra tranh luận mới mẻ và lợi dụng khe hở để tạo ảnh hưởng đến cả hệ thống luật pháp. Cũng bởi số lượng luật sư Mỹ quá nhiều, nên các dịch vụ cũng rất đa dạng. Nhiều trường hợp, luật sư khuyến khích thân chủ cứ kiện, không cần trả tiền trước, nếu thắng kiện sẽ chia lợi nhuận, nếu thua thì không mất gì.
Lại có trường hợp, dù không được thuê, nhưng một luật sư hoặc cả một đoàn luật sư tự đứng ra đại diện cho một phía bị thiệt hại để tiến hành kiện. Năm 1983, một tập đoàn luật sư ở Texas kiện tất cả các công ty sản xuất thuốc lá bên Mỹ về việc biết là có hại mà vẫn bán cho người tiêu dùng. Sau tám năm, các luật sư cũng thắng kiện và buộc các hãng thuốc lá phải trả hơn 100 tỷ đô la trong 10 năm cho các bệnh nhân được chứng minh là chịu ảnh hưởng từ thuốc lá; cũng như trả chi phí cho các quỹ giáo dục và truyền thông bảo vệ người tiêu dùng chống sự nguy hại của thuốc lá. Trong phần đền bù phí tổn, riêng đoàn luật sư này cũng được hưởng gần 1 tỷ đô la lệ phí.
Hình thức kiện cáo tại Mỹ đa dạng, nên phương pháp thực thi luật của chính quyền cũng linh hoạt. Một trong những vũ khí xử lý hữu hiệu nhất trong việc vi phạm luật pháp là thuế.
Vụ kiện nổi danh trong án kinh tế tại Mỹ phải kể đến là trường hợp của trùm xã hội đen Al Capone ở Chicago vào thập niên 1940. Mặc dù biết Al Capone dính líu đến rất nhiều việc phạm pháp, nhưng Bộ Tư pháp Mỹ không thể bắt tội anh ta vì không ai đứng ra làm chứng. Có lần, cơ quan chức năng tìm được 12 nhân chứng, nhưng Al Capone đã tìm cách thủ tiêu hết các nhân chứng này. Nhưng cuối cùng, ông trùm xã hội đen Chicago cũng đã phải vào tù “bóc lịch” 16 năm vì tội… trốn thuế. Sở dĩ Bộ Tư pháp Mỹ biết rằng khó kết tội hình sự cho Al Capone, nên đã tìm cách cộng lại tất cả các chi phí tiêu xài của anh ta rồi buộc phải chứng minh tiền này từ đâu, nếu là tiền chính đáng thì tại sao không đóng thuế. Biện pháp này cuối cùng đã thành công… rực rỡ.
Tuy vậy ở Mỹ cũng có một hệ thống gọi là Tòa án cho Vụ án nhỏ (Small Claims Court) với những quy trình đơn giản hóa để giúp các doanh nghiệp nhỏ, nhất là nguyên đơn. Đơn kiện sẽ đem ra xét xử trong 30 ngày, bên bị đơn và bị kiện không cần có luật sư, không có bồi thẩm đoàn và số tiền đòi bồi thường sẽ không được vượt quá 100.000 đô la.
Nguồn: Trích từ sách 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc
Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH DI SẢN ALAN PHAN