Tại sao “nợ” lại đáng sợ không thua gì “trò cò quay Nga (Russian roulette)”
Trong bức thư gửi các cổ đông năm 2018, Warren Buffett gọi nợ là đòn chí tử và giống như “trò cò quay Nga (Russian roulette)”, nơi người vay “thường giành chiến thắng”, nhưng “thỉnh thoảng thì chết.”
Mức nợ đáng lo ngại của chúng ta
Kể từ giữa những năm 1950, số tiền nợ toàn cầu đã bùng nổ đến mức kỷ lục.
Vào đầu năm 2019, IMF báo cáo tổng nợ danh nghĩa toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại là 184 nghìn tỷ đô la cuối năm 2018, tương đương 225% GDP năm 2017. Tính trên cơ sở bình quân đầu người, nợ thế giới hiện tại đã vượt quá 86.000 đô la và theo IMF là nhiều hơn 2,5 lần mức thu nhập bình quân đầu người.
Cũng theo IMF, nợ của khu vực tư nhân đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1950, khiến nó trở thành “động lực thúc đẩy” tăng trưởng nợ toàn cầu.
Không nơi nào mà tỷ lệ nợ doanh nghiệp phi tài chính so với GDP cao như Hoa Kỳ, tăng từ 40% năm 2011 lên 47% hiện nay, mức cao nhất mọi thời đại. Một thập kỷ lãi suất cực thấp đã khuyến khích người tiêu dùng cũng như các công ty vay nợ.
Nợ tập thể của người tiêu dùng Mỹ lần đầu tiên vượt 4 nghìn tỷ đô la vào tháng 2 và khoản nợ của hộ gia đình trung bình ở Anh đã đạt mức kỷ lục 15.400 bảng vào năm 2018.
Chúng ta phải quan ngại những con số này sâu sắc bởi vì, nếu có một thứ chịu trách nhiệm lớn nhất cho những vụ phá sản doanh nghiệp và cá nhân, thì đó chính là nợ.
Đảo ngược, luôn đảo ngược (Invert, always invert)
Nhà toán học người Đức Carl Gustav Jacob Jacobi tin rằng giải pháp cho nhiều vấn đề có thể được tìm thấy bằng cách đảo ngược câu hỏi. Chẳng hạn, thay vì hỏi “điều gì làm nên một công ty thành công?” thì chúng ta nên hỏi “điều gì khiến một công ty không thành công?” Hay cụ thể hơn là “tại sao phần lớn các công ty thất bại?”
Câu trả lời cho câu hỏi ngược này, như lưu ý ở trên, chính là nợ.
Tôi không nghĩ đây là hành động nói quá lên về sự nguy hiểm của đòn bẩy quá mức, đối với cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nợ tựa như một cái thòng lọng quanh cổ người vay. Các doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán mạnh có thể vượt qua các vấn đề ngắn hạn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có bảng cân đối đòn bẩy thì phụ thuộc vào lòng tốt của người lạ. Thường thì, những người lạ này rất vui vẻ cung cấp thanh khoản trong giai đoạn tốt đẹp, nhưng khi tiếng nhạc dừng lại, họ là người đầu tiên rời khỏi bữa tiệc.
Warren Buffett, nhà tiên tri xứ Omaha đã cảnh báo về nguy cơ khi sử dụng đòn bẩy nhiều lần trong suốt sự nghiệp của mình. Buffett lưu ý rằng các sự kiện thiên nga đen xảy ra với xác suất thấp nhưng gây ra vấn đề lớn nhất cho người vay. Bởi vì người vay không thể dự đoán khi nào những sự kiện này sẽ xảy ra, họ không thể chuẩn bị kịp và gánh chịu hậu quả.
Buffett đã cảnh báo các nhà đầu tư về điều này tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2004 của Berkshire Hathaway.
“Chúng tôi tin rằng hầu hết mọi thứ đều có thể xảy ra trên thị trường tài chính… Và cách duy nhất khiến những gã thông minh thất bại toàn tập là thông qua đòn bẩy.”
Ông nhắc lại lập trường này trong bức thư gửi các cổ đông năm 2018, trong đó ông gọi nợ là đòn chí tử và giống như “trò cò quay Nga (Russian roulette)”, nơi người vay “thường giành chiến thắng”, nhưng “thỉnh thoảng thì chết.”
Điều Buffett nhấn mạnh ở đây là vay tiền rất dễ, và chín trên mười lần, người vay sẽ có thể trả hết cho chủ nợ (hệ thống ngân hàng toàn cầu sẽ vật lộn nếu tỷ lệ người vay không trả hết nợ cao hơn). Tuy nhiên, có rất nhiều rủi ro khiến bạn không thể trả nợ cho chủ nợ khi đến hạn.
Nếu bạn vay mượn quá nhiều, điều này có thể có nghĩa là trò chơi đã đến hồi kết thúc – áp dụng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Vậy thì, tại sao lại chơi trò cò quay Nga khi bạn có quyền lựa chọn sẽ không chơi? Hãy tránh xa các doanh nghiệp có mức nợ cao, cũng như tránh vay nợ cá nhân là cách dễ nhất để tránh xa trò chơi rủi ro cao này.
Nguồn: moneyisboring/ Happy Live dịch
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live