fbpx

Susan Wojcicki – Người phụ nữ đứng đầu đế chế YouTube

Susan Wojcicki – CEO của YouTube – là một người phụ nữ kín đáo và điềm đạm. Nhưng giờ bà đang quay cuồng đối phó với những khủng hoảng tồi tệ của nền tảng video lớn nhất thế giới.

Susan Wojcicki - Người phụ nữ đứng đầu đế chế YouTube
Susan Wojcicki – CEO của YouTube

Từ đầu năm 2019 đến nay, CEO Susan Wojcicki chưa có ngày nào được bình an. Chỉ trong vòng một tuần của tháng 2, BuzzFeed đưa tin YouTube chạy quảng cáo trên những nội dung chống vác xin, nhiều người bị sốc khi phát hiện ẩn trong một số video trên YouTube Kids là những hướng dẫn cách tự sát.

Tệ không kém là chuyện những kẻ ấu dâm ẩn danh đăng các bình luận tục tĩu dưới các video dành cho trẻ em. Tiếp đó là việc những hình ảnh quan hệ tình dục giữa người và động vật xuất hiện bên cạnh nhiều video cho trẻ em.

Dù vậy, đó không phải là những trải nghiệm tồi tệ nhất mà CEO Susan Wojcicki từng gặp phải ở YouTube. Hồi tháng 4/2018, một người dùng YouTube nổi giận với những thay đổi về chính sách lọc video đã xông vào trụ sở công ty xả súng khiến 3 người bị thương trước khi tự sát. Suốt 40 phút, bà Wojcicki phải lẩn tránh kẻ xả súng.

CEO của YouTube là người thân cận của nhà đồng sáng lập Larry Page
CEO của YouTube là người thân cận của nhà đồng sáng lập Larry Page

Không ai nghĩ nhiệm kỳ lãnh đạo của bà Susan Wojcicki tại YouTube lại sóng gió đến vậy. Khi nhận việc vào năm 2014, bà được mô tả là người phụ nữ quyền lực nhất trong giới quảng cáo, người đã đem lại nguồn thu khổng lồ cho Google và được kỳ vọng sẽ tiếp tục thành công đó trên cương vị CEO YouTube.

Trong 5 năm đầu tiên, bà Wojcicki đưa ra những mô hình quảng cáo mới, cung cấp nhiều dịch vụ về nhạc và các nội dung khác trên YouTube. Tuy nhiên, giờ đây công việc của CEO YouTube không còn là thúc đẩy sự tăng trưởng, mà là xử lý khủng hoảng, hạn chế thiệt hại.

Phong cách không phù hợp với “sự hỗn loạn” của YouTube

Những tháng qua, hàng loạt chính trị gia và các nhân vật tai to mặt lớn trong giới công nghệ đã lên tiếng chỉ trích YouTube là không nỗ lực hạn chế các nội dung độc hại. Bê bối nối tiếp bê bối. Tháng trước, video xả súng đẫm máu ở New Zealand bị phát tán ồ ạt trên YouTube và các nền tảng khác.

Tháng 4/2018, một vụ xả súng diễn ra tại trụ sở YouTube. Thủ phạm là 1 YouTuber bất mãn với các chính sách mới
Tháng 4/2018, một vụ xả súng diễn ra tại trụ sở YouTube. Thủ phạm là 1 YouTuber bất mãn với các chính sách mới

Trong khi Mark Zuckerberg, Sheryl Sandberg và Jack Dorsey liên tục hứng chịu cơn mưa chỉ trích, bà Wojcicki gần như không bị nhắc đến. Phóng viên Daisuke Wakabayshi của New York Times tò mò muốn tìm hiểu xem bà Wojcicki quản lý YouTube như thế nào và đã phỏng vấn bà 3 lần, nói chuyện với hơn 10 nhân viên YouTube và Google trong vài tháng qua.

Nhà báo Wakabayshi phát hiện ra rằng người đứng đầu nền tảng video lớn nhất và hỗn loạn nhất thế giới trên thực tế là một người vô cùng bình tĩnh. “Nhưng phong cách đó có thể không phù hợp với tốc độ và quy mô của những điều kinh khủng và sự ngu dốt tệ hại đang tung hoành dữ dội trên YouTube”, nhà báo Wakabayshi nhận định.

CEO của nền tảng hỗn loạn nhất thế giới là người rất bình tĩnh. Nhưng phong cách đó không phù hợp với sự nảy nở của những điều kinh khủng và sự ngu dốt tệ hại đang tung hoành trên YouTube.

– Nhà báo Wakabayshi của NYT – 

Hôm 2/4, Bloomberg News đăng bài chỉ trích bà Wojcicki và các lãnh đạo YouTube vì tìm mọi cách để tăng view nên cố tình phớt lờ cảnh báo của nhân viên về hệ thống của công ty. Bà Wojcicki tỏ ra bị động. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 7/4, bà tuyên bố YouTube không phớt lờ vấn đề này và cho rằng đó là “một vấn đề lớn và phức tạp”.

Theo nhà báo Wakabayshi, khi đó bà Susan Wojcicki tỏ ra cứng đầu và giận dữ, điều trái ngược với sự thể hiện thường thấy của bà. “Chúng tôi không thể tuyên bố ngay là phải thay đổi mọi thứ và mọi thứ sẽ được giải quyết. Đó không phải là cách vận hành thực tế”, bà Wojcicki thanh minh lúc đó.

Trong một lần có mặt tại trụ sở YouTube ở San Bruno (California), nhà báo Wakabayshi được chứng kiến rõ sự thận trọng của bà Wojcicki. Trong phòng họp, bà ngồi lặng lẽ xem video có tên “Thử thách bao cao su” (Condom Challenge – một người đặt bao cao su đầy nước lên đầu người khác, bao cao su sẽ trùm kín mặt người này).

Video này khi đó đạt 15 triệu view trên YouTube. Bà Wojcicki và các nhân viên cân nhắc xem liệu thử thách này có gây nguy hiểm hay không. Hành vi “nguy hiểm” không dính líu đến trẻ em sẽ được tồn tại trên YouTube, còn hành vi “có nguy cơ gây chết người” sẽ bị gỡ xuống.

Một nhân viên cho rằng Condom Challenge chỉ thuộc loại “nguy hiểm”, nhưng bà Wojcicki không đồng ý. “Chẳng có lý do gì để trùm nylon lên đầu mình như vậy”, bà kết luận. Nhưng video vẫn tồn tại trên YouTube và tiếp tục thu hút hàng triệu lượt view.

“Chị họ đầu tiên trong hoàng tộc Google”

Câu chuyện nguồn gốc của bà Wojcicki không ly kỳ như nhiều CEO tại Thung lũng Silicon. Bà không hề có một ý tưởng độc lạ nào nảy ra khi đang đi học. Bà cũng không bỏ Đại học Harvard để khởi nghiệp, mà đã tốt nghiệp trường đại học này.

Năm 1998, bà cho thuê một phần nhỏ căn hộ đang sống cùng chồng cho 2 sinh viên Stanford mới tốt nghiệp. Hai thanh niên này có tên là Larry Page và Sergey Brin, và họ vừa sáng tạo ra một công cụ tìm kiếm có tên Google.

Tới một ngày, bà Wojcicki cần tìm một thứ gì đó nhưng không thể tìm được bởi Google lúc đó đang sập. Đó là lúc bà nhận ra mình đã phụ thuộc vào sản phẩm “được 2 anh chàng sống trong gara nhà tôi tạo ra”, như bà kể lại năm 2014.

Năm 1999, bà Wojcicki gia nhập Google, trở thành nhân viên thứ 16 tại công ty và là người quản lý marketing đầu tiên. Bà góp phần giúp Google trở thành một đế chế công nghệ. Năm 2006, bà ráo riết thúc ép Google mua lại YouTube với giá 1,65 tỷ USD. Giá trị của Google hiện nay, theo tính toán của Morgan Stanley, khoảng 160 tỷ USD.

Trong những năm qua, bà Wojcicki đã kiếm được hàng trăm triệu USD và giữ mối quan hệ mật thiết với Larry Page. Một cựu quản lý Google mô tả bà Wojcicki “là người chị họ đầu tiên trong hoàng tộc Google”. Em gái út của bà là Anne, người đồng sáng lập công ty 23andMe và là vợ cũ của Sergey Brin.

Kể từ khi lên nắm quyền ở YouTube, bà Wojcicki luôn tránh né truyền thông, không muốn mình được coi là người nổi tiếng. “Khi đưa ra các quyết định, tôi thường đặt câu hỏi là trong 10 năm nữa, người ta sẽ nghĩ gì. Họ có đánh giá là chúng tôi đã làm đúng không? Tôi có cảm thấy tự hào không? Các con của tôi có nghĩ tôi đã làm đúng không?”, bà Wojcicki cho biết.

“Ước gì hành động sớm hơn”

Nhưng dưới sự lãnh đạo của bà Wojcicki, YouTube đang đối mặt với vô số vấn đề. Năm ngoái, YouTube phải gỡ video “Tide Pod” và “No lackin”. Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, bà Wojcicki buộc phải đưa ra các quy định hạn chế những video có nội dung xấu. Công việc của bà trở thành “dọn rác”.

Khi trở thành CEO YouTube, bà Wojcicki có nhiệm vụ đảm bảo nền tảng này phải thu hút người dùng xem hơn 1 tỷ giờ video mỗi ngày, tăng gấp 10 lần so với năm 2012. Bà đã làm được điều đó.

Nhưng vào năm 2016, YouTube bắt đầu phải hạn chế dần các gợi ý thu hút người dùng tới những video có nội dung độc hại. Nó giống như là ăn đồ ăn nhanh vậy, nếm thì ngon nhưng cực kỳ có hại cho sức khỏe.

Khủng hoảng bùng lên với cá nhân bà Susan Wojcicki vào mùa xuân 2017. Tháng 3, nhiều công ty lớn tẩy chay dịch vụ của YouTube vì phát hiện hình ảnh của các hãng này bị lồng ghép trong những nội dung xấu.

Tháng 6, ba gã đàn ông lái xe đâm vào người đi bộ ở London (Anh). Một trong ba kẻ này từng xem trên YouTube các nội dung cổ vũ Hồi giáo cực đoan. Phản ứng lại, bà Wojcicki triển khai hàng nghìn nhân viên kiểm tra các video có nội dung gây tranh cãi. Nhân viên YouTube cũng ứng dụng công nghệ AI để dò tìm và phát hiện các nội dung cực đoan.

Đầu năm nay, YouTube tuyên bố đang thay đổi thuật toán để trang web ngừng gợi ý các video kiểu như “thuyết âm mưu”. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều thay đổi trên YouTube. Và thuật toán của công ty cũng có vấn đề. Hồi đầu tuần, khi vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris xảy ra, YouTube nhận nhầm đó là vụ tấn công khủng bố 11/9.

Chúng ta đang rơi vào một cuộc khủng hoảng lòng tin, và nếu chúng ta không tự kiểm soát thì chính phủ sẽ làm điều đó. Nhưng tôi cho rằng thực tế không hề tác động gì đến Susan. Marc Benioff.

– Chủ tịch Saleforce nói về CEO YouTube –

Bà Susan Wojcicki cho biết xem những video có nội dung độc hại và phản ứng thù hằn của mọi người trên mạng là điều tồi tệ nhất trong công việc của bà, nhưng cũng là một trong những điều quan trọng nhất.

Theo nhà báo Wakabayshi, những chỉ trích dữ dội nhắm vào YouTube thời gian qua đã khiến mối quan hệ của bà Wojcicki với nhiều nhân vật quan trọng trở nên xấu đi. Ông Marc Benioff, chủ tịch Saleforce, từng mô tả mạng xã hội này có hại chẳng kém gì thuốc lá và cần bị giám sát.

Bà Wojcicki có chân trong ban giám đốc Saleforce từ năm 2014 và có mối quan hệ khá thân với ông Benioff. Khi nhà báo Wakabayshi hỏi ông Benioff về bà Wojcicki, ông tỏ ra giận dữ và nói không muốn trả lời.

Một tuần sau đó, ông tuyên bố: “Chúng ta đang rơi vào một cuộc khủng hoảng lòng tin, và nếu chúng ta không tự kiểm soát thì chính phủ sẽ làm điều đó. Nhưng tôi cho rằng thực tế không hề tác động gì đến Susan”.

Đánh giá CEO YouTube như thế nào?

Cách dễ nhất để đánh giá năng lực một CEO là nghiên cứu kết quả kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, đối với bà Wojcicki và YouTube, đây không phải là điều dễ dàng. YouTube nằm sâu trong Alphabet và kết quả kinh doanh của nó không được công bố.

Các nhà đầu tư không rõ chi phí và lợi nhuận của YouTube, càng không rõ bà Wojcicki có ảnh hưởng như thế nào tới những con số này. Tất nhiên nhiều nhà phân tích đánh giá YouTube vẫn đang ăn nên làm ra với doanh thu năm vào khoảng 15 tỷ USD và đang tăng trưởng khoảng 30-40%/năm.

Các nhà đầu tư không nắm rõ được chi phí và lợi nhuận của YouTube, cũng không xác định được CEO Susan Wojcicki có ảnh hưởng như thế nào tới các con số
Các nhà đầu tư không nắm rõ được chi phí và lợi nhuận của YouTube, cũng không xác định được CEO Susan Wojcicki có ảnh hưởng như thế nào tới các con số

Ngoài chuyện doanh thu, vị trí của bà Susan Wojcicki được đánh giá là rất vững vàng bất chấp những điều tiếng của YouTube thời gian qua. Trên lý thuyết, bà làm việc dưới quyền CEO Google Sundar Pichai, nhưng thực tế là bà chỉ dưới quyền Larry Page. Bà Wojcicki là một trong những người hiếm hoi của Google có thể gặp Page bất kỳ lúc nào. “Bà ấy sẽ không đi đâu đâu”, một quan chức Google khẳng định.

Sau những khủng hoảng liên tiếp thời gian qua, bà Wojcicki khẳng định những khó khăn sẽ giúp YouTube có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các vấn đề mới. Và chắc chắn những vấn đề và khủng hoảng sẽ tiếp tục ập tới, khi nào mà YouTube còn mở cửa cho người dùng thoải mái upload video.

Bà Susan Wojcicki tâm sự bà gia nhập Google vì muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa với đời mình. Nhưng giờ đây, bà nhận ra rằng di sản của mình sẽ là liệu YouTube có thể xử lý được các vấn đề của nó hay không. “Chúng tôi cần phải cải thiện, chúng tôi sẽ làm tốt hơn. Chúng tôi sẽ phải xử lý các vấn đề”, bà quả quyết.

Nhưng liệu bà có thể “giải độc” YouTube? Nhận xét về phong cách lãnh đạo của bà Wojcicki, nhà báo Wakabayshi đã thể hiện rõ sự nghi ngờ.

Nguồn: Doanhnhanplus

Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU  

Bộ sách Khởi sự - Khởi nghiệp - Làm giàu

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề