Ben Graham: Nếu muốn sống sót trên TTCK, hãy suy nghĩ như một NĐT thực thụ
Có câu, khi bạn muốn trở thành ai, hãy tập cách suy nghĩ như người đó. Một nhà đầu tư mới bước vào thị trường, còn nhiều bở ngỡ, làm thế nào để bạn có thể sống sót trước bao thử thách nghiệt ngã của Ngài thị trường? Ben Graham chia sẻ với bạn những đức tính cần rèn luyện để trở thành nhà đầu tư thực thụ.
Bước đầu tiên trong việc đánh giá chính xác ảnh hưởng của cảm xúc trong đầu tư là hiểu được nó. Sẽ thật may mắn nếu chúng ta có những thông tin tốt trong tay. Trong những năm gần đây, các nhà tâm lý bắt đầu quan tâm đến hoạt động của các nguyên tắc ứng xử của con người khi tiền bạc trở thành động lực. Sự pha trộn của kinh tế học và tâm lý học được gọi là tài chính hành vi. Nhưng mãi đến tận bây giờ, nó mới thoát khỏi lý thuyết của các trường đại học để trở thành một phần trong cuộc họp giữa các chuyên gia đầu tư, những người mà nếu nhìn lên vai họ, bạn sẽ thấy bóng dáng nụ cười của Ben Graham.
Ben Graham: Tính cách của nhà đầu tư thực sự
Như chúng ta đã biết, Ben Graham thường khuyến khích các sinh viên của mình nghiên cứu sự khác biệt cơ bản giữa nhà đầu tư và nhà đầu cơ. Theo ông, người đầu cơ cố gắng đoán trước và kiếm lợi từ sự thay đổi giá, còn nhà đầu tư chỉ tìm kiếm để mua cổ phiếu của các công ty với giá hợp lý. Sau đó, ông giải thích tiếp: Nhà đầu tư thành công thường là người có những tính cách nhất định: bình tĩnh, kiên nhẫn, sáng suốt. Nhà đầu cơ có tính cách trái ngược: nôn nóng, thiếu kiên nhẫn, và không lý trí. Kẻ thù lớn nhất của họ không phải là thị trường chứng khoán mà là bản thân họ. Họ có thể có khả năng về toán học, tài chính, và kế toán, nhưng nếu không thế kiểm soát cảm xúc, họ sẽ gặp khó khăn khi kiếm lợi từ đầu tư.
Graham hiểu bất lợi của cảm xúc đối với thị trường rõ như bất cứ nhà tâm lý hiện đại nào. Quan điểm của ông cho rằng người ta có thể nhận ra các nhà đầu tư thực sự thông qua tính cách và kỹ năng của họ vẫn đúng cho đến tận ngày hôm nay.
Các nhà đầu tư có những đặc điểm sau:
Bình tĩnh
Họ biết rằng dưới ảnh hưởng của các tác động hợp lý và không hợp lý, giá chứng khoán sẽ giảm hoặc tăng kể cả chứng khoán mà họ sở hữu. Khi chuyện đó xảy ra, họ bình thản phản ứng; đầu tiên họ biết rằng chừng nào công ty vẫn còn những phẩm chất từng thu hút họ đầu tư, thì chừng đó, giá chứng khoán sẽ khôi phục trở lại. Trong lúc đó, họ không thấy hoang mang.
Buffett nói thẳng quan điểm của ông về vấn đề này: Nếu bạn quá hoảng sợ khi thấy chứng khoán giảm 50%, thì bạn không nên đầu tư vào thị trường chứng khoán. Ông nói thêm, miễn là bạn thấy việc kinh doanh của bạn hiệu quả, bạn nên đón nhận mức giá thấp hơn như một cách để tăng lợi nhuận cổ phần của bạn.
Các nhà đầu tư thực sự cũng rất bình tĩnh khi đối diện với cái mà chúng ta gọi là ảnh hưởng của tâm lý đám đông. Khi một chứng khoán, một ngành công nghiệp hay một quỹ tương hỗ đột nhiên trở nên lôi cuốn, đám đông sẽ đổ xô theo hướng đó. Vấn đề là ở chỗ khi mọi người đưa ra cùng một quyết định vì “mọi người” đều biết là phải làm như vậy, thì không ai có thể thu lợi cả. Trong bài bình luận đăng trên tạp chí Fortune cuối năm 1999, Buffett khẳng định nhân tố “không thể bỏ lỡ xu hướng chung” đã gây ảnh hưởng đến nhiều nhà đầu tư vào thị trường giá lên. Ông cảnh bảo: Những nhà đầu tư thực sự sẽ không lo lắng khi bỏ lỡ xu hướng chung. Họ lo lắng về việc tiếp cận những xu hướng mới mà họ chưa sẵn sàng.
Kiên nhẫn
Thay vì bị cuốn theo đám đông, các nhà đầu tư thực sự nói không nhiều hơn nói có. Buffett nhớ lại rằng khi ông làm việc cho Graham – Newman với vị trí phân tích chứng khoán để xác định thời điểm mua vào, Ben Graham từ chối hầu hết các gợi ý của ông. Buffett nói Graham không bao giờ muốn mua chứng khoán nếu ông không hài lòng với tất cả. Từ kinh nghiệm này, Buffett hiểu rằng khả năng nói không là một lợi thế rất lớn của các nhà đầu tư. Chúng ta không cần phải thông minh hơn người khác, chúng ta chỉ cần tự chủ hơn họ.
Buffett tin rằng hiện nay có tình trạng rất nhiều nhà đầu tư, thay vì chờ đợi một vài công ty đặc biệt, lại thấy cần mua thật nhiều chứng khoán, đa phần những chứng khoán này đều là chứng khoán thường. Để củng cố bài học của Graham, Buffett thường sử dụng hình ảnh phiếu đục lỗ để so sánh. Ông nói: “Một nhà đầu tư nên hành động như thể anh ta có một phiếu quyết định trong cả đời chỉ với 20 lỗ được đóng trên đó. Với mỗi quyết định đưa ra, phiếu đó sẽ bị đục một lỗ. Càng về sau, phiếu của anh ta sẽ càng có ít chỗ đục lỗ hơn”. Buffett chỉ ra rằng nếu nhà đầu tư bị hạn chế theo cách này, họ sẽ buộc phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi có cơ hội đầu tư lớn hơn.
Sáng suốt
Các nhà đầu tư tiếp cận thị trường và thế giới dựa trên những suy nghĩ hợp lý. Họ không quá bi quan cũng như không lạc quan thái quá; trái lại, họ suy nghĩ logic và sáng suốt.
Buffett thấy rất lạ khi có quá nhiều người thường không thích những thị trường họ quan tâm nhất nhưng lại thích những thị trường liên tục gây khó khăn cho họ. Họ lạc quan khi thị giá tăng, bi quan khi giá giảm. Nếu họ dấn thêm bước nữa và để những cảm giác này ảnh hưởng đến hành động, họ sẽ làm gì? Bán ra ở mức giá thấp hơn và mua vào ở mức giá cao hơn. Rõ ràng, đây không phải là chiến lược có lợi nhất.
Sự lạc quan thái quá nảy sinh trong đầu họ khi các nhà đầu tư tự dưng giả định rằng bằng cách nào đó, số phận mỉm cười với họ và chứng khoán họ lựa chọn sẽ là một trong hàng trăm loại chứng khoán thực sự khởi sắc. Điều này đặc biệt phổ biến trong thị trường giá lên khi sự quá kỳ vọng diễn ra phổ biến. Những người lạc quan thấy họ không cần thiết phải phân tích và nghiên cứu căn bản, những điều đã đem lại thành công cho các nhà đầu tư dài hạn thực sự (ví dụ, trong trường hợp này là số ít nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của các công ty công nghệ) bởi vì những số liệu trong ngắn hạn rất hấp dẫn.
Sự bi quan thái quá, dù là hướng vào một công ty cụ thể hay thị trường nói chung, sẽ khiến các nhà đầu tư bán ra vào thời điểm hoàn toàn sai lầm. Theo quan điểm của Buffett, các nhà đầu tư thực sự cảm thấy hài lòng khi phần lớn giới đầu tư bi quan vì họ thấy được bản chất của vấn đề: Đây là thời điểm lý tưởng để mua cổ phiếu của công ty tốt với mức giá thỏa thuận. Ông nói bi quan là “nguyên nhân phổ biến khiến giá giảm… Chúng ta muốn kinh doanh trong môi trường như thế không phải bởi vì chúng ta thích sự bi quan mà do chúng ta thích mức giá nó đem lại. Chính sự lạc quan là kẻ thù của các nhà đầu tư sáng suốt”.
Nhà đầu tư cảm thấy lạc quan hay bi quan là dựa trên suy nghĩ của các nhà đầu tư về tương lai. Dự đoán điều gì sắp xảy ra đòi hỏi bạn phải rất tinh tế, và thật ngốc nghếch nếu lạc quan (hay bi quan) dựa trên cảm xúc nhiều hơn là nghiên cứu. Buffett không cố gắng đoán trước các giai đoạn thị trường tăng hoặc giảm. Thay vào đó, ông quan sát xu hướng cảm xúc chung của toàn bộ thị trường, và hành động theo đó. Ông giải thích: “Chúng ta chỉ đơn thuần nỗ lực để sợ hãi khi những người khác tham lam và chỉ tham lam khi những người khác sợ hãi”.
Trích từ sách: Phương pháp đầu tư của Warren Buffett
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town (xác định giá cả giá trị, đọc báo cáo tài chính và định giá như NĐT Warren Bufffett, Benjamin Graham)