Một đời gian truân của “bà hoàng quặng sắt” giàu nhất Australia: Vực dậy sản nghiệp lụi bại của cha, vượt qua bi kịch gia đình bằng ý chí không tưởng
Công nghiệp nặng là ngành gian khó ngay cả với cánh mày râu. Vậy mà Gina Rinehart, một người phụ nữ đơn độc, không những vượt qua định kiến và bi kịch gia đình để tồn tại mà còn trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực này và được tôn vinh bằng cái tên “bà hoàng quặng sắt”.
Khi được hỏi quan điểm của mình về cái đẹp, Gina Rinehart không đoái hoài đến những viên ngọc trai mà bà hay đeo, cũng không nhắc đến vùng đất Pilbara yêu dấu của mình ở phía tây nam Australia.
Thứ được bà muốn nói, đó chính là những tài nguyên quý giá nằm sâu trong lòng đất, thứ đã giúp gia đình bà trở nên giàu có.
“Cái đẹp nằm trong chính những mỏ sắt này”, bà khẳng định một cách tự tin.
Vận may đến với gia đình bà vào năm 1952. Khi Lang Hancock cùng vợ lái máy bay đi ngang qua vùng đất Pilbara hoang vắng, một cơn bão bất chợt ập tới khiến họ phải chuyển hướng đi xuyên qua hẻm Hamersley. Là một người dày dặn kinh nghiệm, ông đã nhanh chóng nhận ra bức tường lấp lánh ánh đỏ phía dưới mình chính là “kho báu” với hàng tỷ tấn quặng sắt.
Lúc bấy giờ, vì quặng sắt là nguồn tài nguyên hiếm có và hữu hạn, Australia không cho phép xuất khẩu chúng ra nước ngoài. Phải mất một thập kỷ vận động đấu tranh, Lang Hancock mới có thể thuyết phục chính phủ gỡ bỏ lệnh cấm. Bắt tay hợp tác với Rio Tinto, một công ty khai khoáng đa quốc gia, ông đã khai thác và xuất khẩu hàng trăm triệu tấn quặng mỗi năm, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Lang Hancock nhanh chóng trở thành “ông trùm quặng sắt” lừng danh Australia.
Lang Hancock luôn hy vọng người nối nghiệp mình là con trai, nhưng Gina lại ra đời. Bà thường được cha mình gọi “anh bạn nhỏ” hoặc “cánh tay trái đắc lực” của ông. Gina rất thân thiết với cha khi còn bé. Hai cha con thường đi mua sắm, dạo chơi cùng nhau. Khi bà theo học ở trường nội trú, không quản ngại đường xá xa xôi, ông vẫn lái xe tới thăm thường xuyên chỉ để hai cha con trò chuyện với nhau.
“Với cháu, cha là một người hoàn hảo,” cô bé Gina chia sẻ với phóng viên BBC năm 12 tuổi.
Cha cho bà tham gia công việc từ rất sớm. Bà được tới dự những buổi họp quan trọng ngay từ khi còn bé, vậy nên chẳng có gì lạ khi Gina Rinehart sớm bộc lộ niềm đam mê mãnh liệt với việc khai thác quặng. Bà đỗ vào Đại học Sydney nhưng cảm thấy không phù hợp nên đã sớm từ bỏ sau một năm. Sau đó, Gina quay trở lại Perth – nơi mình sinh ra – để tiếp quản sự nghiệp mà cha để lại và coi đó là trọng trách đời mình.
Công việc kinh doanh không thuận lợi, công ty lụi bại dần dần, chìm trong nợ nần, kiện tụng, nguy cơ phá sản ngày càng lộ rõ. Năm 1992, Lang Hancock qua đời, để lại đống hỗn độn cho cô con gái duy nhất của mình. Những khó khăn chỉ giúp Gina thêm quyết tâm phục hưng lại công ty.
Mọi thứ đã trở nên khởi sắc vào năm 2007, khi bà ký kết thành công dự án khai thác quặng sắt Hope Downs với Rio Tinto, mang lại doanh thu 1,5 tỷ USD mỗi năm.
“Gina là một người thông minh, không chỉ là đam mê, bà sinh ra đã là một doanh nhân, không có tình huống phức tạp và khó khăn nào mà bà không thể xoay xở”, Sam Welsh, giám đốc điều hành của Rio, nhận xét.
Kể cả khi không một ai tin tưởng dự án khai thác mỏ Roy Hill sẽ thành công, Gina Rinehart vẫn liều mình thực hiện. Để rồi, đó lại trở thành “mỏ vàng” khổng lồ giúp bà trở thành người phụ nữ giàu nhất Australia.
Chính vì vậy, Gina Rinehart rất ghét bị gọi là nữ thừa kế nhà Hancock. Bà cho rằng mình là doanh nhân tự thân, bởi bà chẳng nhận được gì từ cha ngoài một đống đổ nát. Toàn bộ thành quả mà người phụ nữ 65 tuổi này có được đều do chính tay bà tạo dựng.
Thành công trong sự nghiệp, nhưng Gina Rinehart lại phải nhận nhiều đắng cay từ chính những người thân mà bà hết mực yêu thương. Lần lượt từng người trong gia đình quay lưng với bà.
Sau cái chết của mẹ, mối quan hệ giữa Gina và cha ngày càng xấu đi. Lang Hancock phản đối cuộc hôn nhân thứ hai của con gái mình với Frank Rinehart. Ông càng tức giận hơn khi biết vị luật sư người Mỹ hơn Gina 37 tuổi này là người đứng sau “giật dây” Gina chống lại di chúc của mẹ mình. Gina cũng khó chịu không kém khi cha bất ngờ lấy cô hầu gái trẻ người Philippines – Rose Lacson – và hưởng thụ những chuyến du lịch xa xỉ trong khi việc làm ăn ngày càng đi xuống.
Mâu thuẫn nghiêm trọng đến mức cả hai lôi nhau ra tòa. Gina tìm cách trục xuất Rose Lacson và gọi cha mình là “một trò đùa”. Thất vọng về con gái, Lang Hancock đã dọa từ mặt và buông lời cay đắng: “Hãy cho phép cha được nhớ tới con như một cô bé dễ mến, tháo vát, tốt bụng, thay vì một kẻ lười biếng, quỷ quyệt như bây giờ. Cha vui vì mẹ không phải thấy con nữa”. Kể cả khi cha đã qua đời, Gina vẫn quyết không “đội trời chung” với mẹ kế. Sau hơn 11 năm đấu tranh giành quyền thừa kế tại tòa, cuối cùng Gina Reinhart cũng bảo vệ được công ty khỏi tay người ngoài.
Ngay cả người từng đầu gối tay ấp với Gina cũng đâm sau lưng bà. Năm 19 tuổi, bà kết hôn với Greg Milton – một nhân viên trong công ty. Cuộc hôn nhân chỉ kéo dài được có 5 năm. 30 năm sau, cứ ngỡ câu chuyện đã rơi vào dĩ vãng, Milton lại quyết định viết sách bóc mẽ gia đình Gina để kiếm tiền. Ông chỉ trích bà tàn nhẫn khi không chịu chia tiền thừa kế, bắt ông phải ngồi chờ trên một chiếc chăn trải trong gara khi ông đến thăm con.
Gina còn phải tận mắt nhìn chính những đứa con máu mủ chống lại mình. Ba người con lớn – John, Bianca và Hope – đã kiện bà ra tòa để giành quyền kiểm soát quỹ thác tín của gia đình, trong đó mỗi người sẽ nhận được 1 tỷ USD. Họ cáo buộc Gina muốn chiếm đoạt tài sản cho riêng mình. Thế nhưng, không ai biết rằng mọi điều bà làm cũng chỉ vì quá yêu con và muốn bảo vệ sản nghiệp gia đình.
Các con của Gina lớn lên trong nhung lụa, có chuyên cơ đi lại, được học ở những ngôi trường tốt nhất. Chúng không hiểu được như bà, rằng, chỉ có lao động chân chính mới dẫn tới thành công. Khi cậu con trai John dùng hết tiền tiêu vặt, bà đã nghiêm khắc bảo: “Vẫn còn sốt cà chua trong tủ, hãy tự nấu súp trước khi ngửa tay xin mẹ tiền”.
Người ta vẫn nói: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Đối với Gina Rinehart, công ty quặng sắt Hancock Prospecting chính là niềm đam mê và tự hào được đánh đổi với bao nhiêu mồ hôi nước mắt. “Chúng ta chẳng lạ gì với việc thế hệ thứ ba phá hoại mọi thành quả mà hai thế hệ đầu gây dựng. Tôi hy vọng gia đình mình sẽ khác, bởi tôi và cha đã làm việc quá chăm chỉ, không đáng để thấy những gì mình làm sụp đổ”, bà tâm sự.
Bất chấp bi kịch gia đình, Gina Rinehart luôn cố gắng vượt qua cái bóng của cha để đạt đến những đỉnh cao mới. Giờ đây, với khối tài sản 16 tỷ USD, bà hiện là người giàu nhất Australia, đứng thứ 75 trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes.
Trong lĩnh vực khai khoáng tại Australia, nếu Gina Rinehart đứng thứ hai thì không ai xứng đáng thứ nhất.
“Kiên định, bền bỉ và chăm chỉ chính là chìa khóa dẫn tới thành công. Để có được như hôm nay, tôi phải đánh đổi bằng những giờ làm việc dài đằng đẵng, sự tận tụy và rất nhiều hi sinh”, Gina Rinehart chia sẻ.
Qua nhiều sóng gió, những triết lý sống và làm việc của bà cũng “nhuốm màu sắt đá”. Nữ tỷ phú này từng khẳng định: “Nếu bạn muốn thăng tiến, bạn sẽ phải hy sinh giờ nghỉ trưa và sẵn sàng làm việc đến tối muộn. Đừng ngại làm vào ngày nghỉ và hãy luôn cố gắng để hoàn thành công việc”.
Nhiều người cho rằng suy nghĩ này quá cực đoan và khắc nghiệt. Nhưng đối với Gina Rinehart, chẳng thành công nào mà không phải trả giá. “Sẽ chẳng có phép màu nào đâu”, bà cho biết.
Theo Gina Rinehart, ai cũng có thể trở thành tỷ phú nếu đủ nỗ lực. “Trở thành tỷ phú không phải là đặc quyền của bất kỳ ai” bà viết trên tạp chí Tài nguyên và Đầu tư Australia.
“Nếu bạn ghen tị với những người có tiền, đừng chỉ ngồi đó rồi phàn nàn. Hãy làm gì đó để kiếm tiền. Hãy giảm bớt thời gian nhậu nhẹt, hút thuốc hay những cuộc trò chuyện vô bổ. Hãy làm việc chăm chỉ hơn nữa”.
Đây cũng là thông điệp đanh thép mà Gina Rinehart nhắn nhủ tới những kẻ vẫn luôn chỉ trích mình, sau khi bà được vinh danh là người phụ nữ giàu nhất thế giới năm 2012.
Giống như cha mình, Gina Rinehart là một người vô cùng tự lập. Bà dành trọn thời gian cho công việc, tham gia quản lý, điều hành mọi hoạt động trong công ty. Dù đôi lúc giữa bà và cha tồn tại những xung đột, bà vẫn coi ông là hình mẫu tuyệt nhất để noi theo.
Nữ tỷ phú này luôn ghi nhớ tôn chỉ sống mà cha mình để lại: “Nếu con ở giữa nơi xa xôi hẻo lánh, con phải tự nuôi được mình. Con sẽ không được sống trong nhung lụa như bây giờ. Vì thế, nếu con lớn lên trong môi trường đó như ta và cha ta, nó sẽ giúp con trở nên tự lập hơn. Nếu không tự mình chăm sóc bản thân, sẽ chẳng có ai chăm sóc con đâu”.
Có thể Gina đã được ngậm thìa bạc từ khi sinh ra, nhưng bà chưa bao giờ quên những thời khắc gian khó. “Tôi nghĩ rằng khi bạn lớn lên cùng sàn xi-măng, mái thiếc, phải tự mua vui cho bản thân,… bạn sẽ hiểu được tầm quan trọng của lao động chăm chỉ. Đó chính là lợi thế mà tôi có,” bà kết luận.
Không có thanh sắt nào mà không được tôi qua lửa đỏ. Nếu không trải qua những ngày gian khó, Gina Rinehart sẽ không thể trở thành “bà hoàng quặng sắt” như ngày hôm nay. Bà luôn nhắc nhở thế hệ trẻ – những người đang ngày ngày tìm kiếm thành công – rằng: “Hãy sẵn sàng hy sinh cuộc sống cá nhân của mình. Bạn có thể sẽ bỏ lỡ những điều đơn giản – những thứ mà người bình thường nghĩ tới. Nhưng cuối cùng, đường đến thành công của bạn chỉ gói gọn trong một câu hỏi: Ưu tiên hàng đầu của bạn là gì?”.
Nguồn: CafeF
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU