Bí mật của đế chế 11 tỉ USD mà nhà sáng lập Zara sở hữu
Ông chủ Zara – Amancio Ortega hiện sở hữu nhiều tài sản ở 9 quốc gia. Bí quyết của ông là nhắm vào các tòa nhà văn phòng, khách sạn tại những khu “đất vàng” và tránh xa nhà ở.
Tỷ phú người Tây Ban Nha Amancio Ortega, nhà sáng lập tập đoàn thời trang khổng lồ Zara, đã xây dựng một đế chế bất động sản toàn cầu, bao gồm các văn phòng được sử dụng bởi Facebook và Amazon ở Seattle, cùng nhiều bất động sản lớn tại Phố Oxford danh giá của London.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, nhờ đa dạng hóa tài sản thời trang để bảo toàn khối tài sản khổng lồ của mình, giá trị danh mục đầu tư bất động sản của tập đoàn Pontegadea Inversiones thuộc sở hữu của Ortega đã lên tới khoảng 10 tỷ euro (11 tỷ USD) vào cuối năm ngoái.
Pontegadea mang lại gần như tất cả các khoản cổ tức mà Ortega kiếm được – với 1,6 tỷ euro vào năm 2019 – và sau đó tái đầu tư tiền vào bất động sản, người phát ngôn của công ty cho biết.
Tỷ phú 83 tuổi đã rút khỏi ghế chủ tịch của Inditex, công ty sở hữu Zara, từ năm 2011 nhưng ông vẫn sở hữu 59% cổ phần của nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới này, đồng sở hữu các thương hiệu thời trang nổi tiếng khác như Massimo Dutti và Bershka. Ông hiện là người giàu thứ sáu thế giới, theo xếp hạng của Forbes.
Các giao dịch mua bất động sản lớn gần đây nhất của Ortega đã diễn ra vào đầu tháng này khi Pontegadea mua tòa nhà văn phòng được sử dụng bởi Facebook ở Seattle với giá 415 triệu USD và khu phức hợp “Troy Block” ở cùng thành phố, nơi đặt một phần của trụ sở Amazon, với giá 740 triệu USD. Tại Paris, Amancio Ortega sở hữu tòa nhà có cửa hàng hàng đầu của Apple.
Juan Carlos Amaro, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Esade ở Barcelona cho rằng, “việc các doanh nhân sở hữu nhiều vốn thành lập một quỹ đầu tư để quản lý tiền nhằm đa dạng hóa và bảo tồn tài sản là một điều bình thường”.
Ortega sáng lập ra gã khổng lồ thời trang Zara cùng với vợ cũ Rosalia vào năm 1975 tại vùng Galicia, Tây Bắc Tây Ban Nha. Ông được biết đến là người quyết liệt bảo vệ quyền riêng tư của mình và là một nhà đầu tư khôn ngoan.
Các nhà phân tích cho rằng Ortega đang nhắm mục tiêu tới bất động sản như một khoản đầu tư dài hạn, chứ không phải để đầu cơ. “Đây là một hoạt động rất bảo thủ, được lựa chọn không phải vì lợi nhuận lớn mà vì nó đủ ổn định”, người phát ngôn của tập đoàn Pontegadea nói.
Trong khi đó, tỷ phú Tây Ban Nha tránh xa bất động sản nhà ở, vốn có khả năng sinh lãi cao hơn nhưng lại mang tiếng xấu sau khi “bong bóng” bất động sản nổ tung vào cuối những năm 2000, gây ra suy thoái kinh tế kéo dài. Danh mục đầu tư của ông chủ yếu bao gồm các văn phòng và cửa hàng, cũng như một số khách sạn.
Ngoài việc sở hữu một số tòa nhà ở Madrid và Barcelona, ông Ortega trở thành chủ sở hữu bất động sản chính ở Oxford Street (London), phố mua sắm sầm uất nhất châu Âu. Tại Paris, ông có trong tay tòa nhà đặt cửa hàng hàng đầu của Apple và một tòa nhà thương mại trên đại lộ Champs-Elysee.
Theo khảo sát của UBS và Camden Wealth, thì có tới hơn một nửa số gia đình giàu có nhất thế giới đang chuẩn bị tinh thần cho một cuộc suy thoái vào năm tới. Để đi qua những bất ổn toàn cầu, tỷ phú Ortega chỉ mua bất động sản tại thủ đô của các nước lớn ổn định, đặc biệt nhằm vào các khu phố có uy tín. “Ông ấy cũng ưu tiên những người thuê nhà hàng đầu với khả năng thanh toán tốt”, Rafael Sambola, Giáo sư trường kinh doanh Barcelona, Eada, nhận xét.
Ortega nhận thấy các tiêu chí của ông dễ dàng được đáp ứng tại Mỹ. Bằng chứng là trong những năm gần đây, ông đã chộp được nhiều bất động sản ở Miami, San Francisco, New York và Washington, bên cạnh những tài sản danh giá ở Seattle.
Ông Rom Romera, Giám đốc bộ phận tài chính của Trường kinh doanh Madrid IE nhận xét: “Tôi nghĩ rằng ông ấy muốn đa dạng hóa tỷ giá hối đoái để bảo vệ bản thân trước những thất bại có thể xảy ra với đồng euro hoặc bảng Anh”.
Ortega hiện sở hữu tài sản ở 9 quốc gia, gồm: Anh, Canada, Pháp, Italy, Mexico, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Mỹ. Tiền thuê mà ông thu được từ các tòa nhà này – 405 triệu euro trong năm 2018 – ngay lập tức được tái đầu tư vào Pontegadea.
Chủ sở hữu Zara cũng không ngại cho đối thủ thời trang thuê các tòa nhà của mình, như Primark – một bất động sản quan trọng của ông trên phố trung tâm Madrid.
Năm ngoái Pontegedea đã thực hiện một liên doanh hiếm hoi ngoài ngành bất động sản, thâu tóm 10% Telxius, công ty con của người khổng lồ viễn thông Tây Ban Nha Telefonica, chuyên cung cấp các tháp điện thoại và mạng cáp quang ở châu Âu và Mỹ Latinh.
Nguồn: Tri thức trẻ