fbpx

Giải mã hành vi tiêu dùng trong thị trường nước uống Việt Nam

Dù bạn đang ở trong miếng bánh hay đang ngắm nghía tiến vào giành phần, nắm được hành vi, xu hướng tiêu dùng của khách hàng mục tiêu sẽ giúp bạn có lợi thế hơn trong việc đề ra những chiến lược marketing.

TỔNG QUAN

Với tốc độ tăng trưởng hàng năm được dự báo là 6% tính đến năm 2020, ngành công nghiệp đồ uống là một trong những ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam. Theo báo cáo của EVBN, mức tiêu thụ dự đoán sẽ đạt 109 tỷ lít vào năm 2020.

Cơ sở nào giúp bạn tin rằng đây vẫn còn là một đại dương rộng mở?

▪️ Việt Nam dồi dào và phong phú về các sản phẩm nông nghiệp – nguồn nguyên liệu thô cho các doanh nghiệp sản xuất tại chỗ, tạo điều kiện cho nhà sản xuất gia tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm.

▪️ Tỉ lệ dân số trẻ (dưới 30 tuổi) cao, mức thu nhập và mức sống đang ngày càng cải thiện, kéo theo là nhu cầu sử dụng thực phẩm chế biến sẵn. Khám phá thêm những insight của millennials – thế hệ chiếm 35% dân số Việt Nam.

▪️ Sự tăng trưởng của ngành du lịch và mạng lưới bán lẻ, các kênh thương mại hiện đại cũng góp phần thúc đẩy mức tiêu thụ đồ uống.

▪️ Thức uống có cồn (bia, rượu) là ngành hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng giá trị bán lẻ đồ uống. Trong khi đó, cà phê lại là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng đáng gờm nhất nhờ sự ưu ái của giới trẻ.

NHỮNG XU HƯỚNG TIÊU DÙNG MỚI

▪️ Phân khúc đồ uống cao cấp đang dần được quan tâm hơn, nhiều tiềm năng phát triển hơn.

▪️ Người tiêu dùng Việt là những người có ý thức về sức khỏe cao nhất Đông Nam Á. Họ đang ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề về sức khỏe, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Do đó họ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn vào các sản phẩm đảm bảo độ an toàn, thân thiện với môi trường, đặc biệt là nhóm sản phẩm hữu cơ (organic).

▪️ Số lượng gia đình hạt nhân (gia đình bao gồm 1 cặp cha mẹ và con cái) và người độc thân đang gia tăng, họ thường chuộng những sản phẩm có bao bì vừa hoặc nhỏ thay cho những loại kích thước quá lớn.

▪️ Công nghệ phát triển, sự bùng nổ của các ứng dụng, dịch vụ giao đồ ăn khiến khách hàng dễ dàng tiếp cận, trải nghiệm sản phẩm hơn.

GIẢI MÃ HÀNH VI TIÊU THỤ THỨC UỐNG CÓ CỒN CỦA NGƯỜI VIỆT

Theo công bố của Tạp chí y khóa Lancet (Anh), trong giai đoạn 2010-2017, tốc độ tăng tiêu thụ rượu của Việt Nam cao nhất thế giới. Báo cáo năm 2018 của WHO cũng cho thấy mức tiêu thụ rượu bia của người Việt cao hơn so với các quốc gia trong khu vực.

Các nhà nghiên cứu thị trường và marketing giải thích thế nào cho tửu lượng “khủng” của người Việt, và vì sao mức tiêu thụ dự kiến sẽ giảm trong năm 2020 và thời gian sắp tới?

Mối liên hệ với thu nhập bình quân đầu người

Dân số Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt 100 triệu vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm 60%, và độ tuổi trung bình là 30. Nhóm này cũng chính là thị trường mục tiêu của ngành rượu bia.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Leuven cho thấy, khi thu nhập bình quân đầu người ở các nước đang phát triển tăng lên, thì người dân nước đó sẽ tiêu thụ nhiều bia hơn. Tuy nhiên, nếu thu nhập bình quân đầu người đạt 27.000 USD mỗi năm, mức tiêu thụ bia sẽ giảm do họ nhận thức được tác hại của bia. Thay vào đó, họ chuyển sang dùng những sản phẩm có cồn cao cấp khác như rượu vang.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kế, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam rơi vào khoảng 3.000 USD một năm. Do đó, nhu cầu tiêu thụ bia vẫn sẽ ở mức cao.

Văn hóa uống

Theo khảo sát, người Việt, đặc biệt là người trẻ cho biết việc uống (bia, rượu) là một phần trong các nghi thức xã hội, để phục vụ công việc, xây dựng các mối quan hệ. Ngoài ra, họ cũng uống bia rượu để ăn mừng trong bất cứ dịp đặc biệt nào.

Hành vi tiêu dùng cũng khác nhau ở các vùng miền.

Người tiêu dùng miền Bắc là những người chạy theo xu hướng, chú ý nhiều đến bao bì, đặc biệt đối với hàng mua để làm quà tặng. Họ cũng có hiểu biết rộng về các thương hiệu trên thị trường.

Người tiêu dùng miền Trung thì dè dặt hơn, thường không sẵn sàng thử các nhãn hiệu mới và ưa chuộng thương hiệu địa phương hơn.

Trong khi đó, người tiêu dùng miền Nam lại được cho là dễ tính, có kiến thức về nhiều thương hiệu và luôn sẵn lòng thử các thương hiệu khác nhau.

Muốn lấy lòng khách hàng, trước hết bạn phải hiểu được thị trường mình đang muốn đánh đến. Đừng quên tìm hiểu các kỹ thuật nghiên cứu thị trường ít tốn kém cho doanh nghiệp nhỏ.

Cách uống rượu bia không say, không đỏ mặt hiệu quả

Dòng sản phẩm cao cấp và nhập khẩu bắt đầu được quan tâm

Thu nhập của người Việt đang dần được cải thiện, và họ bắt đầu hướng đến những sản phẩm chất lượng cao hơn. Họ lại mang tâm lý hàng ngoại sẽ có gì đó tốt hơn hàng nội. Vì thế mà những năm gần đây, sản phẩm nhập khẩu đã có nhiều chỗ đứng hơn trong hệ thống bán lẻ.

Theo dự báo, năm 2020, lượng tiêu thụ sản phẩm có cồn cao cấp là 492.9 triệu lít, sản phẩm tầm trung là 3 tỷ lít và sản phẩm giá rẻ là 1.34 tỷ lít.

Những thay đổi trong luật pháp

Tuy nhu cầu vẫn lớn, nhưng trong năm 2020, mức tiêu thụ rượu bia sẽ khó giữ vững phong độ như các năm trước do những can thiệp từ chính sách Nhà nước.

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thức uống có cồn áp dụng từ năm 2018 sẽ khiến giá sản phẩm tăng lên so với những năm trước.

Luật Quảng cáo 2012 cũng cấm đồ uống có độ cồn trên 15%, ngoại trừ bia, xuất hiện trên quảng cáo đại chúng.

Mới đây nhất, luật cấm uống rượu bia khi lái xe, áp dụng từ đầu năm 2020 đã làm doanh số bia ở Việt Nam giảm đi ít nhất 25%. Đây là một thử thách không nhỏ đối với nhà sản xuất cũng như các cửa hàng, đại lý. Để cứu vãn tình hình, một số hãng bia đã cải tiến sản phẩm, cho ra đời bia không cồn, hay các nhà hàng có thêm dịch vị đưa đón tận nhà.

NGƯỜI VIỆT SỬ DỤNG ĐỒ UỐNG KHÔNG CỒN NHƯ THẾ NÀO?

Thức uống không cồn với sự đa dạng về thể loại cũng đạt được sự tăng trưởng ổn định.

Trong nhà và ngoài nhà

Đối với các loại thức uống không cồn tại Việt Nam, các giao dịch tiêu dùng ngoài nhà được thực hiện nhiều hơn, nhưng giá trị giỏ hàng cho tiêu dùng tại nhà lại cao hơn 3 lần.Mức chi tiêu cho trong nhà và ngoài nhà cũng khác nhau theo từng loại nước uống.

Theo báo cáo của Wordpanel Division năm 2019, tại TP. HCM, 60% các dịp uống diễn ra tại nhà và 40% còn lại là bên ngoài nhà.

Đối với các dịp uống bên ngoài, cà phê vẫn luôn được lựa chọn nhiều nhất, đặc biệt là cà phê pha sẵn. Tiếp theo là trà với 90% người dân Sài Gòn uống trà 2 lần mỗi quý bên ngoài. Nước tăng lực đứng thứ 3 trong danh sách này.

Còn về các dịp uống tại nhà, được ưa chuộng nhất là các loại nước trái cây, rau củ. Tiếp theo vẫn là trà và cà phê, thường là trà lá và cà phê hòa tan.

Nhu cầu uống

Cũng theo báo cáo của Wordpanel Division năm 2019, người tiêu dùng Việt có 7 nhu cầu chính khi sử dụng các loại nước uống. Trong đó nhu cầu giải khát vẫn là cơ bản nhất và chiếm đến 25% tổng số dịp uống. Bên cạnh đó họ còn uống vì những nhu cầu khác như:

▪️ Uống kèm bữa ăn (11%)

▪️ Bổ sung năng lượng (16%)

▪️ Khởi đầu ngày mới (15%)

▪️ Tăng cường sức khỏe (11%)

▪️ Họp mặt gia đình (14%)

▪️ Tán gẫu với bạn bè (8%)

Nắm được hành vi, xu hướng tiêu dùng của khách hàng mục tiêu sẽ giúp bạn chinh phục bất cứ thị trường nào. Đằng sau mỗi hành vi của người tiêu dùng ngầm chứa sự thật gì, và thương hiệu sử dụng những sự thật đó để ra những chiến lược marketing như thế nào?

Nguồn: AIMacademy

Có thể bạn quan tâm

HỆ THỐNG BÁN HÀNG ĐỈNH CAO – Mo Bunnell

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề