Nghịch lý Bill Gates – Từ thiện hàng tỷ USD nhưng tài sản vẫn tăng
Dù cho đi hàng tỷ USD, tài sản của Bill Gates vẫn tăng. Điều này đặt ra câu hỏi về cách hoạt động từ thiện không chỉ của Bill Gates, mà còn là giới siêu giàu tại Mỹ.
Mùa thu năm ngoái, Netflix công chiếu bộ phim tài liệu 3 phần hứa hẹn cho người xem cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống của một trong những doanh nhân gây tranh cãi nhất lịch sử.
Hơn 3 tiếng đồng hồ, “Inside Bill’s Brain” cho chúng ta thấy những khía cạnh đầy cảm xúc của Bill Gates trước cái chết của mẹ ông và người bạn thân kiêm đồng sáng lập Microsoft, Paul Allen.
Nhưng xuyên suốt bộ phim, vẫn là hình ảnh chuyên gia công nghệ đầy tham vọng, bộ óc thiên tài và là nhà từ thiện giàu lòng nhân ái. “Inside Bill’s Brain” mang mô-típ rất điển hình: Phỏng vấn những người xung quanh Gates, cố gắng vẽ nên bức tranh toàn diện nhất về tỷ phú giàu thứ 2 thế giới.
Bên trong bộ não Bill Gates
Trong tập đầu tiên, đạo diễn Davis Guggenheim thể hiện sự hiểu biết sâu rộng của Gates bằng phỏng vấn người bạn của ông, Bernie Noe. “Anh ta có thể đọc 150 trang giấy một giờ, nhớ đến 90% nội dung”, Noe nói.
Tuy nhiên, Guggenheim không đề cập đến chi tiết Guggenheim chính là hiệu trưởng của trường Lakeside, là nơi mà quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates đã trao 80 triệu USD. Nhà làm phim cũng không nhắc đến xung đột lợi ích khác: Nhà Gates dùng quỹ từ thiện của mình rót tiền vào ngôi trường tư thục mà con ông lẫn Bill từng theo học, học phí vốn lên đến 35.000 USD/năm.
Dù hợp tác không thành, nó cũng dấy lên những vấn đề về đạo đức xung quanh quỹ Gates Foundation sở hữu 50 tỷ USD, vốn chịu rất ít sự giám sát của chính phủ và công chúng trong suốt hai thập kỷ qua.
Nếu những nỗ lực tận dụng sự giàu có để tranh cử tổng thống của tỷ phú chuyên từ thiện Michael Bloomberg bị chỉ trích mạnh mẽ trên sóng truyền thông, Gates lại chứng minh một điều: Từ thiện chính là con đường dễ dàng và thuận lợi nhất để có được quyền lực chính trị.
Khi tuyên bố dừng lãnh đạo Microsoft để tập trung hoạt động từ thiện vào năm 2008, Gates đã cho biết ý định hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để cung cấp sản phẩm và công nghệ công cộng, như cách mà Microsoft đã làm để mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Mô tả hướng tiếp cận của mình, Gates cho rằng công việc ông đang làm là “chủ nghĩa tư bản sáng tạo” và “từ thiện xúc tác”. Ông nói muốn thúc đẩy “tất cả công cụ tư bản” nhằm “kết nối sứ mệnh từ thiện với sức mạnh của doanh nghiệp tư nhân”.
Kết quả, mô hình từ thiện với mục tiêu và đối tượng trợ giúp đôi khi không phải là những người nghèo, mà là nhóm giàu nhất thế giới đã ra đời.
The Nation thực hiện cuộc điều tra hơn 19.000 khoản tài trợ mà quỹ Gates đầu tư trong 2 thập kỷ qua, phát hiện gần 2 tỷ USD tiền quyên góp từ thiện được khấu trừ thuế cho các công ty tư nhân. Danh sách này gồm những tập đoàn hàng đầu thế giới như GlaxoSmithKline, Unilever, IBM và NBC Universal Media.
Các doanh nghiệp này được giao nhiệm vụ phát triển thuốc mới, cải thiện vệ sinh tại những nước đang phát triển, phát triển sản phẩm tài chính cho người dùng theo đạo Hồi. Cuối cùng là truyền thông tích cực cho những hoạt động trên.
Quỹ Gates thậm chí trao 2 triệu USD cho Participant Media để quảng bá bộ phim tài liệu “Waiting for Superman” của David Guggenheim, qua đó thúc đẩy những nỗ lực từ thiện nổi bật của quỹ. Khoản quyên góp từ thiện này chỉ là phần nhỏ trong số 250 triệu USD quỹ đã chi cho các công ty và tổ chức khác để truyền thông cho quỹ.
Linsey McCoey, Giáo sư xã hội học tại trường Đại học Essex, tác giả cuốn sách “No such thing as a Free Gift” (Không có gì là miễn phí) cho rằng số tiền mà Bill Gates tặng các tập đoàn là điều chưa từng có.
“Họ đã tạo ra một trong những tiền lệ có vấn đề nhất trong lịch sử, bằng cách khiến cho các tập đoàn cảm thấy họ chính là những đối tượng xứng đáng hưởng từ thiện trong thời điểm phúc lợi công ty ở mức cao nhất”, Giáo sư Linsey nói.
Nghiên cứu của McGoey làm nổi bật các khoản tài trợ từ thiện của quỹ Gates cho công ty tư nhân. Điển hình trong số đó có thể kể đến 19 triệu USD quyên góp cho Mastercard vào năm 2014 nhằm “tăng việc tiêu thụ sản phẩm tài chính kỹ thuật số của người nghèo” ở Kenya.
Số tiền mà quỹ Gates đã đầu tư. Đây đều là những công ty quỹ Gates có sở hữu cổ phiếu hoặc trái phiếu. Ảnh: The Nation.
Mastercard từng nêu mối quan tâm trong xây dựng mạng lưới khách hàng mới khi còn 2,5 tỷ người trên thế giới không sử dụng tài khoản ngân hàng. Vậy tại sao công ty này lại cần một nhà từ thiện giàu có để trợ cấp cho công việc của mình?
Tại sao Bill và Melinda Gates được giảm thuế cho khoản đóng góp kể trên?
Chưa hết, tại thời điểm quyên góp, tháng 11/2014, quỹ của Bill còn đầu tư đáng kể vào Mastercard thông qua số cổ phần tại Berkshire Hathaway của Warren Buffett. Còn về Warren, huyền thoại đầu tư này đã cam kết sẽ rót 30 tỷ USD cho quỹ nhà Gates.
250 triệu USD tài trợ của quỹ Gates nói trên đều dành cho các công ty mà quỹ này nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu như Merck, Novartis, GlaxoSmithKline, Vodafone, Sanofi, Ericsson, LG, Medtronic, Teva và nhiều công ty khởi nghiệp với các khoản tài trợ cho những dự án như phát triển thuốc, hệ thống theo dõi sức khỏe hoặc dịch vụ ngân hàng di động.
Việc quỹ từ thiện trao tiền cho công ty mà nó sở hữu một phần và được hưởng lợi ích tài chính từ đó, là biểu hiện xung đột tài chính rõ ràng. Nhưng nhiều thành viên trong Sở Thuế vụ Mỹ lại không nhìn ra được điều này?
Đừng dạy người giàu tiêu tiền, nhưng tiền của ai?
Quỹ Gates chưa từng trả lời cụ thể về hoạt động của mình trong khu vực tư nhân, cũng không cung cấp thông tin về số tiền đã trao cho doanh nghiệp với lý do “một vài khoản tài trợ được thực hiện thông qua các đối tác phi lợi nhuận lẫn có lợi nhuận, rất khó để tính toán chính xác”.
Tuy nhiên, tại các sự kiện kết nối doanh nghiệp, Bill Gates công khai thúc đẩy đầu tư của quỹ với các công ty. Trong những bài phát biểu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ năm 2013 và ở Microsoft năm 2014, ông cho biết có khoảng 6-10 triệu sinh mạng được quỹ của ông cứu sống thông qua “quan hệ đối tác với các công ty dược phẩm”.
Nhưng quỹ của Gates đang triển khai nhiều thứ hơn là chỉ hợp tác đơn thuần với các công ty. Quỹ trợ cấp chi phí nghiên cứu, mở ra thị trường cho sản phẩm của công ty, cung cấp vốn cho những dự án trọng điểm theo cách bí mật, chưa bao giờ được kiểm tra công khai.
Bill Gates thường tỏ ra tự hào khi đã trả 10 tỷ USD thuế, nhiều hơn bất kỳ công dân nào. Nhưng không ai có thể kiểm chứng được sự thật trên, khi quỹ của ông không hề trưng ra tờ khai thuế hay bất cứ thông tin chứng minh nào. Gates hoàn toàn có thể tránh nộp thuế thông qua các hoạt động từ thiện.
Theo Bill và Melinda, họ đã tiết kiệm được 11%, tương đương 4 tỷ USD tiền thuế trên 36 tỷ USD quyên góp từ thiện trong năm 2018. Quỹ không cung cấp bất kỳ tài liệu liên quan đến con số trên, nhưng theo ước tính độc lập từ những chuyên gia về thuế như Giáo sư luật tại Đại học Boston, Mỹ là Ray Madoff, con số này có thể lên đến ít nhất 40%, tương đương 14 tỷ USD.
Cũng theo Madoff, lợi ích thuế mà hoạt động từ thiện mang đến cho giới siêu giàu là vô cùng khổng lồ như tránh thuế thặng dư vốn (thường là 15%) và thuế bất động sản (40%) đối với tổng tài sản trên 11,58 triệu USD. Do đó, với trường hợp của Gates, số tiền là rất nhiều.
Như nhiều chuyên gia về thuế khác, Madoff nhấn mạnh những khoản tiết kiệm thuế này vốn là tiền trợ cấp công cộng mà mỗi cá nhân phải giao nộp cho Kho bạc Mỹ để xây cầu, nghiên cứu y tế hoặc giao cho Sở thuế vụ. Nếu Bill và Melinda Gates không đóng thuế đầy đủ, người dân sẽ phải bù lại khoảng thiếu hụt hoặc đơn giản là sống trong thế giới mà phúc lợi xã hội đến từ giới siêu giàu chứ không phải là chính phủ.
“Mọi người thường băn khoăn người giàu đang làm gì trên đồng tiền của chính họ và đồng tiền của chúng ta. Đó chính là điểm mấu chốt cho cuộc tranh luận này. Người ta thường nói đừng dạy người giàu cách tiêu tiền. Nhưng khi họ nhận được những lợi ích đáng kể về thuế, đó cũng là tiền của chúng ta. Đó là lý do ta cần những điều luật về cách họ tiêu tiền của người dân”, Madoff cho biết.
Đương nhiên, ông chủ các quỹ từ thiện lớn có những nhóm lợi ích đặc biệt để lách qua. Tổ chức Philanthropy Roundtable tự nêu sứ mệnh của hội là chống lại “áp lực ngày càng tăng từ một số tổ chức cộng đồng cố đưa từ thiện tư nhân vào tiêu chuẩn thống nhất, kêu gọi tăng kiểm soát từ chính phủ”.
Tổ chức phi lợi nhuận này nhận được tài trợ từ các tỷ phú cánh hữu có ảnh hưởng, gồm hàng trăm nghìn USD từ quỹ tư nhân của Charles Koch. Nó cũng nhận tiền từ quỹ Gates: 9 khoản tài trợ từ 2005 đến 2017 trị giá 2,5 triệu USD, hầu hết dành cho chi phí hoạt động chung. Người phát ngôn của quỹ tuyên bố những khoản quyên góp này nhằm mục đích “huy động nhà tài trợ ủng hộ các chính sách công cộng vì những hành động xa hơn”.
Tuy nhiên, ở một số thời điểm nhất định, tổ chức này dường như chỉ phục vụ lợi ích riêng của những tỷ phú sử dụng từ thiện để tác động đến chính sách công như Gates hay Koch. Hiện tại, vẫn chưa thể làm rõ cách Philanthropy Roundtable đóng góp cho sứ mệnh “giúp mọi người sống khỏe mạnh, làm việc năng suất” và “giúp cho những người nghèo nhất quyền được thay đổi cuộc sống” của quỹ Gates.
Dù chưa có bằng chứng cụ thể Bill và Melinda sử dụng quỹ từ thiện để làm giàu cho bản thân hay quỹ của họ, không thể phủ nhận rất nhiều hoạt động từ thiện do nhà Gates tổ chức chủ yếu chỉ phục vụ cho mục đích cá nhân.
Những lợi ích này có thể là ủng hộ tiền cho trường mà con cái họ theo học, các công ty mà quỹ Gates sở hữu một phần, những nhóm lợi ích đặc biệt bảo vệ cho giới siêu giàu Mỹ, tiết kiệm hàng tỷ USD tiền thuế cho họ.
Các tổ chức từ thiện cũng đã thay đổi ngoạn mục hình ảnh của Bill Gates trong mắt công chúng, biến ông từ một trong những CEO gay gắt hàng đầu trở thành người được ngưỡng mộ nhất trên thế giới. Mô hình từ thiện của Gates còn truyền cảm hứng về kỷ nguyên “cho đi” hàng tỷ USD làm từ thiện của những tỷ phú gây tranh cãi như Mark Zuckerberg hay Jeff Bezos.
Nguồn: Bizlive
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách “Gối đầu giường” dành cho doanh nhân kinh doanh đột phá 2020
ĐẶT MUA