Nước Mỹ đã phá vỡ thế giới như thế nào?
Nước Mỹ đã phá vỡ thế giới như thế nào? Lòng tham và toàn cầu hóa đã khiến mọi thứ vỡ vụn.
Tác giả bài viết mà chúng tôi lược dịch và gửi đến bạn đọc dưới đây là Thomas L. Friedman, cây bút bình luận sắc sảo của tờ New York Times nước Mỹ, nhà báo từng đạt 3 giải thưởng Pulitzer và là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy về toàn cầu hóa như “Từ Beirut đến Jerusalem”, “Thế giới phẳng”, “Chiếc Lexus và cây oilu”…
Nếu mấy tuần vừa qua thể hiện cho chúng ta bất cứ điều gì, thì đó chính là thế giới này không chỉ phẳng mà còn rất mong manh dễ vỡ. Và chính nước Mỹ là “thủ phạm” gây ra điều đó, bằng chính tay người Mỹ.
20 năm qua, chính chúng ta đã tự tay xóa bỏ đi những tấm đệm đỡ, những quy tắc và những lề thói thông thường vẫn bảo vệ và đem lại sự kiên cường cho người Mỹ. Những hệ thống lớn – từ hệ sinh thái, hệ thống địa chính trị đến hệ thống tài chính – đều bị giãn căng hết mức. Bị ám ảnh bởi tăng trưởng ngắn hạn, chúng ta đã xóa bỏ hết những “tấm đệm” này một cách cẩu thả và liều lĩnh.
Không chỉ có vậy, chúng ta còn hành xử theo cách cực đoan, vượt quá những ranh giới thông thường trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, tài chính đến môi trường.
Đồng thời, công nghệ thúc đẩy toàn cầu hóa nhanh hơn, sâu hơn, rẻ hơn và chặt chẽ hơn bao giờ hết nhưng cũng khiến các công ty, các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau.
Kết hợp 3 xu hướng này, chúng ta có 1 thế giới dễ tổn thương hơn trước các cú sốc và những hành động cực đoan, có rất ít “đệm chống sốc” bọc lót nhưng lại có quá nhiều công ty và con người kết nối chặt chẽ với nhau mà thông qua đó những cú sốc sẽ dễ dàng lan tỏa.
Đại dịch Covid-19 là minh họa gần nhất và cũng rõ ràng nhất cho miêu tả nói trên. Nhưng chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy xu hướng này trong cả 3 cuộc khủng hoảng đã xảy ra trong 20 năm qua: vụ khủng bố 11/9, khủng hoảng kinh tế 2011 và làn sóng biến đổi khí hậu. Đại dịch không còn là vấn đề sinh học đơn thuần mà đã trở thành sự kiện mang tính địa chính trị, tài chính và cả môi trường. Chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn trừ khi bắt đầu thay đổi cách hành xử.
Có thể coi tổ chức Al Qaeda và thủ lĩnh Osama bin Laden là 1 “quả bom chính trị” được gieo mầm ở Trung Đông sau năm 1979, khi Saudi Arabia chao đảo vì cuộc xung đột giữa người Hồi giáo dòng Shiite ở Iran và người Hồi giáo theo dòng Sunni về chuyện ai mới là nhà lãnh đạo thực sự của thế giới Hồi giáo.
Cuộc xung đột này trùng với thời kỳ giá dầu tăng vọt, trao cho cả 2 bên nguồn lực dồi dào để tuyên truyền tín ngưỡng của họ trên khắp thế giới, thông qua các nhà thờ và trường học.
Trong tự nhiên, hệ sinh thái đa dạng bao giờ cũng bền bỉ, mạnh mẽ hơn độc canh. Ví dụ, chỉ 1 con virus hay 1 loại sâu bọ cũng có thể tàn phá toàn bộ mùa màng nếu như chỉ gieo trồng 1 loại cây duy nhất. Trong chính trị, các ý tưởng độc hại sẽ dễ dàng tàn phá những hệ thống thiếu đa dạng.
Thời kỳ hoàng kim và có tầm ảnh hưởng lớn nhất cả về văn hóa, khoa học và kinh tế của thế giới Hồi giáo là thời Trung Cổ, khi Hồi giáo là nền văn hóa giàu có và đa dạng ở Tây Ban Nha. Nhưng vì những gì diễn ra ở Iran và Saudi Arabia, thế giới Hồi giáo Arab rơi vào tình trạng độc đoán sau năm 1979. Và tư tưởng cho rằng “thánh chiến bạo lực” có thể giúp đạo Hồi quay trở lại thời hoàng kim đã nảy nở sinh sôi ở khắp châu Âu, Bắc Phi, Pakistan, Ấn Độ và Indonesia.
Chúng ta đã từng nhận được hồi chuông cảnh báo rằng ý tưởng này có thể khiến cả nước Mỹ chao đảo từ ngày 26/2/1993, khi 1 chiếc xe tải đi thuê chở đầy chất nổ phát nổ tại bãi đậu xe bên dưới tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới ở Manhattan. Quả bom đã không thể làm sập tòa nhà như dự định, nhưng cũng đã phá hủy nghiêm trọng cấu trúc của tòa nhà, khiến 6 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.
Kẻ đứng sau vụ tấn công này, Ramzi Ahmed Yousef (người Pakistan) sau đó đã nói với các thanh tra FBI rằng điều tiếc nuối duy nhất của hắn là phần tháp đôi không bị đổ sập và giết chết hàng nghìn người.
Chúng ta đều biết điều gì đã xảy ra tiếp theo: ngày 11/9/2011 tháp đôi đã bị tấn công trực diện và đổ sập, mở ra 1 cuộc khủng hoảng kinh tế và địa chính trị trên toàn cầu và kết cục là Mỹ phải bỏ ra hàng nghìn tỷ USD để cố gắng ngăn các phần tử Hồi giáo cực đoan tấn công nước Mỹ.
Mỹ và các đồng minh xô đổ những lãnh đạo độc tài ở Iraq và Afghanistan, hi vọng thúc đẩy thuyết đa nguyên trên mọi mặt trận từ chính trị, giáo dục, tôn giáo đến giới tính. Nhưng không may là nước Mỹ đã không thành công.
Cũng giống như trong tự nhiên, “virus Al Qaeda” đã biến thể và có thêm những đặc tính mới từ những “vật chủ” ở Iraq và Afghanistan. Kết quả là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bạo lực trở nên nguy hiểm hơn, mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS là ví dụ điển hình.
Sự nổi lên của IS và những tổ chức tương tự ở Taliban buộc Mỹ vẫn giữ quân ở khu vực Trung Đông nhưng chỉ là để kiểm soát “dịch bệnh” chứ không thể diệt trừ tận gốc.
Tương tự, lời cảnh báo đã từng được phát đi từ con virus có tên “LTCM”.
Long-Term Capital Management là 1 quỹ đầu cơ được thành lập năm 1994 bởi John Meriweather, người dẫn đầu 1 nhóm gồm 2 nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel, một số nhà toán học và vài nhân vật kỳ cựu trong ngành. Quỹ sử dụng các mô hình toán học để dự đoán giá và sử dụng đòn bẩy rất lớn để thực hiện buôn bán các tài sản tài chính.
LTCM từng thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ cho đến khi biến cố ập đến. Đó là tháng 8/1998, khi Nga vỡ nợ. 3 ngày sau, các thị trường trên toàn thế giới đều lao dốc không phanh, và nhà đầu tư bắt đầu hoảng loạn với các chỉ số đều tiến đến mức khó tin. Chỉ trong 1 ngày, LTCM mất 553 triệu USD, tương đương 15% số vốn. Trong 1 tháng số tiền thua lỗ là gần 2 tỷ USD.
Thua lỗ, phá sản và biến mất là chuyện thường tình của các quỹ đầu cơ. Nhưng LTCM là 1 câu chuyện rất khác. Quỹ đã vay tiền từ rất nhiều ngân hàng lớn, và vì không minh bạch nên không bên nào biết được bức tranh toàn cảnh về sức khỏe tài chính của LTCM. Kết quả là vụ sụp đổ này khiến hàng chục quỹ đầu tư và ngân hàng ở phố Wall cũng như ở nước ngoài đứng bên bờ vực. Hơn 1.000 tỷ USD bị đe dọa. Cuối cùng Fed đã tung ra gói cứu trợ 3,65 tỷ USD.
Cuộc khủng hoảng đã được kiểm soát và bài học ở đây rất rõ ràng: trong hệ thống ngân hàng toàn cầu đừng để bất cứ ai sử dụng đòn bẩy quá lớn để thực hiện những cú đặt cược khổng lồ và quá cực đoan trong khi thiếu minh bạch như vậy.
Nhưng 1 thập kỷ sau, bài học đó đã bị lãng quên và chúng ta có cuộc khủng hoảng 2008.
Cả thế giới như đang ngồi trong sòng bạc. Có 4 “hạt mầm tài chính” cùng nhau tạo ra cuộc khủng hoảng này. Đó là các khoản vay thế chấp dưới chuẩn, khoản vay thế chấp điều chỉnh lãi suất, các chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp và các nghĩa vụ nợ thế chấp.
Cả hệ thống dựa vào giá nhà đang tăng lên tưởng chừng như vô tận. Và khi bong bóng nhà đất phát nổ, rắc rối nhanh chóng lây lan và cuốn theo một số lượng khổng lồ các ngân hàng và công ty bảo hiểm trên toàn cầu, chưa kể đến hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Chúng ta đều đã đi quá giới hạn. Với hệ thống tài chính quốc tế siêu kết nối và có tỷ lệ đòn bẩy cao hơn bao giờ hết, chỉ có những gói giải cứu khổng lồ của các NHTW mới ngăn được thảm họa kinh tế do các ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán gây ra.
Năm 2010, chúng ta cố gắng tăng cường củng cố hệ miễn dịch cho hệ thống ngân hàng bằng đạo luật cải cách Dodd Frank và luật bảo vệ người tiêu dùng (ở Mỹ) cùng với chuẩn Basel III áp dụng cho các ngân hàng trên toàn thế giới. Nhưng kể từ đó tới nay, đặc biệt là dưới thời Trump, ngành tài chính đã tăng cường vận động hành lang (và họ thường thành công) để làm suy yếu những đệm đỡ này, khiến nguy cơ thế giới phải đối mặt với 1 “trận đại dịch” tiếp theo lây lan ra toàn bộ hệ thống tài chính quốc tế.
Và lần này cuộc khủng hoảng còn có thể nguy hiểm hơn vì hiện hơn một nửa các giao dịch chứng khoán trên toàn cầu là do máy tính thực hiện. Các thuật toán và mạng lưới máy tính giúp xử lý dữ liệu ở tốc độ 1 phần nghìn, thậm chí 1 phần triệu giây để mua và bán cổ phiếu, trái phiếu hay hàng hóa.
Có lẽ chúng ta không cần nói quá nhiều về sự kiện này, ngoại trừ dấu hiệu cảnh báo sớm đã bị phớt lờ. Đó là dịch SARS xuất phát tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ cuối năm 2002.
Theo thông tin trên website của Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ: “Chỉ trong vài tháng, dịch bệnh đã lan ra hơn 20 nước ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu và châu Á” trước khi được kiểm soát. Hơn 8.000 người trên toàn thế giới mắc bệnh, trong đó 800 người thiệt mạng. Mỹ có 8 ca nhiễm được xác nhận và không có ca tử vong.
Chủng virus corona gây ra SARS được tìm thấy ở vật chủ là dơi và cầy hương. Chúng lây sang người bởi vì nơi ở của động vật hoang dã ngày càng thu hẹp sau khi con người khai phá lấy đất canh tác cũng như xây dựng đô thị.
Dơi, chuột, cầy hương và một vài loài động vật linh trưởng mang theo rất nhiều loại virus có thể truyền sang người. Và khi chúng bị săn bắt, buôn bán để làm thức ăn, thuốc chữa bệnh, thú nuôi của con người, chúng cũng đe dọa đến sức khỏe con người.
SARS lây lan từ đại lục sang Hồng Kông vào tháng 2/2003, khi giáo sư Liu Jianlun check in phòng 911 tại khách sạn Metropole ở Hồng Kông. Khi ông trả phòng khách sạn, virus chết người đã lây sang ít nhất là 8 vị khách khác mà không ai hay biết, rồi những người này lại đi tới Singapore, Toronto và Hà Nội. Theo WHO, trong số 7.700 ca nhiễm trên toàn cầu, có tới hơn 4.000 ca có gốc gác từ giáo sư Liu ở tầng 9 khách sạn Metropole.
Một điều quan trọng là SARS nhanh chóng được kiểm soát là do những chính sách cách ly được triển khai nhanh chóng và nghiêm ngặt cùng với sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều nước. Sự hợp tác này là 1 tấm đệm đỡ rất tốt.
Hiện tại chúng ta vẫn chưa thể chắc chắn mầm bệnh Covid-19 xuất phát từ đâu, nhưng giả thiết nhiều người ủng hộ nhất là virus đã lây sang người từ 1 động vật hoang dã (có thể là dơi) ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng điều chúng ta biết rõ là 5 tháng sau đã có hơn 100.000 Mỹ thiệt mạng và hơn 40 triệu người thất nghiệp vì virus mới.
Từ tháng 12 đến tháng 3, có khoảng 3.200 chuyến bay từ Trung Quốc đến các thành phố lớn ở Mỹ, trong đó có 50 chuyến bay thẳng từ Vũ Hán. Có bao nhiêu người Mỹ từng nghe đến cái tên Vũ Hán? Mạng lưới máy bay, tàu hỏa, tàu thủy chằng chịt trên toàn cầu, sự hợp tác lỏng lẻo giữa các nước cùng với con số gần 8 tỷ người đang sinh sống trên trái đất (so với mức 1,8 tỷ người khi đại dịch cúm 1918 bùng nổ) đã giúp virus corona chủng mới lan ra toàn cầu chỉ trong nháy mắt.
Tôi không thích dùng cụm từ “biến đổi khí hậu” để miêu tả những gì sắp ập đến với nhân loại, thay vào đó hãy dùng cụm từ “quái dị trên toàn cầu”, bởi vì thời tiết đang trở nên quái dị trên toàn thế giới. Mùa mưa thì mưa nhiều hơn, mùa khô cũng nắng nóng kỷ lục, tuyết rơi nặng hơn bao giờ hết và những cơn bão thì ngày càng mạnh. Những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và gây thiệt hại nặng nề hơn.
Điều chúng ta nên làm là hãy bảo vệ hệ sinh thái mà thiên nhiên đã tạo ra và chúng ta chỉ là 1 phần nhỏ bé trong đó. Không giống như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu không có “đỉnh”. Khi rừng Amazon đã trơ trụi và băng ở Greenland đã tan chảy hết, mọi thứ không thể quay trở về như cũ.
Tin tốt là chúng ta đang có tất cả các “kháng thể” cần thiết để hạn chế và sống chung với biến đổi khí hậu. Chúng ta sẽ có “miễn dịch cộng đồng” nếu hành động ngay từ bây giờ: giảm thiểu khí thải Co2, bảo vệ những cánh rừng già, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng, và cuối cùng quan trọng hơn cả là các chính phủ cần chung tay hành động.
Nhìn lại 20 năm qua, hãy gọi 4 thảm họa này là “những chú voi đen” – cụm từ do nhà môi trường học Adam Sweiden sáng tạo ra. Đó là sự kết hợp giữa “thiên nga đen” (tức sự kiện bất ngờ xảy ra, không có dấu hiệu báo trước nhưng đem lại hệ quả khủng khiếp) với “con voi trong phòng” (thành ngữ elephant in the room, ý chỉ 1 thảm họa sắp ập đến mà ai cũng có thể nhìn thấy nhưng không có ai hành động để ngăn chặn).
Nói cách khác, những “mầm bệnh” xuất hiện là điều không thể tránh khỏi, nhưng việc chúng biến thành đại dịch hay không thì là điều chúng ta có thể ngăn chặn. Toàn cầu hóa là điều không thể tránh khỏi, nhưng cách thức định hình toàn cầu hóa như thế nào hoàn toàn là điều chúng ta có thể tự quyết định.
Tự nước Mỹ đã quyết định loại bỏ những tấm đệm chống sốc dưới danh nghĩa tăng cường hiệu quả. Tự nước Mỹ quyết định để cho chủ nghĩa tư bản hoạt động theo cách “hoang dã” nhất. Nước Mỹ quyết định không hợp tác với nước khác trong đại dịch, quyết định tàn phá rừng Amazon và tấn công vào thế giới hoang dã.
Trong thế giới toàn cầu hóa và kết nối sâu rộng như hiện nay, hành động của cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết. Và vì thế một “quy tắc vàng” trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn mong muốn sẽ nhận được từ người khác.
Nguồn: Cafef – Tham khảo New York Times
Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance
Nhận diện SIÊU BONG BÓNG
Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán