27 tuổi chẳng có nổi trong tay 50 triệu tiền tiết kiệm, tôi bị cười nhạo rất nhiều và chợt hiểu ra: “Nghèo” là từ ít được đồng tình nhất trong từ điển
Khi 27 tuổi, có người đã thăng tiến trong sự nghiệp, trưởng phòng A, quản lý B. Lại có người chỉ có mấy chục triệu trong tay. Vấn đề có phải do nghèo khó?
1. Một người 27 tuổi cần có bao nhiêu tiền tiết kiệm trong tay?
Một anh chàng 27 tuổi người Hồ Bắc, Trung Quốc đã dồn toàn bộ tài chính cá nhân để mua một phòng ở nhỏ tại thị trấn Hạc Cương, tiêu hơn 3 vạn nhân dân tệ (tương đương khoảng 100 triệu đồng) và vay nợ hơn 1 vạn (tương đương 30 triệu đồng).
Tình hình kinh tế gần đây khiến anh ta không thể làm việc, không có thu nhập, càng không thể trả các khoản vay. Sau 2 tháng cầm cự bằng cách cắt giảm chi tiêu sinh hoạt, ngày 3 bữa thì có 2 bữa chỉ ăn mỳ tôm, anh ta vẫn không còn cách nào khác để tiếp tục. Bất đắc dĩ, anh quyết định bán lại chính phòng ở đó với giá gốc để lấy tiền sinh hoạt thật nhanh.
Khi chia sẻ câu chuyện của mình trên một group, ngoài sự đồng tình, anh ta còn nhận được không ít nhận xét khác:
“Mặc dù tôi biết rằng, nói điều này không phù hợp cho lắm, nhưng tôi vẫn muốn hỏi, tại sao một người 27 tuổi mà chỉ có 2 vạn nhân dân tệ trong người?”
“Tại sao không trả nổi 1 vạn vay nợ nhỉ? Số tiền ấy là quá to với một người 27 tuổi sao? Sao không dùng tiền tiết kiệm để trả?”
“Đọc xong mà chẳng thấy thông cảm được tí nào. Tại sao suốt 2 tháng mà anh không kiếm được một công việc làm thêm ở nhà nào để tăng thu nhập chứ? Hoặc không vì ra đường chạy shipper cũng được nữa là”.
Chắc hẳn, những người đưa ra bình luận này đều chưa xem bộ phim “The Great Gatsby” và nghe được câu nói: “Mỗi khi bạn muốn đánh giá bất cứ ai, bạn hãy nhớ rằng, không phải tất cả mọi người trên thế giới này đều có được lợi thế mà bạn đang có“.
Những người như vậy lại không nằm ở số ít. Chắc chắn, chúng ta từng ít nhiều gặp được một vài đánh giá chủ quan như vậy, có khi là của người khác, có khi là của chính mình:
“Từng này tuổi rồi mà chưa một lần đi du lịch nước ngoài ấy hả?”
“Thật sự có người chưa được ngồi máy bay bao giờ sao?”
“Có người cả năm chỉ đi 1 đôi giày thôi hả?”
“Cậu đi làm cả tháng mà không tiết kiệm được đồng nào hả?”
…
Người có thể hỏi ra những vấn đề như vậy, một là sống quá đầy đủ hạnh phúc, hai là không có chút đồng tình nào trong lòng.
Có lẽ, “nghèo” chính là từ ít được đồng tình nhất trên thế giới.
2. “Nếu không có gạo ăn, sao không ăn thịt?”
Tại Trung Quốc, nhà kinh tế Li Xunlei từng đưa ra một báo cáo phân tích có chi tiết như sau:
1 tỷ người Trung Quốc chưa bao giờ đi máy bay;
Ít nhất 500 triệu người Trung Quốc còn không được dùng bồn cầu;
80% hộ gia đình Trung Quốc có thu nhập hàng tháng không quá 3.000 nhân dân tệ (tương đương 10 triệu đồng);
Nếu bạn có bằng cử nhân, bạn đã vượt qua 95% dân số còn lại của Trung Quốc.
Trên thế giới này, không phải ai cũng có số mệnh như nhân vật nam nữ chính trong các bộ phim truyền hình, được ăn mặc sang trọng quý phái, tham gia những bữa tiệc linh đình, mua sắm siêu xe hàng hiệu như cơm bữa.
Thậm chí, không phải ai cũng có đủ điều kiện để học hành đàng hoàng, tốt nghiệp đại học nọ kia, rảnh rỗi lại tham gia vào khóa học kỹ năng mềm, học ngoại ngữ, học vi tính văn phòng, thiết kế đồ họa như sở thích…
Khi bạn nằm trên ghế sofa ở nhà, vừa ăn vặt, vừa nhàn nhã lướt Internet, có những đứa trẻ miền núi phải trèo lên các ngọn cây cao để tìm tín hiệu điện thoại.
Khi bạn phàn nàn nhàm chán vì không thể ra ngoài uống trà sữa, tụ tập bạn bè, có những đứa trẻ ngày ngày cày ruộng, chỉ đêm đến mới có thời gian đưa sách vở ra tranh thủ học tập.
Có đôi khi, nghèo khó hạn chế tầm nhìn của một người, nhưng sung túc cũng khiến con người bị che mờ đôi mắt và nhận thức. Bạn chưa bao giờ nghèo, bạn sẽ không biết cuộc sống của người nghèo đáng buồn như thế nào.
Những ai chưa từng bị dồn tới bước đường cùng sẽ khó có thể hiểu khó nhọc của nhân gian. Bởi vì không trải qua, cho nên càng không hiểu, đôi khi nghèo khó chưa hẳn là do lười biếng.
Nhà văn người Mỹ Barbara Ehrenreich đã từng viết rằng:
“Ở những nơi tôi không thể nhìn thấy, thế giới vận hành với một trình tự logic khác, nơi cái nghèo nuôi dưỡng cái nghèo, khó khăn cứ tự tuần hoàn lẫn nhau. Những người không có thời gian để học kỹ thuật, không có thời gian để cải thiện bản thân thì chỉ có thể không ngừng quay cuồng trong một vòng lặp ác tính của nghèo khó”.
Ngoài kia vẫn luôn có những người như vậy. Họ đã phải dùng hết toàn bộ sức lực mới có thể duy trì sinh hoạt đời thường. Vậy một người ngoài cuộc như chúng ta lấy lập trường gì để chỉ trích họ không nỗ lực hơn nữa?
Giống như câu chuyện về vị Tấn Huệ Đế xưa kia trong lịch sử “Loạn bát vương” của Trung Hoa cổ đại, Sử chép lại rằng: Lúc nghe tin dân bị đói, đến gạo cũng không còn để ăn, Huệ đế lại buột miệng hỏi, “Dân không có gạo ăn, sao không ăn thịt?”
Cậu thiếu niên mặc quần áo mới tinh thơm tho, hỏi một cậu bạn nhà nghèo nhận tiền trợ cấp cho hoàn cảnh khó khăn rằng:
Thực sự mỗi ngày cậu chỉ đi một đôi giày sao?
Một thanh niên được nuôi ăn học đầy đủ, có gia đình hậu thuẫn đằng sau, nói với một người xa lạ rằng: Tôi không tin có người 27 tuổi mà còn nghèo đến thế, chỉ có trong tay 50 triệu đồng tiết kiệm là như thế nào?
Đó là lý mà cụm từ “tầm nhìn đường hầm” xuất hiện. Nó có nghĩa là sự mất mát của tầm nhìn ngoại vi – phần của lĩnh vực thị giác của bạn nằm ở các cạnh bên ngoài của tầm nhìn của bạn. Cụm từ này còn có thể hiểu là, nếu bạn ở trong đường hầm, toàn bộ tầm nhìn của bạn chỉ giới hạn trong đường hầm hạn hẹp đó mà thôi.
Nếu không thể đồng tình với cái nghèo, ít nhất, bạn hãy cất đi tâm lý cao cao tại thượng khi phán xét và đánh giá, dùng một chút tử tế và dịu dàng để nhìn nhận về khó khăn của người xung quanh.
Theo Cafef.vn
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live