Công ty FPT muốn là trở thành công ty công nghệ
FPT thường được biết đến như là một công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam. Nhưng định danh này đôi khi vẫn gây tranh luận trong giới đầu tư khi nhìn vào doanh số và lợi nhuận của FPT nghiêng sang các mảng khác.
Thu hẹp đa ngành
Trong giai đoạn 2003-2007, lợi nhuận trước thuế của FPT tăng từ 44 tỉ đồng lên 1.029 tỉ đồng, là tốc độ tăng trưởng nhanh thường chỉ thấy ở các công ty công nghệ mới. Nhưng bước sang giai đoạn 2007-2016, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của FPT đã có dấu hiệu chậm lại đáng kể.
Cơ cấu doanh thu FPT có 55% đến từ mảng phân phối bán lẻ. Giới đầu tư cho rằng sở dĩ 10 năm qua FPT đi chậm là do việc phân bổ nguồn lực vào những ngành nghề khác biệt hoàn toàn với mảng cốt lõi của doanh nghiệp. Chính vì vậy, Ban lãnh đạo Công ty đã chủ trương thoái vốn tại những ngành kinh doanh không cốt lõi. Việc giảm tỉ lệ sở hữu tại lĩnh vực phân phối và bán lẻ xuống dưới 50% là một thành công lớn của FPT trong năm 2017, sẽ tạo điều kiện tập trung hơn nữa vào ngành công nghệ thông tin và viễn thông, hứa hẹn mang lại giá trị lớn cho cổ đông.
Trong năm 2018, FPT đặt kế hoạch doanh thu 21.900 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2017 (không bao gồm lĩnh vực phân phối bán lẻ), lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 3.484 tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2017 (bao gồm lợi nhuận tại công ty liên kết theo tỉ lệ sở hữu và loại trừ khoản lợi nhuận từ thoái vốn lĩnh vực phân phối bán lẻ).
Nếu FPT thực hiện được, đây sẽ là mức tăng trưởng về kinh doanh lõi cao nhất kể từ năm 2010 mà doanh nghiệp đạt được (không tính lợi nhuận từ thoái vốn trong năm 2017). Công ty Chứng khoán BVSC cho rằng FPT có nhiều khả năng đạt kế hoạch đề ra khi doanh thu sẽ chỉ còn đến từ mảng công nghệ, viễn thông và giáo dục. Đây là những lĩnh vực có tỉ suất lợi nhuận cao nên tỉ suất lợi nhuận của năm 2018 dự kiến đạt 16%, gấp đôi so với năm 2017. Kết quả kinh doanh trong quý I/2018 cũng rất khả quan khi doanh thu ước tăng 18%, lợi nhuận trước thuế ước tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiềm năng tăng trưởng của FPT vẫn còn nhiều và không bị giới hạn, đặc biệt năm 2018, Công ty ước đạt mức tăng trưởng 18% về lợi nhuận sau nỗ lực tái cơ cấu mạnh mẽ trong năm qua. Sau thoái vốn trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ, FPT đang được thị trường nhìn nhận như một công ty về công nghệ đúng nghĩa chứ không còn là một tập đoàn đa ngành như trước.
Cơ hội chuyển đổi số
Chủ tịch Trương Gia Bình say sưa nói về chuyển đổi số tại Đại hội cổ đông được tổ chức vừa qua. Bởi vì năm 2017, doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số của FPT tăng trưởng trên 50%, chiếm 21% tổng doanh thu của khối công nghệ. Chia sẻ trong buổi họp Đại hội đồng cổ đông, ông Bình kỳ vọng 5 năm nữa doanh thu chuyển đổi số sẽ đạt 1 tỉ USD, chiếm 40% doanh thu toàn Tập đoàn, so với mức 100 triệu USD hiện tại.
Theo khảo sát CIO toàn cầu của Gartner, các tổ chức hoạt động thành công nhất trong khu vực tư nhân và khu vực công đã chi lần lượt 33% và 21% ngân sách công nghệ thông tin năm 2017 vào đầu tư chuyển đổi số. Trong năm 2018, các tổ chức này dự kiến tăng mức chi lên 43% ngân sách công nghệ thông tin cho số hóa, các tổ chức công tăng lên mức 28%.
Hiện FPT đã bắt đầu thiết lập quan hệ cấp cao với các đối tác quốc tế, cùng tích cực tham gia phát triển, sản xuất và thương mại hóa PoC (proof of concept – chứng minh khái niệm) và dịch vụ chuyển đổi số. Các đối tác lớn như GE, Airbus, CocaCola Việt Nam… đều chọn FPT là đối tác để thực hiện việc chuyển đổi số nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất. Với hãng Airbus, FPT sẽ cung cấp 500 lập trình viên để phát triển các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngành hàng không dựa trên nền tảng Skywise… Ông Trương Gia Bình tiết lộ, cho đến năm 2016, số khách hàng trong top 500 công ty có doanh thu lớn nhất toàn cầu của FPT mới đạt con số 24. Nhưng riêng năm 2017, con số này đã tăng lên 64.
Nhờ sự tăng trưởng trong lĩnh vực chuyển đổi số mà mảng xuất khẩu phần mềm sẽ liên tục giữ được tốc độ tăng trưởng 25-35% trong 5 năm tới và chiếm tỉ trọng 50% doanh thu toàn Tập đoàn.
Ngành xuất khẩu phần mềm Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu quốc tế vững chắc, nằm trong top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương. FPT nhận định đây là thời cơ thuận lợi cho ngành dịch vụ xuất khẩu phần mềm của Việt Nam nói chung và của Công ty nói riêng. FPT đặt mục tiêu tăng trưởng từ thị trường nước ngoài giai đoạn 2018-2020 đạt 30%, tăng số vụ thắng thầu quốc tế gấp đôi so với năm 2017, thiết lập kế hoạch hợp tác và nâng cấp quan hệ đối tác toàn cầu với GE, Microsoft, IBM, Cisco…, mở rộng danh sách khách hàng thuộc nhóm Fortune 500.
Ngoài ra, công nghệ dành cho ô tô cũng là trọng điểm mới của FPT. Nếu FPT thành công, HSC cho rằng không chỉ tỉ suất lợi nhuận được cải thiện mà sự thành công này còn giúp Công ty ghi tên vào bản đồ công nghệ toàn cầu. Bắt đầu cung cấp dịch vụ liên quan đến công nghệ ô tô từ năm 2015, sau 3 năm phát triển, doanh thu mảng công nghệ này đạt 1.045 tỉ đồng, tăng 32% so với năm 2016.
Hiện nay FPT đang triển khai khoảng 150 dự án liên đến công nghệ ô tô cho 20 khách hàng tại Nhật, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Năm 2017, FPT thử nghiệm thành công công nghệ xe tự hành trên phiên bản ô tô thương mại 4 chỗ. Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh FPT “chỉ tập trung làm phần mềm chứ không làm ô tô như Tesla”.
Năm 2016, FPT Software đã thành lập một đơn vị chuyên nghiên cứu phát triển các giải pháp công nghệ tự động hóa, quy mô hơn 1.000 người, tập trung vào mảng công nghệ ô tô. Trong mảng công nghệ này, FPT Software tập trung vào các lĩnh vực gồm: hệ thống bảng điều khiển điện tử, hệ thống phần mềm hỗ trợ xe tự hành, hệ thống kết nối các thiết bị với ô tô, hệ thống dịch vụ di động. FPT Software kỳ vọng doanh thu từ việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp trong lĩnh vực tự động hóa đạt tốc độ tăng trưởng 60%/năm trong vòng 3 năm tới.
Ông Trương Gia Bình cho biết: “Các đối tác của chúng tôi đều nói tương lai sẽ là ô tô điện, tự lái và kết nối vạn vật xung quanh. Thị trường này quy mô khoảng 6.700 tỉ USD. Tương lai ô tô 90% sẽ là phần mềm. Chiếc xe ô tô ứng dụng công nghệ tự hành của FPT đang bắt đầu chạy mặc dù còn khá thô sơ. Tuy nhiên, FPT sẽ liên tục thay đổi”.
Ra mắt cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 là một chú robot mang tên NAO có thể nhảy múa, nói chuyện và làm các động tác sinh động tương tác với con người. Qua phiên bản robot được mua từ Nhật này, FPT đã lập trình cho nhiều robot có nhiều ứng dụng khác trong thực tế. Xe tự động hay robot sẽ là biểu trưng cho giai đoạn FPT chứng minh mình là một công ty công nghệ có tầm vóc thực thụ
Nguồn: Nhịp cầu đầu tư.vn