Các cách chi tiêu hợp lý để sinh viên không cháy túi
Dưới đây là các cách chi tiêu hợp lí để sinh viên không bị cháy túi.
1. Tiết kiệm chi phí lưu trú (tối ưu chi tiêu)
Ông bà ta có câu “an cư mới lạc nghiệp” đủ để nói lên tầm quan trọng của việc có một chỗ ở ổn định, an toàn và thoải mái ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống, học tập và làm việc. Thế nhưng, đối với các bạn sinh viên, nhất là những sinh viên đến từ các tỉnh, thành phố khác, khoản chi cho việc lưu trú này có thể là cả một vấn đề.
Để giải quyết bài toán làm thế nào để chỗ ở vẫn duy trì đầy đủ các tiện nghi cần thiết mà lại không khiến bạn “viêm màng túi”, bạn có thể thuê phòng cùng bạn bè/ anh chị em: giải pháp này giúp bạn có thể thuê được một căn nhà với chất lượng tốt mà số tiền bỏ ra cho mỗi người không quá nhiều. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có thể mang đến một số rắc rối khi phải sống chung với những người khác. Chính vì vậy, bạn nên cân nhắc và chọn lựa kỹ bạn bè để có thể “sống chung” một cách thoải mái nhất. Đồng thời, quan trọng nhất, luôn phải chú ý đảm bảo sao cho số tiền dành cho việc lưu trú chỉ nên chiếm khoảng 1/6 thu nhập của bạn. Như vậy sẽ giúp bạn chi tiêu hợp lý và hạn chế tình trạng cháy túi.
2. Tiết kiệm chi phí ăn uống (tối ưu chi tiêu)
Một trong những khoảng chi phí khiến cho sinh viên nhanh chóng bị rỗng túi là do chi tiêu quá nhiều cho các hoạt động ăn uống, vui chơi cùng bạn bè. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên “cắt” hết các khoảng ăn uống vui chơi. Thay vào đó, hãy chi tiêu một cách hợp lý hơn bằng cách lên kế hoạch cho chính bản thân mình, từ số lần đi chơi đến số tiền dành cho mỗi lần đi ăn uống. Khoảng chi này nên bằng 1/4 tổng thu nhập của bạn trong mỗi tháng là tối ưu nhất.
Bên cạnh đó, một biện pháp khác là thay vì chi tiêu cho việc ăn uống bên ngoài, hãy tự chuẩn bị những bữa ăn trong ngày. Như vậy vừa đảm bảo được sức khỏe, vừa giúp giảm chi phí dùng cho các hoạt động này.
3. Tiết kiệm chi phí mua sắm (tối ưu chi tiêu)
Các bạn sinh viên, nhất là các bạn nữ, luôn có một niềm đam mê nhất định đối với việc mua sắm. Và trong bối cảnh các app mua sắm đang vô cùng thịnh hành với vô vàn khuyến mãi mỗi tháng, chắc hẳn sẽ làm “lung lay” quyết tâm tiết kiệm của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên đây có thể là một chiếc bẫy khiến bạn dễ dàng bị thâm hụt ngân sách. Chính vì vậy, thay vì mua sắm theo sở thích hãy thực sự nghĩ đến tính thực dụng của những món đồ mình mua.
Biện pháp 3 câu hỏi dưới đây có thể sẽ giúp bạn nhanh chóng quyết định có mua một gì hay không bằng cách luôn tự hỏi
- Mình sẽ dùng món đồ này vào mục đích gì?
- Mục đích đó có thật sự thiết yếu hay không?
- Dự định sẽ sử dụng món đồ này trong bao lâu?
4. Tiết kiệm chi phí học hành
Sẽ hơi ngược đời nếu yêu cầu sinh viên phải tiết kiệm chi phí học hành. Tuy nhiên đây cũng là một trong những biện pháp để sinh viên chi tiêu hợp lý hơn và tránh tình trạng cháy túi. Bởi lẽ, có đôi khi, chúng ta đang học theo một cách quá máy móc và “đổ” hàng đống tiền vào các lớp học thêm chỉ vì bạn bè tham gia mà không xác định được nó có hiệu quả gì cho bản thân hay không.
Điều quan trọng là cần phân biệt các hoạt động học tập nào là cần thiết và những hoạt động nào có thể thay thế bằng các hình thức khác. Ví dụ: bạn chắc chắn không thể bỏ những môn học chính thức nhưng có thể đăng ký học các lớp online, học qua các app miễn phí, tham gia các nhóm trên mạng xã hội để tìm hiểu kiến thức từ những anh chị đi trước. Bạn cũng có thể đọc sách trên mạng, xem các video từ youtube. Hãy khai thác “chị google” một cách tối đa nhất trước khi tìm đến với những giải pháp mất tiền khác.
Đồng thời, luôn đặt tìm kiếm và áp dụng cho mình một phương pháp tự học phù hợp nhất. Bởi lẽ khi bạn tìm được cách tự mình tìm hiểu và hấp thu những kiến thức mới, bạn sẽ tiếp thu mọi thứ một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn. Và từ đó, chắc chắn bạn sẽ không phải dành quá nhiều tiền cho những lớp học không mang lại hiệu quả.
5. Tạo thêm nguồn thu nhập
Cuối cùng, bên cạnh việc tiết kiệm các chi phí ăn mặc, ở, mua sắm, bạn cũng cần tự mình tạo thêm các nguồn thu nhập mới thay cho việc chỉ trông chờ vào hỗ trợ từ gia đình. Tùy theo ngành học của mình, hãy tìm kiếm một công việc phù hợp với thời gian, sức khỏe của bản thân để kiếm thêm tiền. Đây cũng là một cơ hội để bạn có thể cọ xát với thế giới thực bên ngoài và tự mình học hỏi thêm những bài học không có trong sách vở. Một bước đệm để bạn chuẩn bị cho tương lai của bản thân một cách chắc chắn hơn.
Ngoài mở rộng thu nhập, bạn có thể giải quyết các vấn đề trong cuộc sống trước mắt bằng các giải pháp tài chính khác như bằng các nguồn thẻ tín dụng cho sinh viên hoặc các chương trình vay vốn cho sinh viên. Đây là giải pháp thường được khá nhiều bạn áp dụng vì ngoài đóng học phí, bạn còn có thể dùng số tiền này cải thiện chất lượng cuộc sống để có thời gian và sức khỏe đầu tư cho việc học tập tốt hơn. Tuy nhiên, cũng lưu ý là với những khoản vay này, bạn hãy đến các ngân hàng có uy tín và cân nhắc kỹ các vấn đề lãi suất bạn nhé.
Trên đây là những cách chi tiêu hợp lý để sinh viên không bị cháy túi
Nguồn: Gobear
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường