fbpx

Nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam sắp được bán khống?

Bộ Tài chính đang thực hiện lấy ý kiến sửa đổi Thông tư hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán, thay thế cho Thông tư số 203/2015. Đáng chú ý, Dự thảo Thông tư mới có các điều, khoản quy định về giao dịch chứng khoán trong ngày và giao dịch bán khống.

Nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam sắp được bán khống?

Thông tư này hướng dẫn hoạt động giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán. Đối tượng áp dụng là Nhà đầu tư, Thành viên giao dịch, thành viên lưu ký, thành viên bù trừ, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và công ty con.

Xây dựng cơ chế cho giao dịch bán khống

Một trong những điểm mới đáng chú ý so với thông tư cũ, là dự thảo Thông tư mới có điều khoản quy định về giao dịch bán khống có đảm bảo.

Theo Thông tư, giao dịch bán khống có tài sản đảm bảo (giao dịch bán khống có bảo đảm) là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.

Giao dịch bán khống sẽ được thực hiện dựa trên hợp đồng giao dịch vay chứng khoán trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Để thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm tối thiểu phải bao gồm nội dung về tài sản thế chấp, lãi suất vay/cho vay, thời hạn vay, gia hạn vay, xử lý tài sản thế chấp khi nhà đầu tư không hoàn trả chứng khoán, phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh, nêu rõ các rủi ro, thiệt hại có thể phát sinh và chi phí.

Nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch bán khống có bảo đảm tại công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán, nơi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch để thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm. Tài khoản giao dịch bán khống có bảo đảm là tài khoản riêng biệt hoặc được hạch toán dưới hình thức tiểu khoản.

Các chứng khoán được phép giao dịch bán khống có bảo đảm là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán và đáp ứng các tiêu chí về thời gian niêm yết, đăng ký giao dịch; về quy mô vốn và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành; về tính thanh khoản và biến động giá (nếu có); minh bạch thông tin và các tiêu chí khác theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Trên cơ sở tiêu chí do UBCKNN quy định, Sở Giao dịch Chứng khoán công bố danh sách chứng khoán được giao dịch bán khống có bảo đảm hoặc chứng khoán không được giao dịch bán khống có bảo đảm. Như vậy, nhiều khả năng sẽ có danh mục quy định cổ phiếu được nào được phép bán khống.

Các đối tượng không được phép thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm theo hướng dẫn của UBCKNN.

Tùy vào tình hình thị trường, UBCKNN triển khai hoạt động bán khống có bảo đảm sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận.

Trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn cho hoạt động của thị trường chứng khoán, UBCKNN có thể yêu cầu các công ty chứng khoán tạm ngừng thực hiện hoạt động giao dịch bán khống có bảo đảm.

Điều khoản trong Thông tư cũng quy định UBCKNN ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch bán khống có bảo đảm sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận.

Nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam sắp được bán khống?

* Nhà đầu tư thực hiện bán khống khi nào?

Nhà đầu tư sẽ được giao dịch T+0?

Một điểm đáng chú ý khác là các quy định về giao dịch trong ngày, được định nghĩa là giao dịch mua và bán cùng một mã chứng khoán với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch.

Theo Dự thảo quy định, nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày với công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán.

Hợp đồng giao dịch trong ngày phải có điều khoản cho phép công ty chứng khoán thực hiện các giao dịch vay, giao dịch mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao. Hợp đồng giao dịch trong ngày phải nêu rõ các rủi ro phát sinh, thiệt hại và chi phí phát sinh mà nhà đầu tư phải thanh toán.

Nhà đầu tư thực hiện các giao dịch trong ngày phải tuân thủ quy định không được đặt các lệnh giao dịch vừa mua, vừa bán đồng thời cùng một loại chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ, trừ các lệnh đã được nhập vào hệ thống tại đợt giao dịch liên tục trước đó, chưa được khớp nhưng vẫn còn hiệu lực; không được thực hiện các giao dịch trong ngày đối với giao dịch chứng khoán lô lẻ và giao dịch thỏa thuận;

Hoạt động giao dịch trong ngày không được thực hiện trong khoảng thời gian năm 5 ngày, trước ngày đăng ký cuối cùng để chốt quyền cổ đông của chứng khoán đó.

Công ty chứng khoán có quyền lựa chọn mã chứng khoán có trong danh sách chứng khoán niêm yết được giao dịch ký quỹ để thực hiện giao dịch trong ngày cho nhà đầu tư. Danh sách các chứng khoán được giao dịch trong ngày phải được công ty chứng khoán công khai trên trang thông tin điện tử của công ty chứng khoán.

Trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, UBCKNN có quyền yêu cầu tạm ngừng các hoạt động giao dịch trong ngày.

Thông tư quy định UBCKNN ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch trong ngày sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận.

Nguồn: chiemtinhtaichinh

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường

Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề