Quy định cơ cấu lại nợ chưa hết tắc
Đã hết “cả hiệp phụ lẫn phút bù giờ”, nhưng đến nay dự thảo sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ vẫn chưa thể hoàn thiện, vì nhiều nguyên nhân…
Doanh nghiệp than Mệt
Ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư IDI – hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản công nghiệp, một trong những khách hàng tốt của Vietcombank – cho biết, khoản vay đầu tiên 15 tỷ đồng trong 3 năm đã được Công ty tất toán đúng hạn. Đầu năm nay, Công ty tiếp tục vay 10 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm với lãi suất 10%/năm, trả lãi hàng tháng, trả gốc theo quý.
Tuy nhiên, lần vay này đúng lúc đại dịch Covid-19 bùng phát nên Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ do khách hàng hạn chế mở rộng sản xuất – kinh doanh, thậm chí không hoạt động. Dù vậy, điều phấn khởi là nhân viên tín dụng Vietcombank đã chủ động triển khai Thông tư 01/2020 thông qua việc giảm lãi suất vay từ 10%/năm xuống 9,6%/năm.
Theo ông Sỹ, mức giảm lãi suất 0,4%/năm tuy không nhiều nhưng cũng giúp doanh nghiệp ấm lòng, bởi tiền của ngân hàng cũng phải huy động từ bên ngoài với chi phí cao, giảm lãi suất cho vay cũng là giảm lợi nhuận của chính ngân hàng.
“Nhiều doanh nghiệp bạn bè tôi đã phải ngừng hoạt động. Những ai còn trụ lại được chỉ với mục đích cố tồn tại với hy vọng tương lai sẽ tốt hơn. Do vậy, những hỗ trợ của hệ thống ngân hàng với doanh nghiệp nếu kéo dài hơn sẽ mang lại luồng sinh khí mới, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại”, ông Sỹ nói.
Còn anh Phạm Tấn Hải (An Bàng, Hội An, Quảng Nam) kể, để hỗ trợ cho công việc làm du lịch nên anh vay thêm 300 triệu đồng tại PVcomBank để mua xe ô tô 7 chỗ đưa đón vào thời điểm tháng 7 năm ngoái. Lúc này, do công việc thuận lợi nên việc trả gốc và lãi diễn ra suôn sẻ. Nhưng đến đầu năm nay, đại dịch bùng phát khiến lượng khách du lịch đến Hội An giảm mạnh, nhất là khách nước ngoài. Những tưởng tình hình sẽ khá lên từ tháng 6/2020 khi dịch dần được kiểm soát thì làn sóng Covid-19 thứ hai xuất hiện ngay tại Đà Nẵng, Quảng Nam khiến ngành du lịch địa phương không gượng nổi.
“Không có thu nhập để trang trải cho những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống gia đình hàng ngày thì lấy đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng”, anh Hải nói.
Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Việt Ân thì cho biết, doanh nghiệp vay 2,5 tỷ đồng tại Sacombank kỳ hạn 6 tháng, đáo hạn gói vay cũ rồi tiếp tục vay mới. Gói vay cũ của ông lãi suất vẫn là 10,7%/năm, không giãn, hoãn nợ bởi giải ngân sau thời điểm 23/1/2020, còn gói vay mới sau hàng loạt trao đổi căng thẳng thì lãi suất mới giảm về 9,5%/năm.
“Có quá nhiều điều kiện ràng buộc khiến doanh nghiệp mệt mỏi muốn buông hết”, ông Tịnh than thở.
Nhà băng cũng chẳng vui vẻ
Không chỉ doanh nghiệp, mà ngân hàng cũng than thở về việc gặp khó khăn khi đối mặt với khách hàng trong việc thực hiện giãn, hoãn nợ, hạ lãi suất cho vay… do cơ chế này đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Đơn cử, theo quy định tại Thông tư 01/2020, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020 đối với các số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo thông tư này. Điều này được hiểu rằng, chỉ có các khoản giải ngân trước ngày 23/1/2020 mới được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại, còn sau ngày này thì sẽ không được áp dụng.
Hay như Điều 3 – Thông tư 01/2020 quy định, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 thực hiện theo quy định tại thông tư này; các nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, phân loại nợ không quy định tại thông tư này thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Căn cứ quy định nêu trên, việc phân loại đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020, nhưng do khách hàng không trả nợ đúng hạn theo thời hạn cơ cấu nên sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN (đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, TCTD phi ngân hàng); Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN (đối với ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân); Thông tư 15/2010/TT-NHNN (đối với tổ chức tài chính vi mô).
Theo đó, các khoản nợ trên được phân loại vào nhóm 4 hoặc nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), dẫn đến tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống có thể tăng cao trong một vài năm tới, từ đó phải tăng chi phí dự phòng, ảnh hưởng đến chênh lệch thu chi của các TCTD.
“Khách hàng tâm tư nhiều, nhưng ngân hàng chỉ biết lắng nghe mà không thể làm sai quy định. Vực dậy được doanh nghiệp cũng là vực dậy chính ngân hàng nên chúng tôi rất mong dự thảo sớm được ban hành để tiếp tục ‘chia lửa’ với doanh nghiệp”, ông Bùi Anh Dũng, Phó tổng giám đốc SCB nói.
Vướng mắc có dễ gỡ?
Tìm hiểu của Báo Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, vướng mắc khiến dự thảo chưa thể ban hành liên quan đến ý kiến đóng góp của Bộ Tài chính. Chẳng hạn, cơ quan này đồng ý với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cho hoãn, giãn, không chuyển nhóm nợ của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn đưa đề nghị các ngân hàng phải đánh giá thực trạng, thực chất khoản nợ, cụ thể là phân loại đúng tính chất nợ, trích lập dự phòng đầy đủ để hạn chế những rủi ro, ảnh hưởng đến hệ thống sau này.
Các ngân hàng cho rằng, nếu thực hiện như kiến nghị của Bộ Tài chính gánh nặng sẽ đè lên hệ thống TCTD và Ngân hàng Nhà nước, trong khi các ngân hàng cũng là bên chịu ảnh hưởng sâu sắc từ dịch Covid-19. Việc vừa phải giảm thu nhập để cơ cấu nợ, vừa phải phân loại nợ và trích lập dự phòng gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Ngoài ra, các TCTD cũng phản ánh, hiện nay, hệ thống Core Banking (công nghệ ngân hàng lõi) không hỗ trợ và cho phép các TCTD cùng một lúc “đánh giá” một khách khách ở hai trạng thái “phân nhóm” khác nhau, nên chỉ có thể thực hiện bằng biện pháp “thủ công” theo dõi ngoài hệ thống và điều này gây rủi ro cho các TCTD.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay, khoảng 90% khách hàng của các TCTD là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là đối tượng hạn chế về tiềm lực tài chính, xây dựng phương án sản xuất – kinh doanh. Để tăng tín dụng vào các doanh nghiệp này cần các chính sách như bảo lãnh của TCTD cho doanh nghiệp vay vốn.
Trong khi đó, Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua phù hợp với tình hình bệnh dịch, nhưng dư địa đang dần thu hẹp nên cần tăng liều lượng từ chính sách tài khoá.
“Vì thế, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng hết sức có thể dựa trên nguyên tắc vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vừa đảm bảo an toàn cho các ngân hàng. Bởi thực tế là nếu hoạt động của hệ thống ngân hàng không được đảm bảo thì sẽ gây hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng”, bà Hồng nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Tiến Sỹ nêu quan điểm: “Tôi hiểu ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên cũng gặp khó khăn như bao doanh nghiệp khác. Tôi tin nếu có hỗ trợ tốt hơn về mặt chính sách, pháp lý, ngân hàng sẽ có điều kiện hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn giai đoạn này. Khi đó, không chỉ ngân hàng, doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế, cả xã hội cùng được hưởng lợi”.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đọc báo cáo tài chính, xác định giá cả giá trị cổ phiếu như
Warren Bufffett, Charlie Munger)