[Update] Thị trường chứng khoán Trung Quốc “thăng hạng” trong rổ Chứng khoán MSCI mới nổi
Thị trường chứng khoán Trung Quốc “thăng hạng” trong rổ Chứng khoán MSCI mới nổi.
Theo Bloomberg, ngày 1.6 tới đây, MSCI Inc. sẽ bổ sung hãng chưng cất rượu Kweichow Moutai, hãng môi giới chứng khoán Guosen Securities và hơn 200 doanh nghiệp Đại lục niêm yết ở Trung Quốc vào chỉ số chuẩn dẫn dắt cho khoản đầu tư tổng cộng 12.000 tỉ USD.
Hãng biên soạn các chỉ số chứng khoán có trụ sở ở New York công bố lựa chọn cuối cùng về các cổ phiếu A-share (cổ phiếu niêm yết trên sàn Thượng Hải, Thâm Quyến và định giá bằng nhân dân tệ) trong ngày 14.5, lần đầu tiên đưa nhiều trong số các doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách mua của các quỹ hưu trí, quỹ hoán đổi danh mục quốc tế.
Đây là chiến thắng mang tính biểu tượng dành cho Trung Quốc, nước nhiều năm qua khao khát được thế giới công nhận thị trường chứng khoán nhiều hơn, và nội tệ có vai trò quốc tế lớn hơn. Trong khi không ít nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại về nhiều vấn đề như rủi ro nợ Trung Quốc, sự can thiệp của nhà nước và các biện pháp kiểm soát vốn, nhiều người vẫn muốn tiếp xúc với nền kinh tế 13.000 tỉ USD có sức tăng trưởng gấp đôi Mỹ.
“Nhìn chung việc thêm cổ phiếu A-share là biểu tượng của việc tăng tự do hóa các thị trường tài chính Trung Quốc, thể hiện kỷ nguyên mới nơi mà Trung Quốc là cái tên lớn thực thụ trên thị trường quốc tế”, chiến lược gia thị trường Eleanor Creagh thuộc Saxo Capital Markets cho hay.
Dù tỷ trọng Trung Quốc trong chỉ số MSCI Các thị trường mới nổi ban đầu rất nhỏ là 0,7%, con số này có thể tăng lên đến 14% theo thời gian khi quy tắc thị trường phù hợp với quy chuẩn quốc tế, ông Creagh cho hay. Việc thêm cổ phiếu hạng A Trung Quốc sẽ diễn ra trong hai ngày giao dịch vào tháng 6 và tháng 9, và được dự kiến hướng 17 tỉ USD tài sản trong các quỹ thụ động về thị trường chứng khoán lớn thứ nhì thế giới. Dòng vốn chảy vào có thể tăng lên 35 tỉ USD trong những năm tới, theo MSCI.
Việc cổ phiếu Đại lục được thêm vào bộ chỉ số MSCI được rục rịch chuẩn bị trong vài năm. Các nhà đầu tư tổ chức từng lo ngại về việc hãng MSCI hoãn thêm cổ phiếu A-share của Đại lục vào chỉ số MSCI Các thị trường mới nổi cũng như các chỉ số MSCI khác. Sau năm 2013, MSCI thêm cổ phiếu Trung Quốc vào danh sách đánh giá, song sau ba năm xem xét, họ không đồng ý để Trung Quốc bước chân vào. Khi đó, cơ chế giao dịch, cách xử lý thuế và quy tắc rút vốn là ba trong số các vấn đề được cho biết là lý do.
Hiện vẫn còn nhiều thách thức với chứng khoán Trung Quốc. Nước này từng cho phép hơn một nửa các doanh nghiệp đại chúng hoãn giao dịch ở đỉnh điểm đợt lao dốc chứng khoán thổi bay 5.000 tỉ USD vào năm 2015 và hiện vẫn chưa bỏ thói quen can thiệp vào khủng hoảng thị trường.
Tiến độ của các quy định tạm ngừng giao dịch được MSCI xác nhận là yếu tố xem xét để đưa thêm cổ phiếu Trung Quốc vào bộ chỉ số. Trung Quốc đã và đang mở rộng liên kết chứng khoán giữa Đại lục và Hồng Kông, giúp nhà đầu tư quốc tế dễ dàng mua cổ phiếu hạng A hơn.
Giờ đây, Trung Quốc đã đặt nền tảng cho việc được ghi tên nhiều hơn vào bộ chỉ số chứng khoán thế giới. Nước này tăng giới hạn giao dịch hằng ngày cho nhà đầu tư thông qua các liên kết chứng khoán. Số chứng khoán Đại lục mà người nước ngoài mua thông qua các liên kết chứng khoán tăng vọt lên mức kỷ lục vào tháng trước.
Dù các nhà quản lý tài sản toàn cầu từ lâu đã đầu tư vào các cổ phiếu Trung Quốc được niêm yết trên sàn chứng khoán New York và Hồng Kông, chẳng hạn như Alibaba hay Tencent, thị trường nội địa Trung Quốc sẽ cung cấp cho họ nhiều lựa chọn hơn. Xét theo khía cạnh định giá, hiện không phải là thời điểm xấu để bước vào thị trường khi cổ phiếu các doanh nghiệp được niêm yết trong Trung Quốc có giá gần mức thấp kỷ lục so với cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết ở nước ngoài.
Nguồn ảnh & bài: Bloomberg, thanhnienonline
Sources: Bloomberg & thanhnienonline