Doanh nghiệp khó gọi vốn qua thị trường chứng khoán vì Covid-19
Tín hiệu đáng mừng là nhờ dịch bệnh được kiểm soát khá tốt, nên gần 1 tháng trở lại đây, số lượng hồ sơ doanh nghiệp gửi đến UBCKNN xin cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn tăng đột biến.
Dòng tiền nội – ngoại đều hạn chế trong 9 tháng đầu năm
Một trong những hệ quả mà đại dịch Covid-19 gây ra cho TTCK trong năm nay, là gây khó khăn cho doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ra công chúng để huy động vốn. “Từ đầu năm 2020 đến nay, lượng vốn doanh nghiệp huy động được thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng chỉ đạt 61% giá trị của cùng kỳ năm 2019”, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nói.
Nguyên nhân theo lý giải của UBCKNN có cả lý do từ phía dòng tiền trong nước lẫn nước ngoài. Về phía dòng tiền nội địa, ông Hải cho hay, doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành cổ phiếu ra đại chúng dù tiền trong công chúng không thiếu. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên tâm lý của nhà đầu tư cẩn trọng hơn khi đầu tư vào tài sản có mức độ rủi ro cao như cổ phiếu. Để thích ứng với bối cảnh rủi ro tăng, nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn đầu tư vào các kênh có mức độ rủi ro thấp hơn, chẳng hạn như trái phiếu. Điều này giải thích tại sao từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư mở rộng hoạt động đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Còn ở khía cạnh dòng tiền ngoại, ông Hải cho biết, tuy lượng vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư tài chính nước ngoài vào TTCK Việt Nam từ đầu năm đến nay không có gì quá biến động, khi tổng lượng vốn mà họ rút ròng chỉ khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn gián tiếp nước ngoài đầu tư dài hạn vào TTCK Việt Nam đang có vấn đề, do ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Theo UBCKNN, trước khi đầu tư lớn vào thông qua mua cổ phiếu, trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư nước ngoài thường trực tiếp vào tiến hành các hoạt động nghiên cứu, nắm bắt thông tin rất kỹ lưỡng về bối cảnh Việt Nam nói chung, hoạt động của doanh nghiệp mà họ có dự định đầu tư vào nói riêng. Thế nhưng, do đại dịch Covid-19, họ không thể đến Việt Nam để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, và cũng không thể tiến hành nghiên cứu, điều tra online thay thế. Thực tế này ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đang có ý định đầu tư vào Việt Nam.
Điều đó giải thích tại sao, rất nhiều doanh nghiệp có kế hoạch chào bán cổ phiếu và trái phiếu cho các đối tác nước ngoài đã không thể triển khai. Một số đợt phát hành chứng khoán lớn của doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường tài chính quốc tế, tuy được chuẩn bị từ 2-3 năm trước đã không thể tiến hành do tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.
Cái khó của doanh nghiệp
Về phía tổ chức phát hành, khó khăn trong huy động vốn qua phát hành chứng khoán ra công chúng cũng do chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Dữ liệu tổng hợp của UBCKNN cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 9, hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng của doanh nghiệp để huy động vốn gần như “đóng băng”.
Do ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, nên doanh nghiệp không thể triệu tập họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020 như thông lệ hàng năm từ tháng 3 đến để thông qua phương án phát hành, cũng như hoàn thiện hồ sơ phát hành theo quy định gửi tới UBCKNN…
Đó là chưa kể do ảnh hưởng Covid-19, không ít doanh nghiệp rơi vào làm ăn thua lỗ, nên phương án phát hành được xây dựng trước thời điểm dịch xảy ra dịch không còn khả thi. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động vốn đang có tín hiệu dần được tháo gỡ.
“Tín hiệu đáng mừng là nhờ dịch bệnh được kiểm soát khá tốt, nên gần 1 tháng trở lại đây, số lượng hồ sơ doanh nghiệp gửi đến UBCKNN xin cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn tăng đột biến. Từ thực tế này cộng với một khi tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng lượng vốn doanh nghiệp huy động được thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng trong năm nay sẽ đạt được mức như năm 2019”, ông Hải cho hay.
Nguồn: NDH
Có thể bạn quan tâm: Tuyệt kỹ giao dịch bằng đồ thị nến Nhật
“Bộ vuốt” phân tích đồ thị cho những góc nhìn độc nhất về sức khỏe thị trường và những tín hiệu đảo chiều sớm