fbpx

12 yếu tố xúc tác dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ năm 1982 đến năm 2000 (Phần 2)

Một quốc hội cùng những chính sách mới, một thế hệ nhân khẩu và sự nở rộ của báo chí truyền thông là 3 yếu tố xúc tác tiếp theo được đề cập dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán giai đoạn 1982 đến 2000.

12 yếu tố xúc tác dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ năm 1982 đến năm 2000 - Phần 2

Một Quốc hội Cộng hòa và cắt giảm thuế trên thặng dư vốn

Khi Ronald Reagan, cũng như Thượng viện Cộng hòa, được bầu vào năm 1980, kể từ lần đầu tiên vào năm 1948. Năm 1994, cả hai viện đều trở thành Đảng Cộng hòa (mặc dù với tổng thống Đảng Dân chủ, trường hợp này lặp lại vào năm 2014). Cảm nhận được thái độ thay đổi của công chúng đã bầu ra họ, những nhà lập pháp này đã ủng hộ doanh nghiệp nhiều hơn so với những người tiền nhiệm Dân chủ của họ. Sự thay đổi này trong Quốc hội đã thúc đẩy niềm tin của công chúng vào thị trường chứng khoán nhờ một loạt các biện pháp kiểm soát mà cơ quan lập pháp có thể tác động đến lợi nhuận của công ty và lợi nhuận của nhà đầu tư.

Tiên đoán về việc cắt giảm thuế trên thặng dư vốn trong tương lai có thể tạo tác động thuận lợi đến thị trường chứng khoán, ngay cả khi thuế suất thực sự không thay đổi. Từ năm 1994 đến năm 1997, các nhà đầu tư được khuyên nên giữ vững lợi nhuận vốn dài hạn của họ mà khoan chốt lời cho đến sau khi có đề xuất cắt giảm thuế trên thặng dư vốn.

Điều này đã có tác dụng tăng cường trên thị trường. Vào thời điểm cắt giảm thuế trên thặng dư vốn năm 1997, đã có lo ngại rằng các nhà đầu tư đang chờ bán sẽ làm như vậy và kéo thị trường đi xuống, như sự kiện đã xảy ra sau khi cắt giảm thuế trên thặng dư vốn vào năm 1978 và 1980. Nhưng điều này đã không xảy ra vào năm 1997. Tất nhiên, nhiều nhà đầu tư đã nghĩ rằng sẽ có thể có mức thuế suất thuận lợi hơn nữa trong tương lai của họ, và nếu vậy, không có lý do gì để bán ngay sau khi cắt giảm năm 1997 có hiệu lực. Một bầu không khí nắm giữ không vội chốt lời, tự nhiên tạo áp lực đẩy giá cổ phiếu.

Thế hệ Baby Boomer và những tác động nhận thức của nó trên thị trường

Sau đệ nhị thế chiến, tỉ lệ sinh ở Hoa Kỳ đã gia tăng đáng kể. Sự thịnh vượng của thời bình đã khuyến khích những người đã trì hoãn việc gia đình vì cuộc đại khủng hoảng và chiến tranh nối lại ước muốn có con. Thế hệ Baby Boom ở Hoa Kỳ được đánh dấu bằng tỉ lệ sinh rất cao trong những năm 1946-1966, và do đó, ở đỉnh cao của thị trường năm 2000, một số lượng lớn đến bất thường những người trong độ tuổi từ 35 đến 55. 

Hai giả thuyết bấy giờ đề xuất rằng sự hiện diện của rất nhiều người trung niên nên thúc đẩy thị trường chứng khoán. Một giả thuyết đã biện minh tỉ lệ PE cao mà chúng ta nhìn thấy trong Bùng nổ Thiên niên kỷ do kết quả của những Boomer cạnh tranh với nhau để mua cổ phiếu với mục đích tiết kiệm cho việc nghỉ hưu ắt sẽ phải đến của họ và ra giá để mua cổ phiếu tương xứng với thu nhập của chúng. Theo giả thuyết còn lại, chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ hiện tại làm tăng giá cổ phiếu, thông qua một tác động tích cực chung cho nền kinh tế: chi tiêu cao đồng nghĩa với lợi nhuận cao cho các công ty.

12 yếu tố xúc tác dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ năm 1982 đến năm 2000 - Phần 2
yếu tố xúc tác thế hệ baby Boomer

Mặc dù không có nghi ngờ gì rằng ít nhất các giả thuyết về ảnh hưởng của thế hệ Baby Boom lên thị trường phần nào là sự thật, nhưng có thể nhận thức công chúng (public perceptions) của Baby Boom và các tác động được cho là của thế hệ ấy mới chịu trách nhiệm lớn nhất về sự tăng vọt của thị trường. Mọi người tin rằng Baby Boom đại diện cho một nguồn sức mạnh quan trọng cho thị trường và họ không cho rằng sức mạnh này sẽ sớm chùn bước. Những nhận thức của công chúng này đã góp phần tạo ra cảm giác rằng có một lý do chính đáng để thị trường tăng cao và tự tin rằng nó sẽ duy trì như vậy trong một thời gian dài.

Sự nở rộ của báo cáo truyền thông về tin tức doanh nghiệp

Mạng lưới truyền hình chuyên tin tức đầu tiên, Cable News Network (CNN), xuất hiện vào năm 1980 và dần phát triển, với lượng người xem được thúc đẩy bởi các sự kiện như Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và vụ án giết người O.J. Simpson năm 1995 – những câu chuyện thúc đẩy nhu cầu rất lớn của công chúng là được cập nhật tin tức không gián đoạn. Công chúng có thói quen xem tin tức trên tivi suốt cả ngày (và đêm), không chỉ đơn giản là vào giờ ăn tối. Nhiều mạng truyền hình chuyên về kinh doanh nối gót CNN chào đời. Mạng tin tức tài chính (Financial News Network), thành lập năm 1983. Sau đó, CNNfn và Bloomberg TV xuất hiện. Các mạng này cùng nhau tạo ra luồng tin tức tài chính không bị gián đoạn, phần lớn trong số đó dành cho thị trường chứng khoán. 

12 yếu tố xúc tác dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ năm 1982 đến năm 2000 - Phần 2

Không chỉ đơn thuần phạm vi, mà cả bản chất của báo cáo kinh doanh đã thay đổi trong những năm đó. Theo một nghiên cứu, các tờ báo trong hai thập kỷ của thế kỷ XX đã dần chuyển các mục kinh doanh trước đây của họ thành các mục tập trung vào “tiền bạc”, trong đó đưa ra những lời khuyên hữu ích về đầu tư cá nhân. Các bài báo về các tập đoàn từng được viết như thể chúng chỉ dành cho những người trong ngành hoặc bản thân các tập đoàn đã thay đổi phong cách hướng tới cơ hội kiếm lời cho các nhà đầu tư cá nhân. Những bài viết này thường xuyên bao gồm ý kiến của các nhà phân tích về ảnh hưởng của tin tức đối với các nhà đầu tư.

Báo cáo tăng cường về các lựa chọn đầu tư dẫn đến nhu cầu về cổ phiếu tăng lên, giống như quảng cáo cho một sản phẩm tiêu dùng làm cho mọi người quen thuộc hơn với sản phẩm, nhắc nhở rằng họ có thể mua và cuối cùng thúc đẩy họ mua.

12 yếu tố xúc tác dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ năm 1982 đến năm 2000 (Phần 1)

Nguồn: sách Lạc Quan Tếu

Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance

Nhận diện SIÊU BONG BÓNG

Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán

Giải mã từ khóa “lạc quan tếu” trong tâm lý đầu tư

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề