Những chiêu giúp các sinh viên ít tiền nhưng vẫn có thể chi tiêu “khỏe”.
Săn coupon, voucher hay canh mua hàng khuyến mãi, giảm giá; chịu khó trao đổi đồ cũ… là những chiêu giúp các sinh viên ít tiền nhưng vẫn có thể chi tiêu “khỏe”.
Nhiều thống kê cũng như giải pháp để chi tiêu thông minh đã được các sinh viên chia sẻ tại cuộc thi Xây dựng kế hoạch quản lý tài chính cá nhân vừa được Hội sinh viên Việt Nam và hãng dịch vụ thẻ Visa tổ chức. Tiêu biểu là kết quả khảo sát của nhóm sinh viên Trường Đại học Ngoại thương cho thấy 96% sinh viên được hỏi vẫn nhận trợ cấp chi tiêu từ gia đình. Tuy nhiên, thống kê trong số 450 sinh viên thuộc diện khảo sát cho thấy 40% có nguồn thu nhập từ làm thêm. Không chỉ vậy, 54% cho biết có khoản tiết kiệm hàng tháng, mặc dù số tiền này chỉ dưới 500.000 đồng.
Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng nêu ra những nguyên nhân gây hao hụt tài chính của sinh viên. Theo đó, 82% cho biết họ không biết vì sao luôn cảm thấy nhanh hết tiền vì không có kế hoạch kiểm soát chi tiêu.
Chia sẻ với VnExpress, một chuyên gia tài chính bình luận: “Kết quả này có lẽ không chỉ xảy ra với sinh viên mà rất nhiều đối tượng khác cũng không biết cách quản lý chi tiêu cho hiệu quả. Tôi nghĩ việc đầu tiên các bạn trẻ nên làm là học cách tiết kiệm. Từ đó, sẽ từng bước hiểu chi tiêu ra sao cho tốt”.
Với sinh viên, hầu hết việc chi tiêu hàng tháng đều dành cho mua sắm và ăn uống. Do vậy, để cải thiện tình hình này, một trong những giải pháp để chi tiêu thoải mái dù ngân sách hạn hẹp được chính các bạn đưa ra là tăng cường “săn”, tìm mua hàng qua coupon, voucher.
Hòa, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Hà Nội chia sẻ: “Có thể tìm được những địa chỉ các nhà hàng, cửa hàng tặng voucher giảm giá trên Internet. Dù mức độ giảm giá đôi khi không thực sự nhiều như họ quảng cáo nhưng nêu tìm hiểu và lựa chọn kỹ, tụi mình vẫn có thể được ăn ngon, mua hàng tốt với giá rẻ hơn”.
Ngoài săn voucher, coupon, các bạn sinh viên cũng “mách” nhau cách “canh” khuyến mại từ thẻ ngân hàng. Trên thực tế, hiện nhiều ngân hàng đẩy mạnh chi tiêu bằng việc giảm giá, khuyến mại khi sử dụng thẻ nội địa (ATM) mua sắm tại các địa điểm vui chơi ăn uống. “Các rạp chiếu phim rất hay dùng cách này. Quan trọng là phải canh địa điểm cho chuẩn”, một bạn sinh viên nói.
Trong khi đó, với nhiều bạn trẻ, chuyện trao đổi đồ cũ lại là một cách để tiết kiệm chi tiêu hàng tháng. Ngọc Anh (sinh viên Đại học kinh doanh, công nghệ) là chủ một cửa hàng online, quy mô nhỏ. Ngoài việc lướt web, quảng cáo và chăm sóc khách hàng qua Facebook, các diễn đàn, Ngọc Anh thường xuyên lui tới các trang thanh lý đồ cũ. “Cũ người mới ta, mình đã từng mua được nhiều đồ dùng giá trị qua kênh này, từ giày dép, quần áo đến cả tủ quần áo. Người bán và người mua gặp nhau trực tiếp nên khá tiện”, Ngọc Anh chia sẻ.
Không chỉ tính toán kỹ trong việc mua sắm, tại buổi sinh hoạt về kỹ năng quản lý tài chính, các bạn sinh viên cũng khuyên nhau nên hạn chế ăn uống, tổ chức tiệc, sinh nhật ở bên ngoài. “Nên cùng nhau làm, tự tổ chức sinh nhật tại nhà. Cách này có thể mệt hơn nhưng sẽ tiết kiệm chi phí cho tất cả mọi người”, một bạn chia sẻ.
Theo Ngân Hà – VnExpress
Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Thái Phạm
Hướng dẫn chi tiết cách xây dựng cuộc đời đáng mơ ước của bạn