Chỉ với 1 câu hỏi lần đầu gặp gỡ, Warren Buffett đã khiến Bill Gates “phải lòng” ngay lập tức
Cuộc gặp gỡ giữa Warren Buffett và Bill Gates đã tạo ra một nguồn năng lượng được khơi dậy khi hai vận động viên trí óc xuất sắc đối đầu.
Khi mẹ của Bill Gates thúc giục ông đi gặp Warren Buffett, ông đã từ chối lời đề nghị này.
Ông đáp với câu mở đầu cổ điển “nhưng mẹ ơi! Anh ta chỉ mua và bán những mẩu giấy. Con không nghĩ giữa chúng con có nhiều điểm chung đâu.”
Mẹ của Bill Gates không muốn nghe điều đó. Bill tiếp tục nhấn mạnh: “Anh ấy và con phải nói về điều gì?”
Giống như một đứa trẻ bị kéo đến trường để chơi với một đứa trẻ hiếu học khác mà mình không thích, Bill cố gắng tìm đủ mọi cách để không phải đi gặp Warren.
Vì vậy, mẹ của Bill đã dụ dỗ: Katharine Graham của Washington Post cũng sẽ ở đó. Điều đó khiến Bill có chút hứng thú. Ít nhất, ông có thể tìm hiểu về lịch sử của tờ báo. Ok, ông sẽ đi, nhưng chỉ trong một giờ. Vì ông cần code một số phần mềm.
Warren Buffett cũng không hài lòng về gặp gỡ: “Ta sẽ dành cả ngày để làm cái quái gì với những người này? Chúng ta phải ở lại bao lâu để giữ phép lịch sự?”
Cả hai tỷ phú đều không muốn đụng độ nhau. Tuy nhiên, khi họ gặp nhau, điều kỳ diệu đã xảy ra. Cuộc gặp gỡ giữa Buffett và Gates đã tạo ra một nguồn năng lượng được khơi dậy khi hai vận động viên trí óc xuất sắc đối đầu.
Câu hỏi khiến Bill phải lòng Warren
Lúc đầu, họ thăm dò lẫn nhau, giống như những võ sĩ khi bắt đầu tập đấu. Họ nói chuyện về báo chí và tin tức kinh doanh. Rồi không biết từ đâu, Warren đưa ra một câu hỏi hóc búa: “Nếu cậu xây dựng IBM từ đầu, thì nó sẽ như thế nào?”
Nghe thấy vậy, não của Bill tiết ra một lượng dopamine ngay lập tức. Đây là kiểu đấu trí mà ông yêu thích.
Phải lòng ngay lập tức. Rốt cuộc thì cuộc gặp này không hề lãng phí thời gian. Gates biết rằng ông sẽ bước ra khỏi cuộc thảo luận này theo cách thông minh hơn so với khi bước vào. Câu hỏi của Warren cho phép ông có một câu trả lời trung thực về điều gì làm cho một công ty trở nên tuyệt vời hơn và làm thế nào để xây dựng nó tuyệt vời.
Cách đây hơn 2000 năm, nhà sử học Hy Lạp cổ đại Polybius đã nhận thấy rằng có hai cách để học hỏi: từ sai lầm của chính bạn và từ sai lầm của người khác.
Như Polybius đã nói, điều đầu tiên ấn tượng hơn, nhưng với điều thứ hai, bạn tránh được tất cả những nỗi đau! Vì vậy, những người thông minh lúc nào cũng thích học theo điều thứ hai.
“Có hai cách để con người có thể cải tạo chính mình, cách này thông qua những sai lầm của chính họ, cách kia thông qua những sai lầm của người khác, và cách thứ nhất thì ấn tượng hơn, nhưng cách sau ít gây tổn thương hơn.”
Những người đặt nặng tư duy như Warren Buffett không hành động dựa trên cảm giác tức thì. Thế giới của họ không phải là sự hài lòng tức thì. Đó là lý do tại sao họ không cần khóc lóc khi không đạt được một sự hài lòng nhất định. Những thói quen tinh thần của họ khác xa với thói quen say sưa xem truyền hình thực tế thông thường của bạn.
Những người này nghĩ: phân tích sâu sắc phụ thuộc vào việc tích trữ càng nhiều kiến thức càng tốt. Điều khiến họ trở nên đặc biệt là họ có thể biến những kiến thức này thành những cái nhìn chuyên sâu.
Trong cuộc thảo luận, Warren đã dạy cho Bill một trò chơi mà ông thích. Họ sẽ chọn một năm, đọc tên mười công ty lớn nhất trong năm đó và dự đoán 20 năm sau mọi thứ diễn ra như thế nào đối với chúng.
Loại bài tập này có thể mang lại một cái nhìn sâu sắc tuyệt vời về cách thức hoạt động của thế giới kinh doanh. Bạn thấy những nguyên tắc cơ bản của kinh doanh bày ra ngay trước mắt. Charlie Munger, đối tác đầu tư của Warren cũng nói đến quan điểm này.
“Không có giáo viên nào dạy bạn cách xác định tương lai tốt hơn lịch sử.”
Với những câu hỏi của mình, Warren đã đi sâu vào bản chất trong các kiểu suy nghĩ của Gates, khám phá hết lớp này đến lớp khác như thể ông đang bóc một củ hành tây. Những cú cắt nhanh chóng của con dao tinh thần cho phép Buffett nhìn thấu quan điểm của đối tác cạnh tranh về chìa khóa thành công trong thị trường CNTT.
Sau đó, Warren nhấn mạnh vào các nguyên tắc cơ bản trong công việc kinh doanh của Bill: “Tại sao IBM không thể làm những gì Microsoft làm? Tại sao Microsoft lại có lãi như vậy?”
Khi thảo luận về công ty và thế giới, Buffett thường thích dùng đến phép ẩn dụ và phép loại suy. Ông gọi các công ty là “lâu đài”. Trở lại thời Trung cổ, lâu đài từng được bảo vệ bằng chiến hào, các công ty trong thế giới ngày nay phải được bao quanh bởi chiến hào riêng để ngăn không cho đối thủ cạnh tranh hạ gục họ.
Xây dựng mô hình tinh thần của thế giới
Nghe Warren Buffett phát biểu, Bill Gates nhận ra rằng mọi thứ ông làm đều dựa trên khuôn khổ thế giới mà ông đã tạo ra trong đầu. Sau đó, ông sử dụng khuôn khổ này như một hướng dẫn để thực hiện tất cả những gì ông làm, so sánh mô hình tinh thần bên trong của ông với thực tế bên ngoài.
“Tôi nhận ra rằng mọi thứ anh ấy làm đều dựa trên khuôn khổ thế giới mà anh ấy đánh giá: đánh giá thị trường, đánh giá con người, đánh giá cách thức mọi thứ hoạt động theo một cách rất sâu sắc”.
Mặc dù hai tỷ phú này xuất thân hoàn toàn khác nhau, nhưng cách tiếp cận giải quyết vấn đề lại khá giống nhau. Nó dựa trên việc xây dựng mô hình.
“Cả hai chúng tôi – mặc dù chúng tôi đến từ những nơi khác nhau – chúng tôi đều đang cố gắng mô hình hóa thế giới và những gì đang diễn ra”.
Có sự tương phản thú vị trong phong cách tư duy của hai đại doanh nhân.
Warren Buffett là người bảo thủ và không thích rủi ro. Ông thích nghiên cứu kỹ một vấn đề trước khi đưa ra quyết định. Ông là một nhà đầu tư giá trị, nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản của một công ty và đầu tư dài hạn.
Bill Gates là một người chấp nhận rủi ro, một nhà tư tưởng tương lai. Tuy nhiên, điểm chung của họ là tính tò mò vô cùng và khả năng tập trung cao. Sự tò mò là điều thúc đẩy cả hai luôn muốn tìm hiểu thêm. Tập trung là thứ cho phép cả hai đạt được kết quả.
Gates liên tục cập nhật mô hình tinh thần của mình, một nhiệm vụ được thúc đẩy bởi sự tò mò của ông:
“Sự tò mò là một điều đáng kinh ngạc, bạn cố gắng dự đoán điều gì sẽ xảy ra, và sau đó, khi nó không xảy ra, bạn nghĩ: loại thuốc đó không được phát minh, cổ phiếu đó không tăng, cách tiếp cận đó không phổ biến. Mô hình thế giới của mình có gì không đúng nhỉ? Tôi có thể nói chuyện với ai? Tôi nên đọc gì đây?”.
Kiểu suy nghĩ này là thứ cho phép Gates phát hiện ra những cơ hội mà những người khác không có và giữ cho Microsoft ở vị trí hàng đầu trong thời gian dài. Đó là lý do tại sao Gates giờ đây rất thích cuộc đấu trí mà ông ấy làm với Buffett mỗi khi gặp mặt. Nó cho phép ông nhìn mọi thứ theo cách khác.
Buffett có con mắt của nhà đầu tư, trong khi Gates có con mắt của nhà công nghệ. Gates đã tạo ra kỷ nguyên máy tính hiện đại, trong khi Buffett thậm chí không sử dụng email. Tuy nhiên, bằng cách nào đó chúng bổ sung cho nhau. Sự hợp lực tuyệt vời của họ dẫn đến một mối quan hệ tâm trí đáng kinh ngạc, làm phong phú thêm cả hai.
Điều quan trọng nhất mà Bill Gates học được từ Warren Buffett
Mặc dù mối quan hệ của Bill Gates với Warren Buffett đã dạy cho ông nhiều bài học kinh doanh quan trọng, nhưng trên tất cả, ông cho rằng bài học quan trọng nhất là về con người, về giá trị của tình bạn.
“Trong tất cả những điều tôi học được từ Warren, điều quan trọng nhất là: tình bạn là gì.”
Có những người bạn có thể tin tưởng và những người hỗ trợ bạn khi bạn cần là điều vô giá. Tình bạn mang lại những kết nối tình cảm ở cấp độ cá nhân, mà con người chúng ta với vai trò xã hội rất cần để phát triển. Như một phần thưởng, nó có thể giúp bạn kiếm nhiều tiền nếu mối quan hệ đó là trong kinh doanh.
Bí quyết hàng đầu của Warren Buffett: nhận biết đúng loại tình bạn là yếu tố quan trọng để thành công. Thiên tài đầu tư đã biết điều này ngay từ đầu và chơi với những trí tuệ tầm cỡ như Charlie Munger.
“Bạn sẽ đi theo hướng của những người mà bạn chơi cùng. Vì vậy, điều quan trọng là phải chơi với những người giỏi hơn bạn. Hãy kết giao với những người là mẫu người mà bạn muốn trở thành.”
Đối với Bill, tình bạn của ông với Warren chỉ mới chớm nở. Nó đã cho phép ông phát triển một trí tuệ, một doanh nghiệp, nhưng trên tất cả là một con người. Ông tự cho mình là người may mắn, vì ông đã tìm thấy cho mình một người cố vấn.
Nguồn: Cafebiz
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)