Adidas và Puma – Huyền thoại gay cấn?
Puma và adidas là hai thương hiệu thể thao đình đám chưa bao giờ muốn chung chiến tuyến. Nhưng hai “ông lớn” tạo ra chúng lại có chung một dòng máu.
adidas và Puma là hai cái tên không còn xa lạ gì trong thế giới may mặc thể thao. Cách đây đúng 72 năm, Adolf Dassler thành lập thương hiệu adidas. 1 năm sau đó người anh trai ruột của ông, Rudolf Dassler cũng tạo ra đối thủ cạnh tranh khét tiếng Puma. Tuy nhiên, ít ai hay biết sự thật rằng, cả adidas và Puma sẽ không tồn tại nếu không vì cuộc tranh cãi huyền thoại nổ ra giữa hai “ông tổ” là anh em ruột thịt có chung niềm đam mê may giày.
Từ anh em một nhà, chung một đam mê đến kẻ thù “không đội trời chung”
Ban đầu, chỉ vì yêu thích, anh em nhà Dassler may thủ công những đôi giày đầu tiên trong phòng giặt ở nhà của họ tại thị trấn nhỏ Herzogenaurach, nước Đức. Dần dà đến sau này, năm 1919, họ cùng đổ chung tâm huyết xây dựng thương hiệu giày 3 sọc, thành lập xưởng may thể thao Gebrüder Dassler và gọi tắt là Geda. Thời điểm Thế vận hội Olympic năm 1936 ở Berlin, nhãn hàng Geda của họ làm mưa làm gió khắp thế giới khi những vận động viên đeo đôi giày 3 sọc huyền thoại này xuất sắc mang về tổng cộng 7 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và đồng.
Tuy nhiên, ngay khi hình ảnh giày 3 sọc đang càn quét và chiếm lĩnh thị trường thì chiến tranh lại bất ngờ ập đến và làm bay biến tất cả. Trong Thế chiến II, Geda bất đắc dĩ bị chuyển thành một nhà máy sản xuất vũ khí, ông Rudolf phải làm quân dịch còn Adolf may mắn được ở nhà.
Khi Rudolf sống sót trở về từ chiến trường, anh em Dassler lại sóng bước bên nhau, tiếp tục thực hiện tâm huyết sản xuất những đôi giày chất lượng. Nhưng không ngờ, từ tháng 1 năm 1948, hai ông lớn ngành giày xảy ra xích mích rồi đột ngột quay lưng lại với nhau. Mối thù này chưa bao giờ được hoá giải kể cả khi cả anh em họ đã về với đất. Đến con cháu sau này của dòng họ Dassler cũng không hề hay biết nguyên nhân thật sự trừ những đồn đoán từ người ngoài.
Một giả thuyết cho rằng, Rudolf đã trốn khỏi mặt trận vào năm 1945 nhưng bị bắt trên đường trở về nhà. Và chính Adolf là người đã cung cấp cho phía quân Hoa Kỳ thông tin về anh trai mình để họ bắt giữ ông. Một tin đồn khác lại đi theo hướng Adolf ghen với anh trai vì ông này có dan díu với vợ mình. Rudolf hồi đó nổi tiếng là tay chơi lăng nhăng.
Cuộc tranh chấp nảy lửa xẻ đôi cả thị trấn Herzogenaurach
Hầu như không có ai sống tại thị trấn nhỏ nước Đức nằm ngoài ảnh hưởng của mối bất hoà bí ẩn. Vào thời điểm đó, ít nhất một người trong mỗi hộ gia đình đang làm việc cho adidas hoặc không thì là Puma. Tính từ điểm giữa dòng sông Aurach, phía bắc là đất của adidas, phía nam đổ đi là thổ địa của Puma, không ai được phép xâm phạm chủ quyền. Trong nhiều năm, có một câu lạc bộ bóng đá chỉ đi mỗi giày adidas, ngược lại, cũng có đội tuyển chỉ tin tưởng dùng hàng của Puma.
Đến tận hôm nay, mối bất hoà huyền thoại Puma – adidas vẫn còn tồn tại. Gia tộc Puma và gia tộc adidas không bao giờ đội trời chung khi họ có tiệm bánh ưa thích riêng, có cửa hàng thịt riêng cũng như không bao giờ ghé đến cùng một quán bar.
Michael Dassler, cháu trai của “cha đẻ” Puma nhớ lại: “Việc nhân viên của adidas mà đi vào một cửa hàng nhân sự Puma thường lui tới là điều không tưởng. Tuổi thơ của tôi được đánh dấu bằng cuộc tranh chấp Dassler. Trong ký ức của tôi, chưa bao giờ ông nội Rudolf và em trai ông có bất kỳ mối liên hệ nào với nhau. Không ai trong gia đình được phép nhắc đến cái tên adidas”.
Những năm 1970, khi cặp anh em lần lượt qua đời, thi thể của họ cũng được chôn cất ở hai đầu đối diện nhau tại nghĩa trang thị trấn.
Herzogenaurach của hiện tại
Ngày nay, khách du lịch ghé thăm mảnh đất Herzogenaurach sẽ bị ấn tượng bởi độ sành điệu của dân bản địa nơi đây. Không kể già trẻ, không kể giày dép hay quần áo, hầu hết người Herzogenaurach đều mặc đồ của thương hiệu adidas hoặc Puma.
Ông Hacker, Thị trưởng thị trấn cho hay: “Nếu ai đó đi ngang qua cửa nhà hoặc đến ghé chơi, ánh mắt của chủ nhà vẫn sẽ hướng xuống chân của người đối diện đầu tiên. Đó là thói quen cũ của thế hệ những người như tôi”. Vậy nên mới có chuyện Herzogenaurach bị gọi đùa là “Thị trấn của những cái nhìn hạ thấp”.
“Mối thù truyền kiếp” của nhà Dassler đã không còn quá gay gắt kể từ khi Puma và adidas trở thành công ty cổ phần thay vì doanh nghiệp gia đình như trước đây. Tuy nhiên, hiếm khi thấy cả hai thương hiệu đình đám này kết hợp với nhau. Nếu đến một sân chơi của trẻ em, bạn sẽ thấy chúng mặc đồ từ đầu đến chân là của độc một thương hiệu.
Quy định về trang phục không chính thức này trong thị trấn đôi khi còn khiến ngài Thị trưởng phải nhiều phen khổ sở. Ông này có gốc từ một gia đình về phe Puma: “Dì của tôi là một cựu chiến binh của Puma. Khi còn nhỏ, tôi chỉ có quần áo Puma, mặc một chiếc áo khoác adidas là điều không bao giờ xảy ra”.
Nhưng vì bản thân là quan chức, ông luôn phải để tâm đến việc mặc cả hai thương hiệu vào những các dịp quan trọng nhằm giữ được sự trung lập. Sự việc thậm chí còn đi xa đến mức ông phải đi hai chiếc giày khác nhau khi tham gia một trận bóng giao hữu giữa hai công ty: Puma bên trái và adidas bên phải.
Sau nhiều thập kỷ đối đầu nhau, hai công ty tên tuổi đã tổ chức trận cầu giao hữu vào năm 2009, đúng dịp Ngày Hoà bình Thế giới của Liên hợp quốc để hoà giải mối quan hệ đã “đóng băng” từ lâu. Ông chủ của adidas, Herbert Hainer, và Giám đốc điều hành Puma, Jochen Zeitz, cũng tham gia.
Nhưng ngay cả trong trận đấu giao hữu, cả hai thương hiệu đều không để lại ấn tượng tốt nào cho đối thủ: từ áo thi đấu đến trái bóng, mọi thứ đều có logo của riêng họ trên đó. Trong khi tỏ ra thân thiện trên sân cỏ, Puma và adidas vẫn là đối thủ của nhau – ít nhất là trên thị trường.
Nguồn: CafeF
Có thể bạn quan tâm: Góc nhìn Alan – Dành tặng doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu