Âm mưu của những ông trùm đứng sau Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (Phần 1)
Sở dĩ đồng đô-la Mỹ được “ưu ái” như vậy chứ không phải là một đồng tiền khác bởi trên thực tế, cả IMF và Ngân hàng thế giới đều đã bị Mỹ kiểm soát. IMF thực ra chỉ là chỗ dựa của người châu Âu được dựng lên để tránh tình trạng mất kiểm soát. Trong khi đó, chính Bộ tài chính Mỹ mới là nơi đưa ra các kế hoạch quan trọng cần phải thảo luận cũng như đặt ra quy định về các điều khoản cần phải đạt được trên 85% phiếu tán thành mới có thể được thực thi.
“Có ý kiến cho rằng: “Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là một tổ chức tài chính hết sức ngạo mạn. Sở dĩ như vậy là bởi IMF chưa bao giờ đáp ứng đúng được lời kêu gọi của các nước đang phát triển mà IMF đã ‘hết sức giúp đỡ’. Cũng có người nói: “Các quyết sách của IMF đều bị coi là bí mật và thiếu dân chủ bởi chính “liệu pháp” kinh tế của IMF thường khiến cho vấn đề càng thêm xấu đi. Bởi nó luôn làm mọi diễn biến kinh tế trở nên tồi tệ hơn khi mà từ phát triển kinh tế chậm chạp thành đình trệ kinh tế, và rồi sau đó là một sự suy thoái kinh tế trầm trọng”. Những điều này quả thật không sai! Vì khi còn ở vị trí là nhà kinh tế học hàng đầu của Ngân hàng thế giới từ năm 1996 đến tháng 9 năm 2.000, tôi đã chứng kiến và cùng trải qua những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất trong vòng nửa thế kỷ qua như khủng hoảng tài chính châu Á, khủng hoảng tiền tệ ở châu Mỹ Latin và Nga. Được tận mắt chứng kiến các biện pháp giải quyết của IMF và bộ tài chính Mỹ đối với cuộc khủng hoảng đó, tôi thực sự thấy kinh hãi”.
– Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học hàng đầu của Ngân hàng thế giới –
Một tuần trước cuộc họp thường niên năm 2.000 của ngân hàng thế giới và IMF, Joseph Stiglitz – nhà kinh tế học hàng đầu của Ngân hàng thế giới – đã có bài phát biểu lên án kịch liệt đối với hai tổ chức tài chính quốc tế lớn nhất này. Ngay lập tức, ông được James David Wolfensohn – Chủ tịch Ngân hàng thế giới cho nghỉ việc. Thực ra, người quyết định số phận của Joseph E. Stiglitz không phải là James David Wolfensohn mà là Lawrence Summers – Bộ trưởng tài chính Mỹ – người đang nắm giữ 17% cổ phần của ngân hàng thế giới, có quyền bãi miễn, bổ nhiệm và phủ quyết trong Ngân hàng thế giới. Vậy nên, khi không còn cảm tình đối với Joseph E. Stiglitz nữa thì Summers đã ra lệnh “sa thải” Joseph E. Stiglitz chứ không phải là một hình thức ra đi lặng lẽ.
Năm 2001, Joseph E. Stiglitz nhận được giải Nobel kinh tế và cũng từng giữ vị trí cố vấn kinh tế cao cấp của tổng thống Clinton.
Vấn đề không phải xuất phát từ trình độ kinh tế học, mà xuất phát từ “lập trường chính trị ngược dòng” của Joseph E. Stiglitz, khi ông luôn giữ thái độ bất đồng và lên tiếng phản đối với chính sách “toàn cầu hoá” mà các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đang hết sức mong đợi. Sự đánh giá và quan điểm của ông đối với hai tổ chức tài chính quốc tế này hoàn toàn dựa trên một lượng lớn tư liệu quan trọng mà ông không ngờ đến. Bởi việc “tạo nên và lợi dụng những vấn đề này” chính là mục đích của hai tổ chức tài chính này.
Giống như hầu hết những người khác đang làm việc tại Ngân hàng thế giới và IMF, Joseph E. Stiglitz hoàn toàn không tin vào quan điểm của “thuyết âm mưu”, bởi tất cả họ đều không thừa nhận trong công việc của mình có tồn tại bất cứ một “âm mưu” nào. Trên thực tế, nhìn từ cấp độ nghiệp vụ, mọi công việc mà họ đang làm là hoàn toàn có tính khoa học và nghiêm túc, mọi số liệu đều có xuất xứ rõ ràng, mọi tính toán đều được phân tích kỹ càng, mọi vấn đề đều có những hướng giải quyết cụ thể để thành công. Vậy nên, nếu nói trong công việc thường ngày đó đang tồn tại “âm mưu” thì quả thực là điều không thể chấp nhận được, kể cả việc có dùng những phương pháp chứng minh thực tiễn thì cũng chỉ rút ra được kết luận như vậy mà thôi.
Điều này chính là sự “minh bạch” tinh vi nhất trong kế hoạch của các ông trùm! Tất cả các vấn đề từ chi tiết số liệu tới thao tác nghiệp vụ hoàn toàn đều được xử lý hết sức minh bạch và đúng bài bản. Gần như không có kẽ hở nào. Còn “âm mưu“ đích thực chỉ có thể dần dần được nhận ra qua các chính sách thực hiện. Và điển hình lớn nhất của điều này chính là sự khác biệt rõ ràng về hiệu quả chuyển đổi mô hình kinh tế của Ba Lan và Liên Xô.
Ngay khi còn trong giai đoạn đầu thiết kế hệ thống Bretton Woods, mục đích của việc thành lập hai tổ chức tài chính này là nhằm xác lập địa vị bá quyền thế giới của đồng đô-la Mỹ. ước mơ xoá bỏ chế độ bản vị vàng của các ông trùm ngân hàng quốc tế được thực hiện trong ba bước. Bước thứ nhất: năm 1933, sau khi Roosevelt xoá bỏ hệ thống bản vị vàng truyền thống thì ở Mỹ, đồng đô-la đã không được quy đổi ra vàng trực tiếp như trước nua. Tuy nhiên, những người ở nước ngoài vẫn có thể đổi đô-la Mỹ trực tiếp ra vàng. Bước thứ hai: hệ thống Bretton Woods thực hiện việc gắn móc xích giữa đồng đô-la Mỹ với tiền tệ các nước khác thông qua hình thức đổi đô-la Mỹ lấy vàng, và chỉ có các ngân hàng trung ương các nước mới được phép làm như vậy. Và bước thứ ba: xoá bỏ hẳn chế độ đổi đô-la Mỹ lấy vàng nhằm mục đích gạt bỏ vàng ra khỏi hệ thống lưu thông tiền tệ quốc tế, thay vào đó chỉ có một đồng tiền duy nhất được lưu thông, đó chính là đồng đô-la Mỹ.
Sở dĩ đồng đô-la Mỹ được “ưu ái” như vậy chứ không phải là một đồng tiền khác bởi trên thực tế, cả IMF và Ngân hàng thế giới đều đã bị Mỹ kiểm soát. IMF thực ra chỉ là chỗ dựa của người châu Âu được dựng lên để tránh tình trạng mất kiểm soát. Trong khi đó, chính Bộ tài chính Mỹ mới là nơi đưa ra các kế hoạch quan trọng cần phải thảo luận cũng như đặt ra quy định về các điều khoản cần phải đạt được trên 85% phiếu tán thành mới có thể được thực thi. Còn ở Ngân hàng thế giới, người đứng đầu tổ chức này do chính Bộ tài chính Mỹ chỉ định. Vậy nên, trong việc nắm giữ toàn quyền về nhân sự thì tình huống để đạt được mức 85% phiếu thuận là rất hiếm, và nếu có thì cũng chỉ là một hình thức để thuận lợi hơn cho việc nâng cao ý nghĩa của quyết định. Đây chính là trò chơi “thiết kế chính sách” và chỉ giới hạn trong sự chênh lệch giữa hai “lưu trình thao tác”.
Keynes – tổng công trình sư của hệ thống Bretton Woods – còn nghĩ ra một khái niệm hấp dẫn hơn: “quyền rút vốn đặc biệt” (Special Drawing Rights) để làm cơ sở xây dựng nên một tổ chức tiền tệ thế giới trong tương lai. Quyền rút vốn đặc biệt chính là “vàng giấy” đã được nhắc đến nhằm bổ xung cho sự thiếu hụt lượng vàng dự trữ của Mỹ do nhập không bù nổi các khoản chi trong suốt thời gian dài. Có thể xem đây chính là một ý tưởng tuyệt vời nhất trong lịch sử nhân loại, bởi người ta sẽ quy định một loại “tiền giấy” nào đó mãi không “mất giá”, có giá trị ngang với vàng thật, nhưng không bao giờ có thể chuyển đổi thành vàng được. Năm 1969, khi cuộc khủng hoảng thanh toán bằng vàng nghiêm trọng xảy ra ở Mỹ, khái niệm này ngay lập tức đã được “tiến cử” nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình thế. Tuy nhiên, sau khi hệ thống Bretton Woods bị giải thể thì “quyền rút vốn đặc biệt” cũng được định nghĩa lại. Thế nhưng cho đến nay, hệ thống “tiền tệ thế giới” do Keynes nghĩ ra vào những năm 40 này vẫn chưa thể phát huy được nhiều tác dụng như mong đợi.
Sau khi tổng thống Nixon tuyên bố huỷ bỏ hệ thống vàng và đô-la Mỹ vào năm 1971, sứ mệnh lịch sử của Ngân hàng thế giới và IMF thực sự đã kết thúc. Nhưng ngay lập tức các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đã kịp thời tìm ra được một sự vị trí mới cho mình: “giúp đỡ” các quốc gia đang phát triển tiến hành cuộc cách mạng “toàn cầu hoá”.
Còn tiếp…
Nguồn: Chiến tranh tiền tệ