Argentina tăng lãi suất lên 40%
Theo CNN, lãi suất chạm 40% ở Argentina hôm 4.5 sau khi tiền tệ nước này lao dốc, khiến ngân hàng trung ương phải ra lệnh tăng lãi suất lần thứ ba trong tám ngày qua. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm mạnh trong những ngày gần đây vì bị nhà đầu tư bán ra.
Dòng tiền đổ vào Mỹ cũng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Ngân hàng Thụy Điển SEB cho biết chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi giảm khoảng 10% từ tháng 1.
Giới đầu tư bị thu hút bởi lãi suất trái phiếu tăng cao và đồng đô la Mỹ mạnh hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đáo hạn trong 10 năm tăng vọt trong năm nay, đi từ 2,4% lên 3% và USD thì tăng 4% so với các đồng tiền chính khác từ giữa tháng 4.
Dữ liệu Morningstar cho thấy gần 3.000 tỉ USD đang được đầu tư vào các quỹ thu nhập cố định và quỹ hoán đổi danh mục của Mỹ, mức cao nhất trong hơn 5 năm qua.
“Đợt tăng giá của USD kích thích đà bán tháo ở thị trường mới nổi trên khắp các khu vực”, chiến lược gia tiền tệ tại Bank of America Merrill Lynch cho biết. Ngân hàng cho hay các quỹ phòng hộ, các nhà quản lý tài sản và các nhà đầu tư khác đã đổ xô về USD trong hai tuần qua.
Song diễn biến hiện thời không mạnh như thời năm 2013, khi các nhà đầu tư nhanh chóng “tháo chạy” khỏi các thị trường đang phát triển, chiến lược gia tiền tệ Athanasios Vamvakidis tại Bank of America Merrill Lynch cho hay. “Chúng tôi không thấy có sự điều chỉnh trong rối loạn”, ông Vamvakidis nói.
Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ được xem là hai nước dễ tổn thương nhất. Cả hai nền kinh tế đều có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, nghĩa là họ chi nhiều cho nhập khẩu hơn là xuất khẩu. Các nhà đầu tư lo lắng về khả năng kiếm tiền để trả nợ của hai nước trong thời đoạn khó khăn.
Ở Argentina, lãi suất đứng ở mốc 27,25% trước khi tăng nhanh. Đồng peso Argentina giảm 15% so với USD trong năm 2018, và ngân hàng trung ương đang nỗ lực không để nó trượt giá thêm. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lira giảm 11% so với USD trong năm nay, và chỉ số chứng khoán chuẩn thì hạ 11% trong cùng giai đoạn. Thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng lớn, lạm phát cao và rủi ro chính trị là các lý do khiến nhà đầu tư tránh xa lira.
P/S: Phải cẩn trọng với hoạt động rút vốn tư bản tại thị trường các nước mới nổi, đặc biệt là các nước có nền tảng dự trữ ngoại hối yếu, xuất khẩu yếu và sống phụ thuộc vào nhập khẩu.