Hetty Green: Nhà đầu tư vĩ đại hay chỉ là người phụ nữ keo kiệt máu lạnh
Dù có phong cách sống cũng như đầu tư hơi “máu lạnh” nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng Hetty Green chính là một trong những nhà đầu tư giá trị xuất hiện sớm nhất và thành công nhất trong lịch sử thế giới.
Các nhà sử học cũng như giới tài chính quốc tế đều phải thừa nhận rằng Hetty Green chính là nhà đầu tư nữ vĩ đại nhất mọi thời đại. Thành công của Hetty Green ở Wall Street được coi là bằng chứng sống động nhất cho thấy phụ nữ cũng có thể đầu tư thành công chẳng kém gì đàn ông.
Tuy nhiên, bà cũng là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất ở nước Mỹ. Bức tranh về con người bà là những mảng sáng tối đan xen nhau. Có người khen bà là nhà đầu tư thiên tài. Có người lại chê bà là “mụ phù thủy” độc ác, keo kiệt và tàn nhẫn. Cuộc đời thăng trầm và đầy thị phi của bà đã để lại cho hậu thế nhiều bài học đắt giá.
Hiểu biết tiền bạc là tiền đề cho sự thành công
Bà sinh vào ngày 21/11/1834 ở New Bedford, Massachusetts, Mỹ trong một gia đình giàu có. Cha và ông nội bà kiếm được hàng triệu USD từ việc đánh bắt cá voi, vận tải và khai thác dầu.
Hetty Green là con gái lớn trong gia đình và từ nhỏ đã được dạy dỗ khá bài bản về tài chính. Trong khi bạn bè cùng trang lứa còn bay bổng với các câu chuyện cổ tích, Hetty Green đã làm quen với các báo cáo phân tích cổ phiếu và thị trường chứng khoán. Dù nhà giàu nhưng Hetty Green ít khi được dẫn đến các khu vui chơi, không được ăn nhà hàng, không kết bạn… Tất cả mọi hoạt động của cô đều diễn ra xung quanh căn nhà của gia đình mình với khuôn mặt cực kỳ nghiêm khắc của cha và ông nội. Họ luôn thảo luận với nhau về một vấn đề duy nhất, đó là làm thế nào để kiếm tiền.
Khi mới 13 tuổi, Hetty Green đã phải đảm nhận vị trí kế toán cho việc kinh doanh của gia đình. Năm 20 tuổi, cha của Hetty Green mua tặng cô con gái một cái tủ chứa đầy những bộ trang phục đẹp đẽ và thời thượng nhất. Tuy nhiên, ngay sau đó, Hetty Green đã bán sạch chúng rồi lấy số tiền đó đem đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Phụ nữ cần có sự tự tin cao độ vào bản thân mình
Vào cuối thế kỷ 19, phụ nữ thường chỉ quanh quẩn trong nhà và lo việc gia đình. Hetty Green không phải mẫu người như vậy. Bà là người có ý thức nữ quyền và sự tự tin cao độ. Đây cũng là một trong những lý do tạo nên thành công to lớn của bà sau này.
Thời còn đi học, cô nữ sinh Hetty Green thường bị giáo viên chê bai vì chữ viết xấu như gà bới và toàn đánh vần sai. Hetty Green cũng không tỏ ra thất vọng hay buồn khổ vì điều đó. Chữ xấu cũng không chết ai. Ngoại hình tệ cũng không sao. Cô cho rằng ai cũng có nhược điểm và để thành công chỉ cần tập trung vào thế mạnh của mình là được. Thế mạnh của cô chính là khả năng kiếm tiền.
Trong một buổi phỏng vấn, Hetty Green tự tin trả lời rằng: “Khi đám đàn ông còn đang vật lộn kiếm sống ngoài xã hội thì tôi đã bắt đầu biết đầu tư và làm giàu từ năm 15 tuổi rồi”.
Tiết kiệm là yếu tố rất quan trọng
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nhà đầu tư thành công đều rất tiết kiệm. Dĩ nhiên, một số trường hợp ăn chơi trác táng kiểu như “Sói già phố Wall” Jordan Belfort vẫn có tồn tại nhưng đa số không giữ được sự thành công đó được lâu và dễ đi vào kết thúc không có hậu (phá sản, tù tội…).
Những huyền thoại được ngưỡng mộ như Warren Buffett, Irving Kahn… đều có tiếng là sống tiết kiệm và đơn giản. Hetty Green cũng giống như vậy. Bà tiêu xài vô cùng dè xẻn, tính toán chi li từng đồng.
Người ta thường rỉ tai nhau một câu chuyện khó nghe về bà. Hàng ngày trên các con đường dẫn đến Wall Street, người ta thường thấy một người đàn bà xách hộp cơm lê từng bước nặng nhọc. Mọi người đồn rằng trong cái hộp đó chỉ đựng bánh quy và bột yến mạch. Đó chính là bữa ăn trưa của một trong những người phụ nữ giàu nhất lịch sử.
Quyết đoán và dám đi ngược đám đông
Tính cách này của bà thể hiện rất rõ nét trong vụ đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ thời Tổng thống Abraham Lincoln. Chính phủ huy động tiền để trang trải chi phí cho cuộc nội chiến bằng phát hành trái phiếu. Sau khi nội chiến kết thúc, do cơ sở hạ tầng bị phá hủy nhiều nên các nhà đầu tư cho rằng cơ hội để chính phủ trả được tiền cho số trái phiếu này là rất thấp. Vì thế, đa phần các nhà đầu tư đều bán lại trái phiếu với giá rẻ.
Hetty Green đã huy động gần như tất cả tiền bạc của mình mua hết trái phiếu bất chấp sự phê bình và nhạo báng của mọi người. Vài năm sau, đúng như dự đoán của Hetty, nước Mỹ không chỉ tái thống nhất mà còn dần phục hồi. Trái phiếu chính phủ Mỹ lại tăng giá và giúp cho Hetty kiếm được 1.25 triệu USD. Đây là một số tiền cực lớn vào thời kỳ đó.
Hetty Green chính là “bà ngoại của đầu tư giá trị”
Đầu tư giá trị không phải chỉ là Buy & Hold. Mọi người đều biết rằng Benjamin Graham là cha đẻ của đầu tư giá trị. Ông được coi là người đầu tiên đưa ra ý tưởng mua cổ phiếu và trái phiếu khi giá thị trường thấp hơn so với giá trị thực của chúng. Thật ra triết lý này đã được Hetty Green áp dụng trước đó khá lâu. Vì vậy, bà cũng được coi là một trong những người tiên phong và còn được gán cho biệt danh “bà ngoại của đầu tư giá trị” (The Grandmother of Value Investing).
Mặc dù là người tiên phong trong lĩnh vực đầu tư giá trị nhưng quan điểm của bà có phần khác biệt so với Benjamin Graham và những học trò của ông như Walter Schloss, Marshall Weinberg, William Ruane, Warren Buffett, Irving Kahn…
Hetty Green là một người cẩn thận và kĩ tính. Bà đọc tất cả mọi thứ để có thể xác định giá trị hợp lý (fair value) của cổ phiếu và trái phiếu trước khi mua. Tuy nhiên, bà không phải là một nhà đầu tư giá trị theo kiểu Buy & Hold.
Giá mua và giá bán cần phải xác định trước. Các nhà đầu tư ngày nay thường hay đồng nhất việc mua và nắm giữ với đầu tư giá trị. Nghĩa là sau khi xác định được cổ phiếu tốt thì chỉ cần mua và giữ nó mãi mãi là đảm bảo cơm no áo ấm. “Bà ngoại của đầu tư giá trị” thì lại không nghĩ như thế.
Hetty Green phân tích cổ phiếu hoàn toàn dựa trên các yếu tố cơ bản nhưng không có nghĩa là bà sẽ nắm chúng mãi mãi. Bà đã từng tuyên bố: “Tôi không bao giờ mua bất kể thứ gì chỉ để giữ. Mỗi thứ tôi có đều có mức giá hợp lý của nó. Khi mức giá đó xuất hiện, tôi bán ra ngay”. Nói cách khác, bà luôn xác định trước mức giá mà ở đó mình cần phải bán ra để chốt lời.
Kỹ thuật Risk Arbitrage mang lại lợi nhuận rất cao. Kỹ thuật này đôi khi còn được gọi là Merger and Acquisition Arbitrage. Các nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu của công ty đang bị thâu tóm (acquired company) và đồng thời bán khống (short-selling) cổ phiếu của công ty chủ động việc thâu tóm đó (acquiring company). Để thực hiện được kỹ thuật này, nhà đầu tư cần phải có sự hiểu biết rất sâu sắc về bản thân cổ phiếu nói riêng cũng như về ngành nói chung.
Nền tảng lý thuyết của kỹ thuật này là việc sáp nhập sẽ làm tăng giá cổ phiếu của công ty bị thâu tóm và đồng thời khiến cho cổ phiếu của công ty chủ động việc thâu tóm sẽ giảm sau khi việc sáp nhập thành hiện thực. Nếu chúng ta xem xét trên thực tế ở Việt Nam thì vế đầu tiên thường đúng. Nghĩa là giá cổ phiếu của công ty bị thâu tóm thường tăng mạnh (ví dụ: VCF, TAC, BHS…) nhưng cổ phiếu của công ty đi thâu tóm chưa chắc đã giảm.
Hetty Green cũng chỉ tập trung vào các công ty bị thâu tóm. Ví dụ điển hình cho phương pháp này là phi vụ Georgia Central Railroad. Vào năm 1886, một nhóm các nhà đầu tư “cá mập” ở New York lên kế hoạch mua thâu tóm Georgia Central Railroad. Công ty này sở hữu tuyến đường sắt dài khoảng 2000 dặm và đội thuyền hơi nước làm ăn rất tốt trên tuyến đường thủy từ Georgia đến New York. Tuy nhiên, giá cổ phiếu thì không phản ánh hết giá trị của công ty.
Đội ngũ quản lí của Georgia Central Railroad biết được và tố cáo những nhà đầu tư New York là những kẻ tham lam và đầu cơ. Hetty Green đánh hơi được cơ hội và tham gia vào trận chiến này. Do lúc đó không ai chú ý đến nên bà thu gom được khoảng 15% số cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường của Georgia Central Railroad với mức giá trung bình 70 USD/cổ phiếu.
Do những sự phản đối từ nội bộ công ty, nhóm đầu tư New York buộc phải liên hệ để mua lại của Hetty Green với giá 127.5 USD/cổ phiếu. Dù biết rằng giá cắt cổ nhưng họ vẫn phải mua cổ phiếu của bà để hoàn thành mục tiêu thâu tóm ban đầu. Rõ ràng, việc tham gia những thương vụ M&A mới có thể đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.
Sự thận trọng thái quá vẫn tốt hơn là liều lĩnh bừa bãi. Hetty Green không phải là người giao dịch, lướt sóng thường xuyên. Bà cũng không quan tâm đến việc tạo ra 5%-10% lợi nhuận trong xu hướng ngắn hạn của một cổ phiếu cụ thể nào đó.
Thường thì bà cân nhắc rất kỹ lưỡng trong thời gian dài trước khi tham gia vào một vụ đầu tư. Tuy nhiên, khi đã tham gia thì bà đánh rất lớn. Bà có một niềm tin vô cùng vững chắc vào sự thận trọng trong đầu tư và đã từng phát biểu rằng: “Cuối cùng thì tiền được tạo ra nhiều hơn bởi sự thận trọng quá mức hơn là sự liều lĩnh bừa bãi”.
Tuy nhiên, bức tranh về người phụ nữ huyền thoại này không chỉ có màu hồng. Bà có rất nhiều điểm xấu mà chúng ta nên dùng đó làm bài học cho mình.
Nếu không chăm chút ngoại hình thì mọi người sẽ có ấn tượng xấu về bạn
Không phải cứ mặc vest Armani thì mới là doanh nhân (có thể là đại ca xã hội đen). Không phải cứ đi xe Mercedes thì sẽ là nhà giàu (biết đâu là xe thuê cũng nên). Nhưng ít nhất thì những thứ đó cũng gây ấn tượng tốt về “đẳng cấp” của bạn cho những người xung quanh.
Hetty Green là một trong những ví dụ điển hình nhất về việc ngoại hình gây ấn tượng xấu cho người xung quanh. Dù sở hữu nhiều bất động sản đẳng cấp nhưng bà lại ở trong một căn nhà thuê rẻ tiền. Bà luôn mặc áo đen, mũ đen và đi đôi giày khá cũ. Điều này kết hợp với gương mặt lạnh tanh và cái mũi dài thực sự khiến cho người ta liên tưởng đến các mụ phù thủy trong những bộ phim hay chiếu vào lễ hội Halloween.
Không quan tâm đến gia đình, bạn sẽ trả giá đắt
Warren Buffett có thể rất tiết kiệm nhưng ông luôn quan tâm đến người bạn đời và vợ chồng họ có một cuộc sống viên mãn. Hetty Green không được như thế. Chồng bà căm ghét bà và các con cũng không có thiện cảm với bà. Tạp chí Broadway Magazine còn gán cho bà biệt danh “người phụ nữ ít hạnh phúc nhất thế giới”.
Tính keo kiệt và có kỉ luật của Hetty Green sớm mâu thuẫn với phong cách đầu tư cũng như tiêu xài phóng khoáng của chồng bà. Khi ông phá sản thì bà nhanh chóng chia tay ông. Tuy nhiên, điều này một phần là do bà ít khi chia sẻ với ông về các phương pháp đầu tư mà hầu như chỉ dùng riêng cho bản thân mình. Thậm chí, bà còn tính toán đến mức ép ông phải ký hợp đồng hôn nhân trước khi kết hôn để tránh bị ông lấy bớt tài sản của bà.
Họ có với nhau hai đứa con: một gái và một trai. Cả hai đều sống chung với mẹ. Khi con trai Edward Howland Robinson Green bị ngã gãy chân, bà cố đưa nó đến bệnh viện tình thương để được đợi chăm sóc miễn phí. Chân của cậu bé đã không được điều trị đúng cách và cuối cùng bị cắt cụt khi có dấu hiệu hoại tử. Từ đó, mối quan hệ giữa Hetty Green và lũ trẻ trở nên gượng ép, méo mó và căng thẳng. Con gái bà rời đi sau khi kết hôn và đứa con trai thì làm thư kí không lương cho bà nhiều năm trời. Người ta dễ dàng nhận ra Edward Green vì chiếc chân giả và điều này luôn là nỗi xấu hổ thường trực của anh.
Những bức ảnh của Hetty Green cho thấy hình ảnh một người đàn bà cần kiệm, khắc khổ. Tuy nhiên, bà vẫn nổi bật theo cách của riêng mình. Vẻ đẹp của Hetty Green chính là sự thông minh, sắc sảo và giản dị. Dù có phong cách sống cũng như đầu tư hơi “máu lạnh” nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng Hetty Green chính là một trong những nhà đầu tư giá trị xuất hiện sớm nhất và thành công nhất trong lịch sử thế giới.
Nguồn: vietstock
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)