Bậc thầy đầu tư: Cách ‘cha đẻ’ đầu tư tăng trưởng T. Rowe Price chọn cổ phiếu và vươn tới thành công
Bậc thầy đầu tư: Cách ‘cha đẻ’ đầu tư tăng trưởng T. Rowe Price chọn cổ phiếu và vươn tới thành công
Trước khi vươn tới đỉnh cao danh vọng trong ngành tài chính, Price phải lăn lộn tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau với công việc nhân viên môi giới.
Quan trọng nhất trong chặng đường sự nghiệp của nhà đầu tư nổi tiếng là khoảng thời gian 12 năm tại công ty Mackubin, Legg & Co. ở Baltimore. Sau những năm dài cống hiến và phát triển bản thân, Price được thăng chức thành trưởng phòng tư vấn đầu tư.
Tuy nhiên dần dần, ông nảy sinh mâu thuẫn với cấp trên về việc tính phí dựa trên giao dịch. Ông cảm thấy cách làm này không phục vụ lợi ích tốt nhất cho khách hàng.
Thay vào đó, ông tập trung vào nghiệp vụ nghiên cứu và cung cấp lời khuyên cho các nhà đầu tư. Đề xuất của ông là bỏ phí hoa hồng, thu phí hàng năm để quản lý tài khoản cho khách. Mức phí này sẽ được điều chỉnh tăng giảm dựa trên kết quả đầu tư.
Tuy nhiên, ý tưởng này bị gạt đi và Price quyết định nghỉ việc. Đến năm 1937, ông thành lập công ty của riêng mình. Charles H. Shaeffer, một trong những công sự đầu tiên của Price, bình luận: “Rowe quyết định rằng ông ấy muốn bán lời khuyên thay vì chứng khoán”.
Công ty non trẻ T. Rowe Price and Associates ban đầu chỉ có 5 nhân viên. Khách hàng đầu tiên của họ là những cá nhân đang tìm kiếm lời khuyên đầu tư.
Chiến lược của Price
Tại công ty của riêng mình, Price trở nên nổi tiếng với trường phái đầu tư tăng trưởng. Chiến lược của ông là rót vốn vào những công ty đáp ứng hai điều kiện sau: Thứ nhất là công ty đó đang ở trong giai đoạn tăng trưởng ban đầu và có tiềm năng phát triển trong dài hạn; và thứ hai là ông có thể dự đoán mức tăng trưởng thu nhập và cổ tức của công ty đó trong nhiều năm.
Đây là một cách tiếp cận rất mới mẻ vào thời đó, khi mà cổ phiếu thường được coi là các khoản đầu tư mang tính chu kỳ.
Để tìm ra cổ phiếu đáp ứng những tiêu chí trên, Price tập trung nghiên cứu các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Ông cũng là người tiên phong trong việc phỏng vấn ban lãnh đạo của một công ty trước khi xuống tiền.
Các nguyên tắc đầu tư và kinh doanh của Price đã giúp ông xây dựng một trong những công ty đầu tư thành công nhất thế giới.
Tới năm 1950, Price tạo dựng đủ thành công để thành lập quỹ tương hỗ đầu tiên có tên T. Rowe Price Growth Stock Fund. Một trong những khoản đầu tư ban đầu của quỹ là công ty công nghệ máy tính IBM. Cổ phiếu này đã đem lại cho họ khoản lợi nhuận khổng lồ.
Growth Stock Fund là quỹ có thành tích tốt nhất trong 10 năm hoạt động đầu tiên trong số các quỹ tương hỗ tập trung vào cổ phiếu tăng trưởng tại Mỹ, theo Cornelius Bond, tác giả cuốn sách “T. Rowe Price: The Man, The Company, and The Investment Philosophy”.
Sang năm 1960, Price thành lập quỹ New Horizons Fund. Một trong những cổ phiếu đầu tiên được chọn vào danh mục là Xerox – công ty sau này sẽ trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực in và sao chép tài liệu.
Trở thành số một
Nỗ lực trở thành người giỏi nhất đã biến Price thành một huyền thoại. Vào năm 1961, ở độ tuổi 63, ông được công nhận là nhà đầu tư giỏi nhất nước Mỹ, tác giả Bond cho biết.
Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào Price và các nhân viên của ông lựa chọn cũng là khoản đầu tư tốt. Ông thừa nhận: “Tôi mắc nhiều sai lầm hơn mọi người khác. Nhưng tôi sớm học được cách thừa nhận sai lầm và cố gắng sửa chữa chúng”.
Biết nhận sai là một đức tính tốt, nhưng điều quan trọng hơn là việc này giúp Price đưa ra phán đoán tốt hơn trong tương lai.
Price luôn đắm chìm trong công việc. Bond viết: “Chưa từng có ai thấy Price đọc sách để giải trí đơn thuần. Ông chỉ đọc báo cáo kết quả kinh doanh, ấn phẩm tài chính và báo cáo của bộ phận môi giới. Khi không tiếp khách hàng, chuẩn bị cho các cuộc họp hoặc điều hành các phòng ban, ông say sưa nghiên cứu tài liệu đằng sau cánh cửa đóng kín trong văn phòng riêng”.
Bond giải thích: “Price là người có tính cạnh tranh cao và muốn công ty mang tên mình có thành tích đầu tư tốt nhất nước Mỹ”.
Nhà lãnh đạo cầu toàn
Price rất chú trọng tới những dịch vụ dành cho khách hàng và coi đây là một trong những điều quan trọng nhất mà các nhân viên cần chú ý. Bản thân ông thường xuyên giao tiếp với khách hàng thông qua các bản tin đầu tư được viết cẩn thận. Ông rèn giũa thói quen này cho đến khi về hưu.
Bản tính cầu toàn của Price được thể hiện rõ trong những chi tiết nhỏ nhất. Tác giả Bond, người làm việc trực tiếp với Price trong 10 năm với vị trí nhà phân tích công nghệ, cho biết: “Vào thời mọi người còn dùng máy đánh chữ, mọi lá thư từ công ty T. Rowe Price đều phải hoàn hảo”.
Nếu xảy ra bất kỳ lỗi nào, toàn bộ lá thư phải được đánh máy lại. Price không chấp nhận việc đính kèm bản vá lỗi để gửi cùng bản chính.
Ngày nay, T. Rowe Price Group có có quy mô 1.630 tỷ USD, thuộc nhóm 25 công ty quản lý tài sản hàng đầu thế giới và vẫn tuân theo nhiều quy tắc mà Price đã sáng lập.
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Làm Giàu Từ Chứng Khoán (phiên bản mới) + Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM
(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)